Chương trình hòa nhạc Blessing – tháng 9/2023


Trong cuốn sách: “ Năm chiếc bánh và hai con cá”, người tôi tớ Chúa là Đức cố HY FX. Nguyễn Văn Thuận khi viết về tình thương của Thiên Chúa, ngài đã nêu lên 10” khuyết điểm’ của TC, trong đó có một khuyết điểm nói về việc “TC không biết làm toán”: Một con chiên mà hơn 99, hẳn Chúa Giêsu không biết làm toán! = hôm nay, Chúa Giêsu khi trình bày dụ ngôn Ông Chủ Vườn nho cũng cho chúng ta thấy cách suy nghĩ và đối xử lạ lùng của Chúa, vì “Thiên Chúa tính toán bằng tình thương và đo lường bằng sự độ lượng“.
1. Như vậy, điểm thứ nhất ta cùng chia sẻ với nhau về tình thương của Chúa được kín múc từ Lời Chúa nói với ta trong bài đọc I, trích sách tiên tri Isaia, có 4 câu, 4 câu này đều chí lý và cần thiết, đáng thuộc lòng, xin trích dẫn 2 câu đó là: “Hãy tìm kiếm Chúa lúc còn tìm kiếm được, hãy kêu cầu Ngài lúc Chúa còn ở gần bên ta…” (c 6). Điều này có nghĩa là mỗi người chúng ta như một người làm vườn nho cho Chúa hãy biết tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi thời giờ, mọi tài năng va sức lực để dâng hiến cho TC bởi vì cơ hội Thiên Chúa ban cho chúng ta không nhiều, cũng không ít, tùy sự đón nhận và lòng chân thành đáp trả của chúng ta. Mỗi người cũng chỉ nhận “một đồng” mà thôi.
2. Điểm thứ hai, ta cùng nhận ra tình thương của Chúa qua chứng tá của thánh Phao lô trong bài đọc II: Thánh nhân đã nhận được sự bao dung của TC qua biến cố ngã ngựa, để rồi thánh nhân qua cuộc gặp gỡ với Chúa Giê su đã làm thay đổi cuộc sống của ngài, ngài được biến đổi trở thành con người mới đến nỗi ngài xác tín: “Đối với tôi sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi”, điều đó có nghĩa là đối với thánh Phaolô, cả cuộc đời ngài đã được dâng hiến cho Chúa. Nếu Chúa cho sống ngày nào thì ngài sẽ dùng mọi ân ban để làm chứng tá cho Đức Ki tô, còn nếu Chúa cho chết thì cuộc đời ngài cũng thuộc về Đức Ki tô và còn niềm vui nào hơn là được trở với với Chúa Ki tô là lý tưởng sống của Ngài: Tôi sống không phải là tôi sống mà chính Chúa Ki tô sống trong tôi.
3. Từ đó chúng ta chia sẻ với nhau điểm thứ ba qua bài Tin mừng để từ cảm nghiệm của Thánh Phaolô, ta thấy và hiểu Lời của Chúa, việc Chúa trả công cho người đi làm sớm cũng như đi làm muộn bằng một đồng, cho chúng ta thấy sự công bằng của Thiên Chúa khác với sự toan tính của phàm nhân. Tình thương của Thiên Chúa thì đủ cho mỗi một con người chúng ta. Thiên Chúa không mắc nợ ai.
Vậy, mỗi người chúng ta hãy biết nhận ra tình thương của Thiên Chúa và đừng bao giờ giam hãm Thiên Chúa cho toan tính cá nhân và theo cái nhìn thiển cận của của mình, bởi vì như Lời Chúa nói: ““ … Tư tưởng của Ta không phải đường lối của phàm nhân. Đường lối của Chúa không phải đạo lộ của các ngươi. Vì trời cao hơn đất thế nào, thì tư tưởng của Ta cũng vượt trên tư tưởng của các ngươi như vậy” ( Is 55, 8-9).
Mỗi người chúng ta hôm nay hãy biết mở rộng lòng mình để đón nhận tình thương của Chúa trong mỗi phút giây, biết mở to hơn đôi mắt tâm hồn để ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình mà có cái nhìn đầy lòng thương xót và bao dung của Thiên Chúa đối với anh chi em xung quanh.
Flor McCarthy đã chứng kiến một cảnh tượng tương tự với dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay và cho biết ông đã thay đổi cách suy nghĩ ra sao sau khi chứng kiến nó : có lần ông đến Cape Town nước Nam Phi. Đó là một buổi sáng mùa hè. Ông thấy một đám đông đứng ngoài đường không làm gì cả. Ban đầu ông nghĩ rằng đó là những kẻ lười biếng, đang khi những người khác lo làm ăn thì những người này đứng đó chẳng làm gì cả. Đến trưa ông vẫn còn thấy đám người ấy vẫn đứng đó, mồ hôi đã nhễ nhại ướt đẫm lưng áo. Hỏi kỹ thì mới biết họ là những người thất nghiệp. Họ đứng chờ ngoài nắng, hy vọng có ai đến thuê họ đi làm chăng. Mãi tới chiều ông vẫn thấy đám người đó. Và khi hết ngày, họ lủi thủi ra về, trông rất tội nghiệp. Hôm đó McCarthy rất hối hận vì đã vội kết án những con người tội nghiệp ấy. Và ông đã soạn một lời cầu nguyện như sau :
Lạy Chúa, tư tưởng chúng con rất nông cạn, đường lối chúng con rất hẹp hòi, bởi vì trí óc chúng con nghèo nàn và con tim chúng con chật chội. Xin Chúa mở rộng trí óc và con tim chúng con để chúng con suy nghĩ giống Chúa hơn, và hành động giống Chúa hơn. Xin giúp chúng con đừng bực bội vì lòng tốt của Chúa đối với người khác. Xin giúp chúng con đừng cho rằng chúng con đáng được Chúa thưởng công. Xin giúp chúng con ý thức rằng chúng con cần đến lòng thương xót hơn là đức công bình của Chúa. Amen.
Lời Chúa Chúa nhật XXIV hôm nay cho chúng ta thấy đối với sự xúc phạm đã gây ra cho một ai đó, sẽ có 3 dạng phản ứng như sau:
Phản ứng thứ nhất là trả thù tối đa. Trong Kinh Thánh, việc trả thù sánh ví như là một con thú hoang nằm phục ở cửa nhà, sẵn sàng xông ra nhe nanh và giương móng vuốt tán công (St 4, 7). Con thú hoang có thể là hình ảnh của bất cứ ai nuôi trong mình sự trả thù. Phản xạ đầu tiên của ngừoi bị tấn công đó là muốn trả thù gấp trăm, gấp ngàn lần cho hả dạ. Như trong chương IV của sách Sáng thế, ông La-méc đã có bài ca mang đầy âm vang của sự báo thù: “ A-đa và Xi-la, hãy nghe tiếng ta! Thê thiếp của La-méc, hãy lắng tai nghe lời ta! Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ. Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy! “
Trả thù cách điên cuồng tiếp tục tới cả thời nay, đây đó vẫn còn cái luật báo thù man dợ: như những vụ tấn công của Bil Laden vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại thành phố New York đã giết chết 3000 nghìn người; thời thế chiến thứ hai, phát xít Đức xả súng giết 10 người dân thường để trả thù cho 1 lính Đức bị giết; hay 6 triệu người Do thái đã bị giết bởi kỳ thị chủng tộc vì đơn giản họ là người Do Thái… Sự trả thù man dợ vẫn tồn tại ngày đêm và tiếp tục gây ra bởi ngay cả những người dân bình thường: ví dụ như vụ xẩy ra ở Bình Phước, cách đây 8 năm trước, vì thù hận trong tình yêu mà Nguyễn Hải Dương đã giết cả nhà 6 mạng người.
Phản ứng thứ hai: là thực thi luật “mắt đền mắt, răng đền răng”. Trong Kinh thánh gọi là luật Talion. Vào thế kỷ thứ 18 trước CN, do nhận thấy việc báo thù man rợ mỗi ngày một tăng cao nên vua Hammurabi của Babilon đã ban hành luật “miếng trả miếng” này để giới hạn số người chết do việc trả thù gây ra. Theo luật này, người ta có thể trả thù nhưng “ phải tôn trọng mức độ nghiệm trọng của tội ác”. Đây là một sự tiến bộ của chuẩn mực xã hội, và còn được áp dụng hôm nay như án tử hình.
Cuối cùng là phản ứng thứ ba: tha thứ đến 70 lần 7. Trong truyền thống Do thái, có một cách hành xử đối với kẻ xúc phạm mình, cách hành xử này đã phần nào cho thấy lòng bao dung hơn nhiều, đó là người bị xúc phạm được mời gọi “ phải tha thứ cho kẻ xúc phạm mình đến 4 lần”. Tông đồ Phêrô thấm nhuần truyền thống này, nên ông đã nâng số lần tha thứ lên tới con số 7 để chứng tỏ với Chúa Giê-su về lòng quảng đại của ông nhiều hơn tiêu chuẩn là 4 lần. Và câu trả lời của Chúa Giê-su đã làm cho Phêrô và mọi người ngạc nhiên khi Chúa nói: người ta phải tha thứ không chỉ là 7 lần mà là 70 lần 7, có nghĩa là không có giới hạn cho việc tha thứ của chúng ta. Một cách ngẫu nhiên Chúa Giê-su đã viện dẫn lại bài ca của ông La-méc trong sách Sáng Thế mà chúng ta vừa chia sẻ ở trên ở theo chiều ngược lại: thay vì như ông La-méc trả thù 70 lần 7 kẻ xúc phạm mình thì Chúa mời gọi tha thứ 70 lần 7.
Hôm nay Chúa Giê-su nhắc lại cho chúng ta trong Tin mừng rằng, nhờ vào việc tha thứ, chúng ta sẽ chọn cho mình sự phán xét lúc lìa đời khi đứng trước vị Thẩm Phán Tối Cao là Thiên Chúa: “Anh em hãy tha thứ để được thứ tha”; Hay “ Anh em đong đấu nào thì sẽ bị đong trả lại cho anh em bằng đấu ấy”; “ Thiên Chúa sẽ tha nợ cho anh em cũng như anh em tha kẻ có nợ anh em”
Tha thứ là một cách thức giúp cho người khác quay trở về với sự sống, coi anh chị em xung quanh như một người anh em, một người bạn như người cha nhân hậu nói với đứa con cả đi làm đồng về rằng: “ Em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.
Tha thứ là nền tảng của đời sống của những người con cái Chúa, bởi vì nó cho phép đi vào trong thế giới của tình yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa với lời mời gọi: “ Anh em hay nên trọng lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5, 48) và thánh Luca cũng viết trong Tin mừng của Ngài: “ Anh em hãy thương xót như Cha anh em trên trời có lòng thương xót”. (Luc 6, 36)
Đối với Chúa Giê-su , tha thứ và hòa giải thì quan trọng hơn là của lễ toàn thiêu: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.
Chúng ta thấy hiện nay đã có biết bao nhiêu tai họa trong gia đình xẩy ra chỉ vì lý do duy nhất, đó là không biết tha thứ cho nhau: khi có những xung đột gia đình, việc ly thân, li dị và phân chia tài sản….
Chúa Giê-su đã yêu cầu Phêrô và các môn đệ tha thứ không giới hạn bởi vì chính Ngài đã làm mẫu gương khi chịu đóng đinh trên cây thập giá: “ Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng lầm mà chẳng biết”. Ngài nhắc lại hôm nay cho mỗi người chúng ta rằng tha thứ là đặc tính quan trọng nhất của mỗi tín hữu: tha thứ không phải là bẩy lần mà là bẩy mươi lần bẩy”. Amen.
Trong suốt năm phụng vụ, chúng ta đã tưởng niệm những sự kiện lớn trong cuộc đời của Chúa Giêsu: nhập thể làm ngừoi, rao giảng tin mừng, sự chết và sự phục sinh, gửi Chúa Thánh Thần đến. Phụng vụ mời gọi chúng ta hôm nay mừng lễ Chúa Ba Ngôi, vì Chúa Ba Ngôi là khởi đầu và là kết thúc của lịch sử cứu rỗi: là Alpha và omega, sự khởi đầu và kết thúc. Thánh lễ trọng thể này mời gọi chúng ta suy ngẫm về Thiên Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta.
Chúa Ba Ngôi vẫn là một màu nhiệm, nhưng nó chiếu sáng cuộc sống, mang lại ý nghĩa cho những biến cố đang xảy ra trong đời sống mỗi người, nuôi dưỡng hy vọng và lấp đầy sự cô đơn của chúng ta. Chúa Giêsu thường nói với chúng ta về Cha ngài và về Chúa Thánh Thần. Ngài đề cập đến ba ngôi Thiên Chúa khi ngài gửi các môn đệ ra đi rao giảng Tin mừng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28:19)
Kinh thánh cho chúng ta biết, trước hết Thiên Chúa biểu lộ với nhân loại như một Người Cha dịu dàng, nhân hậu, tôn trọng sự tự do của con cái mình, luôn sẵn sàng chào đón đứa con hoang đàng, luôn sẵn sàng tha thứ.
Tiếp đến, trong Chúa Giêsu, Con của Cha, Thiên Chúa mang một khuôn mặt con người, huynh đệ, gần gũi với chúng ta, một Thiên Chúa “anh em”. Ngài là “pontifex”, người làm cầu nối, người tạo ra mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa trở nên hữu hình, dễ hiểu và có thể được bắt chước. Tình yêu ấy là Emmanuel, Chúa với chúng ta, qua mầu nhiệm nhập thể của Ngôi hai Thiên Chúa làm người.
Và cuối cùng, Chúa Thánh Thần đến đi vào trong tâm hồn mỗi con người, đó là nơi sâu thẳm nhất của con người. Chính Thiên Chúa trong chúng ta là người hướng dẫn, dạy dỗ, mời gọi hành động, an ủi và củng cố chúng ta. Ngài liên tục tái tạo và làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ.
Chúa Kitô hứa sẽ “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”. Lời hứa này là nguồn gốc của niềm hy vọng của mỗi tín hữu. Thiên Chúa đồng hành và soi sáng chúng ta. Ngài giúp chúng ta đọc các sự kiện và nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống. Sự hiện diện này cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu chống lại cái ác và hành động theo thánh ý Chúa.
Một trong những đặc điểm cơ bản của Thiên Chúa là Ngài không muốn chúng ta trở thành đầy tớ của Ngài nhưng là một bạn đời của Ngài trong một giao ước vĩnh cửu. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Thầy không gọi các con là tôi tớ… nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu, bởi vì tất cả những gì Thầy đã nghe từ Cha Thấy, Thầy đã nói với các con” (Ga 15:15). Và hôm nay một lần nữa Chúa mời gọi mỗi chúng ta: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta (Kh, 3,20). Vậy chúng ta hãy mở rộng cửa tâm hồn để cho Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị và biến đổi đời sống mỗi người theo như ý Chúa muốn.
Chuyện kể rằng, một vị vua kia đến cuối cuộc đời cảm thấy buồn chán. Ông nói: “Suốt đời ta, ta đã cảm thụ được tất cả những gì mà một con người có thể cảm thụ được bằng các giác quan. Nhưng vẫn còn một điều ta chưa được thấy, đó là ta chưa thấy Chúa. Bây giờ nếu ta chỉ được nhìn thấy Chúa một thoáng thôi thì ta cũng sẽ mãn nguyện mà chết”. Nhà vua tham khảo ý kiến những bậc khôn ngoan, hứa cho họ đủ thứ phần thưởng nếu họ giúp ông thực hiện điều mơ ước ấy. Nhưng chẳng ai giúp được.
Thế rồi có một chàng chăn cừu nghe chuyện trên và tìm đến gặp nhà vua. Chàng nói: “Có lẽ hạ thần có thể giúp Bệ Hạ được”. Nhà vua rất sung sướng theo người chăn cừu leo lên nhiều ngọn đồi. Khi đến đỉnh một ngọn đồi nọ, người chăn cừu đưa tay chỉ mặt trời và bảo: “Hãy xem kìa”. Nhà vua ngước mắt nhìn lên nhưng liền nhắm lại ngay vì chói quá. Ông bảo: “Nhà ngươi muốn cho ta mù sao!” Người chăn cừu đáp: “Tâu Bệ Hạ, đây chỉ mới là một phần nhỏ của vinh quang Thiên Chúa mà Bệ Hạ còn nhìn không nổi. Thế thì làm sao Bệ Hạ có thể nhìn được Thiên Chúa bằng cặp mắt bất toàn của Bệ Hạ? Bệ Hạ phải tìm cách nhìn Ngài bằng cặp mắt khác”.
Nhà vua rất thích ý tưởng ấy, nói: “Ta cám ơn ngươi đã mở cắp mắt trí khôn của ta. Bây giờ hãy trả lời cho câu hỏi khác của Ta: Thiên Chúa sống ở đâu?” Người chăn cừu lại đưa tay chỉ lên trời: “Bệ Hạ hãy nhìn những con chim đang bay kia. Chúng sống trong bầu không khí bao quanh. Chúng ta cũng thế, chúng ta sống trong sự bảo bọc của Thiên Chúa. Xin Bệ Hạ đừng tìm kiếm nữa, mà hãy mở rộng mắt ra để nhìn, mở tai ra để nghe. Thế nào Bệ Hạ cũng thấy được Ngài. Thiên đàng ở ngay dưới chân chúng ta cũng như ở ngay trên đầu chúng ta”.
Nhà vua dừng bước, cố gắng nhìn, cố gắng lắng nghe. Thế là một cảm giác bình an lộ rõ trên khuôn mặt buồn thảm của ông. Người chăn cừu nói tiếp: “Tâu Bệ Hạ, còn một điều nữa”. Rồi chàng dẫn nhà vua đến một cái giếng. Nhà vua nhìn xuống mặt nước bằng phẳng, hỏi: “Ai sống dưới đó thế?” Người chăn cừu đáp: “Thiên Chúa”. “Ta có thể nhìn thấy Ngài không?” “Được chứ, Bệ Hạ chỉ cần nhìn”. Nhà vua chăm chú nhìn xuống giếng, nhưng chỉ thấy gương mặt của mình phản chiếu trên mặt nước. Ông nói: “Ta chỉ thấy mặt Ta thôi”. Người chăn cừu giải thích: “Bây giờ thì Bệ Hạ đã biết Thiên Chúa sống ở đâu rồi. Ngài sống trong Bệ Hạ đó”.
Nhà vua nhận ra rằng người chăn cừu khôn ngoan và giàu có hơn ông. Ông cám ơn chàng và trở về hoàng cung. Chẳng ai biết ông có nhìn thấy Thiên Chúa không, nhưng ai cũng nói rằng có một điều gì đó đã biến đổi trái tim ông, bởi vì từ đó trở đi ông đối xử rất nhân hậu với mọi người, kể cả người đầy tớ hèn hạ nhất của ông.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi giống như bí mật của mặt trời. Chúng ta không thể nhìn trực tiếp vào mặt trời và hiểu thành phần của nó bởi vì nó sẽ làm mù chúng ta. Nhưng mặt trời chiếu sáng và làm cho mọi thứ tồn tại. Chúa Ba Ngôi vẫn là một bí ẩn đối với chúng ta, nhưng nó chiếu sáng cuộc sống của con người, mang lại ý nghĩa cho những gì đang xảy ra, nuôi dưỡng hy vọng và lấp đầy sự cô đơn của chúng ta. Chính sự hiện diện tuyệt vời này của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta mà chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi trọng đại trong ngày hôm nay.
50 ngày sau Phục sinh, hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Thánh Thần chính là món quà được trao tặng cho các Tông đồ và cho tất cả Giáo Hội.
Như sách thánh thuật lại, thì vào ngày lễ ngũ tuần khi các Tông đồ cùng với Mẹ Maria đang ở trong căn phòng đóng kín cửa, bỗng nhiên họ nghe thấy một tiếng động như là tiếng gió mạnh thổi và họ nhìn thấy những lưỡi lửa đậu xuống trên đầu từng người. Dấu hiệu này cho thấy lời Chúa Giê-su hứa đã được thực hiện. Người trẻ cũng như người già chìm ngập trong làn gió của Chúa Thánh Thần. Họ được thúc đầy ra khỏi căn phòng để làm chứng cho những kỳ công của Thiên Chúa.
Vậy, biến cố này có ý nghĩa gì với chúng ta? Thưa, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đổi mới chúng ta. Cộng đồng Vatican II là một ví dụ cho hoạt động thần kỳ của Chúa Thánh Thần. Mọi người trong Giáo Hội đã được thức tỉnh như người bệnh được hít thở khí oxy. Chúa Thánh Thần đã mang đến cho Giáo Hội của Đức Ki-tô một luồng gió mới để loại trừ những luồng khí làm cho Giáo Hội bị giam hãm trong căn phòng kín.
Để đáp lại quà tặng vô giá này, mỗi chúng ta hôm nay chỉ có thể ca lên lời tạ ơn Chúa như Thánh vịnh 103: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài quá ư vĩ đại! …Ngài gửi hơi thở tới và Ngài canh tân bộ mặt trái đất. Vâng, chúng ta tạ ơn Chúa về tất cả sự kỳ diệu từ ngàn xưa cho tới hôm nay. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một sự sáng tạo mới. Nó được khởi đầu bởi sự hiệp thông giữa các dân tộc dù là người Rôma, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập v.v. Tất cả mọi người đều đều nghe thấy các tông đồ loan báo Tin mừng bằng nói tiếng của họ mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa. Cộng đoàn phụng vụ chúng ta bao gồm người trẻ, người già, đến từ mọi gia đình, từ nhiều giáo phận lúc này đây trong ngôi nhà thờ này đang chứng minh cho sự hiệp thông kỳ diệu này.
Khi ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần, thì cuộc sống cũ sẽ phải được thay đổi bằng một đời sống mới. Đó là điều mà Chúa Thánh Thần tác động. Vậy hãy sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để Ngài hoạt động trong chúng ta vì Ngài chính là nguồn mạch thiêng liêng duy nhất có thể tưới mát mầm sống đức tin. Chính Chúa Thánh Thần có sức mạnh biến đổi khi ban cho chúng ta lòng tin, tình yêu, niềm vui, sự bình an, lòng nhân từ, khoan dung và nhẫn nại trước mọi thử thách như là những hoa trái của Ngài.
Chúa Thánh Thần luôn luôn hoạt động trong thế giới hôm nay, Ngài chính là đấng bảo trợ của các tín hữu trong mọi thử thách của cuộc đời. Những con người này đang hiện diện khắp nơi trên toàn thế giới và đang làm chứng cho niềm vui Tin mừng của Đức Ki-tô.
Trong cuốn 5 chiếc bánh và 2 con cá, vị tôi tớ Chúa là ĐHY Phanxicô đã chia sẻ: Thời kỳ biệt giam ở Hà Nội, tôi được biết có 20 chiến sĩ nam nữ trẻ học tiếng Latinh với một cựu tu sĩ, để có thể đọc các tài liệu của Giáo hội. Trong số mấy anh gác tôi có hai anh trong nhóm học Latinh. Trông thấy bài vở, tôi nhận thấy họ học tốt. Một hôm, một trong hai anh ấy hỏi tôi:
– Ông có thể dạy tôi một bài hát tiếng Latinh không?
– Có nhiều bài hay tuyệt, nhưng biết anh thích bài nào?
– Ông hát cho tôi nghe, tôi sẽ chọn.
Tôi đã hát Salve Regina, Veni Creator, Ave Maris Stella… Các bạn biết anh ta chọn bài nào không? Anh ta chọn bài Veni Creator (Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm…).
Tôi đã chép trọn cả bài cho anh ta và anh ta học thuộc lòng. Mỗi sáng quãng 7 giờ, tôi nghe anh ta chạy xuống thang gỗ, ra sân tập thể dục, rồi múc nước vừa tắm vừa hát: Veni Creator Spiritus… Tôi rất cảm động, làm sao mỗi sáng trong nhà tù cộng sản lại có một cán bộ hát kinh “Veni Creator” cho mình nghe!
Anh thứ hai lại chọn một bài hát tiếng Việt: “Ngày vinh phước hôm nay, hát mừng Tôma Thiện” kính thánh tử đạo chủng sinh. Anh rất thích nên thuộc lòng cả bài. Tiếng anh ngân nga, như nhắc tôi can đảm chịu khó: Ôi! cái chết đẹp thay! Trên cổ một vòng dây, Cái vòng dây yêu mến, Buộc lòng tớ theo Thầy.
Qua chứng từ của Đức Hồng Y Phanxicô, mọi người sẽ thắc mắc: đâu là động lực giúp cho ĐHY vượt qua đau khổ để vui sống, và có thể đem niềm vui đến cho người khác, thậm chí là những người làm hại mình. Thưa đó là sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chính ĐHY đã làm theo tác động của Chúa Thánh Thần và hiệu quả là cuộc đời của ĐHY đã trổ hoa trái của Chúa Thánh Thần đó là niềm vui và nhân từ, nhẫn nại và bao dung và trên tất cả là niềm tin và tình yêu.
Chúa Thánh Thần đang hiện diện giữa chúng ta, đang hiện diện trong Giáo Hội và đang hiện diện giữa thế giới hôm nay. Ngài không bỏ chúng ta, ngay cả trong những hoàn cảnh đáng thất vọng nhất. Quả vậy, không có gì ngăn cản Ngài tác động để đời sống chứng tá của các tín hữu trổ sinh hoa trái.Amen.
Tinh thần nào giúp cho Giáo Hội hôm nay trở nên chứng tqư đích thực của Chúa Ki-tô?
Một người kia có ba người con trai, trước khi qua đời, ông muốn dạy các con bài học hiệp nhất: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, ông gọi các con đến và nói: “Vàng bạc thì cha không có, cha có một gia tài quý giá hơn cả vàng và muốn để lại cho các con”. Nói xong ông lấy ra ba chiếc đũa tre trao cho ba người con mỗi người một chiếc và bảo: “Các con hãy bẻ gãy chiếc đũa cho cha coi”. Ba người con vâng lời cha bẻ gãy chiếc đũa dễ dàng.
Sau đó người cha trao cho ba người con mỗi người một bó đũa và nói: “Các con hãy bẻ gãy bó đũa này cho cha xem”. Lúc này ba người con dùng hết sức vẫn không sao bẻ gãy được. Bấy giờ người cha mới nói: “Nếu các con biết đoàn kết thương yêu nhau, thì các con giống như bó đũa kia sẽ không có sức mạnh nào làm gãy được các con. Ngược lại nếu các con không đoàn kết thương yêu nhau mỗi người một nơi, thì các con sẽ như chiếc đũa kia bị bẻ gãy một cách dễ dàng, hiệp nhất: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
Nói xong, người cha ra đi trong vòng tay yêu thương của các con.
Câu truyện trên mình chứng cho chúng ta một điều cốt yếu cho việc rao truyền tin mừng là sự hiệp nhất của Giáo Hội được đặt nền tảng bởi lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong bài Tin mừng. Chúng ta đã lắng nghe lời cầu nguyện lâu giờ của Đức Giê-su trong những giây phút chuẩn bị từ bỏ đời này mà về cùng Chúa Cha. Mối bận tâm lớn nhất của Chúa không phải là Giáo Hội sẽ được tổ chức quy mô, cũng không phải là các bí tích được cử hành long trọng hay hoàn hảo cho bằng những người tin hiệp nhất nên một như lời thân thưa của Ngài với Chúa Cha: lạy Cha, xin cho chúng nên một như chúng ta là một. Vậy sự hiệp nhất trở nên nền tảng cho sứ mạng tiếp nối công cuộc rao giảng Tin mừng của Giáo Hội.
Từ kho tàng vô giá của Kinh thánh mà chúng ta vừa cùng nhau suy niêm, hệ luận cho việc rao truyền tin mừng nước Chúa, là chúng ta cần hiệp nhất trong yêu thương. Sự hiệp nhất trong yêu thương được mở rộng tới cả những kẻ bé mọn, những người nghèo khó, bị loại trừ và tất cả những người nam và người nữ bị khước từ do quá khứ lỗi lầm của họ.
Tuy nhiên chính Thiên Chúa mới là Đấng đang có đó để liên kết những anh chị em này với Giáo Hội và loan báo cho họ tin vui của tình yêu cũng như trao tặng lại cho họ niềm vui mừng và hy vọng. Noi gương Đức Giê-su, chúng ta phải biết tha thứ cho nhau để làm chứng cho lòng thương xót của Chúa đối với toàn thể nhân loại. Sứ mạng này chỉ có thể được hoàn thành nếu các tín hữu Chúa sống tinh thần hiệp nhất yêu thương.
Trong cuốn 5 chiếc bánh và 2 con cá, vị tôi tớ Chúa là ĐHY Phanxicô đã chia sẻ lúc bị giam ở trại tù Phú Khánh rằng: Một đêm đông lạnh quá, không ngủ được, tôi nghe một tiếng nhắc nhủ tôi: “Tại sao con dại thế? Con còn giàu lắm: Con mang tình thương Chúa Giêsu trong tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu con”. Sáng hôm sau, tôi bắt đầu mến những người lính gác, yêu mến Chúa Giêsu trong họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu nói… Tôi thuật lại những chuyến đi ra nước ngoài, cuộc sống, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ ở Canada, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Pháp, Đức, Úc, Áo, v.v… Những câu chuyện đó kích thích tính tò mò của họ, giục họ đặt nhiều câu hỏi. Tôi luôn luôn trả lời… Dần dần chúng tôi trở thành bạn. Họ muốn học sinh ngữ Anh, Pháp… tôi giúp họ. Từ từ mấy chiến sĩ gác tôi trở thành học trò của tôi! Bầu khí nhà giam đổi nhiều, quan hệ giữa họ với tôi tốt đẹp hơn. Thậm chí cả những ông xếp công an, thấy tôi đối xử chân thành, không những họ xin tôi giúp các chiến sĩ học hành ngoại ngữ, nhưng họ còn gửi anh khác đến học”.
Qua chứng từ trên, ta thấy để đạt được sự hiệp nhất này, vấn đề không phải là tìm kiếm những sự đồng nhất của các ý tưởng giữa người này với người khác, mà điều quan trọng là ĐHY chia sẻ tình thương của Đức Ki-tô cho những người anh em để đổi thù thành bạn. Đối với con cái Giáo Hội là chúng ta cũng thế, điều quan trọng là tập họp với nhau xung quanh Chúa Giê-su và hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện. Vậy đừng chờ đợi cho đến lúc hoàn hảo mới có thế hướng lòng về với Chúa bởi vì chính Ngài đang mời gọi chúng ta cùng nhau nối kết với lời cầu nguyện của Ngài cho sự hiệp nhất các môn đệ: lạy Cha, xin cho chúng nên một.
Lời cầu nguyện này còn nối kết với chúng ta hôm nay trong một thế giới đang đau đớn vì bạo lực và chiến tranh. Có biết bao nhiều người nam và nữ, cùng với các trẻ em đã bị bách hại và tàn sát đẫm máu vì niềm tin vào Đức Ki-tô. Kính thưa…trong ngày Chúa nhật hôm nay, chúng ta cùng cầu xin Chúa cho công cuộc hòa giải các dân tộc và cho tiến trình thực thi công lý trên toàn thế giới. Xin Chúa cho chúng ta sự can đảm và sức mạnh để sẵn sàng chung tay xây dựng một thế giới mỗi ngày một công bằng, huynh đệ hơn và cho một thế giới đầy tràn tình yêu thương và hiệp nhất trong Đức Ki-tô Chúa chúng ta. Amen