Sau đêm Vọng Phục sinh là thời khắc Đức Giê-su Kitô hiển thắng trên bóng đêm của sự chết, giờ đây trong buổi sáng Phục Sinh, là giờ phút mà ánh sáng hiển trị, như Tin mừng vừa thuật lại, việc xẩy ra vào sáng “ngày thứ nhất trong tuần”, Ngày Chúa Phục sinh vinh hiển. Sự kiện này nhắc chúng ta nhớ lại những trang đầu của Kinh Thánh, khi Thiên Chúa chiếu sáng thế giới vào ngày thứ nhất của công trình sáng tạo.
Lễ Phục sinh đối với các Ki-tô hữu là ngày lễ lớn nhất trong năm. Đó là ngày lễ của sự sống, của mùa xuân, của sự đổi mới và của niềm vui.
Lễ Phục sinh mở ra một tiến trình khác trên sự sống và sự chết. Trong thành Roma cổ, người ta thấy có nhiều bia mộ mang những dòng chữ diễn tả nỗi buồn lớn lao như: “Vĩnh biệt, đây là dấu chấm hết của tình yêu chúng ta”; “chúng ta mãi mãi không còn thấy nhau”; “ Tình bạn của chúng ta kết thúc với cái chết”…Ngược lại trên những nấm mồ của các Ki-tô hữu tại các hang toại đạo, ta lại thấy những dòng chữ đầy tràn niềm hy vọng như: “Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau”; “bạn đang sống trong Chúa”; “Bạn về Nhà Cha”; “Bình an ở với bạn”…
Có những người cho rằng chết là hết. Nhưng các ki-tô hữu thì lại tin rằng cái chết là một cuộc vượt qua để đạt tới một sự sống khác và nó mang đến một ý nghĩa không chỉ đối với sự chết mà còn đối với điều mà chúng ta đang sống hằng ngày. Các văn sỹ ki-tô giáo đã dùng rất nhiều hình ảnh để minh họa cho sự sống mới này như: một đứa trẻ sinh ra khỏi lòng mẹ, một con tằm trở nên con bướm, một hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi để trở nên một cây to…
Điều phân biệt các tín hữu với các người vô thần là sự sống lại, đó là niềm tin vào một Thiên Chúa, Đấng không giới hạn sự sống và không chấp nhận rằng mọi sự kết thúc nơi nấm mồ. Mặt khác, danh từ mà các tín hữu dùng để chỉ nơi chôn cất những người đã qua đời là vườn thánh, có nghĩa là nơi an nghỉ của những lữ khách, hay là nơi ở tạm mà thôi.
Phụng vụ Chúa nhật Phục sinh diễn tả sự bình an và thanh bình. Chúa đã sống lại; Vào lúc bình mình ló rạng: một tin vui được loan báo: “ đừng tìm người sống giữa những kẻ chết”. Đức Giê-su đã mở ra cánh cửa của sự chết. Ngài đã nói với chị Maria, chị của Lazagiô: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy sẽ không chết bao giờ”.
Vâng, sự sống lại là câu trả lời của Thiên Chúa là Cha trước những bạo lực, bất công của đòn vọt và thập giá. Những người kết án Chúa Giê-su đã tin rằng họ có thể làm Ngài câm lặng và khử trừ được Ngài. Nhưng không, Thiên Chúa Cha đã cho Ngài sống lại, để minh chứng những giá trị mà Ngài muốn thực hiện trong đời sống của Đức Giê-su, như lời thiên thần nói với các phụ nữ vào sáng Chúa nhật Phục sinh: “ Tại sao các bà lại đi tìm người sống giữa những kẻ chết”?
Niềm tin ki-tô giáo không ngừng nói với chúng ta rằng Đức Ki-tô đã sống lại và sự sống của chúng ta không kết thúc bởi cái chết. Lễ Phục sinh và sự sống lại đưa chúng ta vào một mùa xuân mới sau một mùa đông lạnh giá mang màu sắc của sự chết, nhờ đó thúc đẩy chúng ta đưa ra lời cam kết ngay từ lúc này để thực sự đạt được sự sống. Đức Ki-tô mời gọi mỗi chúng ta sống sự sống viên mãn ngay từ bây giờ, bằng việc đi ra khỏi những nấm mồ, những chán nản, sợ hãi đang bủa vây chúng ta. Vâng, hãy ra khỏi mồ, ra khỏi những gì làm cho chúng ta không còn hy vọng, vì chính Chúa Giê-su đã nói với chúng ta rằng: “Ta đến để các ngươi được sống và sống dồi dào”. Chúa muốn chúng ta được sống sự sống dồi dào của Chúa.
Sau bữa Tiệc ly, khi trở về núi Cây dầu, Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ: “ khi thầy sống lại, Thầy sẽ hẹn gặp anh em ở Gallilê”. Đó cũng chính là lời mời mà Chúa Giê-su gửi đến cho các phụ nữ sau khi Chúa sống lại: “ các bà hãy đi báo cho anh em thầy rằng họ hãy đến Gallilê và thầy sẽ hẹn gặp lại họ ở đó. Các môn đệ được thúc giục đến Gallilê là quê hương bản quán, là gia đình của các ông, với lưới và thuyền.
Ki-tô giáo là một tôn giáo của sự phục sinh. Chúng ta không không hiểu hết những đau khổ trong thế giới nhưng chúng ta không tin sự khổ đau là tiếng nói cuối cùng, và chúng ta sẽ làm tất cả để chinh phục sự chết.
Thực vậy, chúng ta đang sống trong một thế giới mà cái chết đang diễn ra xung quanh. Hàng triệu người đã chết vì nhiều lý do: chiến tranh, nghèo đói, bạo lực, khủng bố, tự sát, nghiện ngập ma túy và rượu, thực phẩm ô nhiễm, môi trường ô nhiềm làm nên bao nhiêu tật bệnh, và ngay lúc này là nạn dịch Covid 19 đã gâp ra hàng trăm nghìn cái chết trên toàn thế giới. Và chúng ta muốn chiến đấu để chống lại nó.
Vậy nên khi cử hành ngày Chúa Phục Sinh, mỗi Chúa nhật chúng ta xum họp bên Chúa. Ngày Sab-bát là ngày kết thúc tuần lễ, thì ngày Chúa nhật lại là ngày để tạ ơn và mở ra một tuần mới. Chúa Ki-tô phục sinh đang ở giữa chúng ta, như chính Ngài đã hứa: ở đâu có hai hay ba người họp nhau vì danh ta thì ta sẽ ở giữa họ. Ngài mời chúng ta lắng nghe Lời Ngài, chia sẻ sự sống của Ngài và được mạnh sức trong đời sống là nơi mà Ngài vẫn đồng hành với mỗi chúng ta vì Ngài hứa ở ‘cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.
Hôm nay, chúng ta mừng đại lễ Phục sinh, ngày lễ quan trong nhất với mọi ki-tô hữu. Đức Ki-tô sống lại trao ban cho mỗi chúng ta ơn can đảm để trở về Gallilê đời mình, là gia đình, là môi trường làm việc, và sống Mùa xuân của Thiên Chúa. Trong ngày thứ nhất trong tuần, ngày Chúa Phục sinh, nguyện chúc cộng đoàn tràn đầy niềm vui phục sinh. Chúa đã sống lại thật. Allleluia. Amen.
Giáo xứ Chính Tòa Hà Nội
Phục sinh 2020