Chinhtoa church

Mục tử nhân lành

Một triết gia có tên là Henri Bergson đã viết như sau: Hàng trăm cuốn sách tôi đã đọc, không đem lại cho tôi sự an ủi bằng lời Thánh vịnh 23: “ Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người”.

Mỗi chúa nhật IV phục sinh, chúng ta lại có dịp đọc lại và cùng nhau suy niệm về dụ ngôn Chúa Chiên Lành, với hình ảnh người mục tử vác chiên trên vai được thể hiện nhiều nhất trong nghệ thuật ki-tô giáo. 

Đối với người Việt chúng ta thì hình ảnh “chiên và người mục tử” không phải là một hình ảnh gần gũi vì ở Việt Nam không chăn nuôi cừu chiên như ở Palestine xưa. Hơn nữa trong cuộc sống hiện đại hôm nay, khi nói đến đàn chiên và mục tử có lẽ chẳng phù hợp tý nào, nhưng nếu đi sâu vào ý nghĩa tôn giáo thì hình ảnh chiên và mục tử lại tràn đầy ý nghĩa.

Quả vậy, Kinh thánh thường xuyên dùng hình ảnh mục tử để nói về các người lãnh trách nhiệm lãnh đạo trong dân hoặc chỉ về vị Vua – Đấng Messia.  

Đức Giê-su là Đấng Messia, Ngài cho chúng ta thầy Ngài chính là mục tử nhân lành vì Ngài biết từng con chiên trong đàn và các con chiên biết ngài và dám thí mạng sống mình vì đàn chiên. Động từ “biết” ở đây không có nghĩa là biết cách trừu tượng nhưng là một sự dấn thân hiệp thông, một sự ban tặng hỗ tương, một sự đối thoại, tắt một lời đó là một mối tương quan sâu sắc trong ý nghĩ, hành động và con tim.

Vâng, Đức Giê-su biết tất cả chúng ta một cách sâu sa trong tận sâu thẳm của tâm hồn. Và khi biết như thế không có nghĩa là Ngài chỉ biết rõ những con chiên béo, những con chiên ngoan, những con chiên tốt mà Ngài đặc biệt quan tâm tới những ai chưa biết Ngài, những ai đang sống bên lề tình yêu thương của Ngài. Cách này hay cách khác, tất cả mọi người đều thuộc về đoàn chiên của Ngài, dù vẫn còn đó những con chiên xấu đang làm cho những con chiên tốt không nghe theo tiếng gọi của Vị mục tử, rời bỏ đoàn chiên đi hoang trong lợi lộc và thú vui trần thế.  Tuy nhiên thì Đức Ki-tô tình yêu vẫn không ngừng lôi kéo và tập hợp những con chiên lạc trở về cùng một đoàn chiên và một Chúa chiên.

Hôm nay Thiên Chúa tin tưởng tất cả chúng ta, là đoàn chiên của Chúa đang hiện diện trong ngôi nhà thờ chính tòa này và trao phó cho mỗi chúng ta sứ mạng của người chăn chiên lành. Đây chính là lời mời gọi mà Chúa gửi đến cho tất cả mọi người, trước hết là các bạn trẻ biết quảng đại tận hiến đời mình cho Chúa để trở thành các linh mục và tu sỹ rao giảng và làm chứng nhân của Tình Yêu trong thế giới hôm nay.

Trong ngày hôm nay, kính thưa…là ngày thế giới cầu nguyện cho ơn kêu gọi lần thứ 59. Thiên Chúa tiếp tục mời gọi các linh mục, các phó tế, các tu sỹ nam nữ và anh chị em giáo dân tham dự vào trong kế hoạch cứu độ của Ngài. Chúa kêu gọi tất cả mọi người tham dự vào sứ mạng cao cả này, nên chúng ta không thể nói tôi đã quá tuổi, hay tôi quá trẻ, tôi không có khả năng hay tôi quá mệt mỏi…Vâng lời mời gọi của Chúa thật tha thiết khi nói với chúng ta như nói với các tông đồ khi xưa rằng: Đừng sợ, Thầy đang ở cùng con.

Với Bí tích Thánh Thể mà chúng ta tham dự, nếu chúng ta nối kết đời mình với Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô, chúng ta sẽ kín múc được từ đó nguồn mạch của tình yêu tuôn chảy từ Thiên Chúa. Chính Tình yêu thương của Ngài sẽ đưa chúng ta tham dự vào kế hoạch của Đức Ki-tô.

Lạy Chúa, xin ban thêm cho chúng con sức mạnh và sự can đảm để chúng con có thể trung thành với sứ mạng mà Chúa trao phó cho mỗi người chúng con. Amen.

Các con có gì ăn không?

Tin mừng hôm nay trình thuật Chúa Giê-su phục sinh hiện ra lần thứ ba với các môn đệ. Biến cố này xẩy ra ở bờ biển hồ Gallilêa. Mọi sự bắt đầu bởi sáng kiến của ông Phêrô khi ông đề nghị anh em đi đánh bắt cá, nhưng lại không bắt được con cá nào. Chính vào giây phút thất bại này mà Chúa Giê-su đến với các ông. Khi mà mọi sự dường như kết thúc thì Chúa Giê-su lại đến tìm kiếm các ông. Ngài hiện diện với họ bên bờ hồ, nhưng họ không nhận ra Ngài.

Trước những buồn chán và mệt mỏi sau mẻ cá thất bại, Chúa Giê-su đã yêu cầu các môn đệ tiếp tục thả lưới: hãy thả lưới ở mạn phải thuyền, anh em sẽ bắt được cá. Và kết quả vượt quá niềm hy vọng của các môn đệ. Họ đã bắt được mẻ cá đầy.

Tin mừng cho thấy các môn đệ đã bắt được 153 loại cá. Con số biểu tượng này tương đương với tất cả các loài cá tính được vào thời đó. Điều này muốn nói về sứ mạng hoàn vũ được trao cho nhưng ai được mời gọi trở nên những kẻ lưới người như lưới cá. Tuy nhiên, sứ mạng đặc biệt này chỉ có thể thực hiện với sự giúp sức của Thiên Chúa. Các môn đệ thả lưới nhưng chính Chúa làm cho mẻ lưới đầy cá. Đây là điều được thực hiện đối với mọi công cuộc truyền giáo: chúng ta được sai đi để loan báo Tin mừng cứu độ nhưng chính Chúa hoạt động trong con tim của những ai biết lắng nghe và làm cho sinh hoa kết quả.

Tất cả những điều đó đòi hỏi nơi mỗi chúng ta một tình yêu hoàn hảo dành cho Đấng đã kêu gọi và sai chúng ta đi.  Có một câu chuyện truyền kỳ về những ngày sau cùng của một con người đã hết lòng yêu mến Chúa, và đã cảm nghiệm sâu xa ơn thứ tha của Người, được kể lại như sau :

Ông đến Rôma giữa lúc Nêrông đang bắt bớ đạo thánh. Một số người đã chịu tử đạo. Tình thế nguy kịch, nên các tín hữu khuyên ông hãy chạy trốn ra khỏi thành, để còn người duy trì và giữ vững đạo thánh.

Khi ra khỏi cổng, ông gặp một người đang vác thập giá đi vào thành Rôma. Ông lên tiếng hỏi : “Quo vadis ?” nghĩa là “Người đi đâu đó ?” Người ấy trả lời : “Thầy đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”. Ông chợt hiểu, vội vàng quay lại Rôma. Ông nhập vào hàng ngũ các tín hữu sắp chịu cực hình để an ủi họ và giúp họ giữ vững niềm tin. Sau khi chứng kiến các tín hữu bị làm mồi cho thú dữ ăn thịt, bị hoả thiêu trên một rừng thập giá, thì chính ông cũng bị đóng đinh ngược, đầu quay xuống đất, theo lời ông xin, vì nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh như Thầy.

Con người yêu mến Chúa Giê-su ấy chính là Phêrô, và cái chết chứng mình cho tình yêu của người môn đệ đã được Chúa Giêsu tiên báo trong bài Tin Mừng hôm nay.

Hôm nay Chúa Giêsu hỏi Phêrô: Simon, con ông Giona, con có yêu mến thầy hơn những người này không? Câu hỏi này được lặp đi lặp lại tới 3 lần. Phêrô là vị tông đồ trưởng đã từng chối Thầy mình tới 3 lần trong cái hoàn cảnh, cái giây phút thử thách nhất đối với ông. Nhưng Chúa Giê-su đã cho ông cơ hội để đứng lên. Phêrô đã thưa với Thầy mình 3 lần để nói lên tình yêu của ông dành cho Chúa. Và lúc đó Chúa Giê-su đã trao phó cho ông chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Quả vậy đó là một bằng chứng cho thấy tất cả các chứng nhân đức tin đều là những tội nhân đã được ban ơn tha thứ, những người đã được đón nhận bởi lòng thương xót Chúa.

Trong Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa tuần trước, chúng ta có dịp suy niệm về lòng thương xót không giới hạn của Chúa Giê-su Ki-tô. Mỗi chúng ta cần phải cảm nghiệm sâu xa về Lòng Thương Xót Chúa. Chúa Ki-tô nối kết với mỗi người ở bất cứ nơi đâu và khơi lên niềm hy vọng. Đối với Chúa, không bao giờ có tình trạng thất vọng. Như là Phêrô, mỗi chúng ta được mời gọi đắm chìm và nối dài niềm cậy trông dựa trên lời hứa của Chúa. Như Phêrô, chúng ta được sai đi để làm chứng tá cho niềm hy vọng trong thế giới này. Chúa Ki-tô phục sinh muốn biểu lộ lòng thương xót của Ngài cho tất cả mọi người và cho mỗi người. Chính Ngài nói với chúng ta rằng Ngài đến để “tìm kiếm và cứu vớt những người đã hư mất”. Ngài muốn chúng ta nối kết với sự hiển thắng của Ngài trên sự chết và tội lỗi.

Sứ điệp của Lời Chúa gửi đến cho chúng ta hôm nay đó là chính Đức Ki-tô phục sinh đang hiện diện, dù chúng ta không nhìn thấy Ngài. Ngài không ngừng liên đới với chúng ta trong tâm lòng, trong đời sống, trong những nỗi nghi nan và thử thách. Ngài đến ban ơn tha thứ và đặt niềm tin tưởng nơi mỗi chúng ta. Của ăn mà Ngài ban sẽ ban thêm sức mạnh, không phải là món cá nướng bên bờ biển hồ khi xưa nhưng là chính Mình và Máu Thánh Ngài. Như tông đồ Phêrô, mỗi chúng ta đã được ghi dấu ấn trong tình yêu của Chúa, nên được sai đi để làm chứng tá, để trở nên sứ giả sống động của Tin mừng cứu độ. Amen.

Lòng thương xót Chúa

Chúa nhật II Phục sinh hôm nay được gọi là Chúa nhật của lòng thương xót Chúa. Chúa nhật lòng Chúa thương xót đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II thiết lập nhân dịp ngày lễ phong thánh cho nữ tu Faustina.

Với ý nghĩa của ngày lễ hôm nay, các bài đọc Kinh thánh đều quy về lòng thương xót của Chúa trong bầu khí vui mừng của mùa PS.

Bài đọc thứ nhất trích trong sách Tông đồ Công vụ đã chỉ cho chúng ta thấy một cộng đoàn tín hữu đón nhận lòng thương xót của Chúa. Chính nhờ vào cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa mà họ đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống. Họ hiểu được rằng họ được kêu gọi để trở nên một cộng đoàn của tình liên đới, một cộng đoàn cầu nguyện và một cộng đoàn liên kết mật thiết với Chúa.

Bài tin mừng tiếp tục mời chúng ta đi thêm một bước nữa trong việc khám phá Lòng thương xót này. Chính vào tối ngày thứ nhất trong tuần, tức là vào tối Chúa nhật. Các môn đệ đã đóng kín cửa nhà vì nỗi sợ hãi đang bao trùm, do lòng thù hận và bạo lực đang bao trùm thành Giêrusalem sau cái chết của Chúa Giêsu. Sự sợ hãi này cũng liên quan tới mỗi chúng ta, ai mà không biết ở nhiều nơi trên thế giới hôm nay, có nhiều tín hữu đã bị giết; nơi này nơi khác các ki-tô hữu bị chế nhạo. Chúng ta cũng đang sống trong một thế giới bị dìm trong sự vô cảm, vô tín và mất niềm tin. Vậy mà trong một thế giới như thế, mỗi chúng ta lại có sứ mạng làm chứng cho niềm tin trong Chúa Ki-tô.

Như là Chúa đã làm cho các Tông đồ, cách riêng cho ông Tô-ma, Chúa Ki-tô phục sinh liên đới với mỗi chúng trong mọi hoàn cảnh. Ngài luôn có đó để nâng đỡ chúng ta trong đời sống và trong cả những lầm lạc. Ngài là Emmanuel, tức là “Thiên Chúa ở cùng”. Ông Tô-ma đã không thể tin Chúa phục sinh. Đối với ông thì không thể tin được. Ông đã thấy Thầy mình chết trên thập giá và được an táng trong mồ. Ông không thể tưởng tượng được rằng Chúa đã sống lại. Có lẽ chúng ta cười nhạo ông vì đã không tin, nhưng nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh của ông, chúng ta cũng không khá hơn đâu.

Chúa Giê-su phục sinh đã đến để củng cố niềm tin và mang đến cho các Tông đồ niềm hy vọng. Lời đầu tiên của Chúa là một sứ điệp của bình an. Bình an này là niềm vui, là lòng thương xót và là ơn tha thứ, là sự hòa giải. Vào giây phút sai đi, Ngài muốn giải phóng các tông đồ khỏi nỗi sợ hãi đang nặng trĩu trong lòng các ông. Ngài muốn ban cho các ông sức mạnh và sự can đảm bởi vì các ông sẽ có một chặng đường dài để tiến tới. Các Tông đồ được sai đi để loan báo cho tất cả thế giới rằng tất cả mọi người được kêu gọi để hoán cải nơi Đức Ki-tô và đón nhận lòng thương xót mà Ngài không ngừng muốn trao ban.

Là các ki-tô hữu, chúng ta hôm nay đang thừa hưởng chứng tá của các tông đồ và mỗi chúng ta cũng được sai đi để tiếp tục làm chứng tá cho mọi người xung quanh, cho gia đình mình, cho nơi mình làm việc và sinh sống. Niềm tin của chúng ta chỉ sống động thực sự khi nó lan tỏa. Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta trong thế giới mà chúng ta đang sống, nơi mà Ngài gieo trồng chúng ta để trổ sinh bông trái. Ngài mong muốn làm những điều kỳ diệu trong đời sống chúng ta và không gì có thể chia cắt chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài.

Trong ngày hôm nay, chúng ta cần nhìn lại cộng đoàn đầu tiên của những kẻ tin. Như họ, mỗi chúng ta được mời gọi đặt để đời sống đạo dựa trên những cột trụ sau:

  • Trung thành với lời dạy của các Tông đồ để đào sâu đức tin và làm cho Tin mừng biến đổi đời sống.
  • Trung thành trong đời sống cộng đoàn để có thể chia sẻ mọi thứ cho nhau.
  • Trung thành tham dự và cử hành bí tích Thánh Thể,
  • Trung thành cầu nguyện ở trong gia đình và trong cộng đoàn.

Bốn cột trụ này là cần thiết biết bao vì chính nhờ đó mà chúng ta có thể làm chứng tá thực sự về đời sống đạo của những con cái Chúa.

Mỗi chúa nhật, chính Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh liên  đới với cộng đoàn ki-tô hữu đang tụ họp để cử hành bí tích Thánh Thể. Xin Chúa Ki-tô phục sinh ở với mỗi chúng ta để chúng ta thêm can đảm trong đời sống chứng tá. Xin Ngài giúp chúng ta sống quảng đại hơn trong việc thực thi chia sẻ bác ái huynh đệ. Lạy Chúa, Ngài là Ánh Sáng, là Tình Yêu, xin soi sáng lòng chúng con bằng Thánh Thần của Chúa. Amen.

Chúa đã sống lại thật! Alleluia!

Sau đêm Vọng Phục sinh là thời khắc Đức Giê-su Kitô hiển thắng trên sự chết và bóng đêm, giờ đây trong buổi sáng Phục Sinh, là giờ phút mà ánh sáng hiển trị, như Tin mừng vừa thuật lại, việc xẩy ra là “ngày thứ nhất trong tuần”, Ngày Chúa Phục sinh vinh hiển. Sự kiện này nhắc chúng ta nhớ lại những trang đầu của Kinh Thánh, khi Thiên Chúa chiếu sáng thế giới vào ngày thứ nhất của công trình sáng tạo.

Lễ Phục sinh đối với các Ki-tô hữu là ngày lễ lớn nhất trong năm. Đó là ngày lễ của sự sống, của mùa xuân, của sự đổi mới và của niềm vui.

Lễ Phục sinh mở ra một tiến trình khác trên sự sống và sự chết. Trong thành Roma cổ, người ta thấy có nhiều bia mộ mang những dòng chữ diễn tả nỗi buồn lớn lao như: “Vĩnh biệt, đây là dấu chấm hết của tình yêu chúng ta”; “chúng ta mãi mãi không còn thấy nhau”; “ Tình bạn của chúng ta kết thúc với cái chết”…Ngược lại trên những nấm mồ của các Ki-tô hữu tại các hang toại đạo, ta lại thấy những dòng chữ đầy tràn niềm hy vọng như: “Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau”; “bạn đang sống trong Chúa”; “Bạn về Nhà Cha”; “Bình an ở với bạn”…

Có những người cho rằng chết là hết. Nhưng các ki-tô hữu thì lại tin rằng cái chết là một cuộc vượt qua để đạt tới một sự sống khác và nó mang đến một ý nghĩa không chỉ đối với sự chết mà còn đối với điều mà chúng ta đang sống hằng ngày. Các văn sỹ ki-tô giáo đã dùng rất nhiều hình ảnh để minh họa cho sự sống mới này như: một đứa trẻ sinh ra khỏi lòng mẹ, một con tằm trở nên con bướm, một hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi để trở nên một cây to…

Điều phân biệt các tín hữu với các người vô thần là sự sống lại, đó là niềm tin vào một Thiên Chúa, Đấng không giới hạn sự sống và không chấp nhận rằng mọi sự kết thúc nơi nấm mồ. Mặt khác, danh từ mà các tín hữu dùng để chỉ nơi chôn cất những người đã qua đời là vườn thánh, có nghĩa là nơi an nghỉ của những lữ khách, hay là nơi ở tạm mà thôi.

Phụng vụ chúa nhật phục sinh diễn tả sự bình an và thanh bình. Chúa đã sống lại; Vào lúc bình mình ló rạng: một tin vui được loan báo: “ đừng tìm người sống giữa những kẻ chết”. Đức Giê-su đã mở ra cánh cửa của sự chết. Ngài đã nói với chị Maria, chị của Lazagiô: Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy sẽ không chết bao giờ”.

Sự sống lại là câu trả lời của Thiên Chúa là Cha trước những bạo lực, bất công của đòn vọt và thập giá. Những ai kết án Chúa Giê-su đã tin rằng họ có thể làm Ngài câm lặng và khử trừ được Ngài. Nhưng không, Thiên Chúa Cha đã cho Ngài sống lại, để minh chứng những giá trị mà Ngài muốn thực hiện trong đời sống của Đức Giê-su, như lời thiên thần nói với các phụ nữ vào sáng Chúa nhật Phục sinh: “ Tại sao các bà lại đi tìm người sống giữa những kẻ chết”?

Niềm tin ki-tô giáo không ngừng nói với chúng ta rằng Đức Ki-tô đã sống lại và sự sống của chúng ta không kết thúc bởi cái chết. Lễ Phục sinh và sự sống lại đưa chúng ta vào một mùa xuân mới sau một mùa đông lạnh giá mang màu sức của sự chết, nhờ đó thúc đẩy chúng ta đưa ra lời cam kết ngay từ lúc này để thực sự đạt được sự sống. Đức Ki-tô mời gọi mỗi chúng ta sống sự sống viên mãn ngày từ bây giờ, bằng việc đi ra khỏi những nấm mồ, những chán nản, sợ hãi đang bủa vây chúng ta. Vâng, hãy ra khỏi mồ, khỏi những gì làm cho không còn hy vọng, vì chính Chúa Giê-su đã nói với chúng ta rằng: Ta đến để các ngươi được sống và sống dồi dào. Chúa muốn chúng ta được sống sự sống dồi dào của Chúa.

Sau bữa Tiệc ly, khi trở về núi Cây dầu, Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ: “ khi thầy sống lại, Thầy sẽ hẹn gặp anh em ở Gallilé”. Đó cũng chính là lời mời mà Chúa Giê-su gửi đến cho các phụ nữ sau khi Chúa sống lại: “ các bà hãy đi báo cho anh em thầy rằng họ hãy đến Gallilé và thầy sẽ hẹn gặp lại họ ở đó. Các môn đệ được thúc giục đến Gallile là quê hương bản quán, là gia đình của các ông, với lưới và thuyền.

Ki-tô giáo là một tôn giáo của sự phục sinh. Chúng ta không không hiểu hết những đau khổ trong thế giới nhưng chúng ta không tin sự khổ đau là tiếng nói cuối cùng, và chúng ta sẽ làm tất cả để chinh phục sự chết.

Thực vậy, chúng ta đang sống trong một thế giới mà cái chết đang diễn ra xung quanh. Hàng triệu người đã chết vì nhiều lý do: chiến tranh, nghèo đói, bạo lực, khủng bố, tự sát, nghiện ngập ma túy và rượu, thực phẩm ô nhiễm, môi trường ô nhiềm làm nên bao nhiêu tật bệnh, và ngay lúc này là nạn dịch Covid 19 đã gặp ra hang tram ngìn cái chết trên toàn thế giới.  Và chúng ta muốn chiến đấu để chống lại nó.

Vậy nên khi cử hành ngày Chúa Phục Sinh, mỗi Chúa nhật chúng ta xum họp bên Chúa. Ngày thứ Sabbat là ngày kết thúc tuần lễ, thì ngày Chúa nhật lại là ngày để tạ ơn và mở ra một tuần mới. Chúa Ki-tô phục sinh đang ở giữa chúng ta, như chính Ngài đã hứa: ở đâu có hai hay ba người họp nhau vì danh ta thì ta sẽ ở giữa họ. Ngài mời chúng ta lắng nghe Lời Ngài, chia sẻ sự sống của Ngài và được mạnh sức trong đời sống là nơi mà Ngài vẫn đồng hành với mỗi chúng ta vì Ngài hứa ở ‘cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.

Hôm nay, chúng ta mừng đại lễ Phục sinh, ngày lễ quan trong nhất với mọi ki-tô hữu. Đức Ki-tô sống lại trao ban cho mỗi chúng ta ơn can đảm để trở về Gallilê đời mình, là gia đình, là môi trường làm việc, và sống mùa xuân của Thiên Chúa. Trong ngày thứ nhất trong tuần, ngày Chúa Phục sinh, nguyện chúc cộng đoàn tràn đầy niềm vui phục sinh. Chúa đã sống lại thật. Allleluia. Amen.

Tình yêu Thiên Chúa

Hàn Mặc Tử, một nhà thơ tài hoa công giáo, khuyên chúng ta – qua bài “Đà Lạt trăng mờ” – như sau:
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
để nghe dưới đáy, nước hồ reo
để nghe tơ liễu run trong gió
và để xem Trời giải nghĩa yêu.”

= Thiên Chúa là Tình yêu, tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.

1.Tình yêu Thiên Chúa

– Thiên Chúa là Tình yêu

+ Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một người để tất cả những ai tin vào con của người thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời. (Ga 3,16)

– Tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Ki-tô

+Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình. (Ga 15, 13)

+“Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.. Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” (Ga 13, 1.4-5).

+  “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.

+ Bữa tiệc Thánh Thể mà Chúa Giê-su đã lập trong đêm thứ Năm Thánh là bằng chứng rõ rệt nhất của tình yêu. Và cho đến hôm nay, hơn 2000 năm đã qua đi, bữa tiệc ấy vẫn luôn hiện thực trên các bàn thờ trong các thánh lễ.

2. Sống tình yêu Thiên Chúa

 – Tình yêu con người: ích kỷ, chiếm hữu…

 – Yêu như Thầy yêu

+ “Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”.

+ tình yêu đúng nghĩa là hy sinh, là quên mình để phục vụ, là cống hiến không ngừng cho tha nhân được hạnh phúc

+ Cuộc đời mình không ngừng là tấm bánh bẻ ra vì anh chị em. Khi mời gọi “các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”, Chúa tha thiết kêu mời chúng con hãy yêu nhau theo cách yêu của Chúa

+ Ở cuối văn kiện Tòa Thánh, các Ðức Giáo Hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ ký của mình: “Tôi tớ của các tôi tớ”. Ðây là tinh thần mà Chúa Giêsu muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải có, như được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”.

+ Mẹ Têrêsa Calcutta nói:” Đừng thỏa mãn với việc cho đi tiền bạc. Tiền bạc mà thôi chưa đủ, còn cần tấm lòng yêu thương nữa”. Tập thực hành đức yêu thương và phục vụ trong những việc nhỏ nhặt nhất trong đời sống thường ngày để dâng những công việc bác ái đó làm của lễ mỗi khi bạn tham dự bàn tiệc Thánh Thể.

+ Chứng từ: Ý tình cờ nhặt được một chiếc ví trong con hẻm nhỏ. Khi mở ra, trong ví gồm có một chiếc điện thoại iPhone 5S, 15,5 triệu đồng tiền mặt cùng 2 quyển sổ tiết kiệm trị giá hơn 1,3 tỷ đồng. “Tôi chỉ muốn nhanh chóng trả lại chiếc ví. Tôi nhặt được ví khi đang trên đường đến nhà bạn. Thấy trong đó là tài sản lớn, tôi nghĩ ngay người mất sẽ rất đau khổ nên muốn nhanh chóng trả lại họ. Do điện thoại của chủ nhân có mật khẩu nên tôi không thể liên lạc ngay với người thân của họ. Chỉ đến khi có người gọi đến điện thoại của người mất ví, tôi mới có số điện thoại trao đổi để tìm chủ nhân chiếc ví. Lúc gặp được chị Thư qua điện thoại đã gần 17g, tôi vội đi lễ nhà thờ nên mới hẹn đến chỗ tôi làm ở nhà nghỉ Sao Mai để trả ví. Do quá vội nên tôi không có thời gian báo công an, vả lại lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao trả lại tài sản cho người mất nhanh nhất là được. Khi công an tới, thật sự tôi rất bất ngờ nhưng nghĩ mình không làm gì sai nên không lo sợ”.

Kết luận: Lạy Chúa Ki-tô, Mẹ Hội Thánh muốn chúng con quay về với tình yêu của Chúa để trước hết được thánh hóa, hầu có thể yêu tha nhân như Chúa đã hiến thân mình để yêu thương chúng con.

Đối với con, Ta là ai?

“ Chúa Giê-su chịu hấp hối cho đến tận thế”, câu nói của một triết gia công giáo cho thấy sự thương khó của Chúa vẫn tiếp diễn. Cho đến hôm nay, người ta vẫn chế nhạo Chúa và những ai tin vào Ngài. Người ta kết án tử Ngài và làm cho ngài biến mất để chứng minh rằng ngài là một tên bịp bợm không còn tồn tại.

Từ hơn 2000 năm qua, vụ kết án của Chúa Giê-su vẫn tiếp tục được nhắc lại năm này qua năm khác, thế kỷ này qua thế kỷ khác. Hôm nay cũng thế, Đức Ki-tô đang nhìn chúng ta với lòng nhân từ và đặt cho chúng ta câu hỏi: Đối với con, ta là ai?

Trong bài thương khó theo thánh Luca mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giê-su bị vây quanh bởi nhiều gương mặt khác nhau: các biệt phái và luật sỹ, quan Phi-la-tô, thượng tế Caipha, ông Giu đa, Phê rô và các môn đệ, ông Simon thành Cy-rê-nê, người trộm lành, ông Giu-se thành Arimathia, các phụ nữ theo Chúa, viên bách quan và những người lính…

Qua đám đông những người tin hoặc không tin theo Đức Giê-su đó, Thánh Luca làm nổi bật lên khuôn mặt Thiên Chúa đầy lòng thương xót, nhân từ và bao dung. Đó chính là điểm nhấn của Tin mừng Luca, muốn diễn tả tình yêu của Thiên Chúa Cha biểu lộ qua Đức Giê-su, dành cho những người nghèo, những người đau khổ những người bên lề xã hội.

Điểm lưu ý trong bài thương khó theo Thánh Luca mà các phúc âm khác không nói đến, là ba lần Chúa lên tiếng để mạc khải căn tính của Thiên Chúa. Chúng ta cùng suy gẫm ba lời này của Chúa Giê-su.

Lời thứ nhất: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Lời này là tiếng kêu sâu thẳm của tình yêu chỉ có nơi Thiên Chúa. Tiếng kêu của sự tha thứ đáp lại những lời nguyền rủa, những lời chế nhạo của đám đông vây quanh, của các luật sỹ và biệt phái, của những người lính canh.

Trong suốt cuộc đời, Chúa Giê-su rao giảng sự tha thứ. Ngài đã yêu cầu các môn đệ tha thứ không chỉ cho nhưng người thân cận mà cả những kẻ thù những kẻ làm hại mình. Ngài đã yêu cầu Phê-rô phải tha thứ không chỉ bẩy lần nhưng là bẩy mươi lần bẩy; trong dụ ngôn người con hoang đàng, ngài cho thấy hình ảnh Thiên Chúa như một người Cha đã mở tiệc ăn mừng khi đứa con đi hoang trở về. Bị đối xử như một kẻ gian ác, bị kết án tử nhục nhã và bất công, bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp, nhưng Chúa Giê-su vẫn vượt thắng tất cả để thốt lên lời tha thứ: Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.

Lời thứ hai: “Ngày hôm nay, người ở trên thiên đàng với ta”. Đó chính là lời Chúa dành cho tên trộm đã tin vào Ngài. Vâng, Chúa đã biểu lộ tình yêu và lòng nhân trong suốt những năm tháng trong cuộc đời: Maria Madalena, Gia-kêu, người phụ nữ Samaria, người đàn bà ngoại tình, Phê-rô,  những người què quặt đui mù, đau yếu, quỷ ám v.v. đều nhận được lòng thương xót của Chúa. Và ngay cả lúc hấp hối, Chúa vẫn đón nhận người tử tội cùng chịu đóng đinh với Chúa: Ngay hôm nay, người sẽ ở trên thiên đàng với ta. Ngay ở ngưỡng của sự chết, Chúa Giê-su mở ra cho người bất hạnh này niềm hy vọng và sự sống. Trải qua các thế kỷ, Chúa Ki-tô vẫn luôn luôn là niềm hy vọng cho biết bao nhiêu tâm hồn và Ngài tiếp tục làm điều đó hôm nay.

Lời thứ ba: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”. Thánh sử Luca cho thấy cái chết của Chúa Giê-su không phải là một biến cố vô nghĩa nhưng là một sự biểu lộ tình yêu, là một cuộc vượt qua về với Chúa Cha: Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha. Dù Chúa Giê-su vẫn luôn sống mối tương quan mật thiết với Chúa Cha nhưng trong lúc thử thách này, trong nỗi sợ hãi của thân phận con người trước cái chết, Ngài vẫn cần đặt niềm tin tưởng trong vòng tay yêu thương của Chúa Cha.

Bản văn của Thánh Luca giúp chúng ta khám phá ra một Thiên Chúa đầy tràn tình yêu và nhân từ, một Thiên Chúa đã cho đi tất cả mà không tiếc chúng ta điều gì. Đó chính là nguồn hy vọng lớn lao cho đời sống đức tin của người tín hữu chúng ta. Vậy ước gì trong tuần thánh này, tuần lễ quan trọng nhất đối với mọi tín hữu, đỉnh cao của năm phụng vụ, không qua đi vô ích nhưng là thời khắc tuyệt hảo nuôi sống niềm tin và niềm hy vọng cho mỗi người chúng ta. Amen.