bavua

Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua

bavua

Tin mừng Chúa nhật Hiển Linh

Mt 2, 1-12

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ.

Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”.

Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Suy niệm

Chúa nhật hôm nay, khi chiêm ngắm hang đá, người ta thấy xuất hiện ba vị vua da trắng, da vàng, và da đen đang quỳ phủ phục tôn thờ hài nhi Giê-su, nhưng nhiều người không hiểu được ý nghĩa và sẽ đặt câu hỏi tại sao lại xuất hiện ba vị vua này tại các hang đá ? Từ ngữ « Hiển Linh » vén mở cho ta thấy ý nghĩa của sự xuất hiện này, đó là việc Thiên Chúa vô cùng lớn lao đã tỏ mình ra cho muôn dân qua một hài nhi bé nhỏ là Đức Giê-su Hài Đồng. Ba vị Vua với các màu da khác nhau đại diện cho các dân tộc đã được đón nhận ơn cứu độ.

Từ ý nghĩa của ngày lễ đưa chúng ta đi vào một cuộc khám phá về sự tỏ hiện của Thiên Chúa qua suốt chiều dài của lịch sử của dân Israel và hôm nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho tất cả mọi hạng người trên toàn thế giới.

Trước hết phụng vụ hôm nay cho chúng ta đọc đoạn sách của ngôn sứ Isaia, để thấy được sự tỏ hiện của Thiên Chúa đối với dân Israel trong dòng lịch sử cứu độ. Trong bối cảnh dân Chúa đang sống trong chốn lưu dày, ngôn sứ Isaia đã vẽ lên ước mơ của ngày hồi hương. Viễn cảnh mô tả cả trái đất đang ngập chìm trong tăm tối thì Giêrusalem lại bừng sáng, vì có Chúa là Ánh sáng đang ngự ở đó. Bởi thế, muôn dân từ khắp nơi sẽ tuốn về ánh sáng của Giêrusalem. Và thực tế là viễn cảnh tỏ hiện này của Thiên Chúa đã nên trọn vẹn khi Đấng cứu thế giáng sinh tại Bê-lem.

Đức Giêsu. Ngài chính là Ánh sáng đến trần gian, là một Giêrusalem mới để lối cuốn mọi người mọi nơi đến với Ngài. Và bài Tin mừng do thánh Matthêu thuật lại đã cho thấy điều đó. Các “đạo sĩ” là những nhà trí thức ở vùng Babylon phía Đông xứ Palestine. Do niềm tin rằng ngôi sao lạ là điềm báo một Đấng cứu tinh đã sinh ra, họ đã đi theo ánh sao và tìm đến với Hài nhi Giêsu. Như thế, qua ánh sao lạ, Chúa Hài nhi đã tỏ mình ra cho đại diện lương dân, đang khi các nhà trí thức do thái ở Giêrusalem dù thông thạo Thánh Kinh nhưng đã không nhận ra Chúa.

Hơn hai nghìn năm qua sau biến cố Thiên Chúa tỏ mình ra cho ba vị Vua qua ánh sao lạ nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về hành trình đức tin như một ân ban đến từ Thiên Chúa. Ánh sao xuất hiện tựa như là một lời mời gọi mà Chúa gửi đến cho mỗi con người để giúp họ định hướng và tiến tới để đạt được cùng đích cho đời người.

Tuy nhiên, hành trình của ba vị Vua trên đường tìm về Bê-lem đòi hỏi sự cố gắng và kiên trì với tất cả lòng nhiệt tâm, trước hết các ngài khi nhận ra ánh sao đã cất bước lên đường, một quyết định chắc chắn nhưng cũng đầy phưu lưu mạo hiểm. Thế rồi đang khi trên đường đi, ánh sáo lúc ẩn lúc hiện làm cho các ngài nhiều lúc bối rối, không biết đi đâu và về đâu. Ngay cả khi đến Giê-ru-sa-lem, họ cũng cũng thấy bế tắc vì cả vua Hêrôđê cũng không hề biết Đấng cứu thế mới sinh tại Bêlem. Thế nhưng, niềm tin của các ngài được củng cố vì ánh sao tiếp tục xuất hiện và các Ngài đã gặp được Hài nhi Giê-su để tôn thờ.

Hành trình của các vị Vua minh họa cho hành trình của mọi kẻ tin : hành trình đức tin như ánh sao lạ mời gọi người ta từ bỏ nếp sống đã quen để dấn thân đi tìm một cái gì đó cao hơn, xa hơn, tốt đẹp hơn. Tiếp theo là những bước thăng trầm trong cuộc hành trình, có khi con đường rất bằng phẳng êm ái, có khi lại quanh co gồ ghề, có lúc ánh sao sáng tỏ trên bầu trời, có lúc nó vụt biến mất. Điều quan trọng là như các vị Vua, khi ta không nản lòng mà cứ kiên trì dấn bước thì cuối cùng ta sẽ gặp được Chúa.

Như đã nói ở trên sự tỏ hiện của Thiên Chúa không chỉ dừng lại nơi ba vị vua, hay nơi các tông đồ, hay dừng lại ở một thời điểm nào đó nhưng vẫn tiếp tục ngay tại hôm nay. Cụ thể các lớp giáo lý dự tòng tại các giáo xứ, cách riêng tại giáo xứ…đã cho thấy ánh sao của Chúa vẫn đang tiếp tục tỏ hiện nơi các tâm hồn trẻ khao khát đi tìm chân lý, ban đầu có thể khởi đi buổi đi chơi đêm Noel, tham quan các nhà thờ và hang đá, lắng nghe các bài thánh ca, hay sự tìm kiếm này khơi nguồn từ những người bạn công giáo…tựu chung lại có nhiều ánh sao mà Chúa dùng để soi sáng những tâm hồn thiện tâm hôm nay, chính vì thế mà tất cả chúng ta được mời gọi trở nên ánh sao của Chúa, nhưng làm sao để là ánh sao luôn sáng tỏ trong hoàn cảnh sống của mỗi người chúng ta?

Xin chia sẻ với cộng đoàn câu chuyện và một bạn trẻ người Anh có tên là Jones để là chứng từ về ánh sao dẫn đường niềm tin.

Jones gia nhập không lực Hoàng gia và được huấn luyện trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định : “Có nên quì gối đọc kinh như thói quen ở nhà không ?” Ban đầu anh cảm thấy hơi ngượng, nhưng rồi anh tự nhủ : “Chẳng lẽ mình phải thay đổi cách sống vì sợ kẻ khác dòm ngó sao ?”

Anh liền quyết định cứ quì gối đọc kinh như thói quen. Khi vừa làm dấu kết thúc buổi cầu nguyện, mọi người mới biết anh là người Công giáo. Hơn nữa, anh lại là người Công giáo duy nhất trong trại lính. Tuy nhiên, anh vẫn quì gối cầu nguyện hàng đêm, và sau đó thường dẫn đến những cuộc tranh cãi hàng giờ về đức tin giữa anh và các bạn.

Cuối khóa huấn luyện có người đến nói với anh :

– Anh là người Kitô hữu tốt nhất mà tôi gặp.

Anh liền đáp lại :

– Cám ơn bạn, tôi không nghĩ mình là Kitô hữu tốt nhất đâu. Có thể tôi là người Công giáo dám công khai biểu lộ đức tin.

Kính thưa…Jones thực sự là ánh sáng đức tin đã tỏa sáng ngay trong hoàn cảnh sống của mình. Jones đã là “ánh sáng thế gian” như lời Đức Giê-su mời gọi (x. Mt.5,14-16). Đọc xong câu chuyện về Jones, tôi đã chợt nhớ ngay tới lời bài hát “Làm dấu” của Lê Đức Hùng mà hơn một lần tôi đã nghe để tự vấn lương tâm mình: “Bao lần con quên Chúa khi vô ý hay khi thờ ơ…Bao phen con ngại ngần lúc làm dấu tuyên xưng niềm tin…Đã có lúc yếu hèn không làm Dấu giữa đời…

Vâng kính thưa…Chứng từ của bạn trẻ Jones và tâm tình của bài hát “ làm dấu” như một lời nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy ý thức về ơn ban cao quý là đức tin mà Thiên Chúa ban tặng cho mình để rồi quyết tâm biến đổi đời mình mỗi ngày để trở nên ánh sao sáng của niềm tin yêu và hy vọng giữa lòng đời hôm nay.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra những ánh sao Chúa gởi đến trong cuộc đời chúng con. Xin biến chúng con thành những ánh sao ngày càng rực sáng lan tỏa khắp thế giới. Amen.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *