Quan Tri

Macco

Niềm vui loan báo Tin mừng

Macco

Thứ Bẩy 24/04/2020 – Lễ kính thánh Mác-cô

Mc 16, 15 – 20

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

Suy niệm

Hôm nay chúng ta mừng kính thánh sử Mác-cô và chúng ta đọc những lời cuối cùng của Tin mừng mà Ngài đã viết. Sau khi Chúa Giê-su lên trời, các Tông đồ ra đi rao giảng Tin mừng với nghị lực và can đảm phi thường…Trong cả thế giới, các Ngài loan báo Tin mừng với mọi cố gắng nên các Ngài đã dùng mọi phương tiện có thể: không chỉ là lời nói, mà các Ngài con đặt bút viết về đời sống của Thầy mình. Thánh Mác-cô là một trong 4 vị đã viết Tin mừng này.

Và hôm nay? Vâng…phương tiện mà khi xưa người ta chưa bao giờ thấy, đó là Internet! Nếu thời các Thánh sử mà có Internet, chắc chắn các Ngài sẽ sử dụng để loan báo Tin mừng. Mỗi chúng ta hãy biết sử dụng phương tiện thuận tiện này để rao giảng Tin mừng, nhất là biến cuộc đời mình thành một cuốn sách Tin mừng để ai cũng nhận được niềm vui Tin mừng nhé.

Giáo xứ Chính Tòa – Tin Mừng hôm nay cho gia đình

 

logo caritas

Thông báo: Đặt cây “ATM gạo” cho người khó khăn trong đại dịch Covid-19

logo caritasỦy Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas Hà Nội

40 Nhà Chung – Hoàn Kiếm – Hà Nội
ĐT: 024. 3938.1617; 0386.736.021

 

 

THÔNG BÁO

V/v: Đặt cây “ATM gạo” cho người khó khăn trong đại dịch Covid-19

 

Kính thưa Quý Cha và Anh Chị Em,

Để chung tay với toàn thể xã hội khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đáp lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Caritas Hà Nội cùng cộng tác với quý ân nhân sẽ đặt cây “ATM gạo” miễn phí để trao tặng cho những anh chị em có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể như sau:

Khai trương cây ATM gạo: Lúc 9g00, ngày 25 tháng 04 năm 2020

Địa điểm: Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội

Thời gian nhận gạo trong tuần: Từ thứ Hai đến thứ Sáu

Buổi sáng:    Từ 8g30 – 10g30

Buổi chiều:  Từ 14g00 – 16g00

Đối tượng: Tất cả những anh chị em có hoàn cảnh thực sự khó khăn

Vậy xin quý Cha và anh chị em loan báo để những người có nhu cầu hiện đang sống trong khu vực nội thành biết để đến nhận món quà tình nghĩa này.

Kính chúc quý Cha và anh chị em luôn được bình an và niềm vui trong Chúa Phục Sinh.

Hà Nội, ngày 23 tháng 04 năm 2020

Lm. Gioan B. Nguyễn Văn Quang
Giám đốc Caritas Hà Nội
(Đã k
Hoabanh

Ta mua đâu bánh cho họ ăn đây?

Hoabanh

Tin mừng thứ Sáu sau Chúa nhật II Phục sinh

Ga 6 , 1 – 15

1 Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. 2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp : “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người : 9 “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” 10 Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !” 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Suy niệm

Chúng ta đã nhiều lần nghe câu chuyện hóa bánh ra nhiều trong Tin mừng. Tuy nhiên hôm nay, chúng ta cùng chú ý tới một vài yếu tố quan trọng trong Lời nói của Chúa Giê-su: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Khi đặt câu hỏi này, Chúa Giê-su biết rõ điều cần phải làm. Điều làm Ngài bận tâm, đó là nuôi sống đám đông không có gì ăn, nhưng cũng là cơ hội để ban lời dạy liên quan tới bí tích Thánh Thể, Bánh Hằng Sống.

Một đứa bé lúc đó đã trao 5 chiếc bánh và 2 con cá. Chỉ cần như vậy để Chúa làm phép lạ. Ngài đã nhận từ đứa bé những chiếc bánh, là hoa màu ruộng đất và lao công của con người. Sau lời chúc tụng và tạ ơn, Chúa đã cho đem phân phát 5 chiếc bánh và 2 con cá…Cái nhận được từ đứa bé, qua đôi tay của Con Thiên Chúa đã trở nên nguồn sống bất tận.

Ở đây chúng ta cần nêu lên những cái logic và gắn kết của phép lạ. Trước hết phép lạ đến từ những gì là bình thường trong sự tôn trọng những định luật của trật tự tự nhiên. Những chiếc bánh mà đám đông ăn không phải là làm ra từ không có gì nhưng là được nhân lên nhiều. Và chúng ta thấy Chúa Giê-su đã làm phép lạ từ những vật chất đã có, ở đây là bánh và cá mà đứa trẻ trao tặng. Vậy mỗi chúng ta có thể hiểu rõ là lòng hảo tâm dành cho tất cả mọi người bắt đầu từ một sự chia sẻ đầu tiên.

Sức mạnh của phép lạ chỉ thực hiện được qua quà tặng quảng đại của đứa trẻ. Từ đó chúng ta có thể rút ra một bài học, đó là để mang lại điều tốt cho người khác, thì cần phải trao tặng cho Thiên Chúa cái mà ta có. Bởi vì Thiên Chúa không đòi hỏi ai điều mà họ không có. Cuối cùng, điều sẽ được tặng ban cho mỗi người, không phải là một sự tích lũy ích kỷ cho riêng bản thân mình, nhưng là một quà tặng và một sự sẻ chia được trao cho Thiên Chúa, và phép lạ được thực hiện.

Để kết luận, ta có thể nói rằng đứa trẻ trong Tin mừng phải là mỗi người chúng ta, các ki-tô hữu. Đứng trước những nỗi thống khổ mênh mang của nhân loại, mỗi chúng ta sẽ cho là nguồn lực của mình chỉ như muối bỏ bể. Vâng, quả là như thế, làm sao mà đáp ứng đủ, nhưng nếu chúng ta biết trao ban những gì mình có với lòng hảo tâm và quảng đại, thì sự sẻ chia sẽ kéo theo sự chia sẻ, tình yêu sẽ tiếp nối tình yêu. Thực tế được rút ra từ nạn dịch Covid 19 đang diễn ra là tình yêu và sự chia sẻ quảng đại của những con người hảo tâm đang được nhân lên trong đời sống xã hội, và đó chính là nền tảng để xây dựng Nước Chúa ngay tại trần thế này. Amen.

Giáo xứ Chính Tòa Hà Nội

 

Tin vào Người Con

Tin mừng thứ Năm sau Chúa Nhật II Phục Sinh

Gioan 3, 31 – 36

31 “Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người ; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người ; 32 Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. 33 Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. 34 Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. 35 Chúa Cha y”êu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. 36 Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời ; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.

Suy niệm

Hôm nay Tin mừng kêu gọi mỗi chúng ta đừng thuộc về đất và đừng nói về những sự thế gian để nói và hành động như là Chúa Giê-su, là “ Đấng đến từ trời cao” (Ga 3, 31).

Tin mừng đòi hỏi mỗi chúng ta, trong mọi tình huống của đời sống, cần phải cố gắng đạt tới suy nghĩ và tâm tình của Chúa để thấy và đón nhận mọi người và mọi tình huống như Chúa Giê-su. Nếu chúng ta hành động như “ Đấng từ trên cao mà đến”, chúng ta có thể khám phá ra rất nhiều điều tích cực, đang xẩy xung quanh chúng ta, bởi vì tình yêu Thiên Chúa luôn thực hiện vì lợi ích cho con người. Nếu hành xử như Đấng từ trên cao mà đến, chúng ta sẽ yêu thương tất cả mọi người vô điều kiện, và đời sống mỗi chúng ta sẽ là một lời mời gọi để hành động cùng một phương thế.

“ Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người” (Ga 3, 31), vì lẽ đó mà Ngài phục vụ mỗi người trong những điều mà họ muốn; hơn nữa, “ Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người” (Ga 3, 32). Chúa đến để phục vụ và phục vụ cách nhưng không, có nghĩa là phục vụ mà không trông mong đền đáp, vì tôn trọng phẩm giá của con người; tinh thần phục vụ của Chúa sẽ lan tỏa tới người khác và thúc đẩy sự đáp trả để sống tinh thần phục vụ.

Phục vụ và làm chứng tá là hai phương thế song hành và tác động với nhau. Thế giới chúng ta hôm nay đang cần đến những gì là hiện thực. Có gì hiện thực hơn Lời của Thiên Chúa? Có gì hiện thực hơn Đấng “ban Thần khí vô ngần vô hạn” (Ga 3,34)? Vì lẽ đó mà “ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật” (Ga 3, 33).

“Tin vào Người Con” có nghĩa là có sự sống đời đời, và có nghĩa là ngày phán xét không đặt nặng trên kẻ tin vì đã được phán xét tốt lành, ngược lại “ ai không chịu tin vào người Con sẽ không có sự sống, và cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy”. Amen.

Giáo xứ Chính Tòa Hà Nội

LOGO Duc tgm giuse thien png

Thư kêu gọi cầu nguyện và giúp đỡ ơn thiên triệu nhân ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh 2020

LOGO Duc tgm giuse thien pngTOÀ TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

40 Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội

 

THƯ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN VÀ GIÚP ĐỠ ƠN THIÊN TRIỆU

NHÂN NGÀY CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH 2020

Kính gửi Quý Cha, Quý Tu sĩ và Anh Chị Em giáo dân,

Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã gọi các môn đệ và các tông đồ cộng tác với Chúa. Các ông là những người được Chúa huấn luyện và sai đi loan báo Nước Trời. Trước khi về trời, Chúa đã sai các ông đi khắp thế giới để tiếp nối sứ vụ của Người, rao giảng Lời Chúa và quy tụ muôn dân (x. Mt 28,16-20).

Trong quá khứ cũng như hiện tại, Chúa vẫn kêu gọi mọi người, nam cũng như nữ, quảng đại dấn thân, làm Linh mục, Tu sĩ để cộng tác rao giảng Tin Mừng. Trong thực tế, mỗi người chúng ta đều cảm nhận sự cần thiết của Linh mục đối với cộng đoàn Đức tin và đối với đời sống Kitô hữu.

Chúa Nhật IV Phục sinh hằng năm, Giáo Hội tôn vinh Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành, đồng thời cầu nguyện cho có nhiều người đáp lại lời mời gọi của Chúa để trở thành Linh mục, Tu sĩ.

Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội là nơi đào tạo Linh mục cho 6 Giáo phận miền Bắc. Nơi đây, đã có hàng ngàn Linh mục được đào tạo và hiện nay đang phục vụ trong các Giáo phận. Để chuẩn bị ơn gọi, Tổng Giáo phận Hà Nội còn có nhà Ứng sinh để giúp các em phân định ơn gọi trong những bước đầu chập chững bước vào đời tu. Hiện tại, Tổng Giáo phận Hà Nội có 103 Thầy đang học tại Đại Chủng viện, 17 Thầy du học nước ngoài, 105 Ứng sinh trong chương trình đào tạo dự bị và một số khác đang tìm hiểu ơn gọi tại các Giáo xứ.

Để nâng đỡ và cộng tác trong tiến trình huấn luyện tại Đại Chủng viện, tôi kêu mời Quý Cha và Anh Chị Em cầu nguyện cho Đại Chủng viện. Tôi cũng mời gọi mọi người nâng đỡ chương trình đào tạo cụ thể qua việc đóng góp tài chính. Như những năm trước, số tiền quyên tại các nhà thờ vào Chúa Nhật IV Phục sinh (03-5-2020) được dành cho mục đích này. Chúng tôi mong nhận được sự giúp đỡ quảng đại của mọi người. Xin Quý Cha gửi số tiền quyên được về Cha Quản lý Toà Tổng Giám mục.

Nhân đây, tôi xin cám ơn Cha Giám đốc, Quý Cha giáo Đại Chủng viện, Quý Ân Nhân và tất cả những ai đã luôn nhiệt thành, hy sinh và âm thầm cộng tác trong nhiệm vụ đào tạo nhân sự cho tương lai của Giáo Hội. Nguyện xin Chúa trả công bội hậu cho mọi người.

Kính chúc Quý Cha và Anh Chị Em dồi dào sức khoẻ và niềm vui trong Chúa Phục sinh.

Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 2020

+Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Hà Nội
anhsang

Chân lý trong Đức Kitô

anhsang

Tin mừng thứ Tư sau Chúa nhật II Phục Sinh

Gioan 3, 16 -21

16 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 19 Và đây là bản án : ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ : các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Suy niệm

Ngày nay với ngàn vạn quan niệm về đời sống hiện đại, người ta có thể tin rằng sự thật không tồn tại: như sự thật về Thiên Chúa, sự thật về giới tính con người, sự thật về hôn nhân, sự thật đạo đức, và cuối cùng là sự thật về chính bản thân mình.

Đoạn Tin mừng hôm nay xác định căn tính của Đức Ki-tô như là “ Đường, là sự thật và là sự sống” (Gioan 14, 6). Lìa xa Chúa, thì chỉ có đau khổ, giả dối và chết chóc. Chỉ có một con đường dẫn tới Thiên đàng và con đường này được gọi là con đường Giêsu.

Đức Giê-su Ki-tô không là gì khác vì Ngài chính là Sự thật. Việc từ chối sự thật giống như một người khăng khăng nhắm mắt trước ánh sáng của mặt trời. Dù ánh sáng làm họ khó chịu hay không, thì mặt trời sẽ luôn ở đó, nhưng người không thiện chí thì vẫn cố tình nhắm mắt với mặt trời chân lý. Cũng vậy, nhiều người tận tâm trong nghề nghiệp của họ với tất cả thiện chí, họ có tham vọng sử dụng mọi khả năng, mà quên rằng họ chỉ có thể đạt tới sự thật về chính họ, khi bước đi với Đức Ki-tô.

Mặt khác, theo Đức Thánh Cha Bênêđíctô thì “ mỗi người sẽ tìm thấy sự tốt lành khi thực hiện chương trình của Thiên Chúa mà Ngài dành cho họ, để mà chương trình này được thực hiện cách hoàn hảo: trong chương trình của Thiên Chúa, sẽ đạt tới chân lý, và khi đặt nó trong chân lý thì trở nên tự do như chính Chúa Giê-su đã nói: biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng anh em. Sự thật nơi mỗi người là một lời mời gọi trở nên một người con của Thiên Chúa trong Nước trời như thánh Phaolô tông đồ đã viết: “ Thánh ý Chúa, là anh em sống trong sự thánh thiện. Thiên Chúa muốn con cái của Ngài được tự do chứ không phải là các nô lệ” (1Th 4, 3).

Sự hoàn hảo của mỗi người trong thực tế là một chương trình thực hiện qua lại giữa Thiên Chúa và người đó. Khi chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện với tất cả sức lực, là chúng ta bắt đầu phản ảnh sự thật của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Đức Thánh Cha đã nói lên điều đó bằng một cách thức tuyệt vời, đó là: mỗi vị thánh giống như một tia sáng mặt trời chiếu rọi Lời của Thiên Chúa (Tông huấn Verbum Domini). Amen.

Giáo xứ Chính Tòa Hà Nội

Esprit

Gió muốn thổi đâu thì thổi

Esprit

 Tin mừng thứ Ba sau Chúa nhật II Phục sinh

Gioan 3, 7- 15

7b Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”

9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người : “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được ?” 10 Đức Giê-su đáp : “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy ! 11 Thật, tôi bảo thật ông : chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. 12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được ? 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”

Suy niệm

Hôm nay Chúa Giê-su nói về nỗi khó khăn trong việc dự đoán và nhận biết tác động của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên thì như Chúa nói: gió thổi đâu thì thổi. Việc này liên hệ tới bằng chứng mà Chúa Thánh Thánh trao ban cho chúng ta cũng như ước vọng được tái sinh. Chính Chúa đã nói rõ là cần phải tái sinh; một sự sống mới cần thiết để đưa chúng ta tiến vào sự sống đời đời. Không thể tự mình đủ sức để đạt tới Nước Trời nên một sự sống mới  dưới tác động của Chúa Thánh Thần là rất cần thiết. Tất cả đời sống chúng ta bao gồm các sinh hoạt nghề nghiệp, gia đình, vui chơi, giải trí, và nhất là tình yêu phải được biến đổi trong niềm tin ki-tô giáo và dưới tác động của Thiên Chúa. Từng bước một, tất cả phải được thấm nhập bởi Thánh Thần của Thiên Chúa. Không có gì ở bên ngoài sự đổi mới mà Thiên Chúa thực hiện trong mỗi chúng ta bởi Chúa Thánh Thần.

Đây là một sự biến đổi mà Chúa Giê-su Ki-tô chính là tác nhân. Chính Ngài đã bị treo trên cây thập giá và đã sống lại. Ngài đã hành động để Chúa Thánh Thần đến với mỗi chúng ta. Ngài đến từ trên cao và bởi quyền năng của Ngài, Ngài ban cho chúng ta sức mạnh và lòng dịu hiền. Ngài luôn thực hiện theo ý Chúa Cha và đã hy sinh cho chúng ta cho đến giọt máu cuối cùng. Nhờ vào Chúa Thánh Thần mà Ngài gửi đến cho chúng ta, chúng ta có thể đạt tới Nước trời, qua ơn ban là người đồng thừa tự, và cho chúng ta niềm tin tưởng để gọi Thiên Chúa là Cha, được tham dự vào ân sủng của Đức Ki-tô và quyền được tham dự vào vinh quang đời đời.

Vậy chúng ta hãy hành động qua tác động của Chúa Thánh Thần đang hoạt động trọng lòng mỗi người chúng ta, hãy biết lắng nghe và để cho Ngài hướng dẫn để mỗi chúng ta trở nên những tấm gương phản chiếu ánh sáng của Chúa Ki-tô mỗi ngày một hơn. Amen.

Giáo xứ Chính Tòa Hà Nội

Nicodemo

Tái sinh bởi Nước và Thần khí

Nicodemo

Suy niệm thứ Hai sau Chúa nhật II Phục sinh 

Gioan 3, 1-8

Trong tuần này chúng ta suy niệm về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và ông Nicôđêmô về ơn tái sinh. Ông là một thủ lãnh của người Do thái. Điều chú ý ở đây là ông lại đi gặp Chúa Giê-su vào ban đêm, có thể vì là một thủ lãnh nên ông không dám gặp Chúa vào ban ngày vì sợ dị nghị của người Do Thái. Tuy nhiên nói theo ngôn ngữ Tin mừng, thì đó là hành trình đến với và nói với Chúa Giê-su; hành trình từ bóng tới đến ánh sáng.

Trong lời dạy của Chúa Giê-su, chúng ta khám phá được một bài học giáo lý về bí tích Thánh Tẩy , là bí tích được cử hành thường xuyên trong cộng đoàn thời tác giả sách Tin mừng Gioan.

Như trong đêm Vọng Phục Sinh, là đêm mà một phần cử hành trong nghi thức phụng vụ dành cho việc làm phép nước và cử hành Bí tích Thánh tẩy cho anh chị em dự tòng. Thật là ý nghĩa vì trong đêm vọng Phục sinh, là đêm vượt qua từ cõi chết đến cõi sống, có Nghi thức làm phép nước và tuyên hứa lại lời hứa của Bí tích Thánh tẩy, là một trong những điểm quan trọng của đêm cực thánh này.

Trong Nghi thức Thánh tẩy, việc nhấn chìm mình trong nước, hay đổ nước lên đầu là biểu tượng của sự chết, và khi ngoi lên khỏi nước, là biểu tượng của đời sống mới. Mỗi chúng ta được mời gọi chết đi cho tội lỗi và sống cho đời sống mới. Đó là điều mà Chúa Giê-su gọi là “tái sinh”, là “sinh ra từ nước” “ sinh ra từ Thần khí” hay “ sức thổi của Gió”.

Nước và Thần khí là những biểu tượng được Chúa Giê-su dùng. Cả hai diễn tả hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng thanh tẩy và ban sự sống, làm cho thỏa cơn khát và ban hơi thở…Nước và Thần Khí đều là một.

Ngược lại, Chúa Giê-su cũng nói tới sự đối nghịch giữa xác thịt và thần khí: “ cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt, cái bởi thần khí sinh ra là thần khí”. Con người xác thịt sinh ra trong thân phận hư nát. Nhưng con người thần khí thì chết trong hư nát và sinh ra vào lúc lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, đây là điều diễn tả về việc tái sinh. Để kết luận, chúng ta cùng đọc lại một đoạn thư của thánh Phao lô tông đồ để cùng suy gẫm và hành động trong Mùa Phục Sinh này: “ Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 3 – 4).

Xin cho mỗi chúng ta luôn ý thức về ơn tái sinh của Bí tích Thánh tẩy đã lãnh nhận để quyết tâm sống một đời sống mới trong niềm xác tín vào mầu nhiệm phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta. Amen.

Ressuscit thomas

Đức từ bi của Ngài muôn thủa

Ressuscit thomas

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Trong Chúa nhật II phục sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta kính mầu nhiệm “Lòng Thương Xót Chúa”. Trong các bài đọc hôm nay, thư của Thánh Phêrô tông đồ trong bài đọc II đã giải thích cho chúng ta về Lòng Thương Xót Chúa, nhờ đó “Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại”. Tất cả phụng vụ Lời Chúa đều trình bày Tin mừng về sự sống lại nhờ vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa là Cha.

Trước hết, bài đọc thứ nhất nói về chứng tá của cộng đoàn Giáo hội thời sơ khai. Một Giáo hội không ngừng lớn mạnh nhờ vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Qua môi miệng các Tông đồ, Đức Ki-tô loan báo Tin mừng, bởi việc chữa lành và tẩy trừ tội lỗi. Cũng chính Thánh Thần của Thiên Chúa tiếp tục hành động trong Giáo Hội hôm nay. Ngài đi trước và hướng dẫn chúng ta trên mọi nẻo đường. Như các tín hữu đầu tiên, mỗi chúng ta được sai đi loan báo về ơn cứu độ, nhưng trước hết chính Đức Ki-tô đã tác động để mỗi người có thể đón nhận.

Thánh vinh đáp ca số 117 giúp chúng ta ca ngợi hồng ân của Chúa, tình yêu vĩnh cửu nơi Ngài. Tình yêu này đầy lòng thương xót. Thiên Chúa tìm mọi cách để ban đầy tràn hồng ân, không vì công trạng, nhưng vì Ngài yêu thương chúng ta. Ngài muốn nối kết chúng ta với sự hiển thắng của Ngài trên sự chết và tội lỗi.

Ngài muốn cho chúng ta tham dự vào niềm vui ơn cứu độ. Vào ngày lãnh nhận bí tích thánh tẩy, chúng ta đã được dìm mình trong tình thương hải hả của Chúa. Vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cùng ca ngợi và tung hô: “ Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thủa”.

Bài tin mừng tiếp tục mời chúng ta đi thêm một bước nữa trong việc khám phá Lòng thương xót này. Chính vào tối ngày thứ nhất trong tuần, tức là vào tối Chúa nhật. Các môn đệ đã đóng kín cửa nhà vì nỗi sợ hãi đang bao trùm, do lòng thù hận và bạo lực đang bao trùm thành Giêrusalem sau cái chết của Chúa Giêsu. Sự sợ hãi này cũng liên quan tới mỗi chúng ta, ai mà không biết ở nhiều nơi trên thế giới hôm nay, có nhiều tín hữu đã bị giết; nơi này nơi khác các ki-tô hữu bị chế nhạo. Chúng ta cũng đang sống trong một thế giới bị dìm trong sự vô cảm, vô tín và suy thoái niềm tin. Vậy mà trong một thế giới như thế, mỗi chúng ta lại có sứ mạng làm chứng cho niềm tin trong Chúa Ki-tô.

Như là Chúa đã làm cho các Tông đồ, cách riêng cho ông Tô-ma, Chúa Ki-tô phục sinh liên đới với mỗi chúng trong mọi hoàn cảnh. Ngài luôn có đó để nâng đỡ chúng ta trong đời sống và trong cả những lầm lạc. Ngài là Emmanuel, tức là “Thiên Chúa ở cùng”. Ông Tô-ma đã không thể tin Chúa phục sinh. Đối với ông thì không thể tin được. Ông đã thấy Thầy mình chết trên thập giá và được an táng trong mồ. Ông không thể tưởng tượng được rằng Chúa đã sống lại. Có lẽ chúng ta cười nhạo ông vì đã không tin, nhưng nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh của ông, chúng ta cũng không khá hơn đâu.

Nhưng Chúa Giê-su phục sinh đã đến để củng cố niềm tin và mang đến cho các Tông đồ niềm hy vọng. Lời đầu tiên của Chúa là một sứ điệp của bình an. Bình an này là niềm vui, là lòng thương xót và là ơn tha thứ, là sự hòa giải. Vào giây phút sai đi, Ngài muốn giải phóng các tông đồ khỏi nỗi sợ hãi đang nặng trĩu trong lòng các ông. Ngài muốn ban cho các ông sức mạnh và sự can đảm bởi vì các ông sẽ có một chặng đường dài để tiến tới. Các Tông đồ được sai đi để loan báo cho tất cả thế giới rằng tất cả mọi người được kêu gọi để hoán cải nơi Đức Ki-tô và đón nhận lòng thương xót mà Ngài không ngừng muốn trao ban.

Là các ki-tô hữu, chúng ta hôm nay đang thừa hưởng chứng tá của các tông đồ và mỗi chúng ta cũng được sai đi để tiếp tục làm chứng tá cho mọi người xung quanh, cho gia đình mình, cho nơi mình làm việc và sinh sống. Niềm tin của chúng ta chỉ sống động thực sự khi nó lan tỏa. Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta trong thế giới mà chúng ta đang sống, nơi mà Ngài gieo trồng chúng ta để trổ sinh bông trái. Ngài mong muốn làm những điều kỳ diệu trong đời sống chúng ta và không gì có thể chia cắt chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài.

Trong ngày hôm nay, chúng ta cần nhìn lại cộng đoàn đầu tiên của những kẻ tin. Như họ, mỗi chúng ta được mời gọi đặt để đời sống đạo dựa trên những cột trụ sau:

  • Trung thành với lời dạy của các Tông đồ để đào sâu đức tin và làm cho Tin mừng biến đổi đời sống.
  • Trung thành trong đời sống cộng đoàn để có thể chia sẻ của cải vật chất cho nhau.
  • Trung thành tham dự và cử hành bí tích Thánh Thể,
  • Trung thành cầu nguyện ở trong gia đình và trong cộng đoàn.

Bốn cột trụ này là cần thiết biết bao vì chính nhờ đó mà chúng ta có thể làm chứng tá thực sự về đời sống đạo của những người đã được rửa tội.

Mỗi chúa nhật, chính Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh liên đới với cộng đoàn ki-tô hữu đang tụ họp để cử hành bí tích Thánh Thể. Trong thời gian của nạn dịch Covid 19 đang làm cho mọi tín hữu không thể tụ họp có tình cộng đoàn này, thì cũng là dịp để mỗi tín hữu càng khát khao kín múc hồng ân từ nguồn suối của Đấng là Tình Yêu. Xin Ngài ở với mỗi chúng ta để chúng ta thêm can đảm trong đời sống chứng tá. Xin Ngài giúp chúng ta sống quảng đại hơn trong việc thực thi chia sẻ bác ái huynh đệ. Lạy Chúa, Ngài là Ánh Sáng, là Tình Yêu, xin soi sáng lòng chúng con bằng Thánh Thần của Chúa. Amen.

Gisu

Hãy rao giảng Tin mừng

Gisu

Suy niệm Tin Mừng Mác-cô 16, 9-15

Bài Tin mừng của thánh Mác-cô hôm nay là một bản tóm gọn tất cả những lần Chúa Ki-tô phục sinh hiện ra, với sứ điệp sai đi làm chứng tá cho Tin mừng cứu độ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).

Tin tưởng vào Chúa Ki-tô phục sinh, chúng ta cần khám phá niềm vui của Tin mừng. Tin mừng không phải là một bản luật bóp nghẹt con người. Đôi khi chúng ta bị cám dỗ cho rằng những người không có niềm tin Ki-tô giáo lại thoải mái hơn chúng ta, họ có thể làm điều mà họ muốn, trong khi chúng ta lại phải vâng phục một loạt các điều luật gò bó. Thực ra đây chỉ là một sự nhìn nhận bên ngoài mà thôi.

Ngẫm ra một trong những mối bận tâm lớn nhất của mỗi chúng ta là gì nếu không phải là niềm vui Tin mừng được loan báo, được lan tỏa, lấp đầy tâm hồn và luôn là nguồn trợ lực an ủi đời sống của tất cả mọi người.

Tin mừng là lời dạy của Chúa Giê-su, có tính khắt khe nhưng nếu nhìn vào đời sống các thánh thì chúng ta sẽ thấy rất ý nghĩa. Cụ thể Thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su giúp cho chúng ta nhận ra lời dạy của Chúa là một tin vui, bởi vì đối với thánh nhân, Tin mừng không là gì khác ngoài sự mạc khải về lòng dịu hiền của Thiên Chúa, cũng như lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với mỗi người con của Ngài. Và Lời dạy của Chúa là chỉ ra những lề luật giúp cho con người đạt tới hạnh phúc viên mãn. Trung tâm của đời sống ki-tô hữu là nhận ra và đón nhận sự tốt lành của Thiên Chúa và để cho mình được biến đổi bởi tình yêu mến.

Con đường thiêng liêng mà Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng chỉ ra cho chúng ta, đó là con đường thơ ấu, thực sự đây là con đường nên thánh, con đường mở ra cho tất cả mọi người để hoàn thiện bản thân, dù họ là người thấp bé, nghèo khó và tội lỗi nhất. Thánh Têrêsa Hài Đồng là vị thánh đã đi bước trước cho khẳng định của Công đồng Vatincan II, đó là “ sự thánh thiện không phải là con đường ngoại lệ, nhưng là một lời mời gọi dành cho tất cả các ki-tô hữu, không ai bị loại trừ ra ngoài sự thánh thiện cần phải đạt tới. Dẫu rằng mang thân phận yếu đuối thì mọi người vẫn có thể đáp trả lời mời gọi đạt tới sự hoàn thiện này.

Vâng sự thánh thiện hệ tại việc thực hiện một “con đường của niềm tín thác và yêu thương” để làm chứng cho Tin mừng cứu độ. Vậy chúng ta cùng mượn lời thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giê-su mà dâng lên Chúa ki-tô phục sinh lời cầu xin: Lạy Chúa, Chúa là nguồn hy vọng đời con, con sẽ ca ngợi lòng thương xót Chúa đến muôn đời”. Amen.

Thứ Bẩy – Tuần Bát nhật Phục sinh 2020