Tháng: Tháng Tư 2023

Chúa Chiên Lành

Chúa nhật IV Phục Sinh

Chúa Chiên Lành

Một triết gia có tên là Henri Bergson đã viết như sau: Hàng trăm cuốn sách tôi đã đọc, không đem lại cho tôi sự an ủi bằng lời Thánh vịnh 23: “ Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người”.

Mỗi chúa nhật IV phục sinh, chúng ta lại có dịp đọc lại và cùng nhau suy niệm về dụ ngôn Chúa Chiên Lành, với hình ảnh người mục tử vác chiên trên vai được thể hiện nhiều nhất trong nghệ thuật ki-tô giáo. 

Đối với người Việt chúng ta thì hình ảnh “chiên và người mục tử” không phải là một hình ảnh gần gũi vì ở Việt Nam không chăn nuôi cừu chiên như ở Palestine xưa. Hơn nữa trong cuộc sống hiện đại hôm nay, khi nói đến đàn chiên và mục tử có lẽ chẳng phù hợp tý nào, nhưng nếu đi sâu vào ý nghĩa tôn giáo thì hình ảnh chiên và mục tử lại tràn đầy ý nghĩa.

Quả vậy, Kinh thánh thường xuyên dùng hình ảnh mục tử để nói về các người lãnh trách nhiệm lãnh đạo trong dân hoặc chỉ về vị Vua – Đấng Messi. Đức Giê-su là Đấng Messi, ngài là mục tử nhân lành vì Ngài biết từng con chiên trong đàn và các con chiên biết ngài và dám thí mạng sống mình vì đàn chiên.

Có nhiều mức độ biết: có khi chỉ là biết mặt, biết tên; có khi biết như một người quen; có khi biết như một người bạn thân thiết. Vâng, Đức Giê-su biết tất cả chúng ta một cách sâu sa trong tận sâu thẳm của tâm hồn. Và khi biết như thế không có nghĩa là Ngài chỉ biết rõ những con chiên béo, những con chiên ngoan, những con chiên tốt mà Ngài đặc biệt quan tâm tới những ai chưa biết Ngài, những ai đang sống bên lề tình yêu thương của Ngài. Cách này hay cách khác, tất cả mọi người đều thuộc về đoàn chiên của Ngài, dù vẫn còn đó những con chiên xấu đang làm cho những con chiên tốt không nghe theo tiếng gọi của Vị mục tử, rời bỏ đoàn chiên đi hoang trong lợi lộc và thú vui trần thế.  Tuy nhiên thì Đức Ki-tô tình yêu vẫn không ngừng lôi kéo và tập hợp những con chiên lạc trở về cùng một đoàn chiên và một Chúa chiên.

Khoảng giữa thế kỷ 19, Thánh Gioan Bosco bắt đầu hoạt động phục vụ những người trẻ nghèo nàn ở thành phố Turinô nước Ý. Họ đã sớm nhận ra ngài thực sự là một người bạn của họ. Họ yêu quý ngài đến nỗi khi ngài lâm trọng bệnh thì họ tha thiết cầu nguyện tưởng như muốn xé rách bầu trời, có người còn xin Chúa cho mình chết thay ngài. Nhờ những lời cầu nguyện ấy, Thánh Gioan Boscô đã khoẻ lại. Tình cảm trìu mến ấy không thể có được nếu Gioan Bosco và đám trẻ ấy đã không gần gũi nhau, biết nhau và yêu thương nhau

Hôm nay Thiên Chúa tin tưởng tất cả chúng ta, là đoàn chiên của Chúa đang hiện diện nơi đây và trao phó cho mỗi chúng ta sứ mạng của người chăn chiên lành. Đây chính là lời mời gọi mà Chúa gửi đến cho tất cả mọi người, trước hết là các bạn trẻ biết quảng đại tận hiến đời mình cho Chúa để trở thành các linh mục và tu sỹ rao giảng và làm chứng nhân như thánh Gioan Boscô đã nêu gương chứng ta của Tình Yêu Đức Giêsu trong thế giới.

Trong ngày hôm nay, kính thưa…là ngày thế giới cầu nguyện cho ơn kêu gọi lần thứ 60. Thiên Chúa tiếp tục mời gọi các linh mục, các phó tế, các tu sỹ nam nữ và anh chị em giáo dân tham dự vào trong kế hoạch cứu độ của Ngài. Chúa kêu gọi tất cả mọi người tham dự vào sứ mạng cao cả này, nên chúng ta không thể nói tôi đã quá tuổi, hay tôi quá trẻ, tôi không có khả năng hay tôi quá mệt mỏi…Lời mời gọi của Chúa thật tha thiết khi nói với chúng ta như nói với các tông đồ khi xưa rằng: Đừng sợ, Thầy đang ở cùng con.

Với Bí tích Thánh Thể mà chúng ta tham dự, nếu chúng ta nối kết đời mình với Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô, chúng ta sẽ kín múc được từ đó nguồn mạch của tình yêu tuôn chảy từ Thiên Chúa. Chính Tình yêu thương của Ngài sẽ đưa chúng ta tham dự vào kế hoạch của Đức Ki-tô.

Lạy Chúa, xin ban thêm cho chúng con sức mạnh và sự can đảm để chúng con có thể trung thành với sứ mạng mà Chúa trao phó cho mỗi người chúng con. Amen.

Trên đường Emmaus

Cha Anthony de mello đãkể về một câu chuyện kỳ lạ về một du khách nọ, một hôm đang đi trên đường thì một người đàn ông cưỡi ngựa chạy vụt qua. Trong mắt người này có một cái nhìn gian ác và có vệt máu trên tay anh. Vài phút sau, một đám đông những người cưỡi ngựa kéo đến và muốn biết liệu người du khách có nhìn thấy ai đó với bàn tay vấy máu đi ngang qua hay không. Họ đang ráo riết truy đuổi anh ta. Du khách hỏi: “Anh ấy là ai?” Thủ lĩnh đám đông nói: “Một kẻ làm ác.” Người du khách hỏi: “Và chắc các bạn đuổi theo anh ta để đưa anh ta ra trước công lý phải không?” “Không,” người lãnh đạo nói, “chúng tôi đuổi theo anh ta để chỉ đường cho anh ta.” [Cha Anthony de Mello, Taking Flight (New York: Bantam Doubleday Dell Publishing Group, Inc., 1990), tr. 65.]

Bức tranh mà chúng ta có trong Tân Ước là về một Thiên Chúa theo đuổi chúng ta để có thể chỉ đường cho chúng ta. Hai môn đệ trên đường Emmaus bị đè nặng bởi những suy nghĩ buồn chán, không thể nghĩ rằng vị lữ khách xa lạ thực ra là Người Thầy của họ đã sống lại. Tuy nhiên, Chúa Ki-tô phục sinh đã đuổi theo họ và làm cho lòng họ đã bừng cháy lên khi được nghe và được giải thích Kinh Thánh. Ánh sáng của Lời Chúa đã cất đi khỏi lòng họ sự đè nặng và mắt họ đã mở ra để nhận ra Người.

Hình trình trên đường Emmaus cho chúng ta một chỉ dẫn trên hành trình dài với những nghi nan, lo lắng và đôi khi đầy tràn thất vọng của mỗi chúng ta. Vị lữ khách thần linh luôn luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường để giúp cho chúng ta hiểu được chương trình mầu nhiệm của Chúa nếu chúng ta biết suy gẫm Lời Chúa. Nếu là một cuộc gặp gỡ thực sự, ánh sáng của Lời Chúa và sau đó là ánh sáng của Bánh Hằng Sống mà Chúa Ki-tô là hiện thân sẽ làm cho lời hứa “thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” biểu lộ thực sự trong thế giới này và trong chính cuộc đời của mỗi chúng ta.

Chúa Giê-su là Đấng hằng sống và luôn là trung tâm để nhờ đó mà các cộng đoàn môn đệ được thành lập. Chiều kích giáo hội ở đây, được thể hiện qua những cuộc gặp gỡ cộng đoàn, những trao đổi huynh đệ trong cùng một niềm tin, trong những lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa, và trong những hành động biểu lộ tình yêu thương huynh đệ, để phục vụ tha nhân…Tất cả những điều đó cho thấy các môn đệ, các người tin đã diễn tả sự gặp gỡ của họ với Đức Giê-su Ki-tô phục sinh.

Chúng ta thường nghe nói đến các nhóm Emmaus được thành lập tại nhiều giáo xứ và giáo họ để thực thi công việc bác ái, khơi lên niềm hy vọng những người bần cùng và khổ đau trong xã hội.

Emmaus là tên của một phong trào do cha Henri Groués, được gọi tắt là cha Pierre sáng lập tại Paris nước Pháp vào thời thế chiến thứ II. Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đoàn là: “Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác…”. Đó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.

Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đoàn của cha là để nhớ lại câu chuyện hai môn đệ của Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ.

Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống”, đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đoàn Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ, giấy rác, ve chai, bao bì nylon, lon hộp… để chế biến và bán lại như một sản phẩm do chính tay mình làm nên.

Hiện nay phong trào Emmaus đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đoàn.

Như cha Pierre đã khơi lên ngọn lửa của niềm hy vọng cho người khác, mỗi chúng ta với niềm tin vững mạnh đều xác tín rằng Đức Ki-tô phục sinh đang thực sự ở bên cạnh chúng ta. Với niềm xác tín đó, mỗi chúng ta hãy nỗ lực  loan báo Tin mừng phục sinh của Chúa để mang lại niềm hy vọng vào cuộc sống cho mọi người xung quanh, bởi vì chính Tin mừng này sẽ chiếu soi mọi miền bóng tối trong thế giới hôm nay. Amen.

Bình an cho anh em

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Có câu chuyện kể về Hoàng đế Napoléon, ông đã tỏ ra rất xúc động trước lời cầu xin ân xá của người mẹ cho đứa con trai là quân nhân của bà. Tuy nhiên, Hoàng đế nói rằng vì đây là lần phạm tội nặng thứ hai của người lính, nên công lý đòi hỏi anh ta phải chết. Bà mẹ van nài: “Tôi không yêu cầu công lý, tôi xin lòng thương xót.” Nhưng hoàng đế nói: “Nó không đáng được thương xót!” Bà mẹ kêu lên: “Thưa ngài, sẽ không cần  lòng thương xót vì nó đáng bị như vậy, nhưng lòng thương xót là tất cả những gì tôi cầu xin với ngài.” Vẻ đau khổ và cách biện luận rạch ròi của người mẹ đã thúc đẩy Napoléon trả lời: “Vậy thì, tôi sẽ thương xót.” 

Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta suy ngẫm về tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, như được trình bày trong Kinh Thánh và như Chúa Giêsu đã sống, giảng dạy, cũng như thực hành qua sứ vụ của Người.

Cụ thể hôm nay của lòng thương xót Chúa được biểu lộ trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe. Khi mà bối cảnh xẩy ra vào tối ngày thứ nhất trong tuần, tức là vào tối Chúa nhật. Các môn đệ đã đóng kín cửa nhà vì nỗi sợ hãi, do lòng thù hận và bạo lực đang bao trùm thành Giêrusalem sau cái chết của Chúa Giêsu.

Sự sợ hãi này cũng liên quan tới mỗi chúng ta, ai mà không biết ở nhiều nơi trên thế giới hôm nay, có nhiều tín hữu đã bị giết; nơi này nới khác các ki-tô hữu bị chế nhạo. Chúng ta cũng đang sống trong một thế giới bị dìm trong sự vô cảm, vô tín và mất niềm tin. Vậy mà trong một thế giới như thế, mỗi chúng ta lại có sứ mạng làm chứng cho niềm tin trong Chúa Ki-tô.

Như là Chúa đã làm cho các Tông đồ, cách riêng cho ông Tô-ma, Chúa Ki-tô phục sinh liên đới với mỗi chúng trong mọi hoàn cảnh. Ngài luôn có đó để nâng đỡ chúng ta trong đời sống và trong cả những lầm lạc. Ngài là Emmanuel, tức là “Thiên Chúa ở cùng”. Ông Tô-ma đã không thể tin Chúa phục sinh. Đối với ông thì không thể tin được. Ông đã thấy Thầy mình chết trên thập giá và được an táng trong mồ. Ông không thể tưởng tượng được rằng Chúa đã sống lại. Có lẽ chúng ta cười nhạo ông vì đã không tin, nhưng nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh của ông, chúng ta cũng không khá hơn đâu.

Nhưng Chúa Giê-su phục sinh đã đến để củng cố niềm tin và mang đến cho các Tông đồ niềm hy vọng. Lời đầu tiên của Chúa là một sứ điệp của bình an. Bình an này là niềm vui, là lòng thương xót và là ơn tha thứ, là sự hòa giải. Vào giây phút sai đi, Ngài muốn giải phóng các tông đồ khỏi nỗi sợ hãi đang nặng trĩu trong lòng các ông. Ngài muốn ban cho các ông sức mạnh và sự can đảm để lên đường loan báo cho tất cả thế giới về tình thương của Thiên Chúa.

Là các ki-tô hữu, chúng ta hôm nay đang thừa hưởng chứng tá của các tông đồ và mỗi chúng ta cũng được sai đi để tiếp tục làm chứng về tin mừng cho mọi người, cho gia đình mình, cho nơi mình làm việc và sinh sống. Niềm tin của chúng ta chỉ sống động thực sự khi nó lan tỏa. Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta trong thế giới mà chúng ta đang sống, nơi mà Ngài gieo trồng chúng ta để trổ sinh bông trái.

Trong ngày hôm nay, chúng ta cần nhìn lại cộng đoàn đầu tiên của những kẻ tin. Như họ, mỗi chúng ta được mời gọi đặt để đời sống đạo dựa trên những cột trụ sau:

  • Trung thành với lời dạy của các Tông đồ để đào sâu đức tin và làm cho Tin mừng biến đổi đời sống.
  • Trung thành trong đời sống cộng đoàn để có thể chia sẻ của cải vật chất cho nhau.
  • Trung thành tham dự và cử hành bí tích Thánh Thể,
  • Trung thành cầu nguyện ở trong gia đình và trong cộng đoàn.

Bốn cột trụ này là cần thiết biết bao vì chính nhờ đó mà chúng ta có thể làm chứng tá thực sự về đời sống đạo của những người đã được rửa tội.

Mỗi chúa nhật, chính Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh liên  đới với cộng đoàn ki-tô hữu đang tụ họp để cử hành bí tích Thánh Thể. Trong thời gian của những cử hành mùa phục sinh này, là dịp để mỗi tín hữu càng khát khao kín múc hồng ân từ nguồn suối của Đấng là Tình Yêu. Xin Ngài ở với mỗi chúng ta để chúng ta thêm can đảm trong đời sống đức tin. Xin Ngài giúp chúng ta sống quảng đại hơn trong việc thực thi chia sẻ bác ái huynh đệ. Lạy Chúa, Ngài là Ánh Sáng, là Tình Yêu, xin soi sáng lòng chúng con bằng Thánh Thần của Chúa. Amen.