Ephata

Tiếp tục suy niệm Tin mừng Chúa nhật theo Thánh Mác-cô, hôm nay thánh sử thuật lại việc người ta đưa đến cho Chúa Giê-su một người bị câm điếc. Dường như họ muốn đặt ra cho Chúa một câu hỏi: Tại sao lại như thế? Và họ nghĩ bệnh câm và điếc là một sự trừng phạt của Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã tỏ cho mọi người thấy đâu là nguyên do của sự đau khổ. Cái khổ đối với Chúa không phải là một sự trừng phạt nhưng là một sự thử thách. Và loài người được trao ban sứ mạng là phải làm giảm thiểu cái khổ trên toàn cõi đất này.

Với Chúa Giê-su, sự đau khổ lại là con đường dẫn tới vinh quang Thiên Chúa, dẫn tới vinh quang của tình yêu. Và chính Ngài đã đi con đường đó, con đường của thập giá để đến vinh quang phục sinh.

Chính Chúa đã ra tay chữa lành người câm điếc để chứng mình cho sứ vụ tình yêu của Chúa. Ngài đến mang lấy khổ đau của con người để biến thời đại của đau khổ thành thời đại của lòng thương xót.

Những gì đang xảy ra trong thời đại hôm nay dường như nhắc nhở mỗi chúng ta rằng: sai lầm duy nhất của Chúa chính là Ngài không hiện hữu. Câu nói chơi chữ này là để khẳng định Thiên Chúa đang hiện hữu và ngài cần phải hiện hữu. Vậy khi người ta chủ chương chủ nghĩa vô thần, không tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, tức là người ta đã dựng lên cho họ cái thực tại tồi tệ nhất, vì đâu còn ý nghĩa của cuộc sống khi con người đối diện với cái khổ.

Thiên Chúa đang hiện hữu và Kinh thánh đang nói với chúng ta về một Thiên Chúa mà bận tâm của Ngài chính là chỉnh sửa, chữa lành và giải thoát. Đó chính là điều mà cộng đoàn vừa nghe trong bài đọc I: Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi. Vâng, Chúa Giê-su đến để thực hiện lời ngôn sứ. Chính thánh Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước đã làm chứng Chúa Giê-su chính là Đấng Messia toàn dân đang mong đợi qua những dấu lạ tỏ tường mà Chúa Giê-su thực hiện, đó là “người mù được thấy, kẻ què đi được, kẻ câm nói được, kẻ điếc được nghe…”

Nhìn vào lịch làm việc của Chúa Giê-su, ta sẽ thấy được sứ mạng của Ngài. Một nửa thời gian là dành cho những lời giảng dạy để giải thoát con người khỏi sự lầm lạc, để thấy được những đòi hỏi cấp bách của tình yêu. Một nửa thời gian còn lại, Chúa đã dùng để giải nghĩa tình yêu bằng chính sự đồng cảm của Ngài với những mảnh đời đau khổ đang bao quanh Ngài mỗi ngày sống. Họ là những người cùi hủi, quỷ ám, bất toại, mù lòa, câm điếc, què quặt, động kinh v.v…Chính Chúa đã nói với họ lời ngôn sứ Ezekiel rằng: “Cứ việc sống! ” Ta làm cho ngươi nẩy nở như hoa ngoài đồng. Và Người chữa lành họ. Vâng, nếu Thiên Chúa yêu thích cái khổ, thì chỉ vì từ cái khổ Ngài sẽ mang đến niềm vui và bình an.

Thiên Chúa không cộng tác và tiếp tay với cái khổ nhưng là nâng đỡ và khích lệ mỗi người đi con đường giúp bản thân và tha nhân vượt thắng cái khổ, đó là: “ Điều mà anh em muốn làm cho những kẻ bé nhỏ của ta đây là anh em làm cho chính ta vậy.”

Chúa Giê-su mỗi lần chữa bệnh hay trừ quỷ để giải thoát nhiều người khỏi cái khổ thân xác đã giúp cho họ nhận ra một điều lớn hơn, đó chính là cái khổ tâm hồn. Cái khổ tâm hồn còn nguy hiểm hơn nhiều cái khổ thể xác. Vâng thiếu vắng tình yêu là cái khổ trầm trọng nhất.

“ Ephata – Hãy mở ra”, Lời của Chúa Giê-su liên hệ tới tất cả chúng ta và tất cả mọi người, ở đây cũng như ở trên toàn thế giới, không phải hôm qua mà cả hôm nay. Như người thầy thuốc chỉ biết đi thăm những người ốm, Chúa Giê-su ưu tiên đến với những người cần đến Ngài, đặc biệt là những ai đang mang trong mình căn bệnh tâm hồn cần được chữa trị. Vì bị điếc, vì bị câm mà họ đã không biết nghe và không biết nói sứ điệp của tình yêu.

Bệnh điếc này thuộc về những ai không biết mở lòng mình ra để lắng nghe và thực hành lời con tim. Họ là những người không biết nghe tiếng kêu than của những anh chị em đang sống trong cảnh lầm than, bị loại trừ và cùng khổ. Cuộc sống bon chen hôm nay dễ làm cho người ta thờ ơ với tha nhân. Khi họ nói “ không liên quan, đó không phải việc của tôi” là họ đang nói: tôi bị điếc một tai, tôi không nghe những gì từ người khác, tôi đang dửng dưng với đồng loại để đi theo chủ nghĩa “Mackeno”, sống khép kín ích kỷ với mọi người.

Cùng với bệnh điếc, là bệnh câm thuộc về những ai không dám lên tiếng bảo vệ danh thơm tiếng tốt cho anh chị em xung quanh khi họ bị chế nhạo và bị vu khống. Người câm cũng là người keo kiệt trong lời nói mà đáng lẽ ra họ cần phải nói để sưởi ấm các tâm hồn, khuyến khích  và nâng đỡ những con người yếu đuối, hay bảo vệ những người bị kết án bất công trong xã hội.

Lời Chúa hôm nay cần được vang vọng và thực hiện. “Ephata – Hãy mở ra”. Vâng hãy mở cửa lòng mình ra với Chúa Giê-su, mở lòng ra với anh chị em xung quanh. Chúa có thực hiện phép lạ của Ngài hay không cũng tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Hãy biến đổi con tim mình, cho dù con tim có chai cứng như đá thì nó cũng có thể trở nên một con tim bằng thịt, một con tim biết yêu thương.

Để kết luận, mỗi chúng ta hãy biết đón nhận lời mời gọi của Chúa trong sách Khải huyền: Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.

Mục đích tối hậu của cuộc đời mỗi chúng ta chính là như thế: Vâng, ai nghe tiếng ta và mở cửa, ta sẽ vào nhà người ấy. Xin cho chúng ta luôn sẵn sàng nghe tiếng Chúa và mau mắn mở cửa để đón Chúa và tha nhân. Amen.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *