Mùa Chay bắt nguồn từ thế kỷ thứ IV với ý nghĩa là thời gian chuẩn bị đón mừng đại lễ Phục Sinh. Trong ý nghĩa này mà Mùa Chay nhắm tới 2 mục tiêu:
- chuẩn bị cho anh chị em dự tòng đón nhận bí tích thánh tẩy trong đêm vọng phục sinh
- và là thời gian để các ki-tô hữu làm mới lại lời hứa khi chịu phép thanh tẩy.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ 8, việc xức tro mới được đưa vào cử hành phụng vụ như là dấu chỉ thống hối cộng đồng. Đây là biểu tượng đến từ trong Cựu Ước. Khi đó vào đầu Mùa Chay, các ki-tô hữu nhìn nhận những tỗi lỗi mình khi xức tro lên đầu và cách tượng trưng họ bị trục xuất khỏi nhà thờ. Hành vi này trong một ý nghĩa nào đó, là hành vi mà Thiên Chúa đã đuổi ông bà nguyên tổ Adam và Eva ra khỏi vườn địa đàng, sau khi mà hai ông bà đã bất tuân phục Thiên Chúa ăn trái cây Chúa cấm. Nhưng tín hữu này sau một thời gian cầu nguyện, ăn chay và hối cải sẽ được gia nhập lại với cộng đoàn ki-tô hữu.
Vào thời Trung cổ, việc xức tro lại mang một ý nghĩa khác: nó nói lên thân phận mỏng dòn và ngắn ngủi của phận người, như lời ca: “người ơi hãy nhớ người là bụi tro, ngày mai người sẽ trở về bụi tro.” Vậy hình ảnh bụi tro nối kết với sự chết và nấm mồ. Đó cũng là hình ảnh quen thuộc đối với mỗi chúng ta hôm nay.
Ý nghĩa ban đầu của Mùa Chay là thời gian sám hối và đền tội, đã có vào thế kỷ thứ 8, bây giờ vẫn còn hiệu lực. Con người là tro bụi, là hình ảnh của thân phận con người xa cách Thiên Chúa, từ chối mối liên hệ với Ngài và bước vào con đường của sự chết. Thân phận tro bụi là thân phận của những ai đối lập với Chúa, quay lưng lại với Chúa như Adam và Eva, như đứa con bỏ nhà đi hoang.
Tuy nhiên, trong con đường thảm thương của sự xa cách như thế, người ta vẫn có cơ hội quay trở về cội nguồn của mình. Vậy mỗi chúng ta được mời gọi trở về với Chúa vì Ngài luôn giang rộng vòng tay đón tất cả những ai trở về. Trong ý nghĩa đó mà mỗi chúng ta được mời gọi trong Mùa Chay này xây dựng đời sống mình trên ba trụ cột của đời sống thiêng liêng do thái giáo: đó là cầu nguyện, chay tịnh và bố thí.
Cầu nguyện: đối với người do thái thời Chúa Giê-su là ba lần mỗi ngày: 9h00, 12h00 và 15h00. Như trong kinh phụng vụ, vẫn có các giờ kinh theo thời khắc như thế. Cầu nguyện với thời khắc các giờ trong ngày giúp cho cầu nguyện đi vào hoạt động thường ngày. Nó cho phép người ta tiếp xúc đều đặn với Chúa và khám phá ra thánh ý của Ngài. Vậy Mùa chay là thời gian mời gọi chúng ta tái khám phá thói quen cầu nguyện qua những thời khắc trong ngày như thế.
Ăn chay: như cầu nguyện, ăn chay giữ một vị trí trong đời sống thiêng liêng, không phải giúp chúng ta giảm ki-lô-gam, nhưng là để giải phóng chúng ta khỏi bản năng chiếm hữu và thu tích vô ích. Ăn chay cũng nhắc chúng ta rằng sinh ra trần trụi thì ra đi cũng trần trụi chẳng có gì. Chúng ta chẳng mang theo xuống nấm mồ tất cả những của cải mà chúng ta cố gắng thu tích.
Bố thí: là cột trụ thứ ba của đời sống thiêng liêng do thái giáo. Bố thí là một phương thế bắt chước lòng quảng đại của Thiên Chúa, đặc biệt là dành ưu tiên cho những người túng thiếu. Như Thánh Mát-thêu nói trong Tin mừng, chúng ta sẽ bị xét xử về việc chia sẻ cho tha nhân của cải, thời gian và tài năng: khi ta đói các người đã cho ta ăn, khi ta mình trần, các người đã cho mặc, khi ta đau yếu và ở tù các người đã đến viếng thăm ta…Mỗi chúng ta được mời gọi chia sẻ không chỉ tiền bạc, nhưng còn chia sẻ điều quý hơn mà chúng ta có: như tình yêu, lòng bao dung, sự cảm thông và tha thứ.
Trong Kinh thánh, bố thí luôn luôn gắn kết chặt chẽ với ăn chay, như ngôn sứ Isaia nói rõ, chay tịnh “Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?”
Thời gian mùa chay là thời gian lý tưởng để nuôi dưỡng đức tin bằng nguồn mạch là ba trụ cột thiêng liêng: cầu nguyện, chay tịnh và bố thí.
Trong lịch sử Giáo Hội, Mùa chay luôn được trình bày như là một mùa xuân mới, như một thời kỳ đổi mới. Đó không phải là thời gian của buồn sầu nhưng là của niềm vui sâu sa vì chúng ta được Thiên Chúa đón nhận, tha thứ và yêu thương. Mùa chay mang lại cho chúng ta niềm hy vọng mà nhiều khi niềm hy vọng này bị che lấp bởi bệnh tật, những điều không may mắn, hay những bất hạnh đủ loại. Vâng, mỗi chúng ta hôm nay được mời gọi tái khám phá tình thương của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Và như thế Mùa Chay chính là Mùa Xuân của Chúa gửi đến cho tất cả chúng ta. Amen.