phunucanaan

Giữa chúng ta không có sự phân biệt

phunucanaan

Tin mừng Chúa Nhật XX thường niên – Năm A

Mt 15, 21-28

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”.

Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”.

Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.

Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Suy niệm

Tin mừng hôm nay nói về một người ngoại và về sự cởi mở phải có đối với những người khác biệt với chúng ta.

Chúa Giê-su dường như từ chối giúp đỡ người phụ nữ canaan bởi vì bà không phải là người Israen, nhưng thực tế thì cuộc gặp gỡ này lại đưa đến chỗ Chúa Giê-su thán phục niềm tin mạnh mẽ của bà khi bà nài xin cho con bà được khỏi bệnh.

Thánh Mát-thêu đã viết Tin mừng của Ngài cho một cộng đoàn bao gồm các tín hữu gốc Do thái. Những người này có xu hướng bài ngoại và đặt vấn đề về những cách quan hệ với những người không thuộc chủng tộc Do thái.

Như Chúa Giê-su nói, thì điều quan trọng với Thiên Chúa, đó không phải là để ý đến cái bên ngoài của một dân tộc, một chủng tộc nhưng là niềm tin và sự phó thác nơi Chúa. Chúng ta thấy ở Nagiarét, Chúa Giê-su đã không làm một phép lạ nào “vì lý do họ thiếu lòng tin”. Ngài đã nói với Phê-rô khi mà ông bắt đầu chìm xuống biển hồ Galilé rằng: “ người đâu mà kém tin, tại sao anh lại nghi ngờ”. Trái lại, Chúa đã lớn tiếng thán phục chị phụ nữ Canaan như sau: “ Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Chúa cũng cảm phục như thế đối với niềm tin của ông bách quan Roma: “Ta bảo thật với anh em, trong dân Israen ta không thấy một niềm tin nào mạnh như thế”.

Trước hết Đức Ki-tô đã đến với những chiên lạc nhà Israen và khi Ngài gửi các môn đệ đầu tiên đi rao giảng Tin mừng, Ngài đã nói với họ: “ Anh em hãy đến với đoàn chiên lạc nhà Israen chứ đứng đến với dân ngoại và những người Samaria”. Nhưng sau đó vào cuối sách Tin mừng của Thánh Mát-thêu, Ngài lại mở rộng và quốc tế hóa sứ vụ: “ Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ và loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Như vậy trước hết Chúa bắt đầu rao giảng cho nhà Israen để rồi sau đó là đến với người khác. Đây quả là một sự tiếp cận tuyệt vời trong sứ vụ truyền giáo.

Chị phụ nữ Canaan là một trong những hình ảnh biểu tượng nhất của Kinh Thánh. Chị là người duy nhất trong bốn sách Tin mừng đã thắng cuộc tranh luận với Chúa Giê-su. Đối mặt với những người Pharisêu, Sátđucê hay những người La mã, Chúa Giê-su luôn luôn thắng cuộc tranh luận với họ và Ngài còn tránh được những cạm bẫy mà kẻ thù giăng ra đối với Chúa. Nhưng trước chị phụ nữ Canaan này, Ngài đã phải thú nhận là bị chị thuyết phục. Chị phụ nữ đáng thương này đã lấy hết can đảm sụp lại dưới chân Chúa Giê-su bất chập bị mắng mỏ và hắt hủi. Nhưng đó lại nói lên sự quyết tâm, sự khiêm nhường và niềm tin lớn lao làm cho Chúa Giê-su thán phục và thuyết phục Chúa thi ân giáng phúc, giống như niềm tin của viên bách quan người La mã.

Chúng ta hãy đọc lại dụ ngôn người samarita nhân hậu, câu chuyện về bữa ăn với các người thu thuế, cuộc viếng thăm nhà ông Gia-kêu, giai thoại về người phụ nữ ngoại tình, bữa ăn chia sẻ với một người phong cùi, cuộc gặp gỡ với người phụ nữ samaria ở giếng Gia-cóp, hay những lời nói thiện ý của tên trộm lành cùng chịu đóng đinh với Chúa Giê-su…Những cầu chuyện đó cho thấy Chúa chống lại những phân biệt đối xử.

Thời của Chúa Giê-su cũng không hơn thời chúng ta hôm nay. Thế giới chúng ta cũng vừa trải qua thế kỷ với những phân biệt đối xử có thể nói là tàn bạo nhất của lịch sử nhân loại.

Như trong thế chiến thứ hai, vì phân biệt chủng tộc với người do thái mà phát xít Đức đã tàn sát hàng triệu người do thái. Họ dùng đủ mọi cực hình như tra tấn, bắn giết và cả những phòng hơi ngạt, và trại tập trung để tàn sát.

Ở Nam Phi cũng như ở nước Mỹ đã có không thiếu những phân biệt giữa người da trắng và người da màu. Những người da đen đã từng bị đối xử như những kẻ nô lệ, không có quyền sống bình đẳng với người da trắng…

Vậy có sự phận biệt đối xử nào còn tồn tại trong gia đình chúng ta, trong cộng đoàn mà chúng ta sinh hoạt, trong giáo xứ mà chúng ta là thành viên hay không?

Để chống lại sự phân biệt đối xử, thánh Phao lô cũng đã nêu rõ: “Giữa chúng ta không còn phân biệt nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà”. Trong sách tông đồ công vụ, thánh Phêrô cũng nói: “ “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận”.

Có câu chuyện kể rằng trong cuộc nội chiến ở Mỹ, trước sự thắng thế của phe tổng thống Abraham Lincoln, các thân cận của ông đã nói với ông rằng: “Chúa đang đứng về phía chúng ta”. Như đáp lại ông nói với họ trong một đức tin vững mạnh rằng: anh em đừng nói rằng Thiên Chúa thuộc về phía chúng ta. Anh em hãy cầu nguyện sao cho chúng ta thuộc về Thiên Chúa thì tốt hơn”. Đặt mình thuộc về Chúa, tức là nhận tất cả mọi người như là anh chị em với nhau. Thánh Thomas cũng đã viết: Ai có đức tin thì sẽ thấy tất cả với cái nhìn của Chúa”.

Sự cảm phục của Chúa Giê-su dành cho chị phụ nữ Canaan mời gọi mỗi chúng ta hôm nay suy tư về những sự phân biệt đối xử còn tồn tại trong lòng chúng ta và giữa chúng ta với nhau, để từ đó cũng xin Chúa chỉ dẫn cho chúng ta biết đón nhận và cộng tác với những anh chị em khác biệt với chúng ta. Amen.

Giáo xứ Chính Tòa

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *