Chinhtoa church

Sức mạnh độc nhất của tôi là Bí tích Thánh Thể

Trong ngày lễ Mình Máu Chúa Giê-su hôm nay, để hiểu được ý nghĩa của ngày lễ, chúng ta cần hiểu từ ngữ Mình và Máu ở đây theo ý nghĩa kinh thánh hơn là hiểu theo ý nghĩa thông thường. Theo nghĩa Kinh thánh thì Mình Chúa không có nghĩa là thân xác nhưng là con người toàn thể. Khi ta nói rằng Chúa Giê-su nộp mình vì chúng ta và cho muôn người có nghĩa là Ngài hiến thân mình để ban ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Hy tế của Chúa Giê-su cũng là hy tế của toàn thể Hội thánh. Điều này nhắc nhở chúng ta trong câu mời gọi cuối phần dâng lễ vật: anh chị em hãy cầu nguyện để hy tế của tôi và của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận. Hy lễ của tôi và của anh chị em ở đây nói lên hy lễ của toàn thể Giáo Hội được tháp nhập vào Hy Tế của Đức Giê-su để dâng lên Chúa Cha.  Hy tế này không chỉ là hy tế  của cộng đoàn hiện diện nhưng qua cộng đoàn tất cả Giáo Hội dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa. Và khi linh mục cất lên lời kinh hiệp lễ “ đây Chiên Thiên Chúa đây đấng xóa tội trần gian” là ngài không chỉ nói lời này với cộng đoàn hiện diện nhưng là nói với toàn thể thế giới. Lời này có ý nghĩa là Chúa Ki-tô tự hiến thân mình làm của ăn  nuôi sống nhân loại và phục vụ con người. Ngài yêu thương từng người bằng một tình yêu vượt trên tất cả những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng.

Vậy đâu là giây phút quan trọng nhất trong hy tế thánh thể? Thưa đó là giây phút truyền phép, giây phút bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Ki-tô. Đây là cao điểm của tình yêu mà Đức Giê-su Ki-tô dành cho chúng ta, vì chính chúng ta mà Chúa Giê-su đã tự hiến thân mình. Món quà này không chỉ dành cho những ai hiện diện trong ngôi nhà thờ này mà cho toàn thể nhân loại. Đức Giê-su đã được gửi đến cho nhân loại không phải để lên án nhưng là để cứu rỗi.

Vậy, Thánh lễ là hy tế của Đức Ki-tô mà mỗi chúng ta được mời gọi tham dự, là giây phút quan trọng nhất của tuần lễ. Chúa Ki-tô phục sinh nối kết chúng ta với ngài trong khi cử hành thánh lễ. Mỗi lần thánh lễ chúng ta cử hành là mỗi lần Đức Ki-tô yêu mến chúng ta hơn bao giờ hết. Trong những lúc mà chúng ta thiếu vắng linh mục dâng lễ, thánh lễ thật là vô giá đối với người tín hữu chúng ta, vì như trong cuốn 5 chiếc bánh và 2 con cá, Đức Cố Hồng Y đã cảm nghiệm rằng “sức mạnh độc nhất của tôi là bí tích Thánh Thế”. Chính vì thế ngài đã chia sẻ rất cảm động về thời gian ở trong tù rằng: câu hỏi mà bao nhiều người hỏi tôi là “Trong tù cha có dâng lễ được không?” Và thực sự họ có lý, vì Thánh Thể là kinh nguyện đẹp nhất, là đỉnh cao của cuộc đời Chúa Giêsu. Mỗi khi tôi trả lời “có”, thì tôi đã biết ngay câu hỏi tiếp sau: “Làm sao cha kiếm ra rượu lễ, bánh lễ?”

Lúc tôi bị bắt, tôi phải đi ngay và đi tay không. Hôm sau tôi được phép viết về nhà để xin đồ cần dùng nhất như áo quần, kem đánh răng, v.v… Hàng đầu tiên, tôi viết: “Xin gửi cho tôi ít rượu thuốc trị bịnh đường ruột”. Bên ngoài, giáo dân hiểu ngay. Hôm sau, ông trưởng ban chấp pháp cầm đến một ve nhỏ bên ngoài có dán giấy đề chữ “thuốc trị bịnh đường ruột” và bánh lễ xé nhỏ bỏ trong một cái lọ chống ẩm, ông ta hỏi:

– Ông có bị bịnh đường ruột không?

– Có.

– Ðây là thuốc bên ngoài gửi vào cho ông!

Không bao giờ tôi vui bằng hôm đó: từ đấy mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi dâng thánh lễ.

Cũng như Đức cố Hồng Y, bí tích thánh thể thật sự là nguồn sức mạnh độc nhất của chúng ta, vì thiếu Mình và Máu Thánh Chúa, đời sống thiêng liêng của mỗi chúng ta sẽ chế, đời sống đức tin của chúng ta sẽ chết.

Như Đức Hồng Y đã cảm nghiệm: “Thánh Thể, Thịt Máu Chúa làm cho chúng tôi sống, “ ta đến là để chúng có sự sống và có một cách dồi dào”. Như Manna nuôi dân Do Thái đi đường về đất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường hy vọng.”

Quả vậy Đức Ki-tô đang hiện diện với chúng ta như tấm bánh sống động từ trời ban xuống. Nếu ai ăn bánh này người đó sẽ có sự sống đời đời. Thánh thể thật sự là một món quà tuyệt hảo vì đó là của ăn cho sự sống đời đời của mỗi chúng ta.

Trong ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta hãy tiếp tục dâng lời lời tạ ơn về điều kỳ diệu mà Chúa ban xuống nhân loại. Và chúng ta hãy dâng lên Chúa lời cầu nguyện lời nguyện của vị linh mục chủ tế trước khi rước lễ: Xin Mình và Máu Chúa cứu  con khỏi mọi tội lỗi và mọi sự dữ; xin cho con hằng tuân giữ giới răn Chúa và đừng để con lìa xa Chúa bao giờ. Amen.

Thông báo: Trùng tu Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội

GIÁO XỨ CHÍNH TÒA

TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI

Phố Nhà Thờ, Hoàn Kiếm, Hà Nội

THÔNG BÁO

Vv. Trùng tu Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội

Kính thưa quý Ông Bà và Anh Chị Em,

Nhà thờ Chính tòa của Tổng Giáo Phận Hà Nội chúng ta đến nay đã được 133 năm tuổi (1887 – 2020). Hơn 100 năm qua, ngôi nhà thờ này đã được gìn giữ và bảo trì nhiều lần cả bên trong lẫn bên ngoài. Hiện nay như quý ông bà và anh chị em thấy, vỏ tường bên ngoài nhà thờ đã bị bào mòn, mái ngói đã có nhiều chỗ bị dột nát, nước thấm vào bên trong làm cho trần nhà thờ bị bong tróc…nên việc trùng tu nhà thờ là rất cần thiết.

Sau khi cho tiến hành khảo sát tình trạng xuống cấp của nhà thờ, Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên đã ký quyết định thực hiện công việc trung tu mái, trát lại vỏ nhà thờ, cùng với trần nhà thờ. Việc trùng tu sẽ bắt đầu tiến hành từ ngày 10/07/2020, được thực hiện từng phần từ phía phòng thánh cho đến hai tháp nhà thờ.

Công việc trùng tu ngôi Nhà thờ Chính Tòa hiện nay đã hoàn thiện phần thân và đang tiếp tục thực hiện tại hai tháp chuông, sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và công sức. Vậy Giáo xứ xin quý Ông Bà và Anh Chị Em thêm lời cầu nguyện và rộng tay đóng góp để cho công việc trùng tu Ngôi Nhà Thờ Mẹ của Tổng Giáo Phận sớm được hoàn thành như lòng mong ước.

Mọi đóng góp xin gửi về quỹ trùng tu Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội: Linh mục Chính xứ An-tôn Nguyễn Văn Thắng, 40 Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tài khoản ngân hàng:

VIETCOMBANK

Chủ tài khoản (Account holder’s name): NGUYEN VAN THANG

Số tài khoản (Account number) VND:  0011004005608

Xin chân thành cám ơn quý Ông Bà và Anh Chị Em.

Giáo xứ Chính Tòa Hà Nội

Mạc khải Tình yêu

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi: Một Thiên Chúa có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Các nhà thần học đã tìm cách để đưa ra những định nghĩa rõ ràng nhất, nhưng nếu chúng ta không hiểu thì cũng không nên thất vọng. Điều quan trọng nhất,  không phải là hiểu được mầu nhiệm này nhưng là đi vào để cảm nhận được mầu nhiệm ấy. Điều mà chúng ta quan tâm hôm nay đó là khám phá ra Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài khi can thiệp vào đời sống con người. Mạc khải này được thực hiện cách tiệm tiến trong suốt chiều dài lịch sử.

Trong bài đọc thứ nhất, Chính Thiên Chúa tự tỏ mình ra cho dân được tuyển chọn. Dân tộc này đang chịu cảnh nô lệ bởi ngoại bang. Nhưng Thiên Chúa đã chọn Maisen để giải thoát họ và dẫn đưa họ qua sa mạc. Vào lúc mà sứ điệp này được gửi tới cho dân thì cũng là lúc mà dân Do thái chuẩn bị đi vào Đất Hứa. Họ được mời gọi khám phá ra lòng quảng đại của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa tự tỏ mình khi ký kết giáo ước với dân.

Niềm vui này cũng được gửi đến cho mỗi chúng ta hôm nay cũng như khi xưa, Thiên Chúa thấy được cảnh khốn cùng của dân Ngài. Ngài thấy các nước đang gây chiến với nhau; thấy nỗi thống khổ của những người bị mất tất cả, bị bỏ rơi. Và chắc chắn, ngài không quên những người đau yếu, những người đang chịu cảnh dịch bệnh, những người bị bỏ rơi và bị loại trừ…Ngài tiếp tục nói với chúng ta niềm mong ước của Ngài là giải phóng dân Ngài và Ngài đặt niềm tin nơi những ai tham dự vào sứ mạng này. Mỗi chúng ta hôm nay được sai đi mang tình yêu của Chúa đến với thế giới. Qua mỗi chúng ta, chính Thiên Chúa loan báo cho muôn dân tin mừng cứu độ.

Như vậyThiên Chúa mạc khải cho chúng ta khi biểu lộ tình yêu của Ngài. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nói với chúng ta rằng mỗi người là nghĩa tử của Chúa. Chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha. Vâng, Thiên Chúa là Cha chúng ta, một người Cha yêu thương con cái mình. Ngài muốn mỗi người con được hưởng ơn cứu độ. Như câu chuyện Người Cha Nhân Hậu, đứa con thứ đã sám hối trở về. Nó quý dưới chân Cha nó và đã được Cha nó đón nhận và phục hồi chức vị làm con. Nó tìm lại được vị trí của nó trong gia đình. Cũng vậy Thiên Chúa yêu thương chúng ta như những người con yêu dấu, và cho chúng ta trở nên người em của Chúa Giê-su. Tất cả những ân huệ đó được thực hiện trong tác động của Chúa Thánh Thần.

Bài Tin mừng hôm nay nói với chúng ta rằng Chúa Giê-su Ki-tô đã đến trong trần  gian để giúp các Tông đồ hiểu biết về Thiên Chúa đích thật. Và Ngài gửi các ông đi vào thế giới để loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Họ đã theo Chúa Giê-su lên núi cao. Theo ngôn ngữ kinh thánh, núi cao biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính nơi đó Chúa Giê-su mạc khải cho các ông. Như các tông đồ mỗi chúng ta được mời gọi quỳ gối và thờ kính Thiên Chúa. Sự tôn thờ đích thật hệ tại ở việc nhận biết Thiên Chúa như chính Ngài là hiện thân.

Với lệnh truyền mà Chúa gửi đến cho các Tông đồ là loan báo Tin mừng cho muôn dân, Chúa muốn các ông khởi đầu giao ước mới. Với giáo ước cũ, Thiên Chúa chỉ mạc khải cho một dân tộc, nhưng với giao ước mới, Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân trên toàn thế giới.

Điều hệ tại không phải là trở nên các tín đồ, cho bằng trở nên các môn đệ của Chúa Ki-tô, trở nên những con người phục vụ, loán báo tin mừng và làm phép rửa. Bí tích rửa tội mà chúng ta lãnh nhận dìm chúng ta trong đại dương của tình yêu Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Tin mừng là một câu chuyện tình yêu không bao giờ kết thúc, một câu chuyện tình yêu luôn luôn tươi mới và mở rộng.

Chúng ta được trở nên các chứng tá hăng say của câu chuyện tình yêu đó. Với sự mạng rao giảng Tin mừng, mỗi chúng ta không ở một mình. Thiên Chúa hứa sẽ ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời của Ngài, bằng Mình Máu Ngài. Ngài luôn có đó để ban thêm sức mạnh, sự can đảm để chu toàn sứ mạng. Chính Mẹ Maria nói với chúng ta hôm nay: Thầy bảo gì thì hãy làm theo.

Khi cử hành Thánh lễ này, chúng ta cùng hướng lòng lên Chúa trong niềm tri ân và cảm tạ, vì mỗi chúng ta đã nhận được bao nhiêu hồng ân từ nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Với Mẹ Maria, chúng ta có thể cất lên lời kinh Tạ ơn của chính Mẹ: Thiên Chúa đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu, danh Ngài là Thánh. Amen.

Sống thiên chức làm con

Chuyện kể rằng Thánh Augustino đang đi đi lại lại trên bờ biển suy tư để cố gắng hiểu cho bằng được về Chúa Ba Ngôi như thế nào thì bắt gặp một em bé đang ngồi cầm vỏ một con chai múc nước biển đổ vào một cái lỗ trên cát. Ngạc nhiên, ngài dừng lại hỏi: cháu đổ nước vào đó làm gì thế? Cháu muốn đổ cạn nước biển vào trong cái lỗ này ạ, em bé đáp lại. Thánh Augustino cười lớn rồi nói: cháu ơi làm sao mà cháu có thể đổ hết nước biển đại dương mênh mông này vào cái lỗ đó được. Vậy mà cháu thấy bác còn làm điều kỳ cục hơn cháu đấy vì việc đổ hết nước biển vào cái lỗ này còn dễ hơn là việc cố gắng hiểu biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như bác.

Thánh Augustino cũng dù có suy tư đến mấy thì cũng không thể hiểu thấu mạc khải một Thiên Chúa có ba ngôi: ngôi Cha, ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Nhưng ba ngôi lại chỉ là một Thiên Chúa chứ không phải là ba Thiên Chúa. Đây là môt mầu nhiệm vượt qua tầm hiểu biết của trí khôn con người.  Tuy nhiên qua các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, mầu nhiệm cao vời này lại được tỏ hiện cụ thể qua các hoạt động của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, từ đó chúng ta thấy được tình thương của Thiên Chúa đối với loài người nói chung và với mỗi người chúng ta nói riêng. Quả vậy, Kinh Thánh từng bước vén mở cho chúng ta thấy Thiên Chúa là thế nào qua tình yêu sâu xa mà Ngài dành cho con người.

Bài đọc thứ nhất cho thấy Thiên Chúa Cha ngỏ lời với dân riêng của Ngài và mạc khải  cho họ tình yêu vô biên của ngài. Vì yêu mà Thiên Chúa thấy rõ nỗi thống khổ của dân trong kiếp nô lệ tại Ai cập nên đã dẫn họ vượt qua biển đỏ, qua sa mạc khô cháy để tiến về miền đất tự do. Những gì mà Thiên Chúa làm cho dân Do Thái cho thấy bản tính của Thiên Chúa là tình yêu, ngài đến giải phóng và ký kết giao ước với dân người, để cho con người dự phần vào hạnh phúc vô biên của Ngài.

Thực vậy, thánh Phaolô trong bài đọc II cho thấy cái phần phúc cao trọng của mỗi chúng ta khi được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, trở nên con của Thiên Chúa và được gọi Ngài là Cha qua bí tích thánh tẩy mà chúng ta lãnh nhận. Nếu nhìn lên Thiên Chúa như là đấng quyền năng thì thường chúng ta cảm thấy sợ hãi và có tâm trạng của người nô lệ. Nhưng trong thân phận là con, thánh Phaolô  hôm nay đã xác tín rằng: không được sợ hãi Thiên Chúa vì Thánh Thần mà anh em nhận lãnh làm cho anh em không còn là nô lệ và sợ hãi nữa. Vậy nhờ tác động của Chúa Thánh Thần chúng ta trở nên những người con yêu dấu của Chúa Cha, và là anh em với Đức Ki-tô.

Như thế, mỗi chúng ta được trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha và được mời gọi thi hành lệnh truyền của Chúa Con là Đức Ki-tô gửi đến các Tông Đồ khi xưa qua quyền năng của Chúa Thánh Thần: Anh em hãy ra đi, làm cho tất cả muôn dân trở thành môn đệ của Thầy, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa  Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Lệnh truyền này cho thấy rằng biến cố Phục sinh không phải là kết thúc nhưng là một sự khởi đầu. Tất cả những điều mà Chúa Giê-su có thể làm và rao giảng nơi trần thế này là một sự chuẩn bị cho một cuộc truyền giáo mới nơi Giáo Hội của Đức Ki-tô, trong đó có mỗi người chúng ta. Với giao ước cũ, Thiên Chúa chỉ mạc khải cho một dân tộc là Israel, nhưng với giao ước mới mà chính Chúa Ki-tô thiết lập, Thiên Chúa tỏ mình ra cho tất cả các dân tộc trên thế giới.

Như vậy kính thưa… được sống trong ân sủng làm con cái trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, cuối cùng thì chúng ta có bổn phận làm cho gia tài tình yêu của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa mỗi ngày trở nên phong phú nhờ vào việc thực thi sự mạng rao truyền tình yêu này trong thế giới hôm nay, chắc chắn Thiên Chúa không để chúng ta lẻ loi nhưng nuôi dưỡng và chăm sóc chúng ta bằng chính Lời Ngài và bằng Mình và Máu Người mỗi ngày. Vâng, Ngài luôn hiện diện ban cho chúng ta sức mạnh và can đảm để vượt qua thử thách mà sống hạnh phúc trong thân phận của những người con. Để thấy được chân lý này, trong cuốn 5 chiếc bánh và hai con cá, có đoạn ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận viết rằng:

Nỗi gian khổ của 9 năm biệt giam một mình với hai người gác, không bạn bè, không có việc làm, tôi ở trong một sự trống rỗng tuyệt đối, đến mức có thể điên đi được. Tôi đi lại suốt ngày trong buồng giam, để vận động cơ thể kẻo nằm luôn thì tôi sẽ chết vì thấp khớp, viêm phổi.

Nhiều lúc một mình, tôi bị đau khổ giày vò, tại sao đang lúc mình 48 tuổi, trưởng thành và khỏe mạnh, sau tám năm Giám mục tôi đã có nhiều kinh nghiệm mục vụ, lại phải vào phòng biệt giam, xa giáo phận những 1,700 km?

Một đêm thanh vắng, một tiếng từ đáy lòng nhắc nhở tôi: “Tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Những gì con đã làm và tiếp tục làm như kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở mang các thí điểm truyền giáo… tất cả những công tác ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa! Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài. Chúa có thể làm tốt hơn con muôn nghìn lần; Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!”

Tôi luôn luôn học tập làm theo ý Chúa. Những ánh sáng này mang lại cho tôi một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ của tôi, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi “một sự bình an mà thế gian không cho được”.

Gương sống của ĐHY Phanxicô đã cho mỗi chúng ta thấy rằng sứ mạng làm chứng cho Chúa trong đời sống đức tin đôi khi vượt qua sức của chúng ta và làm cho chúng ta sợ hãi, nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta vì ngài luôn ở với chúng ta như lời ngài đã hứa với các Tồng đồ khi xưa là sẽ ở lại cùng Giáo Hội mọi ngày cho đến tận thế.

Trong niềm tin yêu của những người con luôn sống trong bầu khí yêu thương của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta cùng phó thác cuộc đời mình cho Chúa, học chọn theo thánh ý Chúa hơn là chọn việc làm của Chúa và cùng nguyện xin Ngài gìn giữ và ban ơn nâng đỡ chúng ta.

Lạy Chúa, xin ban xuống trên mỗi người chúng con sức mạnh và lòng can đảm để làm chứng cho tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa  mọi ngày bên cạnh những anh chị em con cùng một Cha. Amen.

Thông báo Thánh lễ truyền chức phó tế

TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

40 Phố Nhà Chung – Hà Nội

                                              Ngày 23 tháng 5 năm 2021

THÔNG BÁO

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC PHÓ TẾ

Tòa Tổng Giám mục Hà Nội trân trọng thông báo:

Đức Tổng Giám mục Hà Nội sẽ truyền chức Phó tế cho các chủng sinh có tên dưới đây cho Tổng Giáo phận Hà Nội vào lễ Đức Mẹ Thăm Viếng, ngày 31 tháng 5 năm 2021 lúc 10h00 tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội:

1.          Gioan PHẠM VĂN ĐÁT, sinh năm 1985, Giáo xứ Hà Thao

2.         Giuse VŨ DUY GIÁP, sinh năm 1984, Giáo xứ Ngọc Thị

3.         Phêrô NGUYỄN VĂN HẢI, sinh năm 1982, Giáo xứ Mang Sơn

4.         Giuse TRẦN VĂN HÙNG, sinh năm 1964, Giáo xứ Phúc Lâm

5.         Phêrô TRẦN DUY HƯƠNG, sinh năm 1983, Giáo xứ Công Xá

6.         Luca Loan PHẠM XUÂN HƯỚNG, sinh năm 1988, Giáo xứ Chuôn Trung

7.         Giuse ĐẶNG VĂN KHOA, sinh năm 1986, Giáo xứ Đồng Bào

8.         Giuse ĐINH VĂN LONG, sinh năm 1986, Giáo họ Cổ Liêu, Hoàng Nguyên

9.         Phaolô TRẦN VĂN MINH, sinh năm 1986, Giáo xứ Phú Ốc

10.     Antôn LÊ VĂN QUYẾT, sinh năm 1987, Giáo xứ Phù Tải

11.     Antôn NGUYỄN CHÚC SINH, sinh năm 1983, Giáo xứ Tân Độ

12.     Giuse VŨ VĂN THOAN, sinh năm 1983, Giáo xứ Vũ Điện

13.     Gioan Baotixita MAI VĂN TRƯỜNG, sinh năm 1988, Giáo xứ Canh Hoạch

14.     Phêrô TRẦN VĂN VŨ, sinh năm 1988, Giáo họ Tràng Xa, Khoan Vỹ

15.     Gioan TẠ ĐỨC VƯỢNG, sinh năm 1988, Giáo xứ Phú Đa

Vì tình hình dịch bệnh số người tham dự Thánh Lễ sẽ hạn chế. Xin kính mời quý cha và anh chị em sau đây đến đồng tế và tham dự Thánh Lễ (nếu đang không  phải cách ly y tế hay đang ở trong những vùng dịch bệnh):

–       Các cha quản hạt, các cha trong Đại Chủng Viện Hà Nội, các cha xứ, nghĩa phụ và phụ trách giúp xứ của các ứng viên.

–       Cha mẹ và anh chị em ruột của các ứng viên.

Quý cha và anh chị em không thể đến tham dự Thánh Lễ có thể theo dõi Thánh Lễ qua trực tuyến để phần nào hiệp thông trong tinh thần và cầu nguyện cho các thày trong sứ vụ phục vụ Hội Thánh.

                                                              Kính báo

Văn Phòng Tòa TGM Hà Nội

Chúa Thánh Thần: Sự Sống, Tình Yêu và Hiệp Nhất

Hôm nay Giáo Hội long trọng cử hành Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Chúa Thánh Thần đã được Chúa Giê-su hứa ban nhiều lần trong sứ vụ của Ngài.Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa đậu trên các Tông đồ, để các ông can đảm rao giảng Tin mừng cứu độ, khai sinh Giáo Hội của Chúa Ki-tô.Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội mở ra với toàn thế giới, không còn giới hạn nơi người Do thái, nhưng là cho tất cả mọi người.

Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, chúng ta cũng tìm hiểu ý nghĩa hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội và trong Thế giới.

  1.  Chúa Thánh Thần là Sự Sống

Sách Sáng Thế thuật lại vào lúc khởi đầu, “Thần khí Thiên Chúa đã bay lượn trên mặt nước”.

Trong chương trình cứu độ, Chúa Thánh Thần là nguồn mạch sự sống mới trong Chúa Giê-su Ki-tô qua sự cộng tác của Đức Trinh nữ Maria và thánh Giuse.

Và Đức Giê-su khi về trời đã gửi đến cho chúng ta Thánh Thần là Đấng ban sự sống.

Trên hành tình lữ hành trần thế, chúng ta còn phải tiếp tục chiến đấu chống lại những bóng đêm của sự chết: đói khát và chiến tranh vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi, dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, các trào lưu hủy diệt sự sống như phá thai, trợ tử vẫn tiếp diễn.

Trong một thế giới như thế,  chúng ta cần phải kêu cầu Đấng Ban Sự sống là Chúa Thánh Thần, để mọi người nhận biết tầm quan trọng của sự sống, và biết bảo vệ giá trị của sự sống.

Chúa Thánh Thần vẫn đang tiếp tục mời gọi mỗi chúng ta đạt tới tình yêu, niềm vui và khả năng đón nhận người khác, biết tha thứ và quảng đại với mọi người, cũng như phục vụ mọi người nhất là những người bị bỏ rơi.

Nếu Chúa Thánh Thần là nguồn mạch của sự sống trong mối tương quan Cha và Con trong gia đình Ba ngôi Thiên Chúa, thì Ngài cũng là nguồn mạch sự sống mới trong đời sống của chúng ta.

Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự khôn ngoan và mở lòng cho chúng ta hiểu biết mọi sự. Ngài ban cho chúng ta sức mạnh và sự soi sáng để biết chọn lựa những điều tốt. Ngài ban lòng trắc ẩn và kính sợ Thiên Chúa để loại trừ ích kỷ và học biết yêu thương

  • Chúa Thánh Thần là Tình Yêu

Chúa Thánh Thần được định nghĩa là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Tuy nhiên, với thân phận bất toàn của phận người thì từ vựng tình yêu viết thường của con người lại làm méo mó tình yêu viết hoa của Thiên Chúa. Tình yêu con người thường là vị kỷ thay vì tận hiến vì và cho người khác. Thế giới hôm nay còn thiếu vắng tình yêu đích thật nên bạo lực lan tràn, sự dửng dưng vô cảm làm cho lòng người trở nên hẹp hòi và trai cứng.

Vậy thế giới hôm này cần đến Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, để tình yêu giữa người nam và người nữ trở nên mối tương quan sống động chứ không phải là một cuộc gặp gỡ chóng qua; để tình yêu giữa cha mẹ và con cái làm nên một bầu khí đối thoại yêu thương thay vì sự áp đặt cứng nhắc; để tình yêu giữa người giàu với người nghèo sẽ là một sự chia sẻ trong yêu thương chứ không phải là bố thí trong sự thương hại với những cử chỉ lạnh nhạt; và để tình yêu giữa ngừoi với người không chỉ dừng lại ở lời nói xuông nhưng còn được biểu lộ bằng những hành động cụ thể.

  • Chúa Thánh thần là sự hiệp nhất

Nếu chính trong quyền năng của Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa trở nên Một, thì chính trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà chúng ta làm nên một thân thể trong sự đa dạng của mỗi chi thể.

Xã hội hôm nay đang bị thống lãnh bởi các chia rẽ: khoảng cách giữa người giàu và người nghèo tăng lên, các xung đột về sắc tộc, văn hóa mỗi ngày một trầm trọng, các tương quan giữa người già và người trẻ, người nam và người nữ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những những xung đột và bất toàn.

Vì thế Giáo Hội được chiếu soi bởi Chúa Thánh Thần có nhiệm vụ xích lại gần mọi người và các dân các nước để kiến tạo sự hiệp nhất. Thánh Phaolô nhắc lại điều này thường xuyên trong thư của Ngài. Sức mạnh Tin mừng của Chúa Giê-su là sức mạnh của Tình yêu.

Nhưng sự hiệp thông này chỉ có thể được khi đặt nó trong mối tương quan với Chúa Giê-su, nhờ đó chúng ta có thể mở lòng đón tiếp nhau, quảng đại trong sự tha thứ và vô vị lợi trong sự khiêm tốn và nhân từ.

Chúa Thánh Thần là Sự Sống, là Tình Yêu và là sự Hiệp nhất. Ngài đang hiện diện giữa chúng ta, đang hiện diện trong Giáo Hội và đang hiện diện giữa thế giới hôm nay. Xin Ngài đổi mới tâm hồn các tín hữu và làm cho đời sống đức tin chúng ta trổ sinh nhiều bông trái bằng Sự Sống, Tình Yêu và sự Hiệp nhất mà chính Ngài ban tặng. Amen.