Tin mừng Chúa nhật Khánh nhật Truyền giáo
Mt 28, 16-20
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi.
Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thày. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thày đã truyền cho các con. Và đây Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Suy niệm
“Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”…Lời thánh Phaolô cho thấy sứ mạng và bản tính của Giáo hội là truyền giáo. Truyền giáo là ơn gọi của Giáo Hội, thì cũng là trách nhiệm gắn liền với mọi người Kitô hữu chúng ta. Bao lâu còn là Kitô hữu, bấy lâu còn phải loan báo Tin Mừng. Hôm nay cử hành ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, ngày Quốc Tế Truyền Giáo để cầu nguyện cho việc truyền giáo, chúng ta cùng chia sẻ với nhau về việc truyền giáo trong bối cảnh xã hội và thế giới hôm nay.
Trước hết truyền giáo là Tân Phúc Âm Hóa. Như trong bài Tin mừng thuật lại, trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” (Mc 16,15-16) Đây là mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu dành cho mỗi Kitô hữu trong mọi thời đại. Đối với thời đại hôm nay, cụ thể tại Việt Nam thì :
+ Trong số 4, thư chung của HĐGMVN năm 2013 đã ghi rõ: “Công cuộc tân phúc âm hóa đòi hỏi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm việc mục vụ”
+Vậy để có thể giới thiệu Tin mừng của Chúa cho người khác, chúng ta phải duyệt lại đời sống đạo của của mình qua việc sám hối và hoán cải đời sống mỗi ngày.
+ Việc này mời gọi mỗi tín hữu phải làm mới lại mình qua đời sống đức tin sâu sa. Nó đòi hỏi người tín hữu phải có một đời sống cầu nguyện thâm sâu với Chúa hơn là chỉ chú tâm tới những hình thức hoạt động bên ngoài, đặc biệt là siêng năng tham dự và lãnh nhận các bí tích nhất là bí tích Hòa giải và Thánh thể.
+ Tóm lại, để truyền giáo các tín hữu trước hết phải là người sống Tin mừng, có nghĩa là gặp được Chúa và có Chúa trong cuộc sống của mình trước khi có thể chia sẻ niềm vui này cho người khác. Thánh Phaolô là một chứng ta sống động của Tin mừng khi ngài nói: Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”, vâng “không ai cho người khác cái mà mình không có”, ta không thể đem Chúa đến với người khác khi chính ta lại không sống mối giây thân thiết với Ngài.
Tân phúc âm hóa qua việc sám hối và hoán cải đời sống đức tin để người tín hữu hôm nay có thể thực hiện bước tiếp theo là: lên đường và ‘đi ra’ đến với người khác. Nhưng đâu là điểm tựa để người tín hữu có thể lên đường truyền giáo đúng nghĩa ? Thưa, điểm tựa vững vàng nhất cho nhà truyền giáo hôm này là noi gương Chúa Giêsu.
Chúa Giê-su trong ba năm tại thế đã lên đường rời bỏ quê hương Nagiarét mà ngài đã gắn bó suốt 30 năm để đến với dân ngoại, đến với những người bệnh tật, đui mù, nghèo khó và quỷ ám…Hành trang ngài mang theo là thể hiện tình yêu thương với mọi người, bằng cách : quên mình, xả thân vì người khác. Làm gương cho người khác qua hình mẫu: nói đi đôi với làm.
Ngài luôn thực hiện nguyên tắc bất di bắt dịch là : đến với người khác trước khi họ đến với mình, điều này thể hiện qua chính lời nói của Ngài: “chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì thầy ra đi cốt để làm việc đó.”
Chúa Giêsu đã đi bước trước để trở nên gương mẫu, vậy bước cuối cùng là hãy thực hiện lệnh truyền của Chúa bằng việc kể chuyện Chúa Giê-su cho tha nhân bằng đời sống chứng tá mỗi người, và của mỗi gia đình công giáo chúng ta.
Lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp niềm vui của Tin mừng đã ghi rõ: Trung thành noi gương Thầy mình, Hội thánh hôm nay thấy tuyệt đối phải ra đi rao giảng Tin mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi dịp, không do dự, không miễn cưỡng hay sợ hãi… dấn mình vào đời sống hằng ngày bằng lời nói và hành động (EG 23)
Vậy được mời gọi « dấn mình vào đời sống hằng ngày bằng lời nói và hành động », mỗi gia đình công giáo chúng ta trong Năm gia đình hãy học truyền giáo bằng đời sống cụ thể ngay tại gia đình bằng cầu nguyện và hy sinh, hiệp nhất yêu thương và hội nhập và xây dựng xã hội.
Để kết luận, xin được trở lại nội dung Tông huấn « niềm vui của Tin mừng » của Đức Thánh Cha Phanxicô, hướng dẫn Hội thánh thực hiện việc Tân phúc âm hóa, nhằm loan báo Tin mừng cho thế giới hôm nay, trong đó Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng : « nhiệm vụ truyền giáo phải là nhiệm vụ hàng đầu » và chúng ta ‘không thể thụ động và thản nhiên ngồi đợi trong các nhà thờ của chúng ta » chúng ta cần phải chuyển đổi từ một mục vụ thuần túy bảo tồn sang một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo (EG 15). Vậy trong ngày khánh nhật truyền giáo hôm nay, mỗi tín hữu cần khai triển một vài điểm nhấn cụ thể mà Đức Thánh Cha đã gợi lên trong lời dạy của ngài, mưu cầu thực hiện « một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo » mà Ngài trăn trở để cho Tin mừng đến với muôn dân, cách riêng trên quê hương Việt Nam chúng ta.
Lạy Chúa, xin tuôn tràn ơn sủng của Ngài trên mỗi người chúng con để với nhiệt huyết tông đồ mà Chúa ban tặng, chúng ta trở nên những chứng tá nhiệt thành đem Tin mừng của Chúa đến với tha nhân và ước gì có nhiều người nhận ra tình thương của Chúa qua chính đời sống chứng ta đức tin hằng ngày của chúng con. Amen.