Ai không chống đối các con là ủng hộ các con

Với chủ đề các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, chúng ta cùng chia sẻ lời dạy của Chúa để loại bỏ óc bè phái, kỳ thị và loại trừ những người không thuộc phe nhóm của mình.

Bài đọc I cho thấy ông Giô-su-ê khó chịu khi thấy hai người kỳ mục không đến Lều Thánh mà lại nói tiên tri. Ông bảo Mô-sê ngăn cấm hai người ấy. Nhưng Mô-sê chẳng những không ngăn cấm mà còn nói: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ”. Còn trong bài Tin mừng, bối cảnh xẩy ra là có một số người không thuộc nhóm 12 tông đồ mà cũng nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ. Ông Gioan khó chịu, xin Chúa: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”.  Đức Giêsu chẳng những không cấm họ mà còn sửa dạy các môn đệ mình với câu nói đáng để suy gẫm: “Ai không chống lại ta thì thuộc về ta”.

Như vậy Ông Mô-sê và Chúa Giê-su đã đưa ra một bài học về sự bao dung và rộng lượng với tất cả những ai khác biệt với mình, nên có thể nói Chúa nhật hôm nay là dành cho việc cầu nguyện và cổ võ tinh thần đại kết các tôn giáo và tôn trọng sự khác biệt giữa con người.

Áp dụng vào đời sống hôm nay, chúng ta thấy  phản ứng của tông đồ Gioan trong bài Tin mừng biểu lộ phản ứng của những người bảo thủ, những người đóng cửa lòng với người khác, những người mà như Gioan nói là “không thuộc về nhóm chúng ta”. Tư tưởng này cám dỗ người ta mang trong mình óc bè phái cục bộ, chỉ biết phe nhóm mình và loại trừ những người không cùng phe nhóm  với mình. Tuy nhiên, lời Chúa Giê-su giúp cho những ai muốn theo Ngài đi đúng nẻo chính đường ngay: “Đừng ngăn cấm, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con.” Vâng, Chúa Ki-tô muốn chữa cái căn bệnh xẻn xo và cái nhìn quá hạn hẹp thường hay xuất hiện trong tâm lòng con người mọi thời đại.

Quả vậy, óc ganh tỵ và bè phái thường có ở những ai muốn đóng cửa hơn là mở rộng cửa với người khác chỉ vì:

  • Người ta khó chịu bực bội khi thấy người khác cũng làm được một việc hay việc tốt như mình hoặc còn hay hơn, tốt hơn mình,
  • Hay người ta ganh tỵ với người không thuộc nhóm hay hội đoàn với mình,
  • Hoặc là người có đạo ganh tỵ với người không có đạo khi những người không có đạo làm được những điều hay điều tốt.

“Mở ra” hay “đi ra” là động từ mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã dùng trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng để cho thấy sứ mạng rao giảng Tin mừng của người tín hữu hôm nay. Sự đi ra này làm biểu lộ một trong bốn đặc tính của Giáo Hội, đó là đặc tính “Công Giáo”. Đức Giê-su chính là hình mẫu của người công giáo điển hình, là người của mọi người và đến với tất cả mọi người. Nơi Ngài biểu lộ hình ảnh một Thiên Chúa đã “khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương”. Vâng, chính Chúa đã bảo vệ người phụ nữ ngoại tình khỏi bị ném đá; chính Chúa đã dỡ bỏ hành rào của lề luật để đến với những người cùi hủi, ngồi ăn đồng bàn với những người tội lỗi, gần gũi những người thu thuế, gái điếm và ngoại giáo…

Vì một Giáo Hội phải “đi ra” mà trong thông điệp Ecclesiam suam – Con đường của Hội Thánh, Chân phước Giáo hoàng Phao-lô VI cũng đã viết: “Giáo hội phải sẵn sàng duy trì một cuộc đối thoại mở ra với tất cả mọi người có lòng thành tâm thiện chí dù họ thuộc về hay không thuộc về Giáo Hội. Không ai bị  loại trừ khỏi con tim của Giáo Hội. Không ai bị đối xử như là kẻ thù đối với Giáo Hội”.  Khi nói lên tinh thần đó, chính Đức Thánh Cha đã thực hiện một cuộc “đi ra” khi Ngài đã ra khỏi Roma, đến gặp Đức Thượng Phụ Athanagoras, để giúp cho hai Giáo Hội Cộng Giáo và Chính Thống Giáo tháo cởi vạ tuyệt thông để chia sẻ tình anh em cùng một Cha trên trời.

Đức cố chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII cũng sánh ví sự cởi mở của  Giáo hội giống như một cái giếng nước đầu làng, để mọi người từ thế hệ này qua thế hệ khác tới đó lấy nước. Mọi người đều đi qua cái giếng này và lưu lại đó. Giếng nước không phân biệt người tốt hay người xấu, người thân thiện hay người khó tính, người giàu sang hay người hèn kém, nhưng nó đón tiếp tất cả mọi người với tất cả sự quảng đại của nó. 

Sự “đi ra” không đòi buộc chúng ta chối bỏ căn tính Ki-tô giáo của mình nhưng ngược lại nó củng cố danh hiệu ki-tô hữu của chúng ta, không phải bằng sự đối đầu nhưng là bằng sự đối thoại. Đối thoại để hiểu biết, để được hoàn thiện và được phong phú hơn. Khi mà ta đến với người khác, dù họ là những người không cùng niềm tin, không cùng giáo lý, hoặc họ là người vô thần, hay theo một tôn giáo khác,  ta vẫn khám phá được nơi họ những viên ngọc của một đời sống nhân bản và thiêng liêng cao quý.

Dù ở ngoài Giáo Hội, thì ơn cứu độ vẫn đầy tràn bởi vì có rất nhiều người đang góp phần xây dựng một thế giới tình yêu khi họ đang góp phần chống lại sự xấu, chống lại bệnh tật, chống lại những thành kiến và phân biệt. Vẫn luôn có đó những con người đang làm việc trong tình thần huynh đệ và hiệp nhất để xây dựng nền hòa bình và công lý.

Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong lòng thế giới và không ai có đặc quyền giữ riêng cho mình nguồn ân sủng vì Chúa Thánh Thần tự do như gió, mà gió thì muốn thổi đâu thì thổi, không ai biết gió từ đâu và sẽ đi đâu.

Đừng ganh tỵ, đừng giữ đầu óc bè phải, đó là điều Chúa Giê-su Ki-tô hôm nay mời gọi mỗi chúng ta. Vậy mỗi chúng ta hãy cố gắng sống theo tinh thần Tin mừng để quảng đại mở lòng mình ra sống chan hòa với mọi người, cùng với mọi người thực hiện những việc tốt, những việc làm có ích cho tha nhân và cho xã hội hôm nay. Amen.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *