Tin mừng Chúa nhật XXVIII thường niên A
Mt 22, 1-14
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử.
Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”.
Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng.
Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.
Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.
Suy niệm
Ăn uống một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của con người, nó cần thiết đến nỗi người ta phải nói: “nhân dĩ thực vi thiên”, con người lấy việc ăn làm chủ yếu trong đời. Vì thế bữa ăn, bữa tiệc thường được tổ chức trong nhiều dịp: nhân một sự kiện, một kỷ niệm, một đám cưới, một ngày lễ hoặc một lý do nào đó. Đức Giêsu, trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng được mời tham dự nhiều bữa tiệc khác nhau. Ngài luôn biến những bữa tiệc đó thành những diễn đàn để chuyển tải những thông điệp về ơn cứu độ đến cho mọi người. Các bài đọc chúa nhật tuần này nói về những bữa tiệc mừng để chuyển tải tới chúng ta sứ điệp của tình yêu và ơn gọi của con người trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
1. Bàn tiệc Nước Trời
Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia hướng lòng con người về Bữa Tiệc Nước Trời. Trong bữa tiệc này, ta thấy người thết đãi là “Chúa các đạo binh”, khách được mời dự là tất cả các dân, nơi dọn tiệc “trên núi này”, tức là núi Sion. Chỉ có Bữa Tiệc này mới hòan tòan thỏa mãn mọi khát vọng của con người. Người dự không chỉ được thưởng thức những thức ăn ngon, mà còn được cất khỏi mọi buồn sầu, tủi hổ, tang chế. Đó chính là hạnh phúc Nước Trời được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người không phân biệt ai.
Giống như Bàn Tiệc Nước Trời trong Cựu Ước của ngôn sứ Isaia, trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu cũng ví Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Vị Vua này là hình ảnh của Chúa Cha, Người Con đây là Chúa Giêsu, với các khách mời dự tiệc không còn giới hạn nơi một số người nhưng được mở rộng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nhấn mạnh tới điều kiện để tham dự bữa tiệc cánh chung này: cũng như người dự tiệc cưới phải mặc áo cưới, thì người được mời gia nhập Nước Trời cũng phải có một nếp sống mới phù hợp với Tin Mừng.
2. Hạnh phúc Nước Trời
Nói tới tiệc cưới là nói tới hạnh phúc, mà hạnh phúc Nước Trời, hay hạnh phúc thiên đàng là thứ hạnh phúc trọn vẹn nhất, vững bền nhất, hơn tất cả mọi thứ hạnh phúc ở trần gian và ai ai cũng biết là như thế.
Tuy nhiên, loài người chúng ta hay bị những cái lợi lộc trước mắt che khuất nên không nhìn thấy cái ở xa.
Cái trước mắt mà ta thấy hằng ngày là hạnh phúc mà trần gian mang lại qua việc làm ăn, buôn bán. Nói cách khác, ta thường hay lo những cái trước mắt: phải lo làm ăn để có một cuộc sống bảo đảm về vật chất. Thiên đàng thì còn xa, nên ta thường tặc lưỡi: cứ từ từ sau này sẽ tính, đời còn dài mà.
Suy nghĩ như thế có phần đúng, vì ta phải sống thực tế với hiện tại. Nhưng cũng có phần sai khi chỉ biết hiện tại mà không hề nghĩ tới tương lai.
Chúa không hề khiển trách chúng ta lo cho cuộc sống vật chất. Nhưng lo đến nỗi quên hẳn cuộc sống mai sau thì sẽ đáng trách. Chúa Giê-su đã chẳng nói: “Tiên vàn chúng con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, mọi sự khác Ngài sẽ lo cho chúng con” hay sao.
Vì chúng ta chỉ nhắm tới lợi lộc trần gian mà thường quên mất hạnh phúc mai sau, nên nhiều lần và nhiều cách Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta: có thể là qua một thất bại hay những biến cố xã hội, có khi lại là một khoảng khắc mà ta tĩnh lặng trong giờ phút cầu nguyện, hay có những anh chị em được Chúa gửi đến với ta. Nhiều lúc ta chẳng những không nghe, lại còn khó chịu với những người ấy, cho là họ lắm điều nhiều chuyện rồi phản ứng tiêu cực với họ để rồi vẫn cứ tiếp tục sống trong tình trạng của những người được mời dự tiệc cưới mà không mặc áo cưới.
3. Y phục tiệc cưới
Nếu tiệc cưới là hình ảnh của Nước Trời, thì chiếc áo cưới tượng trưng cho nếp sống phù hợp với Nước Trời của những người được mời. Tự nhiên được mời vào Nước Trời đã là một hồng phúc lớn lao, cho nên để đáp lại thì mỗi người phải có một nếp sống phù hợp với Nước Trời. Bên cạnh việc lo cho hạnh phúc đời này, mỗi người chúng ta cần phải chuẩn bị hành trang cho hạnh phúc mai sau.
Mỗi một Kitô hữu chúng ta đều có một bộ y phục lễ cưới, đó là tấm áo trắng ngày chịu phép Rửa tội. Chiếc áo tượng trưng cho đời sống đạo. Hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ về chiếc áo này đó là đời sống hiện tại của bản thân mình: Nó còn tinh tuyền hay trở nên đẹp hơn mỗi ngày hay không? Đối với mỗi người chúng ta, cần phải xác tín rằng chiếc áo tốt đẹp nhất của người dự tiệc Thiên Chúa chính là sống yêu thương như Đức Giêsu Kitô “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”, đó cũng là lời Thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em hãy mặc lấy con người mới” (Ep 4,24), “Hãy mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27).
*Kết luận
Có người đã tưởng tượng ra Thiên đàng, hỏa ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm cao cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người đều cầm trong tay một đôi đũa dài đến độ thức ăn thì gắp được, nhưng không thể đưa thức ăn vào miệng. Bàn tiệc trên Thiên đàng cũng y hệt, nhưng khác một điều, là thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, người ta lại gắp thức ăn và đưa vào miệng người đối diện, vì thế ai vui vẻ và được ăn uống no nê.
Ước gì niềm vui bàn tiệc Thánh thể mà chúng ta tham dự và tôn kính hôm nay cũng được tiếp tục thể hiện trong đời thường của chúng ta. Mong sao cả cuộc sống chúng ta luôn được diễn ra trong tình liên đới chia sẻ và trao ban trong niềm vui, nhờ đó chúng ta cảm nhận được hạnh phúc đích thực của Nước Trời và thắng vượt được mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống. Amen.