Đời sống cầu nguyện

Đây Chiên Thiên Chúa

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – A

Ở thành phố Werden, nước Đức, có một nhà thờ Công giáo trên tháp đặt một con chiên được tạc bằng đá. Người ta kể rằng khi nhà thờ đang được xây dựng, một người thợ khắc đá đã rơi xuống từ một giàn giáo cao. Đồng nghiệp của anh vội vã chạy xuống, nghĩ rằng anh đã chết. Nhưng trước sự ngạc nhiên và vui mừng của mọi người, anh vẫn sống và chỉ bị thương nhẹ. Làm thế nào anh ta có thể sống sót?- Thưa, vào chính lúc anh bị rơi thì có một đàn chiên đi qua bên dưới tháp, và người thợ đã rơi xuống ngay đầu một con chiên con. Con chiên khuỵu ngã và bị đè chết, nhưng người đàn ông đã được cứu sống. Để tưởng nhớ sự thoát chết kỳ diệu đó, người ta đã tạc một con chiên con bằng đá và đặt nó trên tháp, để tri ân chú cừu non đã cứu mạng người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Gioan giới thiệu Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Hôm nay, chúng ta tưởng niệm một Con Chiên khác, Đấng đã chết để cứu không chỉ một người, mà tất cả nhân loại

“Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian». Chúa Giê-su được giới thiệu là Chiên Thiên Chúa.

Đầu tiên, chúng ta tìm hiểu thành ngữ “Chiên Thiên Chúa”.

Đối với người Do Thái, thành ngữ Chiên Thiên Chúa cho thấy một ngày huy hoàng đối với toàn dân: ngày mà dưới sự lãnh đạo của Môi-se, họ đã giải phóng mình khỏi ách nô lệ và áp bức của người Ai Cập. Khi cái chết ập đến với những người con trai cả của Ai Cập… một con chiên sẽ bị giết trong mỗi gia đình, máu của nó sẽ được dùng để bôi lên đỉnh cổng.

Trước dấu hiệu có thể nhìn thấy này, cái chết hủy diệt đã phải dừng lại và tha cho dân Do Thái. Vì thế, con chiên trở thành hình ảnh của Đấng cứu độ: con chiên vượt qua.

Tiếp theo là ý nghĩa cụm từ “xóa bỏ tội lỗi của thế giới.”

Đó là lời tiên tri Ê-sai nói với dân Y-sơ-ra-ên trong thời gian khốn khó. Ông nói với họ về một “tôi tớ”, một nhân vật vẫn còn bí ẩn, người mà tiên tri nói rằng ông sẽ gánh tội lỗi của loài người. Và người tôi tớ hy sinh mạng sống của mình để mang lại hy vọng cho mọi người. Ê-sai so sánh ông với “con chiên bị dẫn đến lò làm thịt”. (53, 7).

Và theo tiên tri Isaiah, Gioan Tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, để cho thấy Ngài là người thực hiện các lời hứa của “tổ tiên”, đồng thời cũng để tuyên bố số phận của Ngài là chịu tội thay vì lợi ích của mọi người.

“Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. »

“Con Chiên và Tội lỗi” là những từ khó phù hợp với tư duy của con người hiện đại… nhưng đó là những từ mà chúng ta lặp đi lặp lại và hát nhiều lần trong mỗi Thánh lễ của chúng ta, vì những từ này là lời tuyên xưng đức tin của .

– Đối với thính giả Do Thái, các thầy thông luật trình bày Đấng Mê-si-a sắp đến như một con chiên đực chiến thắng, với cặp sừng hùng mạnh của mình, sẽ đánh bại những kẻ thù của Đức Chúa Trời.

– Đối với những người theo đạo Thiên chúa, chính Chiên Thiên Chúa là Đấng cứu độ nhân loại: Chúa Giêsu sẽ tự mình gánh vác và làm tiêu tan mọi sự dữ trên thế giới, trong một cuộc chiến mà Người sẽ đổ máu mình trước mặt những kẻ hành quyết. Nó không phải bằng một cuộc chiến bên ngoài, nhưng là chính Chúa Giêsu tự đón nhận cái chết, và qua cái chết trên thập giá, Ngài liên đới với tất cả những người bị bách hại trên thế giới.

Lúc nào con người cũng khao khát giải thoát. Thời đại nào cũng được nâng lên bởi niềm hy vọng giải thoát. Ngày nay khoa học, sự tiến bộ của kỹ thuật, các cuộc đấu tranh xã hội và chính trị được nâng lên hàng “cứu cánh” trong thần thoại.

Nhưng  các cuộc cách mạng khi kết thúc, thường lại bị thay thế bởi những bất công và bạo ngược áp bức khác. Và con người vẫn khao khát một sự giải phóng một sự cứu rỗi triệt để.

Chúa Giêsu thật là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian, là để cứu độ chúng ta.

Và khi chúng ta hát những lời này trong Thánh Lễ, chúng ta đừng dừng lại ở sự hời hợt bên ngoài, mà hãy làm những cử chỉ:

– chúng ta hãy giơ tay đón nhận cử chỉ an bình với tâm tình hòa giải thực sự, tình huynh đệ thực sự và sự hiểu biết lẫn nhau.

– Chúng ta hãy dang tay đón nhận thân xác được trao nộp là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Amen.

Mẹ Thiên Chúa

Mừng tược hiệu Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa hôm nay sau tám ngày mừng lễ Giáng sinh để cho chúng ta thấy vai trò của Mẹ Maria như người đã thay mặt toàn thể nhận loại đón nhận món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng cho con người, đó chính là Emmanuel, có nghĩa là Con Thiên Chúa xuống thế làm người và ở giữa chúng ta.

Món quà tình yêu này đã được Thiên Chúa chuẩn bị trải qua dòng lịch sự cứu độ, cụ thể là sau khi tổ tông phạm tội, Thiên Chúa  đã hứa cứu độ loài người cùng với lời hứa: “ Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ. Giữa dòng giống mi và dòng giống người nữ. Dòng giống người nữ sẽ đạp đầu mi”. Người nữ mà sách Sáng Thế nhắc đến ở đây chính là Đức Trinh Nữ Maria và dòng giống người chính là Đức Kitô – Đấng Cứu Thế, quà tặng của Thiên Chúa. 

Vì thế Thiên Chúa đã tiền định cho Đức Maria được cứu chuộc một cách đặc biệt nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô. Đây là đặc ân mà Giáo Hội đã tuyên tín vào năm 431 tại công đồng Êphêsô. Đặc ân này làm nền tảng cho các đặc ân cao quý khác nơi Mẹ mà chúng ta mừng kính trong cả năm phụng vụ.

Như vậy, trong bầu khí mừng lễ trong ngày đầu năm 2023 này, tâm tình tốt đẹp và ý nghĩa nhất của cộng đoàn chúng ta là cùng học với Mẹ tâm tình tạ ơn về những đặc ân mà Chúa trao ban cho Mẹ để chúng ta cùng tạ ơn Chúa và cùng tri ân Mẹ về những hồng ân dồi dào mà mỗi người, mỗi gia đình đã đang và sẽ lãnh nhận.

Mỗi chúng ta được mời gọi trước hết nhìn ra cuộc đời mình như một quà tặng Thiên Chúa ban để mà cùng với Mẹ tạ ơn riêng lên Thiên Chúa.

Chính trong ý định Thiên Chúa, và nơi Đức Giêsu, qua trung gian Mẹ Thiên Chúa, mà mỗi người chúng ta được tuyển chọn, được sinh ra làm người, được hồng phúc đức tin, để được sinh sống hạnh phúc và để tự hào là con dân việt nam mảnh đất thân thương này.

Cũng thế, mỗi chúng ta còn tạ ơn chung với nhau vì nhờ các nhà thừa sai truyền giáo, Tin mừng nước Chúa đã đến Việt Nam. Mỗi chúng ta đang thừa hưởng kho tàng vô giá này mặc dù Giáo hội tại Việt Nam có trải qua bao nhiêu thăng trầm và thử thách thì quà tặng đức tin vẫn được gìn giữ và phát triển không ngừng cho đến hôm nay, trong đó có phần đóng góp của mỗi chúng ta.

Biến cố nào, sự kiện nào cũng nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình thương của Thiên Chúa, đều ghi lại dấu ấn về lòng quảng đại của Ngài.

Trong năm mới này, xin cho mỗi tín hữu sống tâm tình tri ân Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội, Mẹ các gia đình và là Mẹ của mỗi chúng ta, bằng cách hoạ lại đời sống của chính Mẹ, tích cực đẩy lui bóng đêm của tội lỗi, của những tính mê nết xấu, và hằng nỗ lực cầu nguyện và làm các việc lành, việc thiện, để tâm hồn chúng ta thực sự biến thành một máng cỏ, một đền thờ cho Con Thiên Chúa ngự đến. Và qua mỗi người chúng ta, tình thương của Chúa tiếp tục là món quà được đem đến cho mọi người.

Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con quả tim của Mẹ: quả tim xinh đẹp, tinh tuyền, không tì vết. Quả tim tràn đầy tình yêu và khiêm tốn ấy giúp con có thể đón nhận Chúa Giêsu trong Bánh Sự Sống, yêu mến và phục vụ Ngài nơi anh chị em con”. (Mẹ Têrêxa). Amen.

Bình an dưới thế cho người thiện tâm

Trong ngày lễ Giáng Sinh hôm nay, khắp thế giới, hàng triệu tín hữu hân hoan đón Chúa nơi mầu nhiệm giáng sinh.

Trong ngày Giáng sinh hôm nay, chúng ta chào đón Thiên Chúa chúng ta trong hình dạng trẻ thơ. Tuy nhiên, chúng ta nhận ra, nơi con người nhỏ bé mong manh này, là Đấng nắm trong tay ơn cứu độ của chúng ta và tương lai của cả thế giới.

Kinh nghiệm đời sống gia đình cho thấy:

• Một em bé sơ sinh chào đời, có thể rất nhỏ nhưng, nhưng sự hiện diện của em khiến gia đình quan tâm và bận rộn với em.

• Nhờ có đứa trẻ, những cặp cha mẹ trẻ có được động lực để yêu thương và hy sinh xây dựng hạnh phúc hơn.

• Cha mẹ đứa bé muốn cống hiến hết mình để xây dựng một bầu khí hạnh phúc ở nơi mà con cái họ có thể lớn lên.

Thực vây, khi chúng ta ngắm nhìn một đứa trẻ, nó khiến chúng ta nhìn cuộc sống bằng cái nhìn hoàn toàn mới. Đứa trẻ đánh thức trong chúng ta lòng nhân ái và quảng đại.

Vậy khi ngắm nhìn con trẻ Giê-su, chúng ta thấy được điều gì? Thưa, nhìn bề ngoài thì đây là một hài nhi, một trẻ thơ. Nhưng nếu nhìn với con mắt đức tin. Thì hài nhi này chính là: “Ngôi Lời nhập thể và đang ở cùng chúng ta” như thánh Gioan vừa vén mở cho chúng ta trong Tin mừng của Ngài.

Hài nhi Giê-su là Tình yêu của Thiên Chúa Cha đến gặp gỡ con người. Ngài là niềm hy vọng, là Đấng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và mở ra cho chúng ta một tương lai, tương lai mà Thiên Chúa đến để cùng chúng ta xây dựng trong bình an, trong tin tưởng và trung tín…

Sứ điệp Giáng sinh hôm nay tiếp tục được gửi tới mỗi chúng ta,

Trước hết là lời loan báo: Bình an dưới thế cho người thiện tâm!

Đó là âm vang bài ca của các thiên thần mà chúng ta đã nghe trong Đêm Giáng sinh.

Thông điệp này là dành cho chúng ta vì hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay cần đến tình yêu và hy vọng.

• Ta thấy nhiều bạn trẻ đang tìm kiếm lý tưởng để sống, nhưng đôi khi họ thường nghi ngờ giá trị bản thân, vì thế họ đã đánh mất bản thân khi sống trong đau khổ và tuyệt vọng.

• Xã hội hôm nay cũng có nhiều hệ lụy, bởi vì như Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo thì một xã hội hôm nay đang bị ảnh hưởng bởi lối sống tục hóa và hưởng thụ, làm nảy sinh lối sống vô cảm giữa con người với con người.

• Hơn nữa, có các dân tộc đang phải chịu sự đe dọa của chiến tranh hận thù, cụ thể là chiến tranh đang diễn ra tại Ucraina, trung tâm của châu âu văn mình, nơi mà không ai nghĩ lại có thể xẩy ra chiến tranh tàn khốc như thế.

Trong những bối cảnh như thế, tất cả mọi người trong đó có mỗi chúng ta đều được mời gọi để canh tân, để có có tâm thiện mà cùng nhau trở thành đại gia đình ấm áp của con cái Thiên Chúa.

Đại gia đình yêu thương phản ảnh Mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm bình an:

• Bình an của Thiên Chúa trong tâm hồn và giữa chúng ta. Thực vậy, để có hòa bình, có bình an, mỗi người cần tin tưởng vào Thiên Chúa, là Đấng yêu thương và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường. Như thế:

• Cùng với Chúa, chúng ta phải xây dựng hòa bình mỗi ngày, qua những hành động nhân ái, qua những kinh nghiệm đối thoại, huynh đệ, hòa giải.

• Người công giáo cần trở nên dấu chỉ để mọi người thấy Chúa đã đến tại các gia đình, trong các môi trường làm việc và vui chơi giải trí … mỗi tín hữu đều có thể trở nên chứng tá tạo ra những mối dây liên kết huynh đệ để cho người khác cảm nếm được bình an của Thiên Chúa.

Lễ Giáng sinh là ngày lễ tặng quà vì chính Đức Giê-su Ngôi Lời nhập thể là quà tặng vô giá mà Thiên Chúa Cha ban tặng cho nhân loại. Nhưng những món quà có ý nghĩa gì nếu những món quà tặng này không mang dấu chỉ của hòa bình và hiệp thông huynh đệ! Một món quà chỉ có ý nghĩa khí nó tượng trưng cho tình yêu.

Vậy, mừng lễ Giáng sinh hôm nay là dịp để mỗi chúng ta hứa sẽ cố gắng yêu thương mỗi ngày một hơn những người xung quanh, tại nơi làm việc cũng như tại gia đình… có nghĩa là quyết tâm dấn thân xây dựng một bầu khí hiệp thông và yêu thương.

Bình an, an bình không phải là một giấc mơ. Trong đức tin ai cũng đều tin tường Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình, như thánh Gioan đã viết: “Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người”. Đôi khi Thiên Chúa đến lại làm cho không ít người ngại ngùng từ chối: như tại các quán trọ ở Bêlem, người ta đã ngần ngại từ chối Mẹ Maria, ông Giuse và Hài Nhi Giê-su.

Tuy nhiên, như chúng ta thấy hôm nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục đến, bất chấp sự thờ ơ hay từ chối của con người. Cụ thể mỗi chúng ta đang vui mừng hết lòng để đón Chúa đến trong giờ phút này khi cử hành Thánh lễ trọng thể mừng Con Chúa Giáng Trần.

Trong Thánh lễ này cũng như cuộc rước Chúa Hài Đồng trọng thể bên ngoài nhà thờ sau Thánh lễ là dịp thuận tiện để mỗi chúng ta đến gần với Chúa hơn, nhờ đó mà đến gần nhau hơn trong niềm vui và bình an. Xin cho bình an của Thiên Chúa ở với mỗi người chúng ta để mỗi chúng ta được thúc đẩy đi loan báo bình an của Chúa cho mọi người như các mục đồng đã đến Bê lem gặp gỡ Hài Nhi Giê-su và đi loán báo cho mọi người, nhờ đó mỗi chúng ta trở nên những người con đích thật của Thiên Chúa. Amen

Thầy là Đấng phải đến

Trong bài Tin mừng, Gioan Tẩy Giả do dự và bối rối. Ông có lầm lẫn hay không. Ông tin rằng Đấng Messia sẽ đến như một thẩm phán nghiêm khắc và không tây vị để xử phạt và ban thưởng. Vậy mà Chúa Giê-su lại đến thăm những người thu thuế, và tội lỗi. Ngài chữa lành những kẻ đau yếu, loan báo hồng phúc cho những người khiêm nhường và những ai xây dựng hòa bình. Ngài dạy không được xét xử người khác và cần phải yêu thương cả kẻ thù. Gioan bắt đầu nghi ngờ về căn tính của Chúa Giê-su khi hỏi Chúa rằng: “ Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi đấng nào khác?”

Chúa Giê-su cho thấy đấng Messia mà Ngài biểu lộ là thế nào. Thiên Chúa không biểu lộ bằng những hành động báo thù và chiến thắng, nhưng bằng những hành động tốt lành được làm cho những người lầm đường lạc lối, những người đâu khổ, mù lòa, tàn tật, cùi hủi, điếc lác, thu thuế và tội lỗi. Vẫn biết rằng cách biểu lộ của Đấng Messia như thế không như là mọi người mong đợi, nên Chúa Giê-su nói rõ: “ phúc cho những ai không vấp phạm vì tôi.”

Trích sách ngôn sư Isaia hôm nay thật là tương hợp với bài Tin mừng: “Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi…Chính Người sẽ đến cứu anh em.”

Trong hội đường Nagiarét, Chúa sẽ dùng một bản văn khác của ngôn sứ Isaia để cho thấy hình ảnh Đấng Messia – Đấng cứu độ: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Miêu tả này nhắc lại cái nhìn của thánh sử Gioan trong sách Khải huyền như sau: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”

 Quả vậy, Chúa Giê-su mang đến hòa bình và khẳng định ơn cứu độ thế giới tiến đến mỗi khi sự xấu bị đẩy lùi. Thiên Chúa sẽ ra tay thực hiện khi có những hành động tốt dành cho những người đau khổ, lạc lỗi, nghèo khó và bị bỏ rơi trong xã hội.

Phúc âm hóa là trở về nguồn, không theo ý riêng của mình nhưng là theo ý Chúa được biểu lộ trong Tin mừng. Khi mà chúng ta chyển tới thế hệ hôm nay điều mà chúng ta biết về Chúa Giê-su Ki-tô, tức là chúng ta phải chuyển tải điều được viết trong sách Tin mừng: Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa dịu hiền và tốt lành, ngài không làm cho ai sợ hãi, một Thiên Chúa gần gũi, biết được niềm vui và nỗi buồn, thành công hay thất bại, khổ nhọc cũng như thương đau của chúng ta, ngài đồng hành với chúng ta trong suốt hành trình của đời sống.

Kính thưa…Đấng Messia nhập thể, là Đấng chúng ta gặp ở hang đá Bê lem. Chúa Giê-su, hài nhi bé nhỏ và mỏng manh đó, hoàn toàn phụ thuộc và cha mẹ và những người xung quanh. Mọi người mong Ngài biểu dương sức mạnh, và oai phong…Nhưng ngài lại đi vào trong thế giới cách âm thầm, như một người không giấy tờ, một người nhập cư bất hợp pháp, như Tin mừng viết rõ là: “ không có chỗ cho ngài trong nhà trọ”. Những người viếng thăm đầu tiên lại là những mục đồng nghèo, những người có địa vị thấp nhất trong bậc thang xã hội thời đó. Ngài chết giữa hai tên gian phi.

Đó chính là hình ảnh một đấng Messia, một đấng cứu thế mà Thiên Chúa chọn lựa. Cho nên Gioan Tẩy Giả đã có những hoài nghi: Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

Trong thời gian mừng lễ, Đức Ki-tô xin mỗi chúng ta nhận biết Ngài trong máng cỏ nghèo hèn và noi gương Ngài, đến với những người đang đau khổ, là những kẻ mù lòa, tàn tật, đau yếu, những người cô đơn và bị bỏ rơi.

Mỗi chúng ta được mời gọi không chỉ nhớ tới bản thân mình, những người trong gia đình mình với những quà tặng và lời mời mà còn biết mở lòng mình ra cho mọi người xa lạ. Trong thời gian của niềm vui , chia sẻ và trao gửi, cần giáo dục trẻ em không chỉ làm một danh sách các món quà sẽ nhận được, nhưng còn biết liệt kê danh sách những món quà sẽ được trao tặng nữa. Nếu mỗi chúng ta cố gắng để quan tâm giúp đỡ những người đang cần đến tình thương và tình cảm, thì Noel sẽ có một ý nghĩa thực sự trong đời sống của họ và trong đời sống chúng ta. Vậy chúng ta hãy là một tin vui trong thế giới hôm nay.

Chúa Ki-tô thực là Đấng phải đến và chúng ta không cần phải chờ đợi một ai khác. “Maranatha, lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến”. Amen.

Tỉnh thức và cầu nguyện

Hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị mừng đại lễ Giáng sinh. Từ những ngày qua, các cửa hàng ở phố Hàng mã và các trung tâm mua sắm bắt đầu trưng cây thông và các đồ trang trí giáng sinh rất nhộn nhịp…và dịp này cũng là thời gian bận rộn của dịp mua sắm cuối năm. Cũng vì những ồn ào và bận rộn bên ngoài này mà mỗi chúng ta cũng dễ dàng bị cuốn theo nó mà thờ ơ với đời sống thiêng liêng, gắn bó với Chúa.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su gói gọn thái độ bàng quang này qua biến cố hồng thủy xẩy ra trong thời ông Nóe, lúc đó: “thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy.”(Kn 6-7)

Đức Giê-su không muốn nói những người thời ông Noe là xấu hoặc làm điều ác gì. Thực sự là họ biết tận hưởng niềm vui sống. Họ quan tâm đến các nhu cầu hoàn toàn bình thường của đời sống, vậy tại sao Chúa lại khiển trách họ “vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng.” Nói như thế Chúa Giê-su có ý trách cứ họ hời hợt trong lối sống. Những người thời đó có thể cho rằng cuộc sống đời này kéo dài mãi và họ quên mất sự mỏng dòn chóng qua của thân phận con người.

Cũng như thời ông Noe, nhân loại hôm nay cũng dễ chiều theo một đời sống như thế. Những tiến bộ về đời sống vật chất làm cho người ta ngủ mê trong những tiện nghi và đầy đủ. Nhiều người tin rằng thế giới như hiện tại không bao giờ kết thúc, cho đến ngày mà họ bị đánh thức một cách bất ngờ bởi một biến cố xẩy ra. Ví dụ như biến cố hai chiếc máy bay lao vào hai tòa tháp đôi tại thành phố New York, ngày 11/09/ 2003, hay các trận động đất và sống thần đã xẩy ra trong những năm qua…tất cả những biến cố đó cho thấy sự an toàn của đời sống này thật mong manh và người ta phải suy nghĩ về phận người.

Tòa tháp đôi ở thành phố New York từng là biểu tượng của sự giàu có, của sự thống trị quyền lực kinh tế của nước Mỹ. Vậy mà cuộc tấn công vào tòa tháp đôi này đã làm thay đổi lịch sử và thay đổi lối sống. Người ta có thể tự hỏi là có bao nhiêu người trong số 3000 nạn nhân tử vong hôm đó đã sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ với Chúa…hay cũng như Chúa Giê-su nói trong bài Tin mừng: mọi người không hay biết gì cho tới khi nạn hồng thủy đến cuốn đi hết thảy.

Đối với đời sống mỗi chúng ta cũng thế, có thể là nạn hồng thủy như thế chưa bao giờ xẩy ra cho mỗi chúng ta. Nhưng thực ra trong đời sống chúng ta, có nhiều dự tính đã được hoạch định với biết bao nhiêu là tâm huyết, vậy mà đùng một cái nó tan thành mây khói. Có thể có nhiều nguyên nhân như là: mất việc làm, hay một căn bệnh bất ngờ xẩy đến do tuổi tác, hoặc một tại nạn làm cho mình mất khả năng làm việc, hay một người thân bất ngờ ra đi. Mọi cái dường như không được như ý hoặc vì thiếu điều kiện hoặc vì bắt chợt một cơn bệnh bất ngờ xẩy đến, hay một tại nạn bất ngờ làm cho mọi dự tính bị ngưng trệ. Chúa Giê-su hôm nay nói với mỗi chúng ta là: hãy tỉnh thức và hãy sẵn sàng bởi vì  không biết khi nào những điều đó sẽ xẩy ra với mỗi chúng ta.\

Mỗi chúng ta cần phải luôn tỉnh thức và chuẩn bị cho tất cả những điều có thể xẩy đến, không phải để lo lắng và sợ hãi nhưng là để biết dùng thời gian thích hợp mà xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Vậy việc Chúa đến sẽ là một cuộc viếng thăm mong đợi và được đón nhận với niềm vui.

Thời gian của Mùa Vọng không chỉ giới hạn vào 4 tuần lễ để chuẩn bị lễ Giáng sinh, nhưng Mùa Vọng còn giúp cho mỗi chúng ta có một đời sống, một tâm tình bền bỉ trong niềm hy vọng. Mặc dù còn nhiều thử thách như tai ương, bệnh tật, nghèo khổ, nhưng chúng ta tin rằng cuộc sống chỉ có giá trị khi được sống và cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng. Mùa Vọng cho chúng ta lẽ sống trong tình yêu và hy vọng  ngay lúc này. Đó là lời mời gọi xây dựng một đời sống, một thế giới tốt đẹp hơn theo thánh ý Chúa.

Như sách ngôn sứ Isaia mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất, đã cho thấy viễn cảnh tốt đẹp được khơi lên nếu dân Giuda ăn năn sám hối và canh tân đời sống, và thời thái bình sẽ đến khi người ta “ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến”. Thật vậy, dự phóng của Chúa dành cho con người là một dự phóng của hòa bình và tình huynh đệ.

Mỗi tín hữu chúng ta hãy vững tin để biến đổi đời sống mình và sống giây phút hiện tại  mà không hề sợ hãi, bởi vì mỗi ki-tô hữu đều đang sống trong niềm hy vọng hướng tới ngày Nước Chúa hiển trị. Mỗi giây phút của đời sống là lúc mà Chúa Ki-tô đến gõ cửa lòng mỗi người chúng ta. Ước gì mỗi ngày và mỗi giờ, cuộc viếng thăm của Chúa không làm cho mỗi chúng ta bị bất ngờ, nhưng là niềm vui mừng bởi vì chúng ta cũng như người đầy tớ sẵn sàng chờ đợi và đón tiếp người chủ trở về và ngồi vào bàn ăn với Ngài. Vậy hãy sẵn sàng vì Chúa sẽ đến. Amen.

Hôm nay anh được ở trên thiên đàng với Ta

Cử hành phụng vụ Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội hoàn vũ suy tôn Chúa Giê-su Ki-tô là Vua vũ trụ.

Tại sao Giáo Hội lại mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ? Thưa vì Năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Thiên Chúa và cuối cùng trở về với Ngài. Thiên Chúa là khởi đầu và là cuối cùng của lịch sử. Kết thúc năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc lại giây phút chấm dứt, giây phút vũ trụ đạt đến cùng đích tột cùng là Thiên Chúa, giây phút Chúa Giêsu Kitô trở lại trong vinh quang.

Vậy chúng ta suy tôn Chúa Ki-tô là Vua theo nghĩa nào?  Nếu đọc và suy niệm Lời Chúa hôm nay, thì chúng ta sẽ thấy Vua Ki-tô được mô tả trong Kinh Thánh không giống như các vị vua trần thế, như chính Ngài đã nói với quan tổng trấn Philatô: Nước tôi không thuộc về thế gian này. Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Vương quyền của Chúa Giêsu hoàn toàn mới lạ.

1.Vương quyền ấy là gì? Lời nhạo báng của quan quyền, lính tráng và người do thái cho thấy vương quyền của Chúa Giê-su: “Hắn đã cứu được người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki tô của Thiên Chúa, người được Thiên Chúa tuyển chọn” (Lc 23,35). Chúa Giê su chính là Đấng Ki-tô, người được Thiên Chúa xức dầu, là Đấng Thiên Sai. Lời tuyên xưng của tên trộm lành cũng cho thấy điều đó: Khi nào về Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi.

2.Nước của Chúa Giê-su như thế nào? Nước của Chúa Giêsu không nhằm tư lợi cá nhân như các thủ lãnh khiêu khích, cũng không để ra oai quyền uy như bọn lính thách thức. Nước của Người là Nước Tình Yêu, vương quyền của Người là để phục vụ. Vì thế, Người đã không “xuống khỏi thập giá”, nhưng đã “kéo mọi người” lên với Người (Ga 13, 32). Người đã không “cứu lấy chính mình”, nhưng đã “cứu lấy mọi người” khỏi chết muôn đời nhờ cái chết của Người. Người đã sẵn lòng chịu chết giữa hai tên gian phi, như lời Kinh Thánh rằng : “Người đã hiến thân chịu chết và bị liệt vào hàng phạm nhân” (ls 53,12). Người đã hoà mình trong đám người tội lỗi, đã chịu chung số phận của họ, Người đã sống và đã chết giữa đám tội nhân, như lời đồn đại về Người : “Bạn của người thu thuế và phường tội lỗi” (Mi 11,19).

Như vậy, vương quyền của Chúa Giê-su là vương quyền của Yêu Thương.

3.Vương quyền tình yêu đó được biểu lộ qua hình ảnh một vị Vua đầu đội mạo gai, với ngai vàng là thập giá. Chính từ biểu lộ của một tình yêu hy sinh mạng sống vì người mình yêu như thế mà vị Vua Giê-su đã ban ơn cứu độ cho một thần dân đầu tiên là anh trộm lành: “Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. Anh đã nhận được vào Vương quốc của Chúa Giê-su ngay lập tức vì anh đã tỏ lòng kính sợ Chúa và ăn năn sám hối. Anh biểu lộ thái độ của người sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ. Nghĩa cử của anh trộm lành đã đánh động nhưng tâm hồn thiện chí. Đó chính là viên sỹ quan sau đó cũng đã được Vua Giê-su chinh phục khi ông ta thốt lên lời ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa: Người này quả thật là công chính”.

Từ hơn 2000 năm qua, Vua Giê-su vẫn luôn đón nhận vào trong vương quốc tình yêu của Người  những thần dân biết duy trì tinh thần hiệp nhất, phục vụ và yêu thương. Và chỉ những ai biết sám hối ăn năn, tin nhận vào quyền năng và tình thương của Chúa như anh trộm lành, mới được vào trong vương quốc của Người. Chỉ những người biết kính sợ Thiên Chúa và tin tưởng vào sự sống đời sau mới được ban cho Nước Trời.

Xin cho mỗi chúng ta hôm nay suy tôn Đức Giê-su Ki-tô là Vua biết cộng tác với Chúa để xây dựng Nước Trời ngày trong cuộc sống này khi kiến tạo sự bình an và yêu thương. Amen.

Niềm hy vọng

Tin mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện những người theo phái Sát-đu-sê đến gặp Chúa Giê-su không phải vì họ muốn tranh luận nghiêm túc với Chúa về  ý nghĩa thần học cho bằng bắt lỗi và nhạo cười Chúa. Những kẻ buôn bán trong đền thờ bị Chúa Giê-su xua đuổi cũng chính là những người theo phái Sát-đu-sê này. Ngài đã kết án họ về việc biến Nhà cầu nguyện thành nơi buôn bán. Chính vì thế họ luôn tìm cách chống lại Chúa vì Chúa trở thành mối nguy hiểm cho họ.

Quả vậy, những người Sát-đu-sê khi chịu tránh nhiệm trông coi Đền thờ, đã bắt tay với Đế quốc Roma, để làm sao vơ vét được nhiều tiền bạc, quyền lực cũng như kiểm soát dân chúng. Sự sống sau khi chết chẳng làm họ bận tâm trong niềm tin và ước vọng tương lai của họ. Câu hỏi mà họ đặt ra cho Chúa Giê-su về việc ai sẽ là chồng của người phụ nữ đã cưới bẩy người chồng ở đời sau là để làm cho Chúa mất uy tín đối với dân chúng mà thôi.

Khi nhắc lại cho chúng ta rằng Thiên Chúa là Chúa của sự sống, bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ lại về niềm hy vọng Ki-tô giáo với khẳng định: cái chết chỉ là một cuộc vượt qua.

Trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ, thánh nhân đã nhắc lại là mỗi người tin phải “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình”. Niềm hy vọng này cho thấy một ý nghĩa khác với cái chết, nó không phải là kết thúc, nó cho thấy hành trình đời người không kết thúc ở nấm mồ. Các Ki-tô hữu tiên khởi đã diễn tả niềm hy vọng này khi dùng từ ngữ Hy lạp là “koimitérion”, để chỉ nơi mà người ta chôn cất những người chết. Từ ngữ này đã được dịch là là “vườn thánh”, muốn nói lên ý nghĩa là “ quán trọ” mà thôi.

Chính vì thế mà Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Thessalonica rằng: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su.”

Ngày từ đầu tháng 11, chúng ta đã cử hành đại lễ mừng các Thánh trên trời và ngày mồng 2, là ngày tưởng nhớ các linh hồn đã qua đời. Tháng 11 là tháng nói lên sự liên đới của toàn thể nhân loại. Chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời và những người này tiếp tục đồng hành với chúng ta trong cuộc hành hương tiến về cõi sống, như lời cầu nguyện trong sách lễ mà chúng ta đã cất lên: Lạy Chúa, xin ban cho họ được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Xin cho linh hồn những người qua đời được lên trước tôn nhan đấng tối cao”.

Là người tín hữu, mỗi chúng ta không phải là những người sợ nghĩ đến cái chết. Ông Pascal đã có một niềm tin vĩ đại khi nói rằng: Các hữu thể nhân loại vì không thể tìm thấy phương thế chữa cho thoát khỏi sự chết, nên đã đi tìm hạnh phúc khi tránh suy nghĩ đến nó.” Đối với tín hữu Chúa, họ không sợ suy niệm về sự chết để chuẩn bị cho giây phút quan trọng đón nhận cái chết đến với họ.

Chắc chắn chúng ta cần phải chiến đấu liên lỉ để chống lại bệnh tật, để giành giật lấy sự sống. Tuy nhiên, không nên quên rằng, nếu ý khoa đã nhiều lần thành công trong các trận chiến chống lại tử thần thì cuối cùng cái chết vẫn luôn là tiếng nói cuối cùng. Nhưng, cái chết không phải là tận cùng. Nó chỉ là một cuộc vượt qua, một sự biến đổi.

Đức Ki-tô nhắc lại cho phái Sát đu sê hôm nay rằng, Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Gia cóp là Thiên Chúa của kẻ sống. Khi Chúa Giê-su nói tới Thiên Chúa của các bậc tổ tiên, tức là nói tới Thiên Chúa của sự sống và luôn trung thành với lời hứa của Ngài.

Niềm hy vọng ki-tô giáo khẳng định rằng sự sống, tình yêu, lòng tốt và bao dung , cũng như niềm khát khao công lý luôn ở trong mỗi chúng ta cũng như ở  trong cuộc đời của những người khác, những điều đó sẽ không bao giờ biến mất bởi sự chết.

Vậy mỗi chúng ta hôm nay một lần nữa hãy cảm nghiệm thật sâu sa hơn lời dạy của sách thánh, đó là “đừng buồn sầu và chán nản như những kẻ không có niềm hy vọng”, và hãy “hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta”. Amen.

Phúc thay cho ai kiến tạo hòa bình

Bài giảng trên núi mở ra với các Mối Phúc Thật. Thật là tuyệt vời khi chương trình đời sống này được gửi tới các con cái Nước Trời, không khởi đi từ những đòi buộc như: bạn phải làm điều này, phải làm điều kia…” nhưng là bởi sự lặp đi lặp lại: phúc thay cho bạn”. Chúa Giê-su mở ra một lời mời gọi cho hạnh phúc, cho niềm vui. Ơn gọi của các tín hữu, chính là tìm kiếm hạnh phúc.

Từ  ngữ “ Phúc thay”,  được nói tới 55 lần trong Tân Ước. Đạo của Chúa Giê-su không phải là đạo buồn sầu, hướng về những gì là tiêu cực, nhưng là một con đường giúp cho mọi người được hạnh phúc.

Các mối phúc không phải là một loại thuốc an thần thiêng liêng,  giúp chấp nhận các khó khăn của đời sống để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Các mối phúc đây là một lời mời gọi và là một sứ mạng được trao phó cho chúng ta là những người đón nhận Tin mừng.

Ngay sau các mối phúc, Chúa Giê-su giải thích điều mà ta phải làm mỗi ngày để được hạnh phúc: như “ người ta nói với anh: đừng giết người. Còn ta, ta nói với anh là đừng nguyền rủa, cũng đừng làm cho anh chị em mình phiền lòng. Người ta nói với anh là đừng ngoại tình, còn ta, ta nói với anh là hãy giữ đôi mắt và tầm hồn trong sạch. Người ta nói với anh: mắt đền mắt, răng đền răng. Còn ta, ta nói với anh là đừng để mình nuôi lòng hận thù; nhưng hãy là người kiến tạo bình an. Người ta nói với anh: hãy yêu thương người thận cận và ghét kẻ thù. Còn ta, ta nói với anh là hãy yêu thương kẻ thù và làm những điều tốt cho những kẻ ghét anh em. Người ta nói với anh: của lễ dâng trên bàn thờ phải là ưu tiên. Con ta, ta nói với anh: khi anh dâng của lễ trên bàn thờ mà chợt nhớ có người anh em đang lỗi phạm đến anh, thì hãy để của lễ trước bàn thờ và đi làm hòa với người anh em đó trước đã rồi mới về dâng của lễ”.

Chúa Giê-su nói về hạnh phúc khi  tình yêu được trao ban cho người khác. Đó chính là điều làm nên các mối phúc cũng như là sự phán xét trong ngày chung thẩm: khi ta đói các người đã cho ta ăn; khi ta khát các người đã cho ta uống, khi ta mình trần các người đã cho mặc và khi ta đâu yếu, các người đã đến viếng thăm ta…

Chúa Giê-su chính là chìa khóa để hiểu các mối phúc. Ngài là Đấng không nỡ bẻ cây lau bị dập, không nỡ dập tắt tim đèn còn khói. Ngài nếu gương cho chúng ta: hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Kính thưa…Tin mừng về các mối phúc thật giới thiệu cho chúng ta về Chúa Giê-su là Đấng đã xoay mình về những người đau ốm, tàn tật, liệt lào, và đau khổ. “ Ngài thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ bơ vơ, vất vưởng, như đàn chiên không người chăn dắt”. Chúa Giê-su tự đồng hóa với những người đau khổ, khi Ngài nói: điều mà anh em làm cho một trong những người bé mọn đây…là làm cho chính Ta vậy”.

Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su biểu lộ như là một Mai sen mới đến để quy tụ dân Thiên Chúa. Ngài ban bố lề luật Nước trời và mời gọi người nghe thay đổi đời sống, hoán cải, và có cái nhìn mới đối với mọi sự.

Vậy ngay từ lúc này, mỗi chúng ta cần  mang lấy một lối sống mới, và điều đó là nền tảng của niềm vui của các mới phúc thật. Vấn đề là biết chọn lựa những giá trị có thể làm biến đổi chúng ta, và mang đến nhiệt huyết cho mọi người xung quanh. Các mối phúc muốn biến con tim bằng đá của chúng ta thành con tìm bằng thịt.

Trong một xã hội đẫy rẫy những bạo lực, hận thù, bất khoan dung hôm nay (giết người cướp của ở Thường tín…chặt đầu khủng bố ở Nice…), Thiên Chúa hôm nay đề nghị chúng ta một sự chọn lựa khác biệt: không phải là ước mong mình sẽ là số một, là giàu nhất, mạnh nhất…nhưng là ước mong trở nên những con người của hòa bình, sẻ chia và tương trợ lẫn nhau. Cần phải thay đổi cái tâm tính ích kỷ của mỗi chúng ta: lúc nào cũng tôi tôi tôi, thành một tâm tính huynh đệ, đượm tình hiệp thông.

Xung quanh chúng ta đã có biết bao nhiều vị thánh của hòa bình, như Mẹ thánh Têrêsa thành Calcutta, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, hay các con người kiến tạo hòa bình như các bậc vĩ nhân của các thời đại, như Gandhi, Martin Luther King, Nelson Mandela…Nhưng chứng nhân như thế cũng đang tiếp tục xuất hiện trong mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn mà chúng ta đang sống. Họ làm cho chúng ta hiểu rằng một người mà thôi cũng có thể làm nên một sự khác biệt quan trọng trong đời sống của mọi người.

Chuyện kể rằng tại một ngôi làng kia, đang chịu cảnh nghèo đói bởi đất đai thì khô hạn và cằn cỗi, bà con giáo dân đến xưng tội với cha xứ. Để ra việc đền tội, vị linh mục trẻ đã trao cho mỗi người một hạt cây và họ phải trồng nó để được tha thứ. Có thể nói là những tín hữu này đã phạm nhiều tội lắm bởi vì sau ba mươi năm, số cây mà họ trồng đã tăng trưởng và làm cho cả làng trở nên mát mẻ, làm cho cảnh hạn hán không còn và làm cho đời sống của làng này trở nên xanh tươi. Vâng, kính thưa…với sự sáng suốt đó mà vị linh mục trẻ đã thay đổi đời sống của mọi người trong cả làng quê đó.

Quả vậy, Chúa Giê-su hôm nay mời gọi chúng ta hãy thực hiện đồng thời bằng việc hoán cải và thay đổi thế giới: Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Amen.

Khiêm tốn trước Thiên Chúa

Dụ ngôn người pharisêu và người thu thuế cho chúng ta thấy hai thái độ cụ thể.

Người Pharisêu muốn khẳng định bản thân và khoe khoang về phẩm cách của mình. Ông tự hào vì ông thuộc một tầng lớp khác, thuộc những người Pharisêu, tức là thành phần tách biệt khỏi dân chúng tầm thường. Vì thế ông tự kiêu về chính mình và đánh gia thấp người khác là những kẻ « tham lam, bất chính, ngoại tình, hay là không như tên thu thuế kia ». Trong khi tỏ mình cách kiêu căng, ông tỏ ra sự khinh miệt người khác. Ông qui chiếu về chính mình và cho thấy ông thiếu tình yêu thương và lòng tốt.

Ngược lại, người thu thuế bắt đầu cầu nguyện bằng thánh vịnh 50 : « Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi ». Ông không xét đoán người khác, nhưng xét đoán chính mình. Ông ta than thở về sự khổn khổ của mình vì tội lỗi ông đã phạm.

Nói tới người thu thuế, thời Chúa Giê-su, họ bị coi là tội lỗi vì cộng tác với Đế quốc La mã bóc lột dân chúng khi thu thuế nộp cho người La mã. Họ cũng lợi dụng nghề này để tham nhũng, vơ vét tiền của từ những người nghèo vào túi của họ. Họ không có bạn hữu nào khác ngoài những người bạn cùng làm một nghề thu thuế như họ. Họ bị khinh miệt bởi những người đồng bào của họ. Họ cũng khỉnh rẻ chính họ vì cái nghề mà họ đang làm. Trong sự khổ sở đó mà ông thu thuế này đã cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tất cả các bài học của dụ ngôn dựa tên hai từ ngữ được nhấn mạnh trong câu đầu và câu cuối của dụ ngôn : câu đầu tiên cho thấy ông Pharisêu tự nhận mình là « người công chính », còn câu cuối lại cho thấy ông thu thuế trở về nhà mình thì được « nên công chính », tức là ông được công chính bởi Thiên Chúa ban cho ông.

Như chúng ta biết, Chúa Giê-su yêu thương tất cả mọi người và không phân biệt đối xử : ngài đón tiếp những người Pharisêu như ông Nicođêmô và Simon, đón tiếp bà Maria Madalena, những người nghèo khó, các trẻ em, người đau ốm, phụ nữ ngoại tình, chị samaria dân ngoại, người đàn bà góa, và cả những người thu thuế và tội lỗi.

Thiên Chúa không phá hủy nhưng chữa lành và ban thêm niềm hy vọng. Ngài không kết án nhưng là tha thứ. Ngài không đánh phạt nhưng giải thoát. Cây lau bị giập ngài không bẻ gẫy, tim đèn leo lét người không dập tắt.

Tin mừng hôm nay cho thấy : điều mà Thiên Chúa không chấp nhận đó là những so sánh bất công và những đánh giá tự mãn như ông Pharisêu : «  Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia ».

Trong bình diện chính trị, các ứng cử viên cũng thường hay đưa ra những bài diễn thuyết theo kiểu người Pharisêu. Dường như những ứng cử viên và các đảng phái chỉ biết đề cao bản thân và đảng của họ và dìm các ứng cử viên đối lập cũng như các đảng đối lập. Trong việc tranh cử, các ứng cử viên có thể dùng những mánh khóe, những lời nói gian dối, và mọi phương tiện khác để đạt được mục đích. Và thực tế là sau khi đắc cử, mấy khi họ giữ những lời họ hứa hẹn.

Bị ảnh hưởng với xã hội đề cao cá nhân, đề cao siêu nhân, chúng ta cũng thường tự cho mình hơn người khác, khi tìm kiếm chỗ nhất, địa vị cao, quyền lực, sự giàu có… ! Những ai không đáp ứng với tiêu chí và và ngang hàng với mình thì bị bỏ lại đàng sau, và bị coi thường.

Qua hai thái độ cầu nguyện này, Thiên Chúa muốn chúng ta suy gẫm về vị trí mà chúng ta đảm nhận trong đời sống và về những mối tương quan mà chúng ta phải có với Chúa và tha nhân.

Dụ ngôn của Chúa Giê-su gửi đến cho những ai tự cho mình hơn những người khác và những ai có xu hướng khinh thường những người không cùng đẳng cấp với mình trên bình diện tôn giáo, chính trị và xã hội.

Mỗi chúa nhật, chúng ta cử hành Thánh lễ bằng việc nhận ra rằng chúng ta là kẻ tội lỗi. Điều đó giúp mỗi người thấy được thân phận của mình để không lên mặt với người khác và không so sánh cũng như tự mãn với chính bản thân. Khi nhìn nhận rằng mình là tội nhân, có nghĩa là chúng ta đã sẵn sàng nhận sự tha thứ của Thiên Chúa với lòng biết ơn và khiêm tốn. 

Tham dự Thánh lễ chúa nhật là một dịp để chúng ta gặp gỡ nhau,  để cùng đón nhận lòng thương xót Chúa và sự dịu hiền của Ngài đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta không được tự cho mình hơn người khác, bởi vì Chúa sẽ đón nhận những ai khiêm tốn, nhìn nhận thân phận yếu đuối của bản thân mình. Amen.

Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng

“Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”…Lời thánh Phaolô cho thấy sứ mạng và bản tính của Giáo hội là truyền giáo.  Truyền giáo là ơn gọi của Giáo Hội, thì cũng là trách nhiệm gắn liền với mọi người Kitô hữu chúng ta. Bao lâu còn là Kitô hữu, bấy lâu còn phải loan báo Tin Mừng.

Loan báo Tin mừng bằng cách nào ? Thưa loan báo Tin mừng bằng cách « lên đường và ‘đi ra’ đến với người khác » như lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhưng đâu là điểm tựa để người tín hữu có thể lên đường truyền giáo đúng nghĩa ?  Thưa, điểm tựa vững vàng nhất cho nhà truyền giáo hôm này là noi gương Chúa Giêsu.

Chúa Giê-su trong ba năm tại thế đã lên đường rời bỏ quê hương Nagiarét mà ngài đã gắn bó suốt 30 năm  để đến với dân ngoại, đến với những người bệnh tật, đui mù, nghèo khó và quỷ ám…Hành trang ngài mang theo là thể hiện tình yêu thương với mọi người, bằng cách : quên mình, xả thân vì người khác. Làm gương cho người khác qua hình mẫu: nói đi đôi với làm.

Đời sống của Chúa là : đến với người khác trước khi họ đến với mình, điều này thể hiện qua chính lời nói của Ngài: “chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì thầy ra đi cốt để làm việc đó.”

Lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp niềm vui của Tin mừng đã ghi rõ: Trung thành noi gương Thầy mình, Hội thánh hôm nay thấy tuyệt đối phải ra đi rao giảng Tin mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi dịp, không do dự, không miễn cưỡng hay sợ hãi… dấn mình vào đời sống hằng ngày bằng lời nói và hành động (EG 23)

Vậy được mời gọi «  dấn mình vào đời sống hằng ngày bằng lời nói và hành động », chúng ta hãy học truyền giáo bằng đời sống cụ thể ngay tại gia đình mình. Xin được đề nghị ba điểm cụ thể :

a- Thứ nhất là cầu nguyện và hy sinh: Đây là  hoạt động đầu tiên của việc truyền giáo. Thánh Têrêsa Hài đồng Giê-su không đi truyền giáo nhưng lại trở thành quan thầy của các xứ truyền giáo nhờ vào đời sống cầu nguyện trong nhà dòng kín và bằng đời sống hy sinh liên lỷ. Thánh nhân đã tâm niệm: nhặt một cái kim vì lòng yêu mến Chúa cũng đủ cứu rỗi một linh hồn. Chuyện thuật lại rằng nhờ việc cầu nguyện liên lỉ cho một tử tội mà tử tội này lúc chịu hành quyết  đã  xin được xưng tội để ăn năn sám hối. Không ai có thể nói là tôi không có thì giờ để cầu nguyện và cơ hội để hy sinh.

b- Thứ hai là hiệp nhất yêu thương: Đức Kitô đã muốn được sinh ra và lớn lên trong gia đình thánh của thánh Giuse và Mẹ Maria. Vậy mỗi gia đình công giáo là “gia đình của Thiên Chúa” và không thể không tràn ngập bầu khí hiệp nhất và yêu thương. Việc học giáo lý, năng đi tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện, tham gia các hoạt động tôn giáo là rất cần, nhưng cần phải đi đôi với nếp sống đạo đức nổi trội trong gia đình về sự hiệp nhất yêu thương, bầu khí này sẽ giúp cho  việc truyền giáo hữu hiệu, như lời Chúa Giê-su dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em hãy thương yêu nhau”. Một khi tất cả nếp sống của các gia đình công giáo phảng phất hương thơm của tình hiệp nhất yêu thương thì dù ở đâu, nếp sống ấy cũng là truyền giáo. Ví dụ: Một cô gái ngoại giáo yêu một chàng trai công giáo, bà con láng giềng trong giáo xứ thấy cô ta đẹp người đẹp nết, nên giục cô ta vào đạo ngay, nhưng cô trả lời: “Cháu cần tìm hiểu xem đời sống những người có đạo thế nào đã”. Sau một thời gian tìm hiểu gia đình bạn trai, cô thấy mẹ của bạn mình không chỉ siêng năng đọc kinh, dự lễ, mà còn là mối giây sống tình yêu thương hiệp nhất trong gia đình, bà cùng với chồng bảo ban nâng đỡ đời sống con cháu  và nhất là yêu quý và coi cô như con cái trong nhà. Không những thế bà còn tham gia công tác bác ái của các hội đoàn giáo xứ và khu phố bằng cả sự chân thành.   Cô gái in trong lòng hình ảnh tốt đẹp về gia đình của bạn trai và về đạo công giáo. Bởi đó cô nhất quyết xin theo học đạo để trở nên người con Chúa trước khi tổ chức đám cưới. Việc cô theo đạo không phải để lấy chồng nhưng vì cô thấy đạo công giáo là đạo tốt.

c- Điểm cuối cùng cần phải thực hiện để truyền giáo là làm chứng tá bằng sự hội nhập và xây dựng xã hội : Ngày hôm nay, xã hội đang phải đối diện với biết bao vấn đề : các tệ nạn tiếp tục nảy sinh, môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, các giá trị đạo đức luân lý bị băng hoại. Chính vì thế nỗ lực của xã hội hôm nay là xây dựng nếp sống lành mạnh, có văn hoá, văn minh. Vậy ngay tại các gia đình công giáo, mọi thành viên sống chứng tá cho xã hội bằng chính việc tham gia và công tác tích cực vào việc loại bỏ các nếp sống không văn hóa và kém văn minh bằng việc bảo vệ môi trường sống được xanh sạch đẹp, loại trừ các tệ nạn như lô đề, cờ bạc, rượu chè và nghiện hút, cũng như bảo vệ sự sống con người ngay từ khi còn trong bụng mẹ để xây dựng một nền văn minh sự sống và tình thương.

Để kết luận, xin được trở lại nội dung Tông huấn «  niềm vui của Tin mừng » của Đức Thánh Cha Phanxicô, hướng dẫn Hội thánh thực hiện việc Tân phúc âm hóa, nhằm loan báo Tin mừng cho thế giới hôm nay, trong đó Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng : « nhiệm vụ truyền giáo phải là nhiệm vụ hàng đầu » và chúng ta ‘không thể thụ động và thản nhiên ngồi đợi trong các nhà thờ của chúng ta » chúng ta cần phải chuyển đổi từ một mục vụ thuần túy bảo tồn sang một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo (EG 15). Vậy, những gì mà tôi và quý ông bà anh chị em chia sẻ với nhau trong ngày khánh nhật truyền giáo hôm nay là để khai triển một vài điểm nhấn cụ thể mà Đức Thánh Cha đã gợi lên trong lời dạy của ngài, mưu cầu thực hiện « một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo » mà Ngài trăn trở để cho Tin mừng đến với muôn dân, cách riêng trên quê hương Việt Nam chúng ta.

Lạy Chúa, xin tuôn tràn ơn sủng của Ngài trên mỗi người chúng con để với nhiệt huyết tông đồ mà Chúa ban tặng, chúng ta trở nên những chứng tá nhiệt thành đem Tin mừng của Chúa đến với tha nhân và ước gì có nhiều người nhận ra tình thương của Chúa qua chính đời sống chứng ta đức tin hằng ngày của chúng con. Amen.