“Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”…Lời thánh Phaolô cho thấy sứ mạng và bản tính của Giáo hội là truyền giáo. Truyền giáo là ơn gọi của Giáo Hội, thì cũng là trách nhiệm gắn liền với mọi người Kitô hữu chúng ta. Bao lâu còn là Kitô hữu, bấy lâu còn phải loan báo Tin Mừng.
Loan báo Tin mừng bằng cách nào ? Thưa loan báo Tin mừng bằng cách « lên đường và ‘đi ra’ đến với người khác » như lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhưng đâu là điểm tựa để người tín hữu có thể lên đường truyền giáo đúng nghĩa ? Thưa, điểm tựa vững vàng nhất cho nhà truyền giáo hôm này là noi gương Chúa Giêsu.
Chúa Giê-su trong ba năm tại thế đã lên đường rời bỏ quê hương Nagiarét mà ngài đã gắn bó suốt 30 năm để đến với dân ngoại, đến với những người bệnh tật, đui mù, nghèo khó và quỷ ám…Hành trang ngài mang theo là thể hiện tình yêu thương với mọi người, bằng cách : quên mình, xả thân vì người khác. Làm gương cho người khác qua hình mẫu: nói đi đôi với làm.
Đời sống của Chúa là : đến với người khác trước khi họ đến với mình, điều này thể hiện qua chính lời nói của Ngài: “chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì thầy ra đi cốt để làm việc đó.”
Lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp niềm vui của Tin mừng đã ghi rõ: Trung thành noi gương Thầy mình, Hội thánh hôm nay thấy tuyệt đối phải ra đi rao giảng Tin mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi dịp, không do dự, không miễn cưỡng hay sợ hãi… dấn mình vào đời sống hằng ngày bằng lời nói và hành động (EG 23)
Vậy được mời gọi « dấn mình vào đời sống hằng ngày bằng lời nói và hành động », chúng ta hãy học truyền giáo bằng đời sống cụ thể ngay tại gia đình mình. Xin được đề nghị ba điểm cụ thể :
a- Thứ nhất là cầu nguyện và hy sinh: Đây là hoạt động đầu tiên của việc truyền giáo. Thánh Têrêsa Hài đồng Giê-su không đi truyền giáo nhưng lại trở thành quan thầy của các xứ truyền giáo nhờ vào đời sống cầu nguyện trong nhà dòng kín và bằng đời sống hy sinh liên lỷ. Thánh nhân đã tâm niệm: nhặt một cái kim vì lòng yêu mến Chúa cũng đủ cứu rỗi một linh hồn. Chuyện thuật lại rằng nhờ việc cầu nguyện liên lỉ cho một tử tội mà tử tội này lúc chịu hành quyết đã xin được xưng tội để ăn năn sám hối. Không ai có thể nói là tôi không có thì giờ để cầu nguyện và cơ hội để hy sinh.
b- Thứ hai là hiệp nhất yêu thương: Đức Kitô đã muốn được sinh ra và lớn lên trong gia đình thánh của thánh Giuse và Mẹ Maria. Vậy mỗi gia đình công giáo là “gia đình của Thiên Chúa” và không thể không tràn ngập bầu khí hiệp nhất và yêu thương. Việc học giáo lý, năng đi tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện, tham gia các hoạt động tôn giáo là rất cần, nhưng cần phải đi đôi với nếp sống đạo đức nổi trội trong gia đình về sự hiệp nhất yêu thương, bầu khí này sẽ giúp cho việc truyền giáo hữu hiệu, như lời Chúa Giê-su dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em hãy thương yêu nhau”. Một khi tất cả nếp sống của các gia đình công giáo phảng phất hương thơm của tình hiệp nhất yêu thương thì dù ở đâu, nếp sống ấy cũng là truyền giáo. Ví dụ: Một cô gái ngoại giáo yêu một chàng trai công giáo, bà con láng giềng trong giáo xứ thấy cô ta đẹp người đẹp nết, nên giục cô ta vào đạo ngay, nhưng cô trả lời: “Cháu cần tìm hiểu xem đời sống những người có đạo thế nào đã”. Sau một thời gian tìm hiểu gia đình bạn trai, cô thấy mẹ của bạn mình không chỉ siêng năng đọc kinh, dự lễ, mà còn là mối giây sống tình yêu thương hiệp nhất trong gia đình, bà cùng với chồng bảo ban nâng đỡ đời sống con cháu và nhất là yêu quý và coi cô như con cái trong nhà. Không những thế bà còn tham gia công tác bác ái của các hội đoàn giáo xứ và khu phố bằng cả sự chân thành. Cô gái in trong lòng hình ảnh tốt đẹp về gia đình của bạn trai và về đạo công giáo. Bởi đó cô nhất quyết xin theo học đạo để trở nên người con Chúa trước khi tổ chức đám cưới. Việc cô theo đạo không phải để lấy chồng nhưng vì cô thấy đạo công giáo là đạo tốt.
c- Điểm cuối cùng cần phải thực hiện để truyền giáo là làm chứng tá bằng sự hội nhập và xây dựng xã hội : Ngày hôm nay, xã hội đang phải đối diện với biết bao vấn đề : các tệ nạn tiếp tục nảy sinh, môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, các giá trị đạo đức luân lý bị băng hoại. Chính vì thế nỗ lực của xã hội hôm nay là xây dựng nếp sống lành mạnh, có văn hoá, văn minh. Vậy ngay tại các gia đình công giáo, mọi thành viên sống chứng tá cho xã hội bằng chính việc tham gia và công tác tích cực vào việc loại bỏ các nếp sống không văn hóa và kém văn minh bằng việc bảo vệ môi trường sống được xanh sạch đẹp, loại trừ các tệ nạn như lô đề, cờ bạc, rượu chè và nghiện hút, cũng như bảo vệ sự sống con người ngay từ khi còn trong bụng mẹ để xây dựng một nền văn minh sự sống và tình thương.
Để kết luận, xin được trở lại nội dung Tông huấn « niềm vui của Tin mừng » của Đức Thánh Cha Phanxicô, hướng dẫn Hội thánh thực hiện việc Tân phúc âm hóa, nhằm loan báo Tin mừng cho thế giới hôm nay, trong đó Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng : « nhiệm vụ truyền giáo phải là nhiệm vụ hàng đầu » và chúng ta ‘không thể thụ động và thản nhiên ngồi đợi trong các nhà thờ của chúng ta » chúng ta cần phải chuyển đổi từ một mục vụ thuần túy bảo tồn sang một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo (EG 15). Vậy, những gì mà tôi và quý ông bà anh chị em chia sẻ với nhau trong ngày khánh nhật truyền giáo hôm nay là để khai triển một vài điểm nhấn cụ thể mà Đức Thánh Cha đã gợi lên trong lời dạy của ngài, mưu cầu thực hiện « một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo » mà Ngài trăn trở để cho Tin mừng đến với muôn dân, cách riêng trên quê hương Việt Nam chúng ta.
Lạy Chúa, xin tuôn tràn ơn sủng của Ngài trên mỗi người chúng con để với nhiệt huyết tông đồ mà Chúa ban tặng, chúng ta trở nên những chứng tá nhiệt thành đem Tin mừng của Chúa đến với tha nhân và ước gì có nhiều người nhận ra tình thương của Chúa qua chính đời sống chứng ta đức tin hằng ngày của chúng con. Amen.