Đoạn Tin mừng của thánh Macco cho thấy hành trình rao giảng công khai của Chúa Giê-su cho tới thời điểm này đã thu hút rất đông dân chúng theo Ngài ở Galilea, tại các miền Tia và Si-đôn và trong Miền Thập Tỉnh, vùng đất của dân ngoại nằm ở phía đông biển hồ Giê-nê-gia-rét.
Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu dò hỏi các môn đệ xem dư luận nghĩ sao về Ngài. Các môn đệ đã phản ảnh với ngài rằng có nhiều dư luận hơi khác nhau, nhưng tựu trung mọi người đều nghĩ Ngài là một ngôn sứ. Phần Phêrô thì lên tiếng nói thay cả Nhóm 12 tuyên xưng niềm tin : “Thầy là Đức Kitô”.
Tuy nhiên thì Chúa Giê-su đã hoàn toàn ý thức được sứ mạng của mình và tiên báo về cuộc chịu nạn mà ngài sẽ phải chịu. Chúa tiên báo vì Chúa biết rõ sứ mạng giải phóng con người mà Chúa thực hiện qua lời giảng dạy và hành động, đã làm cho nhiều người thấy chói tai, đặc biệt là các biệt phái và luật sỹ, các người lãnh đạo chính trị và tôn giáo. Sự giải phóng con người đã đụng đến truyền thống và luật lệ làm ảnh hưởng tới chỗ đứng của họ như:
- Chữa bệnh trong ngày Sabbat
- Ăn uống với những người tội lỗi
- Bảo vệ người phụ nữ ngoại tình
- Đụng đến những người cùi hủi
- Đến thăm và ăn uống tại nhà Mát-thêu và nhà ông Gia-kêu, những người thu thuế cho đế quốc Roma v.v…
Chính vì sứ mạng giải phóng con người bằng tình yêu này mà Chúa Giê-su đã tự nguyện đi vào con đường đau khổ, con đường mà người đời khó chấp nhận, ngay cả Phêrô, người vừa đại diện nhóm 12 tuyên tín Thầy là Đấng Ki-tô cũng đã can ngăn Chúa.
Con đường đau khổ này chính là con đường thập giá: bị bắt, bị lột áo, bị đánh đòn và mang trên mình những thương tích của sự tra tấn và để người ta chế nhạo, sỉ vả và cuối cùng là cái chết nhục nhã trên cây thập giá.
Nhờ vào cuộc khổ nạn của Chúa mà cây thập giá từ biểu tượng của lòng hận thù và sự tàn bạo, đã trở nên biểu tượng chiến thắng của tình yêu. Các lãnh đạo tôn giáo ở Giuđêa đã kết án tử Chúa Giê-su, nhưng họ đã không thể giết được tình yêu của Đấng bị treo trên thập giá. Đức Giê-su trở nên hiện thân của Người Tôi Tớ đau khổ mà Tiên tri Isaia đã tiên báo trong bài đọc I: Người Tôi Tớ này bản thân vô tội nhưng phải chịu rất nhiều đau khổ vì tội loài người.
Vâng phục cho đến chết trên cây thập giá, Chúa Giê-su muốn liên đới với cảnh đời đau khổ của loài người. Ngài trở nên một quy chiếu, một bản mẫu cho nhưng ai chọn đi theo Ngài. Vâng, cả cuộc đời Ngài đã nhắc đi nhắc lại với chúng ta rằng: ta không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ.
Đây là điều đi ngược với sự khôn ngoan thế gian, nơi mà người ta cố công chiếm cho mình một chỗ đứng, ai cũng muốn mình phải là người chiến thắng, người sở hữu, người thống trị. Tất cả những bon chen, tranh giành đây đó đều bị chi phối bởi cái tham sân si của lòng người như thế.
Thật vậy, trong bối cảnh của cuộc sống hôm nay, cụ thể tại môi trường sống của chúng ta, vẫn còn đó những khó khăn, những thử thách của cái nghèo, của sự bất công mỗi ngày một lan tràn, của bầu khí tôn sùng vật chất vô thần… có không ít anh chị em giáo dân đã giống như Phêrô can ngăn Chúa, giống như đám đông dân chúng khi xưa muốn “ rút lui và không theo Chúa nữa” vì Chúa không đáp ứng nhu cầu vật chất của họ.
Tuy nhiên, như lời Chúa nói trong bài Tin mừng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”, thì những ai muốn trung thành đi theo Chúa Giê-su, đích nhắm của họ cần phải khác, không phải là trở thành kẻ thống trị, kẻ chỉ biết hưởng thụ và khẳng định bản thân mình trên người khác cho bằng nhắm tới cái khả năng yêu thương, phục vụ và tình liên đới với anh em.
Thực vậy, với một lý tưởng sống như thế, xã hội của chúng ta đã và đang trở nên đẹp hơn qua những vẻ đẹp của những con người hành động trong đức tin để biết sống yêu thương và phục vụ: ta có thể kể tới những gương mặt như mẹ Têrêsa Calcuta, người đã dành cả đời xả thân chăm sóc những người hấp hối bên lề xã hội; như linh mục Maximilien Kolbe đã quảng đại chết thay cho bạn tù tại trại tập trung Đức quốc xã; như Đức GTM Romeo tại El Salvador vì đứng về phía người nghèo nên đã bị giết chết bởi những phát đạn khi ngài đang dâng lễ trong nhà thờ; hay như ông Nelson Madela đã chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartrai tại Nam Phi; cũng vậy, chúng ta thấy nhiều tu sỹ và các tình nguyện viên trên khắp vùng miền đã hết lòng chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh Sida trong các trung tâm điều trị, hay giúp đỡ những người nghiện hút ma túy…
Thế giới cũng ngày càng đẹp hơn nhờ những người mẹ trong gia đình, không ngại thức thâu đêm để chăm sóc cho đứa con bị ốm bệnh, những người cha làm việc quần quật suốt ngày, mồ hôi nhễ nhại để chăm lo cho hạnh phúc gia đình, những người con biết vâng phục cha mẹ và rèn luyện bản thân để trở nên người có ích cho xã hội.
Và cuộc sống hôm nay cũng đẹp hơn khi có nhiều bạn trẻ đã dám hy sinh, quảng đại tình nguyện tham gia những chiến dịch bảo vệ môi trường và sự sống, trợ giúp những nạn nhân gặp thiên tai tại vùng sâu vùng xa nghèo khó, tham gia những kỳ tiếp sức mùa thi giúp các thí sinh nghèo hoặc chính các bạn sẵn sàng tham gia các hội đoàn như hội ve chai, hội tông đồ để làm việc bác ái.
Chúa Giê-su Kitô đã trao ban chính sự sống mình cho loài người chúng ta và hôm nay ngài mời gọi mỗi chúng ta hãy noi gương bắt chước và trở nên “đồng hình đồng dạng” với Ngài.
Ý thức một cách sâu xa hơn lời mời gọi này của Chúa Giê-su để nhờ vào sức mạnh của bí tích Thánh Thể được chiêm ngắm và lãnh nhận mỗi ngày, anh chị em và tôi hãy sẵn sàng vác thập giá đời mình và liều mất mạng sống vì Thầy Giê-su để mang lại cho tha nhân và cho chính bản thân mỗi chúng ta niềm hạnh phúc đích thật mà Chúa hứa ban. Amen.