ongoi

Đến mà xem

ongoi

Tin mừng Chúa nhật II thường niên – Năm B

Ga 1, 35-42

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?”

Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.

Suy niệm

Gặp gỡ Đức Ki-tô biến đổi cuộc đời mình, gặp gỡ Đức Ki-tô đón nhận ơn tái sinh, gặp gỡ Đức Ki-tô chân thành mình gặp mình, gặp gỡ Đức Ki-tô nảy sinh tình đệ huynh…Kính thưa…lời bài hát gặp gỡ Đức Ki-tô mà chúng ta vừa nghe rất quen thuộc vì ai trong chúng ta đã hơn một lần nghe và hát lên lời ca ý nghĩa đó. Tâm tình này thật thích hợp cho việc lắng nghe, suy niệm và đem ra thực hành Lời Chúa mà các bài đọc kinh thánh hôm nay gợi mở cho chúng ta.

Quả vậy, qua các bài đọc kinh thánh, ta thấy lời mời gọi của Chúa, sự đáp trả của người được gọi, ở với Chúa trong tình yêu và ra đi giới thiệu Chúa cho người khác là một chuỗi những diễn tiến của hành trình ơn gọi nơi những người tin. Nói tới ơn gọi ki-tô hữu, là nói tới một cuộc gặp gỡ thân tình giữa người được gọi với Đức Ki-tô, Đấng đã đến và đang hiện diện giữa chúng ta.

Trước hết cuộc gặp gỡ nào mà không được gợi ý, không được đề nghị của người muốn gặp. Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài luôn đi bước trước để mời gọi con người. Lời mời gọi của Chúa có nhiều thể, nhiều cách với các mức độ khác nhau. Đối với ngôn sứ Samuel trong bài đọc I, thiên hướng và ước nguyện của người mẹ muốn dâng Samuel để tạ ơn Chúa như là khởi điểm của hành trình ơn gọi, để từ đó Chúa mở lời cho Samuel nhẹ nhàng trong giấc ngủ, qua một trung gian là thầy cả Hêli. Còn đối với An-rê và Gioan thì khởi đi từ con tim khát khao đi tìm lý tưởng, hai ông đã được Gioan Tẩy giả làm trung gian giới thiệu cho Đức Giê-su.

Tiếp đến cuộc gặp gỡ cần phải có sự đồng ý của người được mời. Sự đáp trả này đòi hỏi người ta phải gỡ bỏ các hàng rào an toàn để ra khỏi mình mà đón nhận người khác, chính vì thế tiếng gọi của Chúa sẽ tăng dần theo cường độ để ta có thời gian mà trả lời Ngài mỗi lúc một rõ nét và mãnh liệt hơn. Samuel đã đáp lại sau ba lần Chúa gọi. Còn An-rê và Gioan với lời mời gọi tha thiết của Đức Giê-su, đã đến chỗ Ngài ở như một sự biến đổi để hai ông dứt bỏ những níu kéo của cuộc sống quen thuộc mà bước vào một hành trình mới.

Lời mời và đồng ý cho cuộc gặp gỡ tiếp tục sẽ đưa hai người đến với nhau, nói chuyện với nhau, chia sẻ và hiểu nhau hơn để rồi từ đó tình bạn và tình yêu được thiết lập. Chúa mời gọi riêng biệt mỗi chúng ta để với sự đáp trả, ta sống thân mật với Chúa và làm theo những gì mà Ngài đề nghị để được tham dự sâu sắc hơn vào sự sống của Chúa. Một cuộc gặp gỡ thực sự với Đức Ki-tô sẽ biến đổi ta, tái sinh ta, làm cho ta tìm thấy chính mình và mở ra sống tình huynh đệ và hiệp nhất với anh em. Samuel sau khi tiếp xúc thân mật với Chúa đã hoàn toàn dâng hiến cho Chúa. Còn An-rê và Gioan chỉ sau một buổi chiều gặp gỡ thân mật với Chúa, đã gắn bó và đi theo Chúa cho đến trọn đời.

Như thế kính thưa…cuối cùng thì cuộc gặp gỡ thân mật nào mà không nên duyên như lời của một thi rằng: cái phút ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ đã mau quên. Vâng, người ta quên sao được người mình gặp đã làm cho mình lưu luyến. Tình yêu có sức biến đổi và thôi thúc người yêu nên giống người mình yêu và chứng mình tình yêu đó bằng hành động. Như dòng sông tuôn chảy không ngừng, tâm hồn đầy tràn tình yêu sẽ cất lên lời ca ngợi Thiên Chúa và đem tình yêu của Ngài đến cho tha nhân. Chính An-rê trong bài Tin mừng cho thấy sau khi gặp Chúa Giê-su đã mau mắn đi tìm em mình là Phêrô để giới thiệu với Chúa. Và cả cuộc đời mình, An-rê đã làm chứng cho tình yêu của mình với Chúa cho đến nỗi sẵn sàng đổ mình máu ra để chứng mình tình yêu đối với Ngài.

Kính thưa…Dù không có gặp được Chúa cách nhãn tiền trong xác thể như An-rê, Gioan và Phêrô nhưng chúng ta hôm nay vẫn có thể gặp gỡ Ngài một cách thiêng liêng trong đức tin như gặp một người Bạn, một người Anh, một người Thầy và trên tất cả là một Đấng Cứu độ. Lời mời gọi của Ngài vẫn vang lên lúc nhẹ nhàng lúc mãnh liệt tha thiết qua Lời Chúa mỗi ngày, qua các bí tích mà chúng ta lãnh nhận, qua những giây phút cầu nguyện bên Chúa, và qua biết bao những biến cố vui buồn trong cuộc sống của Chúa ta.

Tóm lại, hành trình đức tin là một hành trình của một cuộc gặp gỡ để sống thân tình với Chúa để biến đổi và làm chứng cho tình yêu.

Nhà văn hào Pháp có tên là Paul Claudel sinh thời vào cuối thế kỷ XIX tới nửa đầu thế kỷ XX đã kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ kỳ diệu trong cuộc đời ông khi vào một buổi chiều kia rảnh rỗi, ông rảo bước dạo chơi và tình cờ đi ngang một nhà thờ. Từ trong nhà thờ vang ra tiếng hát thánh ca thanh thoát, siêu phàm. Tiếng Thánh ca ấy đã thu hút ông buớc vào. Ông cảm xúc và ở lại cho đến hết buổi lễ. Và từ chiều hôm đó trở đi, Paul Claudel đã trở thành một tín hữu sốt sắng kiên trì trong Đức Tin. Ông viết nhiều quyển sách truyền bá Đức tin và ca tụng Thiên Chúa, ca tụng Đức Mẹ.

Mọi sự bắt đầu cuộc đời Paul Claudel vào một buổi chiều đáng nhớ để rồi Claudel bước vào một đời sống mới, một hành trình mới để sống chứng tá của niềm tin.

Kính thưa… Trong tuần này, chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất các ki tô hữu. Cầu nguyện cho sự hiệp nhất không chỉ là là đi tìm sự thỏa hiệp giữa người công giáo, chính thống giáo, hay tin lành nhưng điều quan trọng là tất cả mọi người tin vào Đức Ki-tô gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện để lắng nghe lời mời gọi của Ngài. Chính lúc mà những người tin quây quần bên Chúa là lúc mọi người đang xây dựng sự hiệp nhất các ki-tô hữu. Đó cũng là lý do mà tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất hằng năm trong Giáo Hội nhằm vào dịp lễ thánh Phaolô tông đồ trở lại.

Trong khi cầu nguyện chung với nhau cho sự hiệp nhất cụ thể trong thánh lễ chúa nhật hôm nay, chúng ta học được bài học hữu ích đó là gặp được Chúa, gặp gỡ nhau để nhận ra được những người xung quanh là anh chị em cùng một cha chung trên trời.

Suốt tuần lễ này, chúng ta sẽ cầu nguyện để cộng đoàn giáo xứ cũng như mỗi gia đình sống tình yêu thương và hiệp nhất với nhau mỗi ngày một hơn. Và như thế, cũng như thánh An-rê trong bài Tin mừng, mỗi chúng ta cũng có thể nói với người khác rằng: chúng tôi đã thấy và đã gặp Đức Ki-tô, Đấng mà chúng tôi tìm kiếm, để rồi cùng dâng lên lời nguyện xin của chúng ta: lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã mời gọi chúng con để chúng con gặp gỡ Chúa và tin theo Chúa. Xin cho mỗi chúng con là đôi tay, là tiếng nói, là trái tim của Chúa để chúng con biết nhiệt thành trở nên những người giới thiệu Chúa cho anh chị em xung quanh chúng con. Amen.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *