Có nhiều bức tượng và tranh vẽ về hai thánh tông đồ cả của Giáo Hội, tuy nhiên có một bức icone rất độc đáo mô tả hai thánh Phê rô và Phao lô áp má vào nhau với ý nghĩa diễn tả hai vị tuy khác biệt về nhiều mặt nhưng lại gặp nhau ở một điểm chung là tình yêu mà ngài dành cho Đức Ki-tô. Tuy nhiên nếu chúng ta nhìn kỹ bức họa thì sẽ thấy khuôn mặt của hai ngài được họa sỹ vẽ những nếp nhăn để diễn tả sự khác biệt và thẳng thắn trong sứ mạng rao giảng Tin mừng (Gal 2,11).
Điểm thứ nhất giúp chúng ta nhìn vào đời sống của hai vị thánh, để thấy được những khác biệt về thân phận của hai ngài. Thánh Phêrô xuất thân chỉ là một ngư phủ, không được học hành tới nơi tới chốn, một con người cởi mở, đơn sơ và chất phác của một người sống ở miền quê. Trong khi đó thánh Phao-lô lại là một nhà trí thức, năng động và uyên bác với kiến thức văn chương và kinh thánh vì ngài là học trò của vị thầy trứ danh Gamariel thời đó. Một người xuất thân từ nông thôn, còn một người sinh ra và lớn lên ỏ thành thị và là công dân Roma thế giá, một người nhút nhát, còn một người kiêu hãnh nên trong sứ vụ, hai vị vẫn có nơi mình những tính cách cho thấy các ngài cần phải vượt qua: ví dụ thánh Phêrô khi đến thăm giáo đoàn ở An-ti-o-ki-a vì tính nhút nhát vốn có đã sợ những người ki-tô hữu cắt bì gốc Do thái mà tách ra không dám ngồi ăn chung với những anh chị em gốc dân ngoại không cắt bì nên thánh Phao lô, một người thẳng thắn đã mạnh dạn phê bình Phê rô về thái độ phân biệt đối xử này. Sự khác biệt còn ở hoàn cảnh sống khi Phêrô là người đã có gia đình, còn Phao-lô là người độc thân. Ngoài sự khác biệt về thân thế, ta còn thấy sự khác biệt về sứ mạng rao giảng giữa hai vị thánh: Thánh Phêrô truyền giáo cho các cộng đoàn do thái tại Giê-ru-sa-lem và Roma còn thánh Phao lô lại đi truyền giáo cho các cộng đoàn dân ngoại.
Từ những khác biệt về thân thế sự nghiệp cũng như là sứ mạng của hai vị tông đồ cả, điểm thứ hai cho chúng ta thấy, nơi hai vị thánh cột trụ của Giáo Hội những điểm chung, mà ở đây điểm chung quan trọng nhất đó là một tình yêu lớn lao mà hai vị dành cho Đức Giê-su Ki-tô. Quả vậy, nếu hiểu theo câu nói “ ân sủng không phá hủy tự nhiên” thì tình khí của hai vị sẽ làm cho Đức Giê-su nhiều phen phải phiền lòng. Cụ thể đối với Phêrô, trong thời gian theo Chúa, đã không ít lần ngài đã bị Chúa khiển trách và cao điểm là đã chối Chúa ba lần vì tình nông nổi và nhút nhát của ngài; và điểm chín muồi của tình yêu chỉ đạt được lúc ngài thân thưa với Chúa bên bờ biển hồ Ti-bê-ri-a sau khi Chúa Phục Sinh rằng: Lạy thầy, thầy biết tất cả, thầy biết con yêu mến thầy”. Còn đối với Phao-lô, với tính kiêu ngạo của một người thông luật đã hăng hái nhận lệnh lên đường đi thành Đa-mát để bắt các ki-tô hữu và ngài chỉ nhận ra Đức Ki-tô sau biến cố ngã ngựa để dành trọn tình yêu cho Đức Ki-tô khi xác tín trong thư gửi tín hữu Ga-lát: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”. Như vậy, chúng ta thấy chính tình yêu của Đức Ki-tô đã dẫn đưa hai ông một cách cụ thể trong đời sống để bước theo người Thầy Chí Thánh của họ trên đường thương khó và trong chính cái chết.
Điểm thứ ba mà chúng ta chia sẻ cùng nhau đó là dù hai vị có khác biệt về tính cách bên ngoài thì cuộc sống của hai vị lại không ngừng biểu lộ sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Đọc sách tông đồ công vụ, chúng ta thấy rõ chính Đức Ki-tô, đấng đã hành động để thánh Phêrô được giải thoát khỏi ngục tù, hay chính Đức Ki-tô đã hành động lúc mà Phêrô nhân danh Ngài chữa lãnh người bị bại liệt ở cửa đền thờ Giê-ru-sa-lem. Cũng thế, chính Đức Ki-tô đã hoạt động trong hành trình truyền giáo tại vùng Tiểu Á và Hy Lạp mà thánh Phao-lô thực hiện, để rồi từ đó nảy sinh ra các cộng đoàn tín hữu dân ngoại.
Thánh Phêrô với nguồn gốc và văn hóa của mình đã mang đến cho anh chị em gốc Do thái niềm tin ki-tô giáo và đã gắn bó đời mình trong việc tổ chức và liên kết những cộng đoàn này. Ngài chính là đá tảng để Giáo Hội được dựng lên. Còn thánh Phao-lô thì ngược lại, ngài đã trở nên nhà truyền giáo quả cảm cho dân ngoại nhờ vào sự quan phòng của Thiên Chúa, giúp cho Giáo Hội đến với muôn dân trên toàn thế giới. Cả hai vị trong sứ mạng của mình có những đặc thù riêng nhưng lại hoàn toàn bổ túc cho nhau, điều này cho thấy việc tổ chức các cộng đoàn và đặc sủng truyền giáo là hai yếu tố thật cần thiết cho việc xây dựng Giáo Hội của Đức Ki-tô.
Qua suy niệm về hai thánh Tông đồ Phêrô và Phao lô nhân ngày lễ hôm nay, chúng ta rút ra được bài học gì cho đời sống đức tin hôm nay? Bài học cho chúng ta thật phong phú vì mẫu gương của hai vị thánh cho thấy trong đời sống giáo xứ, trong các hội đoàn, các gia đình, sự đối lập có thể được giải quyết trong sự hiệp thông huynh đệ. Mặc dù trong cộng đoàn giáo xứ, có nhiều anh chị em đến từ các giáo phận, giáo xứ khác nhau, với đời sống và nền văn hóa khác nhau, với tình cách khác nhau, quan điểm khác nhau, nhưng những khác biệt này thay vì gây ảnh hưởng tiêu cực lại hun đúc sự hiệp nhất thực sự, tạo nên bức tranh sinh động của Giáo Hội của Chúa: điều quan trọng là sự hiệp nhất này chỉ có được khi chúng ta biết đón nhận nhau trong tình yêu của Đức Ki-tô. Chính từ sự đa dạng và ngay cả từ sự mỏng dòn của thân phận con người nhưng trong sự khiêm tốn và tin tưởng của chúng ta, mà Thiên Chúa tạo nên những vị thánh nam và nữ theo như ý Ngài muốn.
Vậy cuối cùng trong niềm tin tưởng và cậy trông, chúng ta hãy đón nhận không ngừng sức mạnh làm cho chúng ta yêu mến Đức Giê-su Ki-tô cho đến cùng nhờ vào sự kiên trì cầu nguyện và việc lãnh nhận bí tích Thánh Thể mỗi ngày của mỗi chúng ta. Amen.