Tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa
Trong suốt năm phụng vụ, chúng ta đã tưởng niệm những sự kiện lớn trong cuộc đời của Chúa Giêsu: nhập thể làm ngừoi, rao giảng tin mừng, sự chết và sự phục sinh, gửi Chúa Thánh Thần đến. Phụng vụ mời gọi chúng ta hôm nay mừng lễ Chúa Ba Ngôi, vì Chúa Ba Ngôi là khởi đầu và là kết thúc của lịch sử cứu rỗi: là Alpha và omega, sự khởi đầu và kết thúc. Thánh lễ trọng thể này mời gọi chúng ta suy ngẫm về Thiên Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta.
Chúa Ba Ngôi vẫn là một màu nhiệm, nhưng nó chiếu sáng cuộc sống, mang lại ý nghĩa cho những biến cố đang xảy ra trong đời sống mỗi người, nuôi dưỡng hy vọng và lấp đầy sự cô đơn của chúng ta. Chúa Giêsu thường nói với chúng ta về Cha ngài và về Chúa Thánh Thần. Ngài đề cập đến ba ngôi Thiên Chúa khi ngài gửi các môn đệ ra đi rao giảng Tin mừng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28:19)
Kinh thánh cho chúng ta biết, trước hết Thiên Chúa biểu lộ với nhân loại như một Người Cha dịu dàng, nhân hậu, tôn trọng sự tự do của con cái mình, luôn sẵn sàng chào đón đứa con hoang đàng, luôn sẵn sàng tha thứ.
Tiếp đến, trong Chúa Giêsu, Con của Cha, Thiên Chúa mang một khuôn mặt con người, huynh đệ, gần gũi với chúng ta, một Thiên Chúa “anh em”. Ngài là “pontifex”, người làm cầu nối, người tạo ra mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa trở nên hữu hình, dễ hiểu và có thể được bắt chước. Tình yêu ấy là Emmanuel, Chúa với chúng ta, qua mầu nhiệm nhập thể của Ngôi hai Thiên Chúa làm người.
Và cuối cùng, Chúa Thánh Thần đến đi vào trong tâm hồn mỗi con người, đó là nơi sâu thẳm nhất của con người. Chính Thiên Chúa trong chúng ta là người hướng dẫn, dạy dỗ, mời gọi hành động, an ủi và củng cố chúng ta. Ngài liên tục tái tạo và làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ.
Chúa Kitô hứa sẽ “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”. Lời hứa này là nguồn gốc của niềm hy vọng của mỗi tín hữu. Thiên Chúa đồng hành và soi sáng chúng ta. Ngài giúp chúng ta đọc các sự kiện và nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống. Sự hiện diện này cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu chống lại cái ác và hành động theo thánh ý Chúa.
Một trong những đặc điểm cơ bản của Thiên Chúa là Ngài không muốn chúng ta trở thành đầy tớ của Ngài nhưng là một bạn đời của Ngài trong một giao ước vĩnh cửu. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Thầy không gọi các con là tôi tớ… nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu, bởi vì tất cả những gì Thầy đã nghe từ Cha Thấy, Thầy đã nói với các con” (Ga 15:15). Và hôm nay một lần nữa Chúa mời gọi mỗi chúng ta: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta (Kh, 3,20). Vậy chúng ta hãy mở rộng cửa tâm hồn để cho Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị và biến đổi đời sống mỗi người theo như ý Chúa muốn.
Chuyện kể rằng, một vị vua kia đến cuối cuộc đời cảm thấy buồn chán. Ông nói: “Suốt đời ta, ta đã cảm thụ được tất cả những gì mà một con người có thể cảm thụ được bằng các giác quan. Nhưng vẫn còn một điều ta chưa được thấy, đó là ta chưa thấy Chúa. Bây giờ nếu ta chỉ được nhìn thấy Chúa một thoáng thôi thì ta cũng sẽ mãn nguyện mà chết”. Nhà vua tham khảo ý kiến những bậc khôn ngoan, hứa cho họ đủ thứ phần thưởng nếu họ giúp ông thực hiện điều mơ ước ấy. Nhưng chẳng ai giúp được.
Thế rồi có một chàng chăn cừu nghe chuyện trên và tìm đến gặp nhà vua. Chàng nói: “Có lẽ hạ thần có thể giúp Bệ Hạ được”. Nhà vua rất sung sướng theo người chăn cừu leo lên nhiều ngọn đồi. Khi đến đỉnh một ngọn đồi nọ, người chăn cừu đưa tay chỉ mặt trời và bảo: “Hãy xem kìa”. Nhà vua ngước mắt nhìn lên nhưng liền nhắm lại ngay vì chói quá. Ông bảo: “Nhà ngươi muốn cho ta mù sao!” Người chăn cừu đáp: “Tâu Bệ Hạ, đây chỉ mới là một phần nhỏ của vinh quang Thiên Chúa mà Bệ Hạ còn nhìn không nổi. Thế thì làm sao Bệ Hạ có thể nhìn được Thiên Chúa bằng cặp mắt bất toàn của Bệ Hạ? Bệ Hạ phải tìm cách nhìn Ngài bằng cặp mắt khác”.
Nhà vua rất thích ý tưởng ấy, nói: “Ta cám ơn ngươi đã mở cắp mắt trí khôn của ta. Bây giờ hãy trả lời cho câu hỏi khác của Ta: Thiên Chúa sống ở đâu?” Người chăn cừu lại đưa tay chỉ lên trời: “Bệ Hạ hãy nhìn những con chim đang bay kia. Chúng sống trong bầu không khí bao quanh. Chúng ta cũng thế, chúng ta sống trong sự bảo bọc của Thiên Chúa. Xin Bệ Hạ đừng tìm kiếm nữa, mà hãy mở rộng mắt ra để nhìn, mở tai ra để nghe. Thế nào Bệ Hạ cũng thấy được Ngài. Thiên đàng ở ngay dưới chân chúng ta cũng như ở ngay trên đầu chúng ta”.
Nhà vua dừng bước, cố gắng nhìn, cố gắng lắng nghe. Thế là một cảm giác bình an lộ rõ trên khuôn mặt buồn thảm của ông. Người chăn cừu nói tiếp: “Tâu Bệ Hạ, còn một điều nữa”. Rồi chàng dẫn nhà vua đến một cái giếng. Nhà vua nhìn xuống mặt nước bằng phẳng, hỏi: “Ai sống dưới đó thế?” Người chăn cừu đáp: “Thiên Chúa”. “Ta có thể nhìn thấy Ngài không?” “Được chứ, Bệ Hạ chỉ cần nhìn”. Nhà vua chăm chú nhìn xuống giếng, nhưng chỉ thấy gương mặt của mình phản chiếu trên mặt nước. Ông nói: “Ta chỉ thấy mặt Ta thôi”. Người chăn cừu giải thích: “Bây giờ thì Bệ Hạ đã biết Thiên Chúa sống ở đâu rồi. Ngài sống trong Bệ Hạ đó”.
Nhà vua nhận ra rằng người chăn cừu khôn ngoan và giàu có hơn ông. Ông cám ơn chàng và trở về hoàng cung. Chẳng ai biết ông có nhìn thấy Thiên Chúa không, nhưng ai cũng nói rằng có một điều gì đó đã biến đổi trái tim ông, bởi vì từ đó trở đi ông đối xử rất nhân hậu với mọi người, kể cả người đầy tớ hèn hạ nhất của ông.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi giống như bí mật của mặt trời. Chúng ta không thể nhìn trực tiếp vào mặt trời và hiểu thành phần của nó bởi vì nó sẽ làm mù chúng ta. Nhưng mặt trời chiếu sáng và làm cho mọi thứ tồn tại. Chúa Ba Ngôi vẫn là một bí ẩn đối với chúng ta, nhưng nó chiếu sáng cuộc sống của con người, mang lại ý nghĩa cho những gì đang xảy ra, nuôi dưỡng hy vọng và lấp đầy sự cô đơn của chúng ta. Chính sự hiện diện tuyệt vời này của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta mà chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi trọng đại trong ngày hôm nay.