Kiên nhẫn

Thực tế đời sống cho thấy khi một bất hạnh xẩy đến cho mình  hay cho một ai đó, thường người ta muốn tìm ra thủ phạm để quy án. Bản tính tự nhiên thúc đẩy con người thích kết án kẻ khác hơn là chính mình và an tâm về điều đó. Khi đổ lỗi và kết án người khác người ta tự cho mình ở trong thế giới của  những người tốt hơn họ.

Khi gợi nêu lên hai biến cố nóng hổi có tính thời sự, một do sự tàn ác của Philatô, một do tai nạn lao động, dẫn đến cái chết của mấy chục người Galilêa, người ta cũng muốn Chúa Giê-su kết luận rằng những người bị nạn này là những người tội lỗi nên bị Chúa phạt nhãn tiền. Nghĩ như thế người ta dễ nghĩ mình vô tội, vì còn được bình yên.

Vậy mạc khải của Lời Chúa hôm nay làm sáng tỏ những quan niệm lệch lạc của con người.

Trước hết là quan niệm về một Thiên Chúa thích trừng phạt và là tác giả của những thảm họa xẩy ra trong thế giới loài người. Thực tế thì niềm tin sai lạc này vẫn còn tồn tại trong lòng chúng ta. Cụ thể là mỗi khi có điều bất hạnh xẩy đến, nhiều người vẫn quy cho Thiên Chúa là tác giả, dường như là ngài can thiệp vào mọi chuyện đến nỗi người ta luôn thắc mắc: tôi đã làm gì sai mà Thiên Chúa để điều đó xẩy đến với tôi? Hay Thiên Chúa ở đâu mà lại để cho thảm họa động đất xẩy đến kinh khủng như thế?…

Khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã trao ban cho con người thế giới này, để quản trị,  làm chủ thiên nhiên và để thiết lập mối tương quan hài hòa với tạo vật. Tuy nhiên tội lỗi đi vào thế giới loài người đã làm mất đi trật tự ban đầu, gây nên những đổ vỡ và phá hủy. Nếu như vẫn còn những thiên tai, vẫn còn những bất hạnh trong đời sống con người và xã hội thì đó không phải là lỗi của Thiên Chúa bởi vì từ thủa ban đầu Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự đều tốt đẹp nên Ngài không phải là nguyên nhân của sự ác được.  Khi quân lính Philato tàn sát những người chống đối, khi 18 người lao động bị tháp Siloe đổ đè chết, thật là bất công khi người ta cho rằng đó là án phạt của Thiên Chúa.  Thực ra đó là kết quả tàn ác do con người gây ra, hay việc thi công ngọn tháp vì không đảm bảo an toàn tối thiểu đã gây ra tai nạn đau thương như thế. Tất nhiên đau khổ và sự ác vẫn là một màu nhiệm mà chúng ta chỉ có thể hiểu được qua Đức Giê-su, ngài đã biến đau khổ và sự ác thành niềm vui phục sinh.

Tiếp theo là quan niệm về án phạt khi cho rằng những người bị nạn là vì họ tội lỗi. Chúa Giê-su đã loại bỏ quan niệm sai lầm này và ngược lại lấy cái chết của những con người bất hạnh này làm chất liệu cho mọi người phải suy nghĩ về thân phận của chính mình, đi ra khỏi sự tự hào và an toàn giả tạo để luôn biết hoán cải tận căn: “nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”.

Như trong câu chuyện người phụ nữ ngoại tình, Chúa Giê-su luôn luôn gửi tới thông điệp riêng của Ngài: “ai trong các ông sạch tội hãy ném đá người phụ nữ này trước đi”. Hôm nay, Chúa cũng gửi đến cho chúng ta thông điệp như thế. Trước khi kết án người khác, trước khi đổ tội cho Thiên Chúa, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc nhìn lại chính bản thân chúng ta như lời Chúa Giê-su đã nói: bạn hãy lấy cái cái xà ra khỏi mắt bạn trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em.

Lời Chúa trong bài Tin mừng hôm nay soi sáng tâm hồn chúng ta như thế, thì sự đáp trả của tất cả chúng ta bây giờ là phải hoán cải  đời sống. Mỗi chúng ta cũng giống như cây vả trong dụ ngôn. Giả như hiện tại chúng ta đang trổ sinh ít hoa trái thì cũng thật là phúc cho chúng ta vì Thiên Chúa luôn kiên nhẫn và rủ lòng xót thương chưa cắt bỏ chúng ta đi mà quăng vào lửa. Thiên Chúa  như ông chủ vườn trong dụ ngôn đã kiên nhẫn chờ đợi tới ba năm để trông mong cây vả sinh trái.

Tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta đừng lạm dụng sự kiên nhẫn và lòng thương xót của Thiên Chúa,  nhưng hãy lo biết làm sao cho cuộc đời mình trổ sinh  nhiều công phúc. Tuy Thiên Chúa là đấng có lòng kiên nhẫn nhưng một ngày kia thời gian chờ đợi sẽ kết thúc và chúng ta sẽ phải trả lẻ cho lối sống sa đọa của mình. Có thể cũng vào ngày này năm sau, sẽ có người trong chúng ta không còn nữa. Và có thể đối với một số người năm nay sẽ là năm cuối cùng của cuộc đời.

Như trong dụ ngôn cây vả, câu chuyện dường như chưa có kết luận. Chúng ta không biết điều gì sẽ xẩy đến với cây vả không sinh trái này: bị cắt bỏ hay tiếp tục để nó tồn tại. Số phận chúng ta cũng thế. Tương lai đang mở ra và cái gì xẩy đến với chúng ta đều tùy thuộc vào mỗi chúng ta.

Thiên Chúa đang trao ban cho chúng ta sự kiên nhẫn và tình thương của ngài, không phải là để chúng ta lười biếng, ỉ lại và không lo lắng, nhưng là thổi bừng lên niềm hy vọng và thúc đẩy chúng ta canh tân đời sống ngày từ bây giờ để có thể trổ sinh nhiều hoa trái của ơn phúc.

Mùa Chay là thời gian lý tưởng để chăm sóc cho cây sự sống tăng trưởng trong đời chúng ta. Cầu nguyện, chay tịnh và làm việc bác ái, đó là những phương thế có thể làm cho mảnh đất của đời mình thêm màu mỡ làm cho cây sự sống lớn lên mỗi ngày.

“Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.  May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”. Lời dụ ngôn  hôm nay, như là một lời nhắn nhủ chúng ta rằng Chúa Giê-su Ki-tô đang mời gọi tôi, mời gọi anh chị em biết tận dụng thời gian thuận tiện này,  thời gian mà Thiên Chúa ban cho chúng ta như là một quà tặng vô giá để biến đổi cuộc đời mình trong tình thương bao la của Thiên Chúa. Amen.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *