Tin mừng chúa nhật II mùa vọng
Mc 1, 1-8
Khởi đầu Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Đây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.
Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan.
Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.
Suy niệm
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta nói nhiều tới việc làm đường và sửa đường. Mọi người quan tâm vấn đề này bởi vì cuộc sống phát triển nên các con đường là một phương tiện giao thông liên lạc cần thiết để người ta có thể đến được với nhau trong mọi mối tương quan của cuộc sống hằng ngày. Có những con đường tốt, đường thẳng nhưng cũng có những đường xấu và đường cong gây tai nạn và khó khăn trong việc đi lại. Đường thẳng hay cong có thể do hoàn cảnh địa lý, do điều kiện vật chất, nhưng cũng có nhiều con đường đang thẳng lại biến thành cong vì bởi lòng người lúc cong lúc thẳng, nên con đường có đoạn thẳng đoạn cong. Vậy nguyên nhân của sâu xa của đường thẳng, đường cong là do con đường tâm linh, con đường của lòng người có chính trực công minh hay là cong queo và dối trá.
Vậy chủ đề của các bài đọc kinh thánh của Chúa nhật II Mùa Vọng gửi đến cho chúng ta là việc sửa chữa con đường, đây không phải con đường vật chất nhưng là con đường tâm hồn để Chúa có thể qua đó mà đến với ta và ta qua đó mà đến với Chúa và từ đó ta có thể đến được với tha nhân.
Để giúp cho việc sửa chữa và trùng tu con đường Chúa cho ngay thẳng, chúng ta phải làm gì? Hôm nay bài Tin mừng giới thiệu cho chúng ta một chuyên gia sửa đường, đó là thánh Gioan Tiền Hô. Thánh Gioan đã thực hiện lời kêu gọi của ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất, đó là: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong sa mạc”. Và chính Ngài đã làm gương cho chúng ta noi theo khi ngài đã vào sa mạc, mặc áo da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng, sống đời nhiệm nhặt để kêu gọi mọi người đón Chúa đến.
Như thế, chỉ dẫn quan trọng để sửa đường tâm linh trong Mùa Vọng này là đi vào sa mạc để sửa đường Chúa. Trong lịch sử cứu độ, sa mạc luôn là khung cảnh thuận tiện cho ân sủng của Chúa hoạt động. Dân Israel đã có kinh nghiệm này khi lưu lạc ở sa mạc 40 năm để Chúa uốn nắn và thanh luyện. Chính vì lẽ đó chúng ta đi vào trong sa mạc cuộc đời trong Mùa Vọng này, tức là tách mình ra khỏi những bận tâm, lo toan của cuộc sống thường ngày để hồn mình được bình tâm, nhờ đó mà có thể thấy được tình trạng con đường cuộc đời của chính ta, của nhân loại để mà tiến hành: lấp mọi hố sâu, bạt mọi núi đồi, làm cho ngay thẳng những cong queo và san bằng những gồ ghề.
Theo ngôn ngữ kinh thánh thì việc đi vào sa mạc để sửa đường Chúa có nhiều lợi ích. Trước hết, sa mạc là nơi thuận tiện để gặp gỡ Chúa. Vâng, chính trong nơi hoang sơ này mà Thiên Chúa nói trong sâu thẳm của lòng người để họ thực hiện lời mời gọi hoán cải: hãy sửa đường Chúa đi. Để có thể nghe được tiếng Chúa thì cần đi vào sa mạc qua việc cố gắng loại trừ bớt những tiện nghi đầy đủ thường ngày, ăn uống đạm bạc, cầu nguyện nhiều hơn và hoán cải đời sống bằng việc trút khỏi mình tội lỗi, loại trừ những tính mê nết xấu, những lối sống cằn cỗi. Thánh Gioan dùng hình ảnh cụ thể là ‘hãy san bằng những gồ ghề” trên con đường, có nghĩa là bỏ đi những chướng ngại để Thiên Chúa đến với ta và để ta có thể đến với ngài.
Tiếp đến, sa mạc cũng là biểu tượng của sự cằn cỗi trong tâm hồn. Đi vào sa mạc để thấy được tâm hồn con người trong tình trạng như mảnh đất khô cằn và không có nước. Hình ảnh này làm ta nối kết với những hoang mạc trong thế giới hôm nay khi vẫn còn tình trạng người đối xử với người tàn ác như sói rừng, khi phẩm giá làm người không được tôn trọng và bảo vệ: nhiều người nam và nữ bị biến thành những phương tiện để mua bán và bóc lột; khi vẫn còn đó những hoang mạc của những mảnh hồn sống đơn độc thiếu vắng tình yêu và không biết yêu thương. Tất cả những sa mạc này đã làm cho người ta không thể hiểu, thông cảm và đón nhận được nhau. Tuy nhiên cũng chính từ nơi đó, Chúa Ki-tô đã đến và tìm kiếm con người đã cho thấy Tin mừng khởi đi từ sa mạc của đời người. Giống như trong sa mạc mênh mông khô cằn không có sự sống, nhưng khi mưa đổ xuống, đất lại trổ sinh hoa trái tốt tươi; thì nhờ sự hiện diện của Chúa, cuộc sống con người không còn khô cằn nữa vì ngài không bỏ rơi con người, sự hiện diện này như hạt giống sự sống được gieo vào lòng người không bao giờ chết, nhưng nếu có cơ hội nó sẽ nảy mầm tăng trưởng và sẽ đổi mới đời sống chúng ta.
Cuối cùng, sa mạc không phải là nơi lý tưởng để tìm kiếm sự yên thân nhưng ngược lại, đó lại là nơi để chiến đấu, vì sa mạc là nơi mà người ta sẽ chết khát và chết cháy vì nắng nóng. Khi chọn lựa sa mạc, thánh Gioan Tiền Hô muốn loan báo một cuộc chiến, một cuộc đấu tranh. Chúa Giê-su khởi đầu sứ mạng của mình khi đối diện với Satan ở trong sa mạc. Trải dài trong suốt hành trình rao giảng, ngài đã bị tấn công bởi thù địch. Các địch thù đã bắt ngài, kết án ngài và đóng đanh ngài trên thập giá. Hành trình đức tin cũng là một chuỗi dài của những cuộc chiến chống lại sự dữ. Hôm nay cũng như hôm qua, biết bao nhiêu tín hữu đã bị bách hại và bị kết án tử. Nhưng với Chúa Ki-tô phục sinh, thì niềm hy vọng lớn lao của chúng ta là tình yêu mạnh hơn sự chết.
Chính tình yêu của Đức Ki-tô là niềm hy vọng thúc đẩy chúng ta làm chứng tá cho Chúa hôm nay khi đi vào sa mạc của đời mình để thấy những tham sân si của phận người mà hoán cải và canh tân; đi vào sa mạc của thế giới để chia sẻ và an ủi những mảnh đời đau khổ và bất hạnh; đi vào sa mạc của cuộc đời để chiến đấu mỗi ngày với các địch thù là ma quỷ và thế gian vô thần.
Trở nên chứng tá cho Đức Ki-tô là mang lấy chính ngài trong cuộc sống mình. Chúng ta không thể loan báo Chúa cho người khác nếu chúng ta không đón nhận chính Ngài. Chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh là dọn đường để Chúa đến với chúng ta, sống tâm tình giáng sinh trước tiên là đón Chúa đến cho chính cuộc sống của ta. Ngài là nguồn suối tưới mát sa mạc cuộc đời và làm sống lại những gì cằn cối của tâm hồn mỗi người chúng ta hôm nay. Amen.