luami

Chúng tôi muốn gặp ông Giê-su

Tin mừng Chúa nhật V Mùa Chay

Ga 12, 20-33

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philipphê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh.

Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.

Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”.

Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

Suy niệm

Trong suốt mùa chay thánh, chúng ta được mời gọi quy hướng cuộc đời mình về Chúa Ki-tô qua những tâm tình sám hối, hòa giải, biến đổi con tim và tin vào Tin mừng Nước Chúa.

Chúa nhật tuần trước, bài tin mừng của thánh Gioan dẫn đưa chúng ta hướng nhìn lên cây thập giá của Đấng Cứu Độ bởi vì chính nhờ Đức Ki-tô chịu treo trên cây thập giá mà chúng ta được cứu độ. Vâng chính trong Đức Ki-tô mà Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài để mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại chúng ta.

Đọc Kinh thánh, chúng ta thấy Thiên Chúa đã ký kết với dân Người một giao ước. Đó là những gì đã xẩy ra trong lịch sử cứu độ của dân Chúa qua biến cố Maisen dẫn đưa dân Chúa vượt qua biển đỏ để giải thoát dân khỏi ách nô lệ Ai-cập. Tuy nhiên, dân Chúa đã không tôn trọng giáo ước đã được ký kết mà quay mặt thờ lạy các tượng thần dân ngoại. Chối bỏ Thiên Chúa, họ đã đánh mất chính mình. Tuy nhiên, trong sự tuyệt vọng, vị ngôn sứ đã loan báo một tương lai sán lạng. Đó là Thiên Chúa sẽ đến vào một ngày kia để thiết lập với dân của Ngài một giao ước mới. Với giao ước này, Ngài sẽ biến đổi tâm lòng con người. Lề luật của Ngài không phải là một sự áp đặt như là một gánh nặng nhưng là một phương thế để đáp lại lòng thương xót của Chúa. Chính khi chúng ta quy hướng về Ngài chúng ta tìm thấy niềm hạnh phúc đích thật.

Bài Tin mừng hôm nay đã cho chúng ta thấy lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước trở nên hiện thực. Bối cảnh xẩy ra khi những người Hy Lạp đến Giêrusalem ước mong được gặp Chúa Giê-su. Những người Hy lạp này là những người ngoại. Nguyện ước của họ làm chúng ta liên tưởng tới hình ảnh của ba nhà chiêm tinh khi xưa tìm đến Belem chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su qua sự hướng dẫn của ánh sao lạ. Đây là một cách nói để chúng ta hiểu rằng tin mừng mà ngôn sứ loan báo không chỉ dành riêng cho dân Israen mà còn được ban tặng cho tất cả muôn dân, muôn nước.

Nhân cơ hội này, Chúa Giê-su đã chỉ cho những người Hy Lạp đang muốn gặp Ngài thấy sự vinh quang của Ngài. Và sự vinh quang này chính là thập giá. Đó chính là cao điểm của chương trình cứu độ mà chúng ta sẽ cử hành vào Tuần Thánh sắp tới. Đó là Giờ mà Đức Giê-su chờ đợi từ buổi đầu của sứ mạng cứu thế. Những người Hy lạp sẽ nhìn thấy một người như bao người khác sợ hãi và hoang mang khi đối diện với cái chết. Họ sẽ thấy cái chết của một người là nguồn mạch của sự sống, một người bị nâng lên cao và bị đóng đanh trên cây thập giá. Vâng, chính Đức Giê-su khi bị nâng cao đã tỏ bày vinh quang bởi vì Ngài lôi kéo mọi người đến với Ngài.

Lời yêu cầu của những người Hy Lạp trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe: “Chúng tôi muốn được gặp Ngài” trở nên lời nguyện ước được gửi đến cho tất cả chúng ta hôm nay. Chúng tôi muốn được gặp Ngài làm cho chúng ta liên tưởng tới câu hỏi của một em thiếu nhi học giáo lý: làm thế nào mà ta biết Đức Ki-tô hiện diện trong khi ta không nhìn thấy Ngài. Quả vậy, chúng ta không nhìn thấy Ngài, nhưng chúng ta tin vào chứng từ của các thánh Tông đồ là những người đã chứng kiến Đức Giê-su chết và sống lại vinh quang. Chính Đức Giê-su đã trao ban sức sống và bảo đảm sẽ ở cùng tất cả chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế. Chính Đức Giê-su đang hiện diện giữa các cộng đoàn khi họ họp nhau cầu nguyện, lắng nghe Lời Ngài và cử hành thánh lễ. Ngài cũng hiện diện qua những con người bé nhỏ, nghèo khó, bị bỏ rơi mà chúng ta gặp gỡ mỗi ngày xung quanh chúng ta.

Chúng tôi muốn được gặp Ngài…Vâng, quả là như thế, nhưng thực tế là Ngài đang muốn gặp chúng ta, và lôi cuốn chúng ta đến với Ngài. Thế mà rất thường xuyên chúng ta lại muốn quay lưng lại. Quả vậy, nhiều lúc chúng ta muốn tổ chức cuộc sống của mình theo ý riêng mà không theo ý Chúa. Chúng ta không đón nhận tình thương mà chỉ có được ở nơi Ngài mặc dù biết rõ hiệu quả mà nó mang lại, nhưng vì sự ích kỷ và ghen tương mà chúng ta để lòng mình trở nên thờ ơ và chai cứng. Vâng chỉ có Đức Giê-su mới có thể dạy chúng ta biết yêu thương như chính Ngài đã yêu thương và bao dung tha thứ. Chỉ có Ngài mới có thế tháo cởi chúng ta ra khỏi mối dây của sự dữ.

Vậy thì, ước mong được gặp Đức Giu-su Ki-tô sẽ có giá trị biết bao khi thực hiện nó. Bởi vì với Đức Ki-tô, tin mừng được loan báo cho những người nghèo khó, những kẻ bị tù đầy, và những người bị loại trừ trong xã hội. Ngài chính là đấng tỏ lòng thương xót những kẻ tội lỗi. Ơn cứu độ của Ngài được trao ban cho tất cả mọi người. Chính Ngài nói với chúng ta rằng ngài không đến để lên án thế gian nhưng để cứu rỗi thế gian. Tin mừng của Ngài là một sứ điệp của niềm hy vọng và tình yêu cần được loan báo cho mọi nơi và mọi thời.

Nhưng để thấy Ngài và gặp Ngài, cần phải có một điều kiện, đó là phải ra đi để đến với tha nhân. Chúng ta không thể đến với Đức Ki-tô mà không đến và gặp gỡ tha nhân. Trong Mùa Chay thánh này, mỗi chúng ta được mời gọi ăn chay để làm việc bác ái giúp đỡ những giáo xứ, giáo họ nghèo trong giáo phận và đặc biệt là những anh chị em nghèo khó và bất hạnh xung quanh chúng ta …Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa Giê-su trong Tin mừng: Mỗi lần anh em làm điều đó cho một trong những kẻ bé mọn đây là làm cho chính Ta vậy.

Để kết luận, trong ngày Chúa nhật cuối cùng của Mùa Chay Thánh này, chúng ta cùng dâng lên Chúa lời cầu xin: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khám phá ra niềm hạnh phúc đích thật chỉ có được khi biết trao ban chính mình cho những người mà mình yêu thương. Xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con để chúng con có thể bước đi theo Chúa trong suốt cuộc đời chúng con. Amen.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *