Tin mừng lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời
Lc 23, 33. 39-43
Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”.
Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
Suy niệm
Cái chết là thời hạn đặt ra cho sự tồn tại của con người dưới cái nhìn sinh học. Nhưng cái chết có phải là một điểm chung kết hay chỉ là một cuộc vượt qua để bước sang một dạng tồn tại khác? Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay khi chúng ta kính nhớ các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân yêu của chúng ta đã qua đời. Nếu người Việt Nam ta vẫn thường nói: sống gửi thác về. Lá rụng trở về cội thì có thể nói là người Việt mình đều tin rằng qua cái chết, mỗi người đều trở về với cội nguồi của mình, về với thế giới của các tổ tiên.
Còn đối với với niềm tin Ki-tô giáo thì cái chết nói gì ?
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta rằng với cái chết, mọi sự không kết thúc nơi nấm mồ. Sau cuộc sống ngắn ngủi đời này, Thiên Chúa đang chờ đợi mỗi người, để mời gọi họ bước vào sự sống đời đời. Sự sống này được miêu tả bởi những hình ảnh “ của bữa tiệc đầy thịt béo và rượu ngon” là hình ảnh của thiên đàng, được vào thành thánh nơi đó không còn vực sâu tăm tối là hình ảnh của hỏa ngục. Tóm lại cái chết không còn tồn tại nữa. Nhưng nếu Thiên Chúa mở ra niềm hạnh phúc này với cái giá của sự hy sinh trên Thập giá của Con Chúa là Đức Giê-su mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng, thì mỗi người cũng cần nhìn nhận rằng cũng bởi sự tự do mà người ta có thể từ chối thiên đàng và chọn xuống hỏa ngục. Sự chọn lựa này là không thể thay đổi với cái chết. Cái chết là quyết định chung cuộc cho sự chọn lựa tự do của mỗi người khi con sống. Như Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI khẳng định trong thông điệp Niềm Hy Vọng Cứu độ như sau: “ cái chết là sự chọn lựa quyết định cho đời sống con người”: là thiên đàng hay là hỏa ngục là kết quả của sự chọn lựa này. Tuy nhiên, niềm tin ki-tô giáo cũng dạy chúng ta: với những người dù là được hưởng ơn cứu độ, thì không phải là được vào thiên đàng ngay tất cả, mà phần đồng linh hồn phải trải qua thời kỳ thanh luyện cần thiết trong đau khổ nhưng tràn ngập hy vọng ở nơi gọi là luyện ngục để đạt tới sự thánh thiện tinh tuyền của Thiên Chúa mà có thể bước vào vinh quang bất diệt với Ngài.
Ngày hôm qua chúng ta đã cử hành lọng trong lễ kính các Thánh trên Trời. Trong ngày mừng lễ, chúng ta đã suy tôn niềm vui của các thánh là những người đã đạt tới sự thánh thiện, là những người “ đã giặt áo mình trong máu Con Chiên” như Sách Khải Huyền nói với chúng ta và từ đó các Ngài đời đời chiêm ngưỡng Nhan Thánh Chúa.
Còn hôm nay, chúng ta lại hướng về luyện ngục để tưởng nhớ tới các người qua đời, là tất cả các người đã kết thúc cuộc lữ hành trần thế và đang được thanh luyện để chờ đợi ngày được hiệp thông cùng các thánh trên Nước Trời.
Vậy như Công Đồng Vaticanô II dạy: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…” (GH 50). Vậy việc cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời là một việc bác ái, là một bổn phận thảo hiếu phải đáp đền.
Khi hiện ra với ba con trẻ tại Fatima, Đức Mẹ đã cho ba con trẻ là Lucia, Giancitta và Franxicô thấy các linh hồn nơi luyện ngục như thế nào và đề nghị các em cầu nguyện cho các linh hồn này.
Vậy chúng ta hôm nay cùng xin Chúa cho mỗi chúng ta, luôn biết tỏ lòng thảo kính đối với các bậc tổ tiên ông bà, cha mẹ, anh chị em đã qua đời, bằng việc đọc kinh, dâng những hy sinh việc lành, và đặc biệt là thánh lễ mồng 2 tháng 11 hôm nay, xin vì công nghiệp của Con Chúa trên Thập giá, mà thứ tha muôn tội lỗi và đưa các ngài về hưởng hạnh phúc tôn nhan Nước Chúa. Amen.