“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.
Có lòng can đảm để tuyên xưng niềm tin công giáo và sống Lời Chúa trong đời sống mỗi ngày, không chỉ hiện thực ở thời các Tông đồ mà còn hiện thực đối với chúng ta hôm nay.
Có một phụ nữ tâm sự với cha xứ: Đối với con, thực hành đạo thật là quan trọng. Con đi lễ hàng ngày. Con giúp đỡ người khác khi con có thể làm; con cầu nguyện mỗi ngày. Nhưng mấy đứa con con lại chẳng hiểu điều đó. Chúng nó nói với con là: chúa nhật đi lễ thì được cái gì? Mẹ cứ ở nhà mà nghỉ ngơi cho khỏe. Mấy cái chuyện tôn giáo chỉ hợp với thời trung cổ thôi. Vâng thưa Cha, chúng nó không tôn trọng con để mà con có thể sống đạo trong bình an. Điều đó thật làm con phiền lòng quá”. Trong hoàn cảnh của bà, sống niềm tin công giáo thật khó khăn.
Tuy nhiên Chúa Giê-su nói với mỗi chúng ta hôm nay: “Đừng sợ xưng mình là Ki-tô hữu”. Vậy cần phải có lòng can đảm để đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê-su.
Có một nhóm sinh viên công giáo họp nhau hàng tháng. Các bạn là những bạn trẻ công giáo nhiệt thành sống đạo. Trong cuộc trao đổi, câu hỏi đặt ra là: “ theo bạn thì phẩm chất hay nhân đức mà bạn cảm phục nhất nơi một người là gì? Và các bạn đều trả lời làm cho người hỏi ngạc nhiên. Đối với các bạn phẩm chất quan trọng nhất đó là: sự can đảm hay còn gọi là sự dũng cảm. Và các bạn đã đưa ra nhiều tấm gương về sự dũng cảm của các vĩ nhân dám sống cho công lý và niềm tin như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như ĐHY Phanxico Xavie… hay như Đức Giám Mục Roméo…Các bạn cũng không ngại đưa ra mẫu gương của các bạn mình về sự can đảm tuyên xưng niềm tin của mình nơi học đường.
Và tiếp tục buổi thảo luận về những giá trị ki-tô giáo, một trong các bạn sinh viên đã nói thêm: Chúa Giê-su đã cho chúng ta mẫu gương đẹp nhất về sự can đảm mà chúng ta thấy được. Trong bối cảnh lúc đó, Chúa đã có thể chiều lòng mà nói điều mà các đối thủ tôn giáo và chính trị muốn nghe để tránh bị đánh đòn và án tử thập giá nhưng Chúa đã không làm như thế.
Quả vậy trong các Tin mừng, chúng ta khám phá được sự can đảm đặc biệt của Chúa Giê-su khi có sự mẫu thuẫn từ những người trong gia đình, các môn đệ, các luật sỹ, biệt phái, và các chính trị gia thời ngài. Lúc quân lính đền thờ đến bắt Ngài, tất cả các môn đệ đã bỏ trốn, nhưng Đức Giê-su đã không sợ hãi. Thật không dễ gì mà có thể đối điện với sự đánh đập và sợ hãi như Chúa đã trải qua.
Dũng cảm không có nghĩa là nói không với sự sợ hãi, nhưng có nghĩa là chúng ta can đảm làm điều đúng, điều phải mặc dù những nỗi sợ hãi vẫn có ở trong chúng ta. Ví dụ một tấm biển cảnh báo rằng:“ nguy hiểm ở phía trước”, không có nghĩa là bảo chúng ta dừng bước nhưng là tiến bước trong sự thận trọng.
Chúng ta thấy biết bao nhiêu là mẫu gương trong Giáo Hội về những con người dũng cảm như thế. Ví dụ như Đức Giám Mục Roméo, vị giám mục bị ám sát vì đấu tranh chống lại sự nghèo đói và bất công xã hội tại nước El Salvador. Ngài đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh năm 2018 như là chứng nhân dũng cảm của niềm tin. Ngài đã bị bắn chết lúc đang cử hành thánh lễ bởi những kẻ khủng bố vào năm 1980.
Là những môn đệ của Chúa Giê-su, chúng ta phải chống lại sự sợ hãi gây nên bởi những người đã sử dụng quyền lực bất công để che dấu những hành động bất nhân của họ.
Mỗi người chúng ta được mời gọi để trở nên nhân chứng cho những giá trị tin mừng bằng lời nói và hành động. Khi dám đứng lên làm chứng tá như thế, chúng ta có thể trở nên ‘dấu chỉ của các chống đối” trong gia đình mình, trong trường học, trong nơi làm việc và trong các mối tương quan với người khác. Điều đó đòi buộc chúng ta phải có lòng can đảm và sự quyết tâm.
Ơn can đảm giúp chúng ta “tuyên bố nhận Thầy Giê-su trước mặt thiên hạ, thì Ngài cũng sẽ tuyên bố nhận mỗi người chúng ta trước mặt Cha Ngài, Đấng ngự trên trời”. Amen.