Đời sống đức tin

Sự sống thay đổi

Phụng vụ Chúa nhật hôm nay tiếp tục giúp cho chúng ta làm mới lại lời hứa khi chịu phép rửa tội trong phụng vụ Đêm Vọng Phục Sinh. Trong câu chuyện về người phụ nữ Samaria, Chúa Giêsu đã mạc khải Ngài là suối hằng sống; khi Ngài gặp người mù từ khi mới sinh, Ngài tự giới thiệu là ánh sáng thế gian; và hôm nay, qua việc làm cho Lagiarô sống lại, Ngài nói với chị Matta rằng Ngài là sự sống lại và sự sống.

Chúng ta đang sống trong một thế giới gây nên cái chết bởi tội lỗi và những tổn thương bởi tội nơi con người. Một thế giới đang bị thế lực của sự chết chi phối bởi bạo lực chết chóc, bởi các bạo chúa đủ loại xem sự sống của con ngừoi chẳng có giá trị gì. Một nền văn minh thu hút bởi vòng xoáy bạo lực, tra tấn, ám sát, hành hình, chiến tranh, khủng bố…đang ảnh hưởng tới mỗi chúng ta.

Vậy khi làm cho Lagiarô chết bốn ngày được sống lại là phép lạ cuối cùng mà Chúa Giêsu thực hiện, là dấu chỉ mà Đức Giê-su gửi đến trong cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối. Khi trở lại Giuđêa để cứu sống bạn mình, Chúa Giêsu đã liều mạng sống và đối diện với cái chết của chính mình.

Cao điểm của bài tường thuật hôm nay là cuộc đối thoại giữa chị Matta và Đức Giê-su. Chị Matta tuyên xưng niềm tin vào Đức Ki-tô khi nói: Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa”. Đây cũng là lời tuyên xưng đức tin mà các Thánh sử Tin mừng khác đã đặt trên môi miệng của tông đồ Phêrô.

Trước niềm tin đó, Chúa Giêsu nói với chị Matta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”.

Đối diện với cái chết, sẽ có hai thái độ cụ thể sau:

Thứ nhất là thái độ của những người tin rằng chết là hết. Con người dường như bất lực trước sự chết. Không có sự can thiệp nào của y học, của mọi thứ thần dược có thể thay đổi được nó. Thái độ này rất hiện thực trong thế giới hôm nay.

Thái độ thứ hai thuộc về những người tin rằng sau khi chết, sự sống tiếp tục nhưng nó đổi thay. Đây là nền tảng căn bản của ki-tô giáo. Niềm hy vọng này mang lại một ý nghĩa không chỉ đối với cái chết mà con đối với đời sống mỗi ngày trong mọi giây phút cuộc đời, dù là vui, là buồn đau, dù là lúc bệnh tật hay đau đớn và sợ hãi.

Hôm nay Đức Ki-tô nói với chúng ta rằng chúng ta không chỉ được biến đổi và tiếp tục sống sau khi chết, nhưng Ngài còn mời gọi sống cách dồi dào sự sống mà Chúa ban tặng ngay tại lúc này. Vậy mỗi chúng ta hãy biết rũ bỏ sự ù lì và thụ động để tham dự vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bình hơn, huynh đệ hơn. Hãy loại bỏ sự ích kỷ để chia sẻ sự dịu hiền của Thiên Chúa với những anh chị em đang bị tổn thương bởi đời sống và đang cần đến tình thương của Thiên Chúa.

Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, một mùa xuân mới đang ló rạng ỏ chân trời, một mùa xuân làm sống lại những gì mà sự lạnh giá của mùa đông đã làm cho nó mang màu sắc của sự chết. Như hạt lúa mì gieo xuống đất thối đi, Chúa Thánh Thần sẽ lại ban cho mỗi chúng ta một sựu sáng tạo mới, một sự sống mới. Như Ngôn sứ Hôsê diễn tả sự phục sinh này với một áng thơ sinh động như sau: Với Ít-ra-en Ta sẽ như làn sương mai làm nó vươn lên như bông huệ, cho bén rễ sâu như cây ngàn Li-băng. Họ sẽ đâm chồi nẩy lộc, sum sê tựa ô-liu tươi tốt, toả hương thơm ngát như rừng Li-băng. (Hose 14, 5-8)

Phép lạ làm cho Lagiarô sống lại thể hiện niềm vui mừng và hy vọng đó. Đức Ki-tô đã hứa ban một sự sống mới sau cái chết. Lời hứa này mời gọi chúng ta hướng về một đời sống đầy tràn hy vọng và tràn đầy những dự phóng cho tương lai ngay lúc này. Vậy chúng ta không được buông xuôi trước sự đe doạ của sự chết. Sự buông xuôi này không phải là niềm tin ki-tô giáo.

Quả vậy, sức mạnh của sự xấu là đe dọa để giết chết niềm hy vọng và làm cho chết. Chúng ta hẳn đã biết đến những trại tập trung của phát xít thời thế chiến thứ II, những cuộc chiến tranh, những nhà tù với những tra tấn dã man, các vụ diệt chủng do các chế độ độc tài gây ra cho đồng bào họ, và ngay cả sự đe doạ chết chóc của nạn dịch Covid 19 mà chúng ta đang phải đối diện với nó…

Trước những đe doạ gây ra những tàn phá và chết chóc như thế, Đức Giê-su hôm nay lại nói với chúng ta về sự sống và niềm hy vọng: ai tin vào ta sẽ có sự sống đời đời. Và ngài một lần nữa khẳng định lại với chúng ta khi gọi Lagiarô ra khỏi mồ: hãy ra khỏi mồ…ta là sự sống lại và là sự sống…Ai tin ta sẽ không chết nhưng sẽ sống. Amen.

Sáng mắt

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY A

Qua các các hình ảnh và biểu tượng trong Tin mừng, thánh sử Gioan đã cho thấy căn tính của Chúa Giê-su.

Chúng ta thấy hình ảnh ánh sáng xuất hiện 5 lần trong Tin mừng của Thánh Gioan để khẳng định rằng Chúa Giê-su chính là ánh sáng thế gian. Câu chuyện chữa lành người mù từ khi mới sinh là một minh họa cho mạc khải tin mừng này.

Trong số 41 câu của bài Tin mừng, chỉ có 2 câu liên quan tới việc chữa lành cho người mù. Điều đó cho chúng ta thấy sự quan tâm của thánh sử không nhằm vào khía cạnh lạ lùng và tuyệt vời của việc chữa lành cho bằng nhấn mạnh trên hiệu năng của dấu chỉ và sự mạc khải, như chính thánh sử nói trong Tin mừng của Ngài: Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Trên các bức tường nơi các hang toại đạo tại Roma, có sáu bức tranh miêu tả cảnh chữa lành người mù từ khi mới sinh và nhằm để minh họa cho bí tích rửa tội. Thực vậy, từ tuần thứ III mùa chay, các bài Tin mừng kể về câu chuyện Chúa Giê-su gặp chị phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, việc chữa lành người mù từ khi mới sinh và câu chuyện làm cho ông Lagiarô sống lại sẽ được đọc vào tuần tới, là để chuẩn bị cho các dự tòng đón nhận bí tích rửa tội trong phụng vụ đêm vọng phục sinh. Trong đêm này, các tân tòng sẽ tiến tới giếng rửa tội để lãnh nhận bí tích rửa tội, sau đó là bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Thể.

Bí tích rửa tội được coi như là khởi đầu mối tương quan với Chúa, là nguồn suối hằng sống, và là sự sống mới. Bí tích này cho phép người lãnh nhận được tham dự vào hạnh phúc Nước Trời.

Như vậy, các bài tin mừng này được đọc vào các Chúa nhật mùa chay là một sự chuẩn bị cho các anh chị em dự tòng nhưng các bài đọc này cũng mời gọi các ki-tô hữu làm mới lại lời hứa của bí tích Rửa tội mà họ đã nhận lãnh. Như thế đức tin không phải là một sự cân đong đo đếm mà là một chặng đường, một sự triển nở, một sự trưởng thành phát triển trong suốt hành trình đời sống và hàng năm mùa chay trở nên một cơ hội tuyệt vời nhất để mỗi tín hữu đào sâu đức tin và làm cho nó trưởng thành.

Bài Tin mừng hôm nay nói lên nhiều điều hơn là một phép lạ. Câu chuyện Đức Giê-su chữa lãnh người mù từ khi mới sinh xẩy ra sau khi Chúa nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” Chúa Giê-su cho người mù thấy bằng đôi mắt thể lý của anh nhưng điều quan trọng hơn, đó là Chúa đã cho anh một cái nhìn mới về sự sống và về thế giới.

Anh mù không có khả năng phân biệt ánh sáng và màu sắc là hình ảnh của thân phận nhân loại bị lạc hướng, đang cố gắng được thấy và hiểu biết. Chúng ta thường chỉ nhận ra những gì là bên ngoài, những gì là bề mặt. Thời đại hôm nay cho thấy con người ta thường để tâm xem xét những gì là bên ngoài như hình thể, quần áo, nhà cửa, xe cộ, vị trí xã hội, sự giàu có…Nhưng điều đó chỉ có thể sánh ví như chiếc mặt nạ che dấu một thực tế đầy những sự sợ hãi và tầm thường.

Một thánh nhân đã nói: “ người ta chỉ thấy rõ bằng con tim”. Gặp gỡ Thiên Chúa qua mỗi lần tham dự thánh lễ cho phép chúng ta nhìn thấy được bằng con tim, nhìn thấy thế giới qua lăng kính của Thiên Chúa. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hoàn thiện cách thức quan sát mọi sự vật. Ngài cho chúng ta một cái nhìn mới trong đời sống gia đình, trong các mối tương quan với người khác và khả năng biết tha thứ, cũng như cái nhìn mới về sự mòng dòn của phận người, về bệnh tật và cái chết. Ngài giúp chúng ta quan sát mọi sự với đôi mắt của chính Thiên Chúa.

Cái nhìn mới mẻ này có thể mang lại cho chúng ta niềm vui, thanh thản và bình an. Thiên Chúa luôn luôn cùng chúng ta, ngài đồng hành và ban tặng cho chúng ta một con tim biết yêu thương trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Như chính Thánh Phaolô đã chứng thực điều này khi ngài nói trong thư gửi tín hữu Êphêsô rằng: Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng;mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật.

Là những ki-tô hữu, chúng ta không chỉ hài lòng khi được ơn soi sáng, mà con phải trở nên “chứng nhân của ánh sáng”. Thực vậy, với ánh sáng đức tin mà mỗi tín hữu đã được lãnh nhân, chúng ta đã làm gì với ánh sáng đức tin ấy? Chúng ta cần xác tín hôm nay rằng đức tin không giới hạn trong một chuỗi những niềm tin lý thuyết, truyền thống và tập quán. Đức tin là một cái nhìn mới mẻ về thế giới và sống tốt đời sống của bản thân. Thực tại được soi sáng bởi Thiên Chúa khi đó sẽ nhuộm một màu sắc khác như anh mù tuyên xưng sau khi được sáng mắt rằng: Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được! ” Amen.

Nước hằng sống

Các bài đọc kinh thánh hôm nay thuật lại cho chúng ta hai câu chuyện gợi lên nước như là nguồn mạch của sự sống. Nước cần thiết với chúng ta. Hiển nhiên nếu không có nước, chẳng có sự sống trên mặt đất này. Quả vậy, nước không chỉ là cái nôi của sự sống ban sơ, mà còn là yếu tố căn bản. Nó là một nhu cầu căn bản nối kết con người với cái yếu tố căn bản này. Bởi vì nước là thành tố chính yếu của cấu tạo thân thể con người. Và chính ở giữa cái lợi ích và bổ dưỡng của nước mà thiên nhiên triển nở và phát triển.

Bài trích sách Xuất hành kể cho chúng ta về cuộc nối lọan của người do thái chống lại Môisê và chống lại Thiên Chúa bởi vì họ khát nước. Họ đang ở trong một môi trường khắc nghiệt, không có nước. Giữa sa mạc nóng cháy, thật là khủng khiếp. Các tiếng kêu vang lên trong đám người: Họ kêu trách Môisê “ tại sao ông đã dẫn chúng tôi ra khỏi Ai cập? Điều đó có phải làm cho chúng tôi chết khát với con cái và đoàn súc vật của chúng tôi.” Dù có sự chống đối, Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm đến dân Người và không bỏ họ. Theo lệnh của Thiên Chúa, Môisê đã làm cho nước chảy ra từ tảng đá.

Bài Tin mừng kể lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su với chị phụ nữ Samaria bên bờ giếng Gia cóp. Chúa Giê-su xin chị cho nước uống. Việc xin nước uống dường như là rất bình thường và tự nhiên, nhưng lại gợi lên sự ngạc nhiên của chị phụ nữ. Bà ta mỉa mai: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao? Nhưng với sự khoan dung và nhân từ, Chúa Giê-su nói với chị: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.”

“ Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban”…kính thưa…sứ điệp này chính là để gửi đến cho mỗi người chúng ta. Chúa Giê-su là Nguồn Mạch Sự Sống. Sự hiện diện của Ngài nơi chúng ta là một Ân Huệ của Chúa. Một lúc nào đó, chúng ta có thể không nhìn thấy Chúa Giê-su, Nguồn Mạch Sự Sống trong sa mạc đời mình, nhưng Ngài vẫn luôn luôn có đó ở tận đáy lòng của mỗi chúng ta. Thật đủ cho chúng ta khi cảm nhận được nhu cầu về nguồn mạch sự sống này. Trong hoang mạc cuộc đời, khi chúng ta không thể bước theo Chúa, thì Ngài vẫn có đó, sẵn sàng bảo vệ và làm cho chúng ta no thỏa cơn khát, và những khát vọng sâu sa. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đến múc lấy nguồn sức mạnh nơi Ngài. Chính Ngài cho chúng ta no thỏa. Chính Ngài là nguồn mạch sự sống có thể lấp đầy cơn khát bùng cháy của nhân loại, như Ngài khẳng định: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”

Như đối với phụ nữ Samaria và đối với dân Israen, Thiên Chúa luôn đón nhận mỗi người dù ở thân phận nào. Hành trình đời sống con người có thể có đầy chông gai, bơ vơ vất vưởng và thậm chí là những vấp phạm sa ngã. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi bất cứ ai. Ngài ở bên từng người trong mọi nơi và mọi lúc, ngay cả trong những tình cảnh phức tạp nhất nơi sa mạc cuộc đời mỗi người. Và chính trong lúc mà cơn khát sự sống vĩnh cửu xẩy đến trong mỗi người thì Thiên Chúa có đó để ban cho họ Nước Trường Sinh. Tin vui này phải được loan truyền cho tất cả mọi người và cho tất cả những ai đang bị xua đuổi vì tiếng xấu và phải chịu những quá khứ tràn đầy mặc cảm. Ngay ở sân đình làng, chị phụ nữ mang tiếng xấu đã múc những gầu nước tuyệt vời nhất: đó là dẫn đưa những người thân cận đến với Đấng luôn luôn đón nhận tất cả những ai thành tâm thiện chí.

Trong suốt thời gian chuẩn bị đại lễ Phục Sinh, chúng ta hãy dùng thời gian để đến với “ Nguồn Nước Hằng Sống”. Chúa Giê-su đang chờ đợi chúng ta ở đó với lời mời gọi khẩn thiết: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Amen.

Vâng nghe Lời Người

Câu chuyện biến hình của Chúa Giê-su được kể vào chúa nhật II mùa chay hàng năm.

Việc Chúa Giê-su đã biến hình trước mắt ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan là để nhằm tới lợi ích cho các ông trong hành trình theo Chúa. Ba người môn đệ thân tín này cũng đã có mặt trong lúc Chúa cầu nguyện trong vườn Cây Dầu trước khi bị bắt.

Thực tế là ông Phêrô lúc đó cũng muốn dựng lên 3 cái lều, như muốn kéo dài giây phút cảm nghiệm ngất ngây thay vì lại bắt đầu hành trình xuống núi bước theo Chúa Giê-su. Phản ứng nhất thời của Phêrô muốn tận dụng lâu hơn khoảng khắc yên bình trên núi thực ra là một cám dỗ trốn tránh ơn gọi của niềm tin để sống trong cái tầm thường của bản thân. Điều này trái ngược với quyết định của Abraham, khi đó đã 75 tuổi, theo tiếng gọi của Chúa, ông đã rời bỏ quê hương, cha mẹ và nhà cửa để hành trình đến nơi mà Chúa chỉ định cho ông như nội dung bài đọc 1 mà chúng ta vừa nghe.

Trên chặng đường của Mùa Chay thánh, hay trên hành trình của đời sống mỗi ngày, chúng ta cũng cần trải qua những kinh nghiệm của sự kiện biến hình trước những khó khăn và thử thách, để theo Chúa Giê-su trong những lúc vui hay những lúc lao nhọc, và góp phần mình làm biến đổi thế giới xung quanh chúng ta.

Mỗi Thánh lễ chúa nhật có thể là một trạm dừng dễ chịu  với Chúa Giê-su trên núi. Nhưng mỗi lần thánh lễ kết thúc, mỗi chúng ta cần quay lại với cuộc sống thường ngày. Chúa Giê-su ban cho chúng ta sự can đảm cần thiết khi nói với chúng ta cũng như khi xưa nói với các tông đồ rằng: “ hãy trỗi dậy, và đừng sợ”. Hãy tin vào thầy vì thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Nhờ đó mà chúng ta yên tâm xuống núi để thực thi ơn gọi và công việc bổn phận của mình.

Hôm nay chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi người tìm kiếm những gì là hoàn hảo trong thế giới vật chất với những quảng cáo mang lại hạnh phúc: với những đồ ăn thức uống hảo hạng, các loại thuốc bổ, các loại sơn hào hải vị, các siêu xe, du thuyền, nhà đẹp… Còn Đức Ki-tô lại đề nghị với chúng ta điều hoàn thiện trong tiến trình của những con người sống đức tin. Để đạt được sự hoàn thiện trong đời sống, chúng ta cần làm việc chuyên cần, sống kỷ luật và ý thức. Các sinh viên học sinh, các nghệ nhân, các nhà vô địch thể thao biết rõ điều này. Đó cũng là điều đối với những ai muốn trở nên tốt hơn. Mỗi chúng ta phải xuống núi, trở về với những đòi buộc thường ngày và làm việc không ngơi nghỉ để đáp lại đòi hỏi của thời đại hôm nay.

Khi Chúa gọi, ông Abraham đã 75 tuổi (tuổi về hưu, tuổi nghỉ ngơi)! Ở tuổi này, nhiều người nghĩ là họ đã biết rõ, đã  từng trải qua tất cả những kinh nghiệm có thể và họ không cần chờ đợi gì mới. Abraham lại được ví như “ Gừng càng già thì lại càng cay”, vâng,  Ông đã ra đi, tiến về vùng đất mới mà ông không hề biết, đã đi theo một cách thức sống khác biệt, đi về một hướng xa lạ…Hành trình của ông đầy tràn hy vọng và tin tưởng vào Chúa, đấng đã chỉ đường cho ông.

Không nên phân biệt tuổi tác để hoàn thiện mình, nhằm khám phá ra vùng đất mà Chúa chỉ định cho mỗi chúng ta kính thưa… Tuy vậy lại có quá nhiều người hài lòng về một đời sống tầm thường, phản ứng tiêu cực mỗi khi có cơ hội: kiểu như tôi chỉ như vậy thôi và tôi quá già để thay đổi.

Tác giả Antony de Melo kể câu chuyện rằng: Có một nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp đã tâm sự về cuộc đời của ông như sau: Khi còn trẻ, tôi có tinh thần cách mạng và mỗi khi cầu nguyện, tôi luôn cầu xin Chúa một điều là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế giới này”.

Khi đã lớn tuổi và nhận thấy gần quá nửa đời người trôi qua mà tôi không thay đổi được một người nào hết, nên tôi đã thay đổi lời cầu nguyện của tôi như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi những người trong gia đình của con.”

Giờ đây tôi đã già và những ngày còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên lời cầu nguyện của tôi lại được thay đổi một lần nữa như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi chính mình con.”

Và ông kết luận: “Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này từ ngày còn trẻ thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời.”

Với Thiên Chúa, không quá muộn để thay đổi lối sống, để trở nên tốt hơn. Trong Tin mừng, chúng ta gặp nhiều gương mặt cho thấy họ đã tạo nên câu chuyện biến đổi cho chính cuộc đời mình. Đó là câu chuyện của các người làm công giờ cuối cùng trong ngày, câu chuyện của ông Gia kêu, của tên trộm lành, của bà Maria Madalena, của ông Nicođêmô mà chúng ta đọc trong Tin mừng.

Sự chiêm ngưỡng vinh quang thoáng qua mà Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan có trên núi Thabor đã để lại một kỷ niệm luôn mãi trong đời sống các ông. Và các ông sẽ kể lại trong nhiều dịp sau biến cố phục sinh như tông đồ Phêrô sau này làm chứng rằng: “không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Đức Ki-tô”.

Vậy yếu tố nền tảng của bài Tin mừng hôm nay là lời Chúa Cha nói: Đây là Con Ta yêu dấu, các người hãy vâng nghe lời Người”. Hành trình đời sống ki-tô hữu hệ tại ở việc lắng nghe Lời Chúa Giêsu, và để cho Lời Ngài vang vọng trong tâm hồn, nhờ đó mà được biến đổi. Mỗi tín hữu chúng ta là những người đang để mình lắng nghe, bằng việc chú ý nghe Lời Chúa Ki-tô, với sự nghiêm túc và để cho lời Chúa trở nên hiện thực trong đời sống mỗi chúng ta.

Mỗi Chúa nhật, qua bí tích Thánh Thể, chúng ta cùng hội họp  để lắng nghe Lời Chúa Cha vang vọng thêm một lần nữa: Đây là Con Ta yêu dấu, các người hãy vâng nghe Lời Người.  Xin cho Lời Đức Ki-tô thấm nhập vào tâm hồn chúng ta và biến đổi chúng ta nên những người con yếu dấu của Cha trên trời. Amen.

Người ta sống không nguyên bởi cơm bánh

Bắt đầu từ thứ Tư lễ Tro, các Chúa nhật thường niên bị dừng lại và sẽ được tiếp tục sau 1 tháng rưỡi nữa, tức là sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lúc này chúng ta đang sống một thời gian đặc biệt, là chu kỳ Vượt qua bao gồm Mùa Chay và Mùa Phục Sinh.

Trong hai tuần đầu của Mùa Chay, chúng ta cùng suy niệm Tin mừng của Thánh Mát-thêu về những cám dỗ của Chúa Giê-su và biến cố biến hình. Sáu đó là ba Chúa nhật suy niệm về các bài Tin mừng của Thánh Gioan, theo truyền thống để chuẩn bị cho các anh chị em dự tòng đón nhận bí tích thánh tẩy: như biến cố Chúa Giê-su cho chị phụ nữ Samaria nước uống bên bờ giếng, mở mắt người mù từ khi mới sinh và phép lạ làm cho Lagiaro chết 4 ngày sống lại.

Trong những thế kỷ đầu Ki-tô giáo, các bài đọc Kinh thánh này đã giúp cho các người lớn muốn gia nhập vào Giáo Hội. Các bài đọc này cũng dành cho các ki-tô hữu muốn làm mới lại lời hứa trong bí tích Rửa tội vào đêm Vọng Phục sinh. Để đạt được lợi ích, thời gian Mùa chay có nhiều phương thế có thể giúp hâm nóng tinh thần sống đạo: như lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, phục vụ các anh chị em, ăn chay, bác ái và cầu nguyện. Các phương thế này cho tới hôm nay vẫn luôn là nền tảng cho sự đổi mới của các tín hữu.

Câu chuyện cám dỗ trong xa mạc được thuật lại trong ba sách Tin mừng nhất lãm, nhưng trong mỗi trình thuật lại có các sắc thái khác nhau, tương ứng với từng sứ điệp thần học mà mỗi tác giả muốn chuyển tải. Trong câu chuyện của thánh Mát-thêu, Chúa Thánh Thần dẫn Chúa Giê-su vào trong sa mạc để Ngài đối diện với Thần dữ. Những cám dỗ trong sa mạc sẽ là những cám dỗ mà Chúa Giê-su sẽ gặp trong suốt cuộc đời: như bị đám đông cám dỗ lên làm vua, bị cám dỗ thi thố các phép lạ, bị Phêrô gây sức ép bỏ con đường thập giá, và bị kẻ thù cám dỗ bước xuống khỏi thập giá.

Kế hoạch của Satan biểu lộ chủ yếu ở cám dỗ thứ ba, gồm tóm tất cả các cám dỗ khác và Chúa Giê-su đã đẩy lui tận gốc rễ. Đó chính là cám dỗ về tiền bạc và quyền lực, như Tin mừng thuật lại, thì:  “Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian… và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” Trong suốt đời sống công khai, Chúa Giê-su đã luôn từ chối quyền lực. Đừng quên rằng các tác giả Tin mừng viết vào lúc mà đất nước Palestine đang bị chiếm đóng bởi đế quốc Roma, bá chủ quyền lực thời đó, đến nối gán cho các hoàng đế một quyền lực thần linh. Vì thế mà các tác giả Tin mừng vén mở cho thấy quyền lực của những kẻ áp bức là thuộc về quỷ dữ (quỷ chống lại Thiên Chúa cũng chỉ vì kiều ngạo muốn bằng Thiên Chúa). Quyền lực thì tách biệt, làm cho kiêu căng và khắt khe, trong khi đó Chúa Giê-su lại làm chứng tá, làm mẫu gương cho hiệp thông và phục vụ.

Chúa Giê-su từ chối cai trị người khác khi ngài nói rõ: “Con người đến không phải để được phục vu, nhưng là phục vụ và hiến dâng mạng sống mình”. Cả cuộc đời Chúa là một sự phục vụ. Ngài đã làm người vì người khác; đã hóa bánh ra nhiều vì người khác; đã làm nhiều dấu lạ chữa lành bệnh tật vì người khác; đã giải thoát người phụ nữ ngoại tình, đã giúp cho anh bại liệt được hội nhập với gia đình và cộng đoàn; Ngài đã ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, đã giúp cho Maria madalena và Zakeu tìm lại được ý nghĩa của đời sống.

Trong bài tường thuật về các cám dỗ, thánh Mát-thêu giới thiệu Chúa Giê-su như là một người con vâng phục Cha mình, trái với Adam và Eva, Adam mới đã chinh phục tất cả các cám dỗ để làm theo ý Chúa Cha. “Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Satan cố gắng làm cho Chúa Giê-su đi ngược lại với ơn gọi của người con yếu dấu của Cha, khi nó dụ dỗ: “ nếu ông là con Thiên Chúa”. Cám dỗ tệ hại nhất của người người tín hữu, đó là chối bỏ danh xưng làm con của Chúa, không còn đặt tin tưởng nơi Ngài và muốn vượt qua Ngài. Tội lỗi, đó chính là từ bỏ nhà cha như đứa con hoang đàng, để tìm kiếm hạnh phúc nơi khác, xa cách Chúa, như Adam và Eva nghi ngờ về tình yêu của Chúa đối với họ và chối bỏ Ngài. Chính vì vậy khi hai ông bà thấy mình trần truồng, có nghĩa là thấy thân phận mòng dòn, dễ bị tổn thương, để cho mình thuộc về sự chết.

Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, kẻ thù của Thiên Chúa tấn công người tín hữu về chất lượng của đức tin, bằng cách thuyết phục họ rằng thật là mãn nguyện với những của ăn trần thế: như thể thao, học tập, nghề nghiệp, tiền bạc, quyền lực, mà quên mất cái giá trị mình đang có là Đức Tin, và để Đức Tin là điểm tựa soi dẫn đời sống của mình. Đối diện với những chọn lựa thỏa mãn với những thực tại trần thế đời này, Chúa Ki-tô đã nêu gương mẫu cho mỗi chúng ta hôm nay: đó là Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra. 

Trong đời sống mỗi ngày, với bao cám dỗ và bao điều phải chọn lựa. Xin cho mỗi chúng ta biết chọn ý Chúa theo gương Đức Giêsu. Amen.

Vào phòng kín

Mùa Chay bắt nguồn từ thế kỷ thứ IV với ý nghĩa là thời gian chuẩn bị đón mừng đại lễ Phục Sinh. Trong ý nghĩa này mà Mùa Chay nhắm tới 2 mục tiêu:

  • chuẩn bị cho anh chị em dự tòng đón nhận bí tích thánh tẩy trong đêm vọng phục sinh
  • và là thời gian để các ki-tô hữu làm mới lại lời hứa khi chịu phép thanh tẩy.

Bắt đầu từ thế kỷ thứ 8, việc xức tro mới được đưa vào cử hành phụng vụ như là dấu chỉ thống hối cộng đồng. Đây là biểu tượng đến từ trong Cựu Ước. Khi đó vào đầu Mùa Chay, các ki-tô hữu nhìn nhận những tỗi lỗi mình khi xức tro lên đầu và cách tượng trưng họ bị trục xuất khỏi nhà thờ. Hành vi này trong một ý nghĩa nào đó, là hành vi mà Thiên Chúa đã đuổi ông bà nguyên tổ Adam và Eva ra khỏi vườn địa đàng, sau khi mà hai ông bà đã bất tuân phục Thiên Chúa ăn trái cây Chúa cấm. Nhưng tín hữu này sau một thời gian cầu nguyện, ăn chay và hối cải sẽ được gia nhập lại với cộng đoàn ki-tô hữu.

Vào thời Trung cổ, việc xức tro lại mang một ý nghĩa khác: nó nói lên thân phận mỏng dòn và ngắn ngủi của phận người, như lời ca: “người ơi hãy nhớ người là bụi tro, ngày mai người sẽ trở về bụi tro.” Vậy hình ảnh bụi tro nối kết với sự chết và nấm mồ. Đó cũng là hình ảnh quen thuộc đối với mỗi chúng ta hôm nay.

Ý nghĩa ban đầu của Mùa Chay là thời gian sám hối và đền tội, đã có vào thế kỷ thứ 8, bây giờ vẫn còn hiệu lực. Con người là tro bụi, là hình ảnh của thân phận con người xa cách Thiên Chúa, từ chối mối liên hệ với Ngài và bước vào con đường của sự chết. Thân phận tro bụi là thân phận của những ai đối lập với Chúa, quay lưng lại với Chúa như Adam và Eva, như đứa con bỏ nhà đi hoang.

Tuy nhiên, trong con đường thảm thương của sự xa cách như thế, người ta vẫn có cơ hội quay trở về cội nguồn của mình. Vậy mỗi chúng ta được mời gọi trở về với Chúa vì Ngài luôn giang rộng vòng tay đón tất cả những ai trở về. Trong ý nghĩa đó mà mỗi chúng ta được mời gọi trong Mùa Chay này xây dựng đời sống mình trên ba trụ cột của đời sống thiêng liêng do thái giáo: đó là cầu nguyện, chay tịnh và bố thí.

Cầu nguyện: đối với người do thái thời Chúa Giê-su là ba lần mỗi ngày: 9h00, 12h00 và 15h00. Như trong kinh phụng vụ, vẫn có các giờ kinh theo thời khắc như thế. Cầu nguyện với thời khắc các giờ trong ngày giúp cho cầu nguyện đi vào hoạt động thường ngày. Nó cho phép người ta tiếp xúc đều đặn với Chúa và khám phá ra thánh ý của Ngài. Vậy Mùa chay là thời gian mời gọi chúng ta tái khám phá thói quen cầu nguyện qua những thời khắc trong ngày như thế.

Ăn chay: như cầu nguyện, ăn chay giữ một vị trí trong đời sống thiêng liêng, không phải giúp chúng ta giảm ki-lô-gam, nhưng là để giải phóng chúng ta khỏi bản năng chiếm hữu và thu tích vô ích. Ăn chay cũng nhắc chúng ta rằng sinh ra trần trụi thì ra đi cũng trần trụi chẳng có gì. Chúng ta chẳng mang theo xuống nấm mồ tất cả những của cải mà chúng ta cố gắng thu tích.

Bố thí: là cột trụ thứ ba của đời sống thiêng liêng do thái giáo. Bố thí là một phương thế bắt chước lòng quảng đại của Thiên Chúa, đặc biệt là dành ưu tiên cho những người túng thiếu. Như Thánh Mát-thêu nói trong Tin mừng, chúng ta sẽ bị xét xử về việc chia sẻ cho tha nhân của cải, thời gian và tài năng: khi ta đói các người đã cho ta ăn, khi ta mình trần, các người đã cho mặc, khi ta đau yếu và ở tù các người đã đến viếng thăm ta…Mỗi chúng ta được mời gọi chia sẻ không chỉ tiền bạc, nhưng còn chia sẻ điều quý hơn mà chúng ta có: như tình yêu, lòng bao dung, sự cảm thông và tha thứ.

Trong Kinh thánh, bố thí luôn luôn gắn kết chặt chẽ với ăn chay, như ngôn sứ Isaia nói rõ, chay tịnh “Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?”

Thời gian mùa chay là thời gian lý tưởng để nuôi dưỡng đức tin bằng nguồn mạch là ba trụ cột thiêng liêng: cầu nguyện, chay tịnh và bố thí.

Trong lịch sử Giáo Hội, Mùa chay luôn được trình bày như là một mùa xuân mới, như một thời kỳ đổi mới. Đó không phải là thời gian của buồn sầu nhưng là của niềm vui sâu sa vì chúng ta được Thiên Chúa đón nhận, tha thứ và yêu thương. Mùa chay mang lại cho chúng ta niềm hy vọng mà nhiều khi niềm hy vọng này bị che lấp bởi bệnh tật, những điều không may mắn, hay những bất hạnh đủ loại. Vâng, mỗi chúng ta hôm nay được mời gọi tái khám phá tình thương của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Và như thế Mùa Chay chính là Mùa Xuân của Chúa gửi đến cho tất cả chúng ta. Amen.

Yêu thương địch thù

Trong các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, Thiên Chúa chỉ cho thấy điều mà Ngài chờ đợi nơi mỗi chúng ta, là: “hãy nên thánh vì Thiên Chúa là Đấng Thánh”.

Trong bài đọc I, chúng ta đã thấy Luật về sự thánh thiện dạy phải yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn trong những người Israel với nhau. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy phải mở rộng yêu thương đến kẻ thù. Cụ thể là:

– Theo tinh thần Cựu Ước, người ta có quyền trả đũa “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn theo giáo huấn của Đức Giêsu thì đừng trả đũa nhưng hãy nhường nhịn.

– Theo tinh thần Cựu Ước, người ta chỉ yêu thương người đồng bào. Còn theo giáo huấn của Đức Giêsu thì hãy yêu thương thù địch và lấy ơn để báo oán.

Lý do của lòng yêu thương bao la ấy là chúng ta phải noi gương Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời, “Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên người công chính lẫn kẻ bất lương”.

Như thế, giáo huấn về yêu thương của Đức Giêsu thể hiện đúng nguyên tắc mà Luật về sự thánh thiện trong sách Lêvi đã đề ra : “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh”.

Nên thánh thiện bằng việc yêu thương kẻ thù, ở đây không phải là  sự thiện cảm, mà là một thiện chí. Martin Luther King là một mục sư da đen, người đã đấu tranh để người da đen không còn bị người da trắng ngược đãi. Ông có một cách hiểu rất dễ chấp nhận về lời Chúa Giêsu dạy “Hãy yêu thương kẻ thù”, như sau :

“Trong Tân Ước, chúng ta thấy từ Agapè được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói đó là tình yêu Thiên Chúa được thực hiện nới tâm hồn con người. Khi vươn lên một đỉnh cao tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta đánh giá cao lối sống của họ. Chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ. Đó chính là ý nghĩa lời Đức Giêsu dạy “Anh em hãy yêu thương kẻ thù”. Phần tôi, tôi sung sướng vì Ngài đã không nói “Anh em hãy có thiện cảm với kẻ thù của anh em” bởi vì có những người mà tôi khó có thiện cảm nổi. Thiện cảm là một xúc cảm. Tôi không thể có xúc cảm với người đã ném bom vào gia đình tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người bóc lột tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người đè bẹp tôi dưới sự bất công. Không, không thể có một thiện cảm nào đối với người đêm ngày đe dọa giết tôi. Nhưng Đức Giêsu nhắc tôi rằng tình yêu còn lớn hơn thiện cảm, rằng tình yêu là thiện chí biết cảm thông, có tính sáng tạo, cứu độ đối với hết mọi người”.

Tình yêu mà Chúa Giê-su dạy chúng là là một tình yêu thiện chí, có nghĩa là hướng tình yêu của chúng ta trở nên giống tình yêu của Chúa.

Chuyện kể rằng: có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia trong một hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù đang đi trong rừng. Hắn liền bắt cô bé, chặt đứt ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy vừa khóc, còn hung thủ vừa đi vừa la: Ta đã trả thù được rồi. Mười năm sau, cô bé lúc đó đã có chồng và có con. Ngày kia, một kẻ ăn mày tới xin ăn, bà nhận ra đó là kẻ đã chặt tay mình, nên vội vàng vào nhà, bảo tôi tớ đem cơm thịt và cá ra đãi. Khi kẻ thù đã ăn xong, bà bèn giơ bàn tay cụt ra cho coi và nói: Tôi cũng đã trả thù được rồi.

Sự trả thù của cô bé, chính là một thiện chí mà mỗi chúng ta là con cái Chúa được gọi mời thực hiện. Thiện chí chỉ có được khi mỗi chúng ta có một tình yêu như chính Chúa Giê-su yêu thương. Mỗi Thánh lễ được cử hành sẽ nhắc lại cho chúng ta tình yêu tự hiến của chính Chúa Giê-su Ki-tô cho toàn thể nhân loại. Ước gì việc tham dự Thánh lễ giúp cho mỗi tín hữu cảm nhận được tình yêu của Chúa để sống tình yêu ấy mỗi ngày.

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở nên khí cụ bình an của Chúa để chúng con biết : đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Amen.

Tinh thần mới

Trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giê-su nhắc lại luật xưa đã được ban cho dân Do thái. Đó là những quy định tối thiểu cho đời sống xã hội: như không được giết người, không được trộm cắp, không được lừa dối…Đối với Chúa Giê-su, không có việc loại bỏ những đòi buộc này; ngược lại, ngài con mời gọi các môn đệ và mỗi chúng ta tiến xa hơn trong sự hoàn thiện. Như trong một gia đình, việc thực hành chu đáo một quy định trong gia đình chưa đủ để làm cho gia đình đó hạnh phúc, mà để hạnh phúc thật sự thì gia đình đó cần phải mở ra sống tình liên đới, hiếu khách, chia sẻ với người khác và nhất là sống tình yêu thương.

Để giúp cho mọi người hiểu rõ hơn, Chúa Giê-su đi thẳng vào cái cụ thể của đời sống con người, khi ngài nói: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.” Thực vậy, Chúa Giê-su cho thấy rõ lời nói có thể giết chết người ta: những lời nguyền rủa, quấy rối, những phân biệt đối xử là một thứ thuốc độc sẽ gây ra những thiệt hại trầm trọng. Những lời nói xấu nói hành có thể làm mất danh thơm tiếng tốt của người khác.

Hôm nay, Chúa Giê-su đề nghị hãy hoàn thiện bằng tình yêu. Nếu chúng ta chối bỏ không làm hòa với người hàng xóm thì chúng ta không thể nói là chúng yêu mến Chúa được. Trước khi dâng của lễ trên bàn thờ, mỗi chúng ta được mời gọi hãy biết làm hòa với người đó.

Điều mà Chúa Giê-su mong muốn, đó là một đời sống tràn đầy tình thương yêu. Như chính Chúa đã từng kêu mời nhưng ai muốn làm môn đệ Chúa là “hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”, và Chúa đã sống lời kêu mời đó cho đến cùng. Thực vậy Chúa đã sống yêu thương khi tha thứ cho ông Gia-kêu lùn, Chúa đã không ném đá chị phụ nữ ngoại tình, nhưng Chúa đã cho chị sức mạnh để vươn lên sống phẩm giá làm người; Chúa đã bỏ qua lỗi lầm của Phê-rô khi ông chối Chúa ba lần. Có rất nhiều dụ ngôn mà Chúa Giê-su kể ra để giúp cho chúng ta thấy được tình yêu đích thật là gì: như dụ ngôn con chiên lạc và dụ ngôn người con hoàng đàng. Các dụ ngôn như thế cho thấy rõ tình yêu đích thật là thế nào. Tình yêu này cần được phản ảnh trong đời sống của mỗi chúng ta.

Yêu thương đó chính là con đường hoàn cải mà Chúa Giê-su đề ra cho chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói rằng ta không nên ca tụng Thiên Chúa bằng chính những ngôn ngữ mà ta dùng để nguyền rủa anh em mình. Điều đó không phù hợp chút nào. Sống hòa hợp yêu thương mới làm cho đời mình trở thành lời ca tụng Thiên Chúa tuyệt vời nhất..

Khi đọc Tin mừng hôm nay, ai trong chúng ta cũng thấy mình hơn kém là tội nhân. Để được vào Nước Chúa, cần có một con tim trong sạch. Ta không thể đạt tới sự hoàn toàn trong sạch chỉ bằng những phương tiện nhân loại, nhưng với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Vậy cần phải mở lòng mình ra với Chúa bằng những lời cầu nguyện liên lỉ, bằng một tình yêu thương chân thành, bằng việc đón nhận bí tích hòa giải và tham dự Thánh lễ. Nếu mỗi chúng ta cam kết bước đi trên con đường hoán cải, Chúa sẽ thanh tẩy chúng ta nên trong sạch, khi đó chúng ta sẽ trở nên trong sạch và được thấy Chúa. Và Chúa sẽ ở trong chúng ta và chúng ta sẽ được ở trong Ngài. Amen.

Tâm hồn nghèo khó

Cha Louis Everly, một nhà thần học, linh mục và nhà văn nổi tiếng người Bỉ nói rằng rất nhiều người không bao giờ tìm thấy hạnh phúc vì họ không biết tìm nó ở đâu. Quá nhiều người mắc sai lầm khi tìm kiếm thêm một thứ vật chất nào đó: được tăng lương, được thăng chức, một vấn đề được giải quyết, thắng vượt một khó khăn tài chánh. Họ thường nói: “Giá như tôi có được điều đó, tôi sẽ hạnh phúc.” Quá muộn, họ biết rằng hạnh phúc không đến từ bên ngoài mà từ bên trong.

Thực vậy, con người không phải chỉ có thân xác, mà còn có linh hồn. Bởi đó, không phải chỉ cần có của cải vật chất bên ngoài, mà còn cần phải có những nhu cầu thiêng liêng, xuất phát tự bên trong.

Vậy thì hạnh phúc là gì? Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa (sợi chỉ đỏ).

Để đạt tới Nước trời, hôm nay Chúa Giê-su chỉ ra cho chúng ta con đường tám mối phúc. Người ta đã quen gọi đây là bản hiến chương Nước Trời. Nước Trời là nước hạnh phúc. Muốn vào nước đó phải có 8 đức tính căn bản là: Tâm hồn nghèo, hiền lành, sầu khổ, khao khát nên người công chính, xót thương người, tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, chịu bách hại vì sống công chính.

+ Tám mối phúc đối với người không có niềm tin vào Thiên Chúa thì không thể nào “chịu nổi” vì cả 8 điều mà Chúa Giêsu cho là PHÚC đều “nghịch nhĩ”. Sao mà “ngược đời” quá! Nhưng lại là điều giúp ta hạnh phúc vì nó giúp ta biến đổi mình để đạt được hạnh phúc Nước trời, nơi chúng ta gặp Chúa và có Chúa.

Tám mối phúc  bao gồm 8 đức tính. Tám đức tính này lại chỉ quy  vào một đức tính căn bản là “Tâm hồn nghèo”. Người có tâm hồn nghèo là người:

  • Trước hết không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này… (nói cách khác: không màng đến nước trần gian)
  • Và tiếp đến họ chỉ ước ao sống tốt theo ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành của Thiên Chúa (nói cách khác: được sống trong Nước Trời)

Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo, nên có thể nói: hạnh phúc đích thực của kitô hữu là biết từ bỏ, để được lấp đầy bằng chính Chúa.

Khi được lấp đầy bằng chính Chúa thì nơi nào có Chúa, nơi ấy có hạnh phúc, ngày tại trần gian này và được gọi là Nước trời trần gian. 

Ai yêu mến Chúa, người ấy sẽ được hạnh phúc thực sự. Bởi vậy, muốn được hạnh phúc, chúng ta cần phải có Chúa ở cùng, nghĩa là tâm hồn chúng ta phải trong sạch, loại trừ mọi tội lỗi, tính mê tật xấu để xứng đáng làm nơi cho Chúa ngự trị. Niềm hạnh phúc của một tâm hồn trong sạch và có Chúa ở cùng, cũng chính là niềm hạnh phúc chúng ta cần phải cầu chúc cho nhau trong những ngày đầu xuân năm mới này. Thực vậy, dù năm mới này có nhiều khổ đau và cay đắng, nhưng nếu tâm hồn chúng ta thực sự có Chúa ở cùng, chúng ta vẫn cảm thấy vui mừng và hy vọng.

Làm người thật khó, không dễ chút nào, nhưng sống làm con Chúa lại càng khó hơn. Bước vào năm mới, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cần đổi mới canh tân để nên người con Chúa, qua con đường thực hành các mối phúc. Có vậy thì mới nên hoàn thiện và nhân từ như Thiên Chúa là Cha, đấng đầy lòng thương xót. Amen

Biến đổi theo dòng thời gian

Chúa Giê-su mời ông Simon và Anrê, Gioan và Giacôbê bước sang một đời sống mới. Những năm còn lại của đời họ sẽ trở nên quà tặng cho mọi người: trở nên kẻ lưới người như lưới cá.

Một trong những chiều kích chính yếu của đời sống ki-tô hữu là mang lại hoa trái, khi biết sử dụng tốt thời gian được tặng ban, bởi vì đời sống chúng ta là một cuộc hành hương, là thời gian trên đường hành hương.

Hiện tại đời sống này là cuộc đời tạm. Từ lúc thành thai cho tới lúc lìa thế, chúng ta cần tiếp tục ra đi để tiến về phía trước: sau 9 tháng trong bụng mẹ, rồi được sinh ra, tiếp tục trưởng thành từ tuổi thơ ấu cho đến lúc già cả kòm hom…mỗi chúng ta đều phải chuyển mình và thích ứng với một thực tại mới. Trong Tin mừng, Chúa Giê-su đã chuyển đổi bốn môn đệ và tập trung họ lại. Từ nay họ trở nên những kẻ đành lưới người.

Chúa Giê-su tuyên bố với chúng ta về thời gian đi qua: “ Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến”.

Qua dòng lịch sử, thời gian luôn là chủ đề được bàn cách bình dân. Ovide đã viết: “Thời gian là con vật hung dữ nuốt chửng mọi thứ … tuổi trẻ, sức khỏe, của cải, thể lực, những dự án đắt giá nhất”; “Giết thời gian, đó là điều mà con người luôn muốn làm. Nhưng cuối cùng, thì chính nó lại giết chúng ta.”; “ Thời gian qua nhanh đến nỗi ta không còn thấy nó”.

Trong Kinh Thánh, thời gian là một yếu tố tốt đẹp và tích cực. Đó là một quà được trao tặng cho chúng ta, là món quà của Thiên Chúa. Nó giúp chúng ta mang lại hoa trái, hoán cải đời sống và tham dự vào việc sáng tạo một thế giới nhân bản hơn. Theo Chúa Giê-su, thì thời gian là một cánh cửa mở ra một tương lai tốt đẹp hơn. Không phải là khóc than vì thời gian qua mau, cho bằng đón nhận cách quảng đại “thời đại mới”. Đây là một lời mời gọi nhìn đời sống dưới lăng kính vĩnh cửu. Chúng ta đang ở giữa một thế giới mới mà ngôn sứ Isaia đã gợi lên khi viết rằng: “Và đây ta sẽ tạo nên một trời mới đất mới”.

Hôm nay Chúa Giê-su nhắc lại cho chúng ta rằng đối với dân chúng thuộc đất Giabulon và đất Nepthali miền Galilêa, hay đối với các môn đệ của Chúa Giê-su, và cả chúng ta, thì thời gian là một thời kỳ hồng phúc giúp chúng ta hoán cải.

Chúa Giê-su sống trong một thế kỷ của chiến tranh và bất công. Các bạo chúa thống trị và các đội quân lã mã áp bức người dân mà chẳng màng chi tới những hậu quả tiêu cực đối với những người mà họ đàn áp. Chỉ cần đọc vài trang lịch sử cũng đủ giúp cho chúng ta thấy bạo lực gây ra bởi đế quốc La mã. Trong một thế giới nô lệ và bị lạm dụng quyền lực như thế, Thiên Chúa đã sai Con mình đến để ban tặng một viễn tượng mới, một viễn tượng khác, nhân văn hơn và công lý hơn, để mà đem lại niềm hy vọng và khuyến khích các môn đệ ngài tạo dựng một thế giới mới, một thế giới huynh đệ.

Nếu chúng ta muốn, “Nước thiên chúa” theo cách mà Thiên muốn cho thế giới này, đang ở gần chúng ta và ở trong tầm tay của chúng ta.

Đối mặt với các ác ở khắp mọi nơi… chúng ta vẫn hy vọng rằng mọi người sẽ “hoán cải” và họ sẽ thay đổi lối sống. Đức Ki-tô khuyến khích mỗi chúng ta hãy bắt đầu thay đổi chính mình: “ để thế giới đổi thay, cần những con người thay đổi…hay hoán cải.” Để sống trong một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta cần thay đổi quan niệm về mọi sự và “ tin vào Tin mừng”, như là 4 môn đệ đầu tiên đã thực hiện: Vâng “ Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”…”Hãy trở nên những kẻ lưới người như lưới cá”. Amen