Đối với con, Ta là ai?

“ Chúa Giê-su chịu hấp hối cho đến tận thế”, câu nói của một triết gia công giáo cho thấy sự thương khó của Chúa vẫn tiếp diễn. Cho đến hôm nay, người ta vẫn chế nhạo Chúa và những ai tin vào Ngài. Người ta kết án tử Ngài và làm cho ngài biến mất để chứng minh rằng ngài là một tên bịp bợm không còn tồn tại.

Từ hơn 2000 năm qua, vụ kết án của Chúa Giê-su vẫn tiếp tục được nhắc lại năm này qua năm khác, thế kỷ này qua thế kỷ khác. Hôm nay cũng thế, Đức Ki-tô đang nhìn chúng ta với lòng nhân từ và đặt cho chúng ta câu hỏi: Đối với con, ta là ai?

Trong bài thương khó theo thánh Luca mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giê-su bị vây quanh bởi nhiều gương mặt khác nhau: các biệt phái và luật sỹ, quan Phi-la-tô, thượng tế Caipha, ông Giu đa, Phê rô và các môn đệ, ông Simon thành Cy-rê-nê, người trộm lành, ông Giu-se thành Arimathia, các phụ nữ theo Chúa, viên bách quan và những người lính…

Qua đám đông những người tin hoặc không tin theo Đức Giê-su đó, Thánh Luca làm nổi bật lên khuôn mặt Thiên Chúa đầy lòng thương xót, nhân từ và bao dung. Đó chính là điểm nhấn của Tin mừng Luca, muốn diễn tả tình yêu của Thiên Chúa Cha biểu lộ qua Đức Giê-su, dành cho những người nghèo, những người đau khổ những người bên lề xã hội.

Điểm lưu ý trong bài thương khó theo Thánh Luca mà các phúc âm khác không nói đến, là ba lần Chúa lên tiếng để mạc khải căn tính của Thiên Chúa. Chúng ta cùng suy gẫm ba lời này của Chúa Giê-su.

Lời thứ nhất: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Lời này là tiếng kêu sâu thẳm của tình yêu chỉ có nơi Thiên Chúa. Tiếng kêu của sự tha thứ đáp lại những lời nguyền rủa, những lời chế nhạo của đám đông vây quanh, của các luật sỹ và biệt phái, của những người lính canh.

Trong suốt cuộc đời, Chúa Giê-su rao giảng sự tha thứ. Ngài đã yêu cầu các môn đệ tha thứ không chỉ cho nhưng người thân cận mà cả những kẻ thù những kẻ làm hại mình. Ngài đã yêu cầu Phê-rô phải tha thứ không chỉ bẩy lần nhưng là bẩy mươi lần bẩy; trong dụ ngôn người con hoang đàng, ngài cho thấy hình ảnh Thiên Chúa như một người Cha đã mở tiệc ăn mừng khi đứa con đi hoang trở về. Bị đối xử như một kẻ gian ác, bị kết án tử nhục nhã và bất công, bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp, nhưng Chúa Giê-su vẫn vượt thắng tất cả để thốt lên lời tha thứ: Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.

Lời thứ hai: “Ngày hôm nay, người ở trên thiên đàng với ta”. Đó chính là lời Chúa dành cho tên trộm đã tin vào Ngài. Vâng, Chúa đã biểu lộ tình yêu và lòng nhân trong suốt những năm tháng trong cuộc đời: Maria Madalena, Gia-kêu, người phụ nữ Samaria, người đàn bà ngoại tình, Phê-rô,  những người què quặt đui mù, đau yếu, quỷ ám v.v. đều nhận được lòng thương xót của Chúa. Và ngay cả lúc hấp hối, Chúa vẫn đón nhận người tử tội cùng chịu đóng đinh với Chúa: Ngay hôm nay, người sẽ ở trên thiên đàng với ta. Ngay ở ngưỡng của sự chết, Chúa Giê-su mở ra cho người bất hạnh này niềm hy vọng và sự sống. Trải qua các thế kỷ, Chúa Ki-tô vẫn luôn luôn là niềm hy vọng cho biết bao nhiêu tâm hồn và Ngài tiếp tục làm điều đó hôm nay.

Lời thứ ba: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”. Thánh sử Luca cho thấy cái chết của Chúa Giê-su không phải là một biến cố vô nghĩa nhưng là một sự biểu lộ tình yêu, là một cuộc vượt qua về với Chúa Cha: Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha. Dù Chúa Giê-su vẫn luôn sống mối tương quan mật thiết với Chúa Cha nhưng trong lúc thử thách này, trong nỗi sợ hãi của thân phận con người trước cái chết, Ngài vẫn cần đặt niềm tin tưởng trong vòng tay yêu thương của Chúa Cha.

Bản văn của Thánh Luca giúp chúng ta khám phá ra một Thiên Chúa đầy tràn tình yêu và nhân từ, một Thiên Chúa đã cho đi tất cả mà không tiếc chúng ta điều gì. Đó chính là nguồn hy vọng lớn lao cho đời sống đức tin của người tín hữu chúng ta. Vậy ước gì trong tuần thánh này, tuần lễ quan trọng nhất đối với mọi tín hữu, đỉnh cao của năm phụng vụ, không qua đi vô ích nhưng là thời khắc tuyệt hảo nuôi sống niềm tin và niềm hy vọng cho mỗi người chúng ta. Amen.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *