Đời sống cầu nguyện

peche mirac

Hãy thả lưới, sẽ bắt được cá

peche mirac

Suy niệm Tin mừng Gioan 21, 1-14

Tin mừng hôm nay trình thuật Chúa Giê-su phục sinh hiện ra lần thứ ba với các môn đệ. Biến cố này xẩy ra ở bờ biển hồ Gallilêa. Mọi sự bắt đầu bởi sáng kiến của ông Phêrô khi ông đề nghị anh em đi đánh bắt cá, nhưng lại không bắt được con cá nào. Chính vào giây phút thất bại này mà Chúa Giê-su đến với các ông. Khi mà mọi sự dường như kết thúc thì Chúa Giê-su lại đến tìm kiếm các ông. Ngài hiện diện với họ bên bờ hồ, nhưng họ không nhận ra Ngài.

Trước những buồn chán và mệt mỏi sau mẻ cá thất bại, Chúa Giê-su đã yêu cầu các môn đệ tiếp tục thả lưới: hãy thả lưới ở mạn phải thuyền, anh em sẽ bắt được cá. Và kết quả vượt quá niềm hy vọng của các môn đệ. Họ đã bắt được mẻ cá đầy.

Tin mừng cho thấy các môn đệ đã bắt được 153 loại cá. Con số biểu tượng này tương đương với tất cả các loài cá tính được vào thời đó. Điều này muốn nói về sứ mạng hoàn vũ được trao cho nhưng ai được mời gọi trở nên những kẻ lưới người như lưới cá. Tuy nhiên, sứ mạng đặc biệt này chỉ có thể thực hiện với sự giúp sức của Thiên Chúa. Các môn đệ thả lưới nhưng chính Chúa làm cho mẻ lưới đầy cá. Đây là điều được thực hiện đối với mọi công cuộc truyền giáo: chúng ta được sai đi để loan báo Tin mừng cứu độ nhưng chính Chúa hoạt động trong con tim của những ai biết lắng nghe và làm cho sinh hoa kết quả.

Tất cả những điều đó đòi hỏi nơi mỗi chúng ta một tình yêu hoàn hảo dành cho Đấng đã kêu gọi và sai chúng ta đi. Đây là điều mà tông đồ Phêrô đã nhận được: Simon, con ông Giona, con có yêu mến thầy hơn những người này không? Câu hỏi này được lặp đi lặp lại tới 3 lần. Phêrô là vị tông đồ trưởng đã từng chối Thầy mình tới 3 lần trong cái hoàn cảnh, cái giây phút thử thách nhất đối với ông. Nhưng Chúa Giê-su đã cho ông cơ hội để đứng lên. Phêrô đã thưa với Thầy mình 3 lần để nói lên tình yêu của ông dành cho Chúa. Và lúc đó Chúa Giê-su đã trao phó cho ông chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Quả vậy đó là một bằng chứng cho thấy tất cả các chứng nhân đức tin đều là những tội nhân đã được ban ơn tha thứ, những người đã được đón nhận bởi lòng thương xót Chúa.

Chúa nhật này chúng ta sẽ cử hành Lòng Thương Xót Chúa. Chúng ta có dịp suy niệm về lòng thương xót không giới hạn của Chúa Giê-su Ki-tô. Mỗi chúng ta cần phải cảm nghiệm sâu xa về Lòng Thương Xót Chúa. Chúa Ki-tô nối kết với mỗi người ở bất cứ nơi đâu và khơi lên niềm hy vọng. Đối với Chúa, không bao giờ có tình trạng thất vọng. Như là Phêrô, mỗi chúng ta được mời gọi đắm chìm và nối dài niềm cậy trông dựa trên lời hứa của Chúa. Như Phêrô, chúng ta được sai đi để làm chứng tá cho niềm hy vọng trong thế giới này. Chúa Ki-tô phục sinh muốn biểu lộ lòng thương xót của Ngài cho tất cả mọi người và cho mỗi người. Chính Ngài nói với chúng ta rằng Ngài đến để “tìm kiếm và cứu vớt những người đã hư mất”. Ngài muốn chúng ta nối kết với sự hiển thắng của Ngài trên sự chết và tội lỗi.

Sứ điệp của Lời Chúa gửi đến cho chúng ta hôm nay đó là chính Đức Ki-tô phục sinh đang hiện diện, dù chúng ta không nhìn thấy Ngài. Ngài không ngừng liên đới với chúng ta trong tâm lòng, trong đời sống, trong những nỗi nghi nan và thử thách. Ngài đến ban ơn tha thứ và đặt niềm tin tưởng nơi mỗi chúng ta. Của ăn mà Ngài ban sẽ ban thêm sức mạnh, không phải là món cá nướng bên bờ biển hồ khi xưa nhưng là chính Mình và Máu Thánh Ngài. Như tông đồ Phêrô, mỗi chúng ta đã được ghi dấu ấn trong tình yêu của Chúa, nên được sai đi để làm chứng tá, để trở nên sứ giả sống động của Tin mừng cứu độ. Amen.

Thứ Sáu – Tuần Bát nhật Phục sinh 2020

Ressuscit

Bình an cho các con

Ressuscit

Hôm nay, Tin Mừng thánh Luca thuật lại nỗi sợ hãi bao trùm lên các Tông đồ, mặc dù các ông đang được hai môn đệ trên đường Emmaus báo tin Chúa đã sống lại và đã hiện ra với các ông. Nỗi sợ hãi của các môn đệ càng dâng lên tột độ khi thấy Đức Giêsu hiện ra và đứng giữa các ông. Tuy nhiên, Chúa đã chào các ông và chúc lành cho các ông: “Bình an cho các con”. Lời chúc lành đã xua tan nỗi sợ hãi và ám ảnh đã xâm chiếm tâm lòng các tông đồ trong những ngày thương khó của Chúa và tình cảnh cô độc mà các ông phải chịu.

Chúa Giê-su không phải là ma, nhưng ngài đang thực sự hiện diện, nỗi sợ hãi và yếu kém đức tin đôi khi làm cho các tông đồ hoảng hốt tưởng Chúa là ma. Cũng như đã có lần Chúa đi trên mặt biển đến với các tông đồ trên thuyền. Vì yếu đức tin nên họ cũng đã tưởng Chúa là ma.

Quả vậy, sự sợ hãi cho thấy một niềm tin non yếu và thiếu sức mạnh của đời sống nội tâm. Lúc đó sợ hãi bao trùm và xóa nhòa sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta. Như hôm nay, sự chết chóc do bệnh dịch Covid 19 ở nhiều nơi đã làm cho không ít người ở đó sợ hãi và có thể họ không còn niềm tin ở sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Ngược lại với sự sợ hãi, một niềm tin vững mạnh sẽ cho thấy sự hiện diện của Chúa Giê-su Ki-tô trong đời sống người tín hữu sẽ gạt bỏ những nghi ngờ và chiếu soi đời sống, đặc biệt là những ngóc ngách của cuộc đời mà không thể giải thích trên bình diện nhân loại.

Sự phục sinh của Đức Ki-tô mang lại ý nghĩa cho mọi nỗi thăng trầm của đời sống. Sự phục sinh cho chúng ta sự bình an trong những giây phút tối tăm của cuộc đời. Tất cả ánh sáng ở trần gian này đều quy về nguồn sáng đích thật là Đức Ki-tô và chỉ có ý nghĩa khi nó quy về nguồn ơn cứu độ được thực hiện qua sự chết và sống lại của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta.

Như trong bài Tin mừng, Chúa phục sinh đã cho các môn đệ thấy là: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Và bấy giờ Chúa đã mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh, như là những gì Chúa đã làm cho hai môn đệ trên đường Emmaus mà chúng ta suy niệm ngày hôm qua. Vâng, Chúa cũng muốn mở lòng mở trí chúng ta để hiểu Kinh Thánh. Ngài muốn biến đổi con tim khô cằn của chúng ta nên giống trái tim Chúa, tràn đầy nhiệt huyết nhờ vào việc giải thích Kinh Thánh và Bàn tiệc Thánh Thể.

Nói cách khác, sứ mạng của mỗi ki-tô hữu chúng ta hôm nay là nhận ra rằng Thiên Chúa muốn biến đổi hành trình đời sống mỗi chúng ta thành hành trình của hồng ân cứu độ. Amen.

Thứ Năm – Bát nhật Phục sinh 2020

Emmaus2

Lòng chúng ta chẳng bừng cháy lên sao

Emmaus2

Hôm nay, Tin mừng tiếp tục soi sáng cho chúng ta thấy Chúa Giê-su là Đấng hằng sống và luôn là trung tâm để nhờ đó mà các cộng đoàn môn đệ được thành lập. Chiều kích giáo hội ở đây, được thể hiện qua những cuộc gặp gỡ cộng đoàn, những trao đổi huynh đệ trong cùng một niềm tin, trong những lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa, và trong những hành động biểu lộ tình yêu thương huynh đệ, để phục vụ tha nhân…Tất cả những điều đó cho thấy các môn đệ, các người tin đã diễn tả sự gặp gỡ của họ với Đức Giê-su Ki-tô phục sinh.

Hai môn đệ trên đường Emmaus bị đè nặng bởi những suy nghĩ buồn chán, không thể nghĩ rằng vị lữ khách xa lạ thực ra là Người Thầy của họ đã sống lại. Tuy nhiên, lòng họ đã bừng cháy lên khi được nghe và được giải thích Kinh Thánh. Ánh sáng của Lời Chúa đã cất đi khỏi lòng họ sự đè nặng và mắt họ đã mở ra để nhận ra Người.

Hình trình trên đường Emmaus cho chúng ta một chỉ dẫn trên hành trình dài với những nghi nan, lo lắng và đôi khi đầy tràn thất vọng của mỗi chúng ta. Vị lữ khách thần linh luôn luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường để giúp cho chúng ta hiểu được chương trình mầu nhiệm của Chúa nếu chúng ta biết suy gẫm Lời Chúa. Nếu là một cuộc gặp gỡ thực sự, ánh sáng của Lời Chúa và sau đó là ánh sáng của Bánh Hằng Sống mà Chúa Ki-tô là hiện thân sẽ làm cho lời hứa “thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” biểu lộ thực sự trong thế giới này và trong chính cuộc đời của mỗi chúng ta.

Vậy mỗi chúng ta hãy nỗ lực loan báo tin mừng phục sinh của Chúa, bởi vì chính Tin mừng này sẽ chiếu soi mọi miền bóng tối trên thế giới, nơi mà mỗi chúng ta ta đang sống. Amen.

 Thứ Tư – Bát nhật Phục sinh 2020

Mariamadalena

Tôi đã thấy Chúa

Mariamadalena

Qua hình ảnh của bà Maria Madalena được thánh Gioan tường thuật trong biến cố phục sinh của Chúa Giê-su, chúng ta có thể thấy tiến trình của niềm tin, của việc nhận ra Chúa phục sinh, một tiến trình đi từ sự bất toàn đến sự vẹn toàn của niềm tin ki-tô giáo.

Bà Maria Madalêna là ai? Như các Tin mừng cho thấy thì bà Maria Mađalêna còn được gọi là Maria thành Magđala, và đều khẳng định bà là môn đệ gương mẫu. Thực vậy, ngay từ đầu, bà Maria đã chứng tỏ là một môn đệ rất chân thành với Chúa Giê-su. Bà theo Chúa, gắn bó với Chúa trong mọi nẻo đường rao giảng Tin mừng, theo Chúa đến cả những giây phút nguy hiểm nhất và cùng với Đức Mẹ và Tông đồ Gioan đứng dưới chân thập giá trong giờ Chúa chịu chết. Nên chẳng lạ gì ngay từ sáng sớm bà đã tìm đến mộ để viếng người thầy mà bà quý trọng. “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! “, lời nói của bà đã cho thấy tấm lòng trung thành của bà đối với Chúa Giê-su như thế nào.

Tuy nhiên, tin vui được loan báo trong ngày thứ ba tuần bát nhật phục sinh hôm nay còn vượt qua bất cứ tình cảm và đạo đức nhân loại nào, vượt qua các niềm tin tôn giáo chỉ dừng lại nơi cái chết của Đức Giê-su. Tin vui này đưa chúng ta đến việc xác tín vào Chúa Giê-su là Đấng phục sinh. Như ta thấy lúc đầu bà Maria còn ở cấp độ của niềm tin chưa toàn vẹn, tức là bà chưa nhận ra Chúa phục sinh mà bà chỉ thấy Chúa như là người làm vườn. Chúa đã hỏi bà: tại sao bà khóc? Và với tình cảm tự nhiên bà thổn thức xúc động vì không còn xác chúa trong mồ, nên không thể nhận ra Chúa đang hỏi bà. Nhưng khi Chúa gọi bà bằng chính tên bà “ Maria”, thì dường như có một luồng ánh sáng đánh thức trong tâm trí bà cái cảm thức về sự sống lại và sự sống, có nghĩa là cho bà nhận ra Đấng Phục sinh đang ở trước mặt bà. Đó chính là vị Thầy mà bà quý mến, nay Ngài đã sống lại, đang ở trước mặt mặt bà. Bà đã tin, đã thốt lên “ Ráp-bu-ni” (Lạy thầy). Bà đã đạt tới một niềm tin vẹn toàn và lập tức trở nên người tông đồ đầu tiên lãnh nhận bài sai của Đấng phục sinh: “Hãy đi loan báo cho anh em thầy rằng: tôi đã thấy Chúa và điều mà Ngài nói với tôi”. Sau đó các anh em của Thầy Giê-su cũng đã thủ đắc được niềm tin vẹn toàn như thế. Như tông đồ Phêrô trong ngày Lễ Ngũ Tuần, đã lớn tiếng loan báo cho mọi người: “Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.” Lời loan báo đầy xác tín và hung hồn như thế thốt ra từ môi miệng của Phêrô đã đánh động con tim của ba ngàn người có mặt hôm đó. Họ đã sám hối và chịu phép rửa.

Ngày nay, có không ít các Ki-tô hữu không nhận ra một cách rõ ràng những thực tại đời sau, và nghi ngờ về sự phục sinh của Đức Giê-su. Cũng vậy không ít các tín hữu có niềm tin và theo Chúa đó nhưng chưa xác tín vẹn toàn, nên ngại ngùng không dám loan báo và làm chứng về Chúa. Chúng ta có ở trong số đó không? Vậy thì ngay giờ phút này đây, mỗi chúng ta một lần nữa hãy làm mới lại niềm tin và xác tín vào Chúa Ki-tô phục sinh như bà Maria Mađalena, như các Tông đồ, như biết bao nhiêu chứng tá của các vị thánh, để biết tìm gặp anh chị em xunh quanh mà loan báo cho họ về hồng ân cứu độ: Chúa đã sống lại. Chính tôi đã gặp được Ngài. Amen.

Thứ Ba – Bát Nhật Phục Sinh 2020

Hãy trỗi dậy

Thánh sử Luca kể lại: sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, những người phụ nữ đạo đức ra nơi phần mộ đã an táng Chúa Giêsu. Họ muốn thực hiện những nghi thức tẩm liệm theo phong tục của người Do Thái, vì buổi chiều thứ Sáu, việc tháo đanh và táng xác được thực hiện quá vội vàng, nên họ chưa làm được. Khi thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mồ, họ đã bước vào và không thấy xác Chúa Giêsu, nhưng lại thấy hai người đàn ông mặc y phục sáng chói. Hai người này nói: Sao các bà lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi…” (x. Luc 24,1-7).

Trỗi dậy!” là động từ được dùng để diễn tả việc Chúa Giêsu phục sinh. Động từ này vừa có nghĩa “thức dậy”, vừa có nghĩa “vùng lên”. Một người đang nằm, trỗi dậy, tức là người đó tự mình ngồi dậy hay đứng lên mà không cần nhờ đến sự can thiệp hay giúp đỡ của người khác. Chúa Giêsu phục sinh là tự Người trỗi dạy từ trạng thái của một người đã chết. Chúng ta cũng có thể nói như thánh Phêrô trong bài giảng đầu tiên vào ngày lễ Ngũ tuần: Thiên Chúa đã làm cho Người ((Đức Giêsu) sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi (x. Cv 2,24). Chúa Giêsu vừa “được” Thiên Chúa làm cho sống lại, vừa tự “trỗi dậy” từ nấm mồ tối tăm tối để phục sinh vinh quang, vì Người là chủ của sự sống. Chính Người đã tuyên bố: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy (Ga 10,18).

Chúa Giêsu trỗi dạy từ nấm mồ. Đây là khởi điểm của một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ. Có tác giả so sánh Chúa Giêsu an nghỉ trong mộ, giống như Ađam ngủ say ở khởi đầu lịch sử. Trong lúc Ađam ngủ, Thiên Chúa đã rút chiếc xương sườn của ông để làm nên người phụ nữ. Chính trong giấc ngủ của Chúa Giêsu mà Giáo Hội của Người được sinh ra và khởi đầu. Khi Ađam tỉnh giấc, ông nhìn thấy bà Evà và tuyên bố: đây là xương bởi xương tôi và thị bởi thịt tôi. Điều đó nói lên sự bình đẳng, ngang hàng và gắn bó. Khi Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, Người kéo cả nhân loại, từ Ađam, từ âm ty (còn gọi là ngục tổ tông hay nơi ở của những người đã chết, theo quan niệm của người Do Thái) cùng trỗi dậy với Người. Vết thương tự cạnh sườn Chúa đã chữa lành vết thương ở cạnh sườn của Ađam. Cái chết của Chúa trên thập giá đã tiêu diệt sự chết nơi toàn thể nhân loại. Chúa Giêsu là Ađam mới. Nếu Ađam thứ nhất là nguyên nhân của sự chết, thì Ađam mới, hay Ađam sau cùng như lối nói của một số nhà thần học, lại là nguồn mạch của sự sống.

Khi trỗi dạy khỏi nấm mồ tăm tối, Chúa Giêsu mở cánh cửa hy vọng cho nhân loại. Quả vậy, qua sự phục sinh sáng láng của Người, chúng ta nhìn thấy tương lai của chính mình. Tương lai đó là sự phục sinh thân xác vào ngày tận cùng của thời gian. Tương lai đó cũng là sự sống vĩnh cửu Chúa dành cho những ai tin cậy, phó thác và yêu mến Người. Cuộc phục sinh của Chúa cũng nói với chúng ta về phẩm giá của con người. Bởi lẽ con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Cuộc sống này không thể chỉ kết thúc ở nấm mộ. Một số gười Do Thái đã giết hại Chúa vì họ cho rằng Chúa là một người phản loạn. Giết được Chúa Giêsu, các kỳ lão và biệt phái vui mừng vì diệt được một đối thủ. Tuy vậy, Chúa Giêsu không ngủ yên trong nấm mộ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những bất công và mưu mô, dù mạnh mẽ đến mấy, cũng không thể trường tồn trên thế gian. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết. Tình yêu đã chiến thắng hận thù và Chân lý đã chiến thắng dối gian. Chúa Giêsu phục sinh khẳng định với thế giới rằng, những mưu mô nhằm vu oan và làm hại người khác xem ra có đem lại thành công trước mắt, nhưng không đứng vững lâu dài. Những gì dối trá tất yếu sẽ bị vạch mặt và mưu mô gian ác phải cáo chung.

Người Kitô hữu tin vào Chúa Giêsu, Đấng đã chết và phục sinh. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến ý nghĩa đời sống của người tín hữu, đó là chết với Chúa Giêsu để được sống lại với Người. Trong các tác phẩm của mình, Thánh Phaolô không nhắc lại một phép lạ nào của Chúa Giêsu, nhưng ông luôn nhấn mạnh tới biến cố Phục sinh. Dưới cái nhìn của một người được đào tạo bài bản trong truyền thống biệt phái, ông nhận ra hình ảnh của chiên vượt qua, xuyên qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Thánh Phaolô gọi Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua mới. Từ nay, chiên vượt qua mà người Do Thái giết trong Đền thờ chiều ngày thứ Sáu, trước ngày Sa-bát, không còn ý nghĩa gì nữa, hoặc nếu còn thì chỉ là biểu tượng ôn lại quá khứ. Chính Chúa Giêsu là Chiên Vượt qua đích thực đã chịu sát tế. Máu người đổ ra, không chỉ giúp cho người Do Thái thoát chết khi Sứ thần đi ngang qua trong đêm Thiên Chúa giải phóng người Do Thái khỏi Ai Cập, nhưng máu Chiên Vượt Qua mới sẽ thanh tẩy toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ hay bất cứ dị biệt nào.

“Hãy trỗi dậy những ai ngủ mê!”. Người Kitô hữu được mời gọi chuẩn bị tâm hồn từ đầu Mùa Chay để cử hành lễ Phục sinh. Như thế, Phục sinh không phải một ngày hội, cũng không phải một nghi thức tưởng niệm một biến cố đã lùi vào dĩ vãng xa xưa. Phục sinh là một tiến trình cải hóa bản thân, canh tân cuộc đời. Kết thúc chuỗi dài của những ngày sám hối, khổ chế, canh tân là được sống lại với Đức Giêsu trong một cuộc sống mới, chan hòa yêu thương thay chỗ cho giận ghét hận thù, đầy ắp hy vọng thay vì ảm đạm chán chường, gắn kết liên đới thay vì ích kỷ tầm thường. Người tín hữu, khi mừng lễ Phục sinh cũng được mời gọi trỗi dậy với Chúa Giêsu. Như trên đã nói, Chúa Giêsu vừa được Thiên Chúa cho sống lại, vừa tự Người trỗi dậy từ nấm mồ. Trong tiến trình nên hoàn thiện, người tín hữu luôn cậy trông vào sự nâng đỡ của Chúa, nhưng đồng thời họ cũng cộng tác phần mình bằng thiện chí cố gắng nỗ lực. Bởi lẽ, “khi Thiên Chúa dựng nên chúng ta, Người không cần đến chúng ta. Nhưng khi Thiên Chúa muốn cứu chuộc chúng ta, Người lại cần đến sự cộng tác của chúng ta” (Thánh Augustinô). Nói như thế không có nghĩa là Thiên Chúa bất lực, nhưng muốn nói lên sự tự do cộng tác của con người trong tiến trình hoàn thiện. Tình yêu không phải là điều bắt buộc, cưỡng ép, nhưng là tự nguyện chấp nhận với trái tim rộng mở chân thành. Tình yêu chỉ đạt tới viên mãn, khi có thiện chí từ hai phía, nếu không, mãi mãi chỉ là tình yêu đơn phương.

Năm nay, chúng ta mừng lễ Phục sinh trong một bối cảnh rất đặc biệt chưa có tiền lệ, do đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Tính đến hôm nay (11-4-2020), trên thế giới đã có khoảng 1,6 triệu người dương tính với virus Corona. Số người chết đã lên tới trên 100 ngàn người. Trên toàn thế giới, lễ nghi Tuần thánh và Phục sinh được cử hành cách đơn giản. Các tín hữu dự lễ qua trực tuyến. Tuy vậy, nếu không có những cuộc rước ồn ào, thì mỗi chúng ta lại có thể lắng đọng tâm hồn trong tĩnh lặng để suy tư vả lắng nghe tiếng Chúa rõ hơn. Là những người tin vào quyền năng Thiên Chúa, chúng ta phó thác nhân loại trong cánh tay yêu thương của Ngài. Như Đức Giêsu đã trỗi dạy từ ngôi mồ tăm tối, chúng ta tin rằng Thiên Chúa sớm đẩy lùi dịch bệnh. Sớm muộn thì dịch bệnh cũng qua đi, điều còn lại sẽ là rất nhiều thay đổi trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Có những thay đổi tích cực, nhưng cũng có những thay đổi tiêu cực. Dịch bệnh toàn cầu COVID-19 làm cho chúng ta nhận ra cuộc sống này rất mong manh nhưng thật là quý giá. Trong những ngày này, các thành viên trong gia đình liên kết gắn bó với nhau hơn. Người ta sống có trách nhiệm hơn đối với môi trường và công ích. Giữa những khó khăn đại nạn, có nhiều nghĩa cử nhân ái, đậm tính nhân văn để giúp đỡ nhau, nhất là nâng đỡ những người sa vào cảnh khó khăn vật chất trong lúc dịch bệnh. “Trỗi dậy” trong ngày lễ Phục sinh, chính là thay đổi quan niệm khô khan và buồn tẻ về cuộc sống, để cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho ta sự sống, ban cho ta gia đình và những người bạn bè để chia sẻ yêu thương. “Trỗi dậy” cũng chính là những nỗ lực cố gắng để cùng với mọi người xây dựng một xã hội nhân ái, chứa chan tình Chúa và thấm đậm tình người.

Lễ Phục sinh năm 2020

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Xin Thầy ở lại với chúng con

Trên đường Em-mau, hai người lữ khách bước đi bên nhau.

Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài.

Này ngài tiến đến, về Em-mau tiến bước theo ngay bên.

Họ không trông ai, người lữ khách đó chính là Ngài.

Lời bài hát quen thuộc “ Trên đường Emmaus, của linh mục nhạc sỹ Thành Tâm, giúp chúng ta cảm nghiệm sâu sa hơn về câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau mà Thánh Luca vừa thuật lại. Có thể nói câu chuyện này là một trong những câu chuyện đẹp nhất của văn chương thế giới vì mỗi chúng ta thấy được hình trình đời mình trong đó: trong cái buồn man mác và thất vọng, lại bừng lên ánh sáng của niềm vui mừng và hy vọng. Đó chính là tâm trạng của hai môn đệ mà duy nhất Thánh sử Luca đã kể lại trong Tin mừng.

Theo câu chuyện thuật lại thì hai môn đệ đang trên đường trở về Emmaus trong ánh chiều tà, về làng quê của họ trong nỗi buồn rầu và thất vọng vì những biến cố bi thương xẩy ra đối với họ cách đó ba ngày. Vâng, thật là bi thảm khi nói về một niềm hy vọng đã qua đi, quá khứ xẩy ra làm cho hiện tại không còn hy vọng. Hai môn đệ trên đường Emmaus cũng đã từng hy vọng nhưng lúc này không còn hy vọng nữa.

Mất niềm hy vọng, đó là điều mà chúng ta vẫn thường thấy. Trong đời sống của Giáo hội, niềm hy vọng đôi khi cũng giống như là một ngọn lửa mong manh. Hy vọng rằng Ki-tô giáo có thể phát triển nhưng thực tế là có không ít nhà thờ ở nhiều nơi trên thế giới phải đóng cửa và phải bán đi, các giáo phận có nguy cơ bị phá sản, ngày càng có ít bạn trẻ dám dấn thân đi tu làm linh mục, tu sỹ…Ngay tại mỗi giáo xứ chúng ta, hẳn là cha ông chúng ta một thời đã từng can trường giữ vững đức tin, và hy vọng thế hệ con cháu sẽ tiếp nối và chuyển tải ngon lửa đức tin cho con cháu, nhưng có còn hy vọng hay không khi mà những thách đố thời cuộc làm cho thế hệ trẻ hôm nay không muốn đến nhà thờ…

Trong đời sống mỗi ngày, nhiều khi chúng ta cũng đối diện với những tình huống không lối thoát: như mất niềm hy vọng về tương lai đời mình, một thất bại trong sự nghiệp, một người thân qua đời, một căn bệnh hiểm nghèo, một sa ngã trong những tệ nạn…Và như hai môn đệ trên đường Emmaus, có thể chúng ta thất vọng trở về nhà, cúi đầu ôm nỗi buồn với ánh nhìn trong âu sầu tuyệt vọng.

Quả vậy, có ai mà không có lúc này hay lúc khác ở trong tình trạng trên đường Emmaus: khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời sắp lụi tàn…một hành ảnh thật ảm đạm vì không có giải pháp cho những khó khăn và thử thách mà mỗi người đang phải đối diện. Tiếp tục tiến bước đấy, nhưng con tim không còn nhiệt huyết, hành trình dường như chìm trong bóng đêm.

Nhưng chính những lúc như thế, kính thưa….Thiên Chúa muốn làm mới lại đời sống của mỗi chúng ta. Ngài đến với mỗi chúng ta bằng nhiều thể nhiều cách: qua một người bạn, qua một đồng nghiệp, một người xa lạ tốt bụng, hay một biến cố vui buồn.

Có thể ban đầu, nhiều người trong chúng ta sẽ không nhận ra Đức Ki-tô, đang đồng hành với mình trong đời sống. Nhưng Ngài vẫn có đó, vẫn đang hiện diện cùng với mỗi người trên hành trình cuộc đời.

Thực vậy, Đức Ki-tô đang quan tâm lắng nghe những câu chuyện xẩy ra chung quanh chúng ta: những ốm đau bệnh tật, những xích mích, hiểu lầm trong gia đình…hay những khủng hoảng trong Giáo Hội…những vấn đề xẩy ra trên toàn thế giới như chiến tranh, khủng bố, đói nghèo, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh nan y bất trị, cụ thể là bóng đêm đang bao trùm nhiều nơi do dịch bệnh Covid 19 gây ra.

Khi một người đọc Kinh Thánh, sẽ cần có những soi sáng để hiểu Lời Chúa. Và đây Lời Chúa hôm nay sẽ chiếu sáng các thực tại đời sống của chúng ta bằng một ánh sáng mới.

Vị lữ khác xa lạ làm cho hai môn đệ nhận ra các biến cố xẩy ra dưới một góc cạnh mới. Việc Đức Giê-su bị kết án bởi các Thượng tế, và cái chết trên thập giá thật sự là một sự tán ác và bất công, nhưng với ánh sáng của Lời Chúa đã soi sáng cho các ông có một cái nhìn mới bởi niềm tin.

Chúa Cha đã không nói với Con mình rằng: Con phải chết trên cây thập tự”. Nhưng Cha đã nói với Con: “ Con hãy yêu thương cho đến cùng, bằng một tình yêu không giới hạn”. Cái chết của Đức Ki-tô là cao điểm của tình yêu cho đến tận cùng này, chứ không phải là dấu chỉ của một sự thất bại. Từng bước một, ánh sáng dần hé lộ cho hai môn đệ trên đường Emmaus. Lời Chúa mang lại một sự soi sáng mới.

Bước ngoặt của câu chuyện xẩy ra khi hai môn đệ quảng đại đưa ra lời mời vị lữ khách xa lạ: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn…Mời ông cùng vào bàn ăn với chúng tôi.” Và đang khi Chúa Ki-tô phục sinh bẻ bánh, các ông đã nhận ra Người.

Thực vậy, Chúa Kitô phục sinh tự tỏ mình ra vào cái giây phút nói lên sự hiệp thông huynh đệ. Ngài đã cho hai môn đệ đọc lại quá khứ dưới ánh sáng của Lời Chúa, mở ra cho họ một tương lai mới. Khi bẻ bánh, họ đã nhận ra Chúa và từ đó với lòng tràn ngập niềm vui họ đã quyết định trở về Jêrusalem ngay trong đêm để gặp lại những người anh em mà mới buổi sáng họ vừa chia tay.

Bài Tin mừng hôm nay kết thúc với một phân đoạn tuyệt đẹp: đó là các môn đệ trao đổi với nhau về tin mừng phục sinh: “ Chúa đã sống lại rồi”. Đây là một niềm vui lớn lao, một niềm tin sống động, một niềm tin thực sự bắt đầu trong niềm vui của sự gặp gỡ, hiệp thông và chia sẻ, như chính Chúa đã nói: ở đâu có hai ba người họp nhau vì danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ.”

Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus mời gọi chúng ta trong buổi chiều ngày đại lễ Phục sinh hôm nay, biết nhìn lại quá khứ của mình dưới ánh sáng của Lời Chúa và biết đón nhận anh chị em mình đang cần đến lòng thương xót Chúa và cùng chia sẻ với nhau bàn tiệc Thánh Thể. Nhìn lại quá khứ với sự soi sáng của Lời Chúa, đón nhận anh chị em mình và chia sẻ bánh Thánh thể là ba con đường mà Chúa Giê-su đã dùng để đến gặp gỡ chúng ta và làm cho đời sống chúng ta có ý nghĩa. Vậy trong niềm niềm vui mừng và tràn trề hy vọng của ngày đại lễ Phục sinh, chúng ta cùng mượn lời hai môn đệ trên đường Emmaus mà thân thưa với Chúa Ki- tô phục sinh rằng: “ Mời Thầy ở lại với chúng con vì trời xế chiều và ngày sắp tàn rồi”. Amen.

Đại Lễ Phục Sinh – Chiều 2020

Resurrection

Chúa Giê-su Ki-tô đã phục sinh, Alleluia!

Resurrection

Sau đêm Vọng Phục sinh là thời khắc Đức Giê-su Kitô hiển thắng trên bóng đêm của sự chết, giờ đây trong buổi sáng Phục Sinh, là giờ phút mà ánh sáng hiển trị, như Tin mừng vừa thuật lại, việc xẩy ra vào sáng “ngày thứ nhất trong tuần”, Ngày Chúa Phục sinh vinh hiển. Sự kiện này nhắc chúng ta nhớ lại những trang đầu của Kinh Thánh, khi Thiên Chúa chiếu sáng thế giới vào ngày thứ nhất của công trình sáng tạo.

Lễ Phục sinh đối với các Ki-tô hữu là ngày lễ lớn nhất trong năm. Đó là ngày lễ của sự sống, của mùa xuân, của sự đổi mới và của niềm vui.

Lễ Phục sinh mở ra một tiến trình khác trên sự sống và sự chết. Trong thành Roma cổ, người ta thấy có nhiều bia mộ mang những dòng chữ diễn tả nỗi buồn lớn lao như: “Vĩnh biệt, đây là dấu chấm hết của tình yêu chúng ta”; “chúng ta mãi mãi không còn thấy nhau”; “ Tình bạn của chúng ta kết thúc với cái chết”…Ngược lại trên những nấm mồ của các Ki-tô hữu tại các hang toại đạo, ta lại thấy những dòng chữ đầy tràn niềm hy vọng như: “Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau”; “bạn đang sống trong Chúa”; “Bạn về Nhà Cha”; “Bình an ở với bạn”…

Có những người cho rằng chết là hết. Nhưng các ki-tô hữu thì lại tin rằng cái chết là một cuộc vượt qua để đạt tới một sự sống khác và nó mang đến một ý nghĩa không chỉ đối với sự chết mà còn đối với điều mà chúng ta đang sống hằng ngày. Các văn sỹ ki-tô giáo đã dùng rất nhiều hình ảnh để minh họa cho sự sống mới này như: một đứa trẻ sinh ra khỏi lòng mẹ, một con tằm trở nên con bướm, một hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi để trở nên một cây to…

Điều phân biệt các tín hữu với các người vô thần là sự sống lại, đó là niềm tin vào một Thiên Chúa, Đấng không giới hạn sự sống và không chấp nhận rằng mọi sự kết thúc nơi nấm mồ. Mặt khác, danh từ mà các tín hữu dùng để chỉ nơi chôn cất những người đã qua đời là vườn thánh, có nghĩa là nơi an nghỉ của những lữ khách, hay là nơi ở tạm mà thôi.

Phụng vụ Chúa nhật Phục sinh diễn tả sự bình an và thanh bình. Chúa đã sống lại; Vào lúc bình mình ló rạng: một tin vui được loan báo: “ đừng tìm người sống giữa những kẻ chết”. Đức Giê-su đã mở ra cánh cửa của sự chết. Ngài đã nói với chị Maria, chị của Lazagiô: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy sẽ không chết bao giờ”.

Vâng, sự sống lại là câu trả lời của Thiên Chúa là Cha trước những bạo lực, bất công của đòn vọt và thập giá. Những người kết án Chúa Giê-su đã tin rằng họ có thể làm Ngài câm lặng và khử trừ được Ngài. Nhưng không, Thiên Chúa Cha đã cho Ngài sống lại, để minh chứng những giá trị mà Ngài muốn thực hiện trong đời sống của Đức Giê-su, như lời thiên thần nói với các phụ nữ vào sáng Chúa nhật Phục sinh: “ Tại sao các bà lại đi tìm người sống giữa những kẻ chết”?

Niềm tin ki-tô giáo không ngừng nói với chúng ta rằng Đức Ki-tô đã sống lại và sự sống của chúng ta không kết thúc bởi cái chết. Lễ Phục sinh và sự sống lại đưa chúng ta vào một mùa xuân mới sau một mùa đông lạnh giá mang màu sắc của sự chết, nhờ đó thúc đẩy chúng ta đưa ra lời cam kết ngay từ lúc này để thực sự đạt được sự sống. Đức Ki-tô mời gọi mỗi chúng ta sống sự sống viên mãn ngay từ bây giờ, bằng việc đi ra khỏi những nấm mồ, những chán nản, sợ hãi đang bủa vây chúng ta. Vâng, hãy ra khỏi mồ, ra khỏi những gì làm cho chúng ta không còn hy vọng, vì chính Chúa Giê-su đã nói với chúng ta rằng: “Ta đến để các ngươi được sống và sống dồi dào”. Chúa muốn chúng ta được sống sự sống dồi dào của Chúa.

Sau bữa Tiệc ly, khi trở về núi Cây dầu, Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ: “ khi thầy sống lại, Thầy sẽ hẹn gặp anh em ở Gallilê”. Đó cũng chính là lời mời mà Chúa Giê-su gửi đến cho các phụ nữ sau khi Chúa sống lại: “ các bà hãy đi báo cho anh em thầy rằng họ hãy đến Gallilê và thầy sẽ hẹn gặp lại họ ở đó. Các môn đệ được thúc giục đến Gallilê là quê hương bản quán, là gia đình của các ông, với lưới và thuyền.

Ki-tô giáo là một tôn giáo của sự phục sinh. Chúng ta không không hiểu hết những đau khổ trong thế giới nhưng chúng ta không tin sự khổ đau là tiếng nói cuối cùng, và chúng ta sẽ làm tất cả để chinh phục sự chết.

Thực vậy, chúng ta đang sống trong một thế giới mà cái chết đang diễn ra xung quanh. Hàng triệu người đã chết vì nhiều lý do: chiến tranh, nghèo đói, bạo lực, khủng bố, tự sát, nghiện ngập ma túy và rượu, thực phẩm ô nhiễm, môi trường ô nhiềm làm nên bao nhiêu tật bệnh, và ngay lúc này là nạn dịch Covid 19 đã gâp ra hàng trăm nghìn cái chết trên toàn thế giới. Và chúng ta muốn chiến đấu để chống lại nó.

Vậy nên khi cử hành ngày Chúa Phục Sinh, mỗi Chúa nhật chúng ta xum họp bên Chúa. Ngày Sab-bát là ngày kết thúc tuần lễ, thì ngày Chúa nhật lại là ngày để tạ ơn và mở ra một tuần mới. Chúa Ki-tô phục sinh đang ở giữa chúng ta, như chính Ngài đã hứa: ở đâu có hai hay ba người họp nhau vì danh ta thì ta sẽ ở giữa họ. Ngài mời chúng ta lắng nghe Lời Ngài, chia sẻ sự sống của Ngài và được mạnh sức trong đời sống là nơi mà Ngài vẫn đồng hành với mỗi chúng ta vì Ngài hứa ở ‘cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.

Hôm nay, chúng ta mừng đại lễ Phục sinh, ngày lễ quan trong nhất với mọi ki-tô hữu. Đức Ki-tô sống lại trao ban cho mỗi chúng ta ơn can đảm để trở về Gallilê đời mình, là gia đình, là môi trường làm việc, và sống Mùa xuân của Thiên Chúa. Trong ngày thứ nhất trong tuần, ngày Chúa Phục sinh, nguyện chúc cộng đoàn tràn đầy niềm vui phục sinh. Chúa đã sống lại thật. Allleluia. Amen.

Giáo xứ Chính Tòa Hà Nội

Phục sinh 2020

Maria, Mẹ của khổ đau và hy vọng

Kính chào Mẹ Maria, Mẹ của mọi ước mơ hạnh phúc chúng con.

Mẹ là trái đất xin vâng cho sự sống.

Mẹ là nhân loại ưng thuận với Thiên Chúa.

Mẹ là hoa trái của những lời hứa khi xưa

Và là tương lai của hiện tại nơi chúng con.

Mẹ là niềm tin đón nhận điều không hẹn trước,

Mẹ là niềm tin đón nhận điều không thấy.

 

Kính chào Mẹ Maria,

Mẹ của tất cả những kiếm tìm Thiên Chúa.

Từ Đền Thờ Mẹ đã lạc mất con,

Nơi đồi Calvê Con mẹ đã bị treo lên,

Đường của Con làm Mẹ đau đớn.

Mẹ là mỗi chúng con đang tìm kiếm Giê-su,

Mà không hiểu đời sống và lời của Ngài.

Mẹ là Mẹ của những đêm tối đức tin,

Mẹ gìn giữ tất cả những sự việc trong trái tim Mẹ,

Mẹ suy đi nghĩ lại mọi nỗi niềm làm chúng con trăn trở,

Và Mẹ làm cho chúng con tin vào tương lai của Thiên Chúa.

 

Kính chào Mẹ Maria,

Mẹ của tất cả những khổ đau của chúng con.

Mẹ là người nữ đứng dưới chân con Mẹ trên thập giá,

Mẹ là Mẹ của tất cả những ai đang khóc vì dịch bệnh, những trẻ thơ bị giết hại và những ai đang chịu cảnh lầm than.

 

Kính chào Mẹ Maria,

Mẹ của ngày lễ Ngũ Tuần.

Cùng với các Tông đồ, Mẹ là Giáo Hội cầu nguyện,

và đón nhận những món quà của Chúa Thánh Linh.

 

Kính chào Mẹ Maria,

Mẹ của mọi nỗi niềm hy vọng.

Mẹ là ánh sao chiếu sáng của một dân đang hành hương về với Chúa.

Mẹ là lời loan tin của nhân loại đang biến hình,

Mẹ là thành toàn của công trình sáng tạo

Mà Thiên Chúa đã thực hiện cho sự vĩnh cửu của Ngài. Amen.

Thứ Bẩy Tuần Thánh 2020

Croix2

Đường khổ nạn…Đường của thế giới

Croix2

Lạy Chúa Giê-su, khi xưa Chúa đã bị kết án; và hôm nay Chúa lại bị kết án. Khi  xưa Chúa vác thập giá trên vai; Chúa lại vác thập giá hôm nay. Khi xưa Chúa chết; hôm nay Chúa lại chết. Khi xưa Chúa đã sống lại giữa những kẻ chết; ngày nay Chúa lại sống lại giữa những người chết.Con chiêm ngắm Chúa, và con nhận thấy những gì mà cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Chúa diễn ra giữa chúng con mỗi ngày. Nhưng con còn mang trong mình một nỗi sợ hãi thẳm sâu khi nhìn ra thế giới xung quanh con. Chúa nói với con: “Đừng sợ hãi để nhìn ngắm, để đụng chạm, để chữa lành, để an ủi vỗ về”.

Con nghe tiếng Chúa. Khi con liên đới sâu xa hơn với những mảnh đời khó khăn, nhưng lại đầy tràn hy vọng nơi nhưng anh chị em nhân loại, con biết rằng con lại được trở về với tâm hồn con cách thẳm sâu hơn.

Lạy Chúa, nỗi sợ hãi làm cho con mở tầm nhìn tới thế giới khổ đau, một thế giới đang bám rễ sâu trong trái tim con đang thổn thức. Con không chắc được yêu mến trọn vẹn: vậy nên con lại giữ khoảng cách với những mảnh đời đầy sợ hãi của tha nhân.

Nhưng Ngài lại nói với con: “ Đừng sợ để cho mình được quan tâm, được ôm lấy, được chữa lành và được an ủi vỗ về…Bởi vì con yêu mến bằng một tình yêu không biên giới và không điều kiện.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa. Con mong muốn để Chúa chữa lành trái tim con và để con có thể giúp cho mọi người xung quanh, ở xa cũng như ở gần.

Lạy Chúa, con biết Chúa là Đấng hiền lành và dịu hiền trong lòng và Chúa mời gọi chúng con: “ Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả và mang gánh nặng nề; Ta sẽ cho nghỉ ngơi dưỡng sức.”

Khi cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Chúa thực hiện trong lịch sử, xin hãy cho con niềm hy vọng, sự can đảm và niềm tin tưởng để trái tim Chúa liên kết trái tim con với tất cả nhưng anh chị em đang đau khổ và trở nên với chúng con nguồn mạch thần linh của sự sống mới. Amen.

Thứ Sáu Tuần Thánh 2020

Đôi chân trần trên sa mạc khô cằn

Nơi sa mạc tâm hồn con khô cạn,

Với đôi chân trần con bước tới chân Thập Giá.

Con nhớ đến Ngài, Giê-su….

Con nhớ đến Ngài vào ngày trên Golgota, khi Ngài bước lên Cây Thập Giá vì tội lỗi của con

Và vì sự cứu rỗi, Ngài đã dâng trọn của lễ vĩnh cửu

 

Nơi sa mạc cô độc đời con,

Con bước đi theo Ngài, những bước chân Ngài là của con…từng bước một

…Để hái lượm mọi hồng ân cho con đường khô cằn hiện tại

 

Nơi sa mạc mệt nhọc đời con,

Con đặt để nó trong lòng của Mẹ Thánh,

Ôi Giê-su dịu hiền,

Và con ẩn náu trong vòng tay Ngài để được gần Ngài hơn.

 

Nơi sa mạc những điều con giận dữ,

Con mở lòng cho Lời Ngài phán tựa trước lưỡi gươm:

“Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết…”

 

Nơi sa mạc của những thành lũy con đã dựng lên,

Con nhìn lên bầu trời và ngắm nhìn Bồ Câu,

Nhờ đó, con bay lên để đến với Ngài..

Và con để cho tim thiêng của Ngài

Yêu thương những người mà con không thấy

Qua sương mai giá lạnh của sa mạc đời con.

 

Ôi lạy Thiên Chúa,

Xin chúc lành và hiện hữu trong mọi sa mạc đời con

Và tưới đẫm mọi người con đang khát…

Xin tạ ơn Thiên Chúa.

Hà Nội, thứ Năm Tuần Thánh 2020