Cha nhân hậu

Dụ ngôn người Cha nhân hậu mà cộng đoàn vừa nghe cho  thấy đâu là hình ảnh người Cha mà chúng ta có về Thiên Chúa và đâu là hình ảnh người Cha của Chúa Giê-su mà Ngài chỉ cho chúng ta.

Thật vây, mục đích đầu tiên của dụ ngôn là mạc khải  Thiên Chúa là ai. Một văn sỹ đã nói rằng nếu có phải hủy bỏ tất cả các bản văn Kinh Thánh thì nên giữ lại ít là trang dụ ngôn người Cha nhân hậu bởi vì nhờ đó mà mọi người hiểu được Thiên Chúa là ai: ngài chính là người Cha đầy lòng yêu thương, kiên nhẫn chờ đợi, sẵn sàng mở rộng vòng tay tha thứ và mở tiệc ăn mừng khi đứa con đi hoang trở về.

Dụ ngôn này vẫn mang ý nghĩa sâu sa và hiện thực hơn bao giờ hết trong cuộc sống hôm nay và điều đáng chú ý trong câu chuyện là người con bỏ nhà ra đi.

Khi yêu cầu Cha mình chia phần gia tài, dường như nó muốn nói với Cha nó rằng: “Tôi coi ông như đã chết”. Chính vì thế mà nó chỉ yêu cầu Cha nó chia cho nó phần gia tài mà nó có quyền hưởng sau khi Cha nó chết.

Rời bỏ nhà Cha để sống trong một môi trường tục hóa, tôn thờ hưởng thụ vật chất thì cũng đồng nghĩa với việc  thiếu chỗ cho sự hiện diện của Cha trong cuộc đời của đứa con đi hoang và như thế nó trở nên nô lệ cho các thần tượng của thời đại. Đánh mất niềm tin vì cắt đứt liên lạc với Cha, nó đánh mất chính bản thân mình, đánh mất  địa vị làm con và “ không còn đáng được gọi là con Cha nữa”.

Từ hình ảnh người con đi hoang, chúng ta cũng nhận ra có nhiều cuộc ra đi của nhiều người con Chúa trong gia đình Giáo Hội hôm nay.

Thực tế là tại nhiều nơi trên thế giới và ngay cả xung quanh chúng ta, nhiều người trẻ mang danh là có đạo nhưng lại không sống đạo, chỉ cần quan sát thấy họ không đến nhà thờ, không học giáo lý, không tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích cũng đủ thấy đời sống của họ có ở trong nhà của Thiên Chúa hay không.

Hiện tượng thờ ơ này cho thấy nhiều người trẻ càng ngày càng muốn sống xa niềm tin, xa tôn giáo truyền thống của cha ông để khẳng định sự độc lập, sự tự do không bị giới hạn, không bị cản trở. Họ cũng giống như đứa con thứ muốn giành lấy gia tài để trẩy đi phương xa, tách khỏi gia đình, khỏi cộng đoàn. Họ muốn rời bỏ cái bầu khí mà họ cho là buồn tẻ, đơn điệu với những nghi lễ nhàm chán và ràng buộc để phưu lưu trong một thế giới cổ võ sự thành công, tự do và hợp thời đại.

Hậu quả là nhiều cộng đoàn giáo xứ già nua vì chỉ có người già đi thờ đi lễ, thậm chí có nhiều nhà thờ phải đóng cửa. Nhiều cha mẹ trẻ không còn sức sống để truyền lại niềm tin ki-tô giáo cho thế hệ con cháu. Có những cha mẹ bất lực với những đứa con của mình và chỉ biết than phiền trong nước mắt rằng: Chúng tôi không thể khuyên bảo được chúng nó.  Chúng nó chẳng cầu nguyện, chẳng đi thờ đi lễ nữa,  suốt ngày chúng chỉ lo kiếm tiền và vui chơi mà thôi”.

Tuy nhiên Dụ ngôn mà thánh sử Luca vừa thuật lại cho chúng ta lại mang đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao.

Niềm hy vọng  thứ nhất  cho chúng ta thấy rằng chính khi đứa con bỏ nhà đi hoang thì hình ảnh của người Cha lại càng nổi bật.  Thiên Chúa chính là người Cha đầy lòng thương xót, nên Ngài luôn luôn tôn trọng sự chọn lựa của chúng ta, ngay cả khi sự lựa chọn này gạt bỏ Chúa ra khỏi đời sống. Như trong dụ ngôn, khi đứa con quyết định  bỏ nhà đi hoang, mặc dù Cha nó ước mong nó suy nghĩ lại nhưng ngài không ép buộc. Và khi nó quyết định trở về, Người Cha đã vui mừng khôn xiết, mở tiệc ăn mừng và tất mọi người cũng được mời chia sẻ niềm vui của người Cha. Trong sách Khải Huyền,  có đoạn đã mô tả hình ảnh rất đẹp về sự tôn trọng của Thiên Chúa đối với chúng ta như sau: Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta (Ap 3,20). Chúa chỉ gõ và đứng đợi trước cửa, chứ không bao giờ tự đẩy cửa vào vì Ngài tôn trọng tự do của chúng ta. Cho dù chúng ta có ích kỷ và thiếu tôn trọng thì Chúa vẫn luôn là người Cha đầy tràn tình thương, Ngài vẫn làm cho “mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”; ngài vẫn trả một đồng cho những người làm công từ giờ thứ nhất và những người làm công vào giờ cuối cùng trong ngày. Ngài kiên nhẫn đợi chờ cho lúa và cỏ lùng cùng mọc lên cho tới vụ gặt. Vâng, ngài vẫn đứng đó chờ đón những đứa con đi hoang trở về.

Niềm hy vọng thứ hai là niềm hy vọng ngày của niềm vui mừng vì đứa con đi hoang trở về. Dù chúng ta có lo lắng vì có nhiều người trẻ “rời bỏ nhà Cha” thì dụ ngôn lại mở ra cho chúng ta cánh cửa của niềm vui vì một ngày kia những anh chị em vì lầm lạc bỏ nhà Cha sẽ trở về, và cả chúng ta nữa, chúng ta cũng trở về trong niềm mong đợi của Cha trên trời. 

Trở về Nhà Cha như người con thứ, đồng thời Cha chúng ta trên trời mời gọi chúng ta đừng cứng lòng như đứa con cả đã phản ứng và chối bỏ người em đi hoang trở về, nhờ đó chúng ta có thể quảng đại đón mừng những anh chị em có lòng hoán cải để tất cả chúng ta cùng xây dựng đời sống gia đình và đời sống cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương trong tình thương của Thiên Chúa là Cha mỗi ngày một hơn. Amen.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *