Tin mừng Chúa nhật III Mùa Vọng – B
Ga 1, 6-8. 19-28
Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.
Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.
Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.
Suy niệm
Sứ điệp Chúa nhật III Mùa vọng hôm nay mời gọi chúng ta là : “Hãy vui lên, vì Chúa đã gần đến” (1 Tx 5,16). Màu hồng của phụng vụ cho thấy niềm vui này là dấu chỉ của niềm tin yêu cà hy vọng của chúng ta. Vậy, mỗi tín hữu phải là một con người của niềm vui. Đức chân phước giáo hoàng Phao lô VI đã viết rằng : không ai bị loại ra khỏi niềm vui của Thiên Chúa, chính vì thế trong tông thư « niềm vui của Tin mừng » Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nói với chúng ta : Có những Kitô hữu sống như chỉ có Mùa Chay mà không có Phục Sinh. Thật là tiếc cho những ai như thế và cho cả những ai sống cùng với họ, bởi vì họ cần hiểu là ân sủng của Chúa luôn ban xuống cho tất cả mọi người như là suối nguồn của niềm vui, dẫu rằng : người ta không sống niềm vui cùng một cách trong mọi giai đoạn và hoàn cảnh của cuộc đời, nhất là trong những lúc khó khăn. Tuy nhiên ta có thế nói rằng : niềm vui thích nghi và biến đổi, luôn tồn tại, ít ra như một tia sáng phát ra từ sâu thẳm của con tim rằng mình được yêu thương vô cùng.
Vâng, niềm vui này được trình bày trong các bài đọc kinh thánh hôm nay. Trước hết trong bài đọc cựu ước, ngôn sứ Isaia đã nghĩ tới cảnh Dân Israen được giải thoát khỏi cảnh lưu đày. Ngài tự động hóa với nhân vật được chọn làm sứ giả để loan tin vui cho những người nghèo khó, những tâm hồn đau thương, những kẻ bị lưu đày. Và phần tiếp theo ngôn sứ đồng hóa mình với dân được giải thoát khi nói : tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, vì Ngài đã mặc cho tôi áo phần rỗi và choàng áo công chính cho tôi.
Niềm vui này lại được chứng thực trong thư của thánh Phao lô gửi cho tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca, một giáo đoàn mà Ngài rất quan tâm, bởi vì giáo đoàn này mới được Ngài thành lập không được bao lâu thì ngài buộc phải đi xa, Nhưng dù còn non trẻ, có nhiều khó khăn và thử thách nên khi biên thư cho họ, thánh Phao lô một mặt đã bảo họ hãy luôn vui mừng bởi vì họ có thể kín múc được niềm vui ở trong Chúa và để đạt được niềm vui này, họ cần cầu nguyện không ngừng để cầu xin Chúa, và hãy biết cảm tạ Chúa vì ân ban này. Đây là món quà vô giá đó chính là quà tặng của Thiên Chúa. Và như thế mỗi người cần phải để cho Chúa hiện diện trong tâm tư, trong lời nói, trong hành động bởi vì Chúa luôn có đó để ban tặng niềm vui mặc dù biết bao lần ta không nhận ra ngài.
Thánh Gioan Tẩy giả được mô tả hôm nay như là chứng nhân của niềm vui đó bởi vì chính ngài đã là người cảm nhận và loan bao niềm vui này cho nhân loại khi ngài đến làm chứng cho ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ánh sáng đó là đấng ở giữa mọi người mà biết bao người đã không nhận ra Ngài. Quả vậy, Đức Giê-su là niềm vui được Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Chính Ngài là đấng đã được xức dầu để « loan Tin mừng cho người nghèo khó, bắng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.
Niềm vui nơi Đức Giê-su nối kết chúng ta với thế giới hôm nay, một thế giới vẫn đang tồn tại bao lực, sự bất công và những ích kỷ nhỏ nhen của con người. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải thốt lên : khi mà tâm hồn con người khép lại vì những lợi lộc riêng của mình thì không còn chỗ cho người khác, vì người ta không còn biết nghe tiếng Chúa…ngay cả nhiều tín hữu cũng để cho mình ở trong nguy cơ này…nhiều người đã ngập lặn trong đó và biến mình thành những con người thật đáng thương.
Trong những ngày chúng ta chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh này, chúng ta lo trang trí đèn hoa, lo dựng cây thông giáng sinh, lo làm hang đá, điều này thật tốt nếu nó đưa chúng ta gặp gỡ Đức Ki-tô, ngược lại chính những lo lắng bên ngoài này có nguy cơ làm cho chúng ta quên mất đấng là nhân vật chính của ngày lề này thì chính lúc này đây, trong tĩnh lặng của tâm hôn, mỗi chúng ta hãy đặt vào đó sứ điệp của Thánh Gioan Tiên hô : Ở giữa các ông, có một đấng mà các ông không biết » để mà xác tín lại niềm tin yêu của mình.
Điều quan trong nhất là hãy làm cho Đức Ki-tô hiện diện cách rõ nét trong đời sống đạo của mỗi chúng ta, và làm cho ngài hiện ra rõ nét cho thế giới hôm nay. Như chứng tá của Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Đức Ki-tô, mỗi chúng ta sẽ có niềm vui đích thật khi làm chứng tá cho ngài. Để kết luận, xin chia sẻ với cộng đoàn câu chuyện về Mẹ thánh Têrêsa Calcutta :
Một ngày kia mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã đến thành phố Men-bơn (Melbourne) nước Úc. Một hôm, mẹ đã đi thăm một ông lão nghèo không ai biết đến. Ông sống trong một căn phòng tồi tệ, đồ đạc ngổn ngang bụi bặm. Căn phòng không cửa sổ và tối tăm vì không một bóng đèn. Mẹ Tê-rê-sa liền bắt tay vào việc thu dọn đồ đạc. Ông lão kia nói to: “Xin cứ để yên cho tôi”. Nhưng mẹ vẫn tiếp tục làm công việc quét dọn. Sau khi mọi thứ đã ngăn nắp sạch sẽ, mẹ Tê-rê-sa đã tìm thấy một chiếc đèn dầu nằm trong một góc phòng. Chiếc đèn bám đầy bụi bặm, chứng tỏ đã lâu ngày không có ai đụng đến. Mẹ liền lau chùi chiếc đen sạch sẽ rồi hỏi: “Lâu nay ông đã không thắp đèn phải không ?”. Ông ta đáp: “Thắp đèn làm chi ? Nào có ai thèm đến thăm tôi đâu ? và tôi cũng chẳng cần phải tiếp xúc nói chuyện với ai”. Mẹ lại hỏi: “Thế ông có hứa sẽ thắp đèn lên nếu có các nữ tu của tôi đến thăm ông không?”. Ông đáp: “Vâng, nếu tôi nghe có tiếng người đến thì tôi sẽ thắp đèn lên”.
Từ đó, mỗi ngày, hai nữ tu của mẹ Tê-rê-sa được cử đến thăm ông lão và thu dọn giúp đỡ cho ông. Một hôm ông nói với một trong hai nữ tu ấy như sau: “Bây giờ tự tôi đã biết thu dọn phòng của tôi rồi. Nhưng xin chị làm ơn về nói với bà bề trên rằng: Ngọn đèn mà bà đã thắp lên trong ngày đầu thăm tôi, đến nay vẫn không ngừng được thắp sáng”.
Noi gương mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta, kính thưa… mỗi chúng ta sẽ làm gì cụ thể để chia sẻ niêm vui Giáng Sinh cho người kém may mắn mà chúng ta gặp gỡ, để thắp lên ánh sáng Tình Yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa cho anh chị em xung quanh ta có được niềm vui trong Mùa Giáng Sinh đang tới. Amen.