Con Ta yêu dấu

Việc Chúa Giê-su đã biến hình trước mắt ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan là để nhằm tới lợi ích cho các ông trong hành trình theo Chúa. Ba người môn đệ thân tín này cũng đã có mặt trong lúc Chúa cầu nguyện trong vườn Cây Dầu trước khi bị bắt.

Thực tế là ông Phêrô lúc đó cũng muốn dựng lên 3 cái lều, như muốn kéo dài giây phút cảm nghiệm ngất ngây thay vì lại bắt đầu hành trình xuống núi bước theo Chúa Giê-su. Phản ứng nhất thời của Phêrô muốn tận dụng lâu hơn khoảng khắc yên bình trên núi thực ra là một cám dỗ trốn tránh ơn gọi của niềm tin để sống trong cái tầm thường của bản thân.

Trong hành trình của đời sống mỗi ngày, chúng ta cũng cần trải qua những kinh nghiệm của sự kiện biến hình trước những khó khăn và thử thách, để theo Chúa Giê-su trong những lúc vui hay những lúc lao nhọc, và góp phần mình làm biến đổi thế giới xung quanh chúng ta.

Mỗi Thánh lễ chúa nhật có thể là một trạm dừng dễ chịu với Chúa Giê-su trên núi. Nhưng mỗi lần thánh lễ kết thúc, mỗi chúng ta cần quay lại với cuộc sống thường ngày. Chúa Giê-su ban cho chúng ta sự can đảm cần thiết khi nói với chúng ta cũng như khi xưa nói với các tông đồ rằng: “ hãy trỗi dậy, và đừng sợ”. Hãy tin vào thầy vì thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Nhờ đó mà chúng ta yên tâm xuống núi để thực thi ơn gọi và công việc bổn phận của mình.

Hôm nay chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi người tìm kiếm những gì là hoàn hảo trong thế giới vật chất với những quảng cáo mang lại hạnh phúc: với những đồ ăn thức uống hảo hạng, các loại thuốc bổ, các loại sơn hào hải vị, các siêu xe, du thuyền, nhà đẹp… Còn Đức Ki-tô lại đề nghị với chúng ta điều hoàn thiện trong tiến trình của những con người sống đức tin. Để đạt được sự hoàn thiện trong đời sống, chúng ta cần làm việc chuyên cần, sống kỷ luật và ý thức. Các sinh viên học sinh, các nghệ nhân, các nhà vô địch thể thao biết rõ điều này. Đó cũng là điều đối với những ai muốn trở nên tốt hơn. Mỗi chúng ta phải xuống núi, trở về với những đòi buộc thường ngày và làm việc không ngơi nghỉ để đáp lại đòi hỏi của thời đại hôm nay.

Trong mấy ngày qua, chúng ta có dịp chiêm ngưỡng Đức Thánh Cha Phanxicô, đã 87 tuổi và ngồi xe lăn khi di chuyển tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Lisbon và Fatima. Đức Thánh Cha được ví như “ Gừng càng già thì lại càng cay”. Thực vậy Đức Thánh Cha đã “trỗi dậy và lên đường” như Đức Mẹ Maria để đến với các bạn trẻ và hun đức cho các bạn trẻ một hành trình của tình yêu và hy vọng dù tuổi cao sức yếu.

Không nên phân biệt tuổi tác để hoàn thiện mình, nhằm khám phá ra vùng đất mà Chúa chỉ định cho mỗi chúng ta kính thưa… Tuy vậy lại có quá nhiều người hài lòng về một đời sống tầm thường, phản ứng tiêu cực mỗi khi có cơ hội: kiểu như tôi chỉ như vậy thôi và tôi quá già để thay đổi.

Tác giả Antony de Melo kể câu chuyện rằng: Có một nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp đã tâm sự về cuộc đời của ông như sau: Khi còn trẻ, tôi có tinh thần cách mạng và mỗi khi cầu nguyện, tôi luôn cầu xin Chúa một điều là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế giới này”.

Khi đã lớn tuổi và nhận thấy gần quá nửa đời người trôi qua mà tôi không thay đổi được một người nào hết, nên tôi đã thay đổi lời cầu nguyện của tôi như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi những người trong gia đình của con.”

Giờ đây tôi đã già và những ngày còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên lời cầu nguyện của tôi lại được thay đổi một lần nữa như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi chính mình con.”

Và ông kết luận: “Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này từ ngày còn trẻ thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời.”

Vâng, kính thưa… Với Thiên Chúa, không quá muộn để thay đổi lối sống, để trở nên tốt hơn. Trong Tin mừng, chúng ta gặp nhiều gương mặt cho thấy họ đã tạo nên câu chuyện biến đổi cho chính cuộc đời mình. Đó là câu chuyện của các người làm công giờ cuối cùng trong ngày, câu chuyện của ông Gia kêu, của tên trộm lành, của bà Maria Madalena, của ông Nicođêmô mà chúng ta đọc trong Tin mừng.

Kính thưa…Sự chiêm ngưỡng vinh quang thoáng qua mà Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan có trên núi Thabor đã để lại một kỷ niệm luôn mãi trong đời sống các ông. Và các ông sẽ kể lại trong nhiều dịp sau biến cố phục sinh như tông đồ Phêrô sau này làm chứng rằng: “không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Đức Ki-tô”.

Vậy yếu tố nền tảng của bài Tin mừng hôm nay là lời Chúa Cha nói: Đây là Con Ta yêu dấu, các người hãy vâng nghe lời Người”. Hành trình đời sống ki-tô hữu hệ tại ở việc lắng nghe Lời Chúa Giêsu, và để cho Lời Ngài vang vọng trong tâm hồn, nhờ đó mà được biến đổi. Mỗi tín hữu chúng ta là những người đang để mình lắng nghe, bằng việc chú ý nghe Lời Chúa Ki-tô, với sự nghiêm túc và để cho lời Chúa trở nên hiện thực trong đời sống mỗi chúng ta.

Mỗi Chúa nhật, qua bí tích Thánh Thể, chúng ta cùng hội họp để lắng nghe Lời Chúa Cha vang vọng thêm một lần nữa: Đây là Con Ta yêu dấu, các người hãy vâng nghe Lời Người. Xin cho Lời Đức Ki-tô thấm nhập vào tâm hồn chúng ta và biến đổi chúng ta nên những người con yếu dấu của Cha trên trời. Amen.