Tin mừng Chúa nhật V Phục sinh
Ga 14, 1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”.
Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?”
Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”.
Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”.
Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói “Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha”? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm.
Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”.
Suy niệm
Thánh Gioan hôm nay nói với chúng ta về phần đầu diễn từ của Chúa Giê-su. Ngài sử dụng Lời của chính Chúa Giê-su để cho chúng ta một sự nhận biết căn tính của Chúa và làm một bản tóm về sứ mạng của Ngài.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ, loan báo về sự phản bội của Giu-đa, và Phêrô chối Chúa, Chúa Giê-su ban huấn từ cho các tông đồ. Ngài nêu lên cuộc ra đi sắp tới. Nhưng Chúa lại hứa là sẽ trở lại để tìm gặp lại các ông. Vậy họ không được xao xuyến.
Khi thánh Gioan viết những dòng này, vào khoảng năm 60 sau cái chết của Chúa Giê-su, các ki-tô hữu đã phải chịu sự áp bức và bách hại. Họ đã bị truy lùng trong các hội đường và đã bị thất lạc với các cộng đoàn tiên khởi. Họ đã bị các người La mã coi như là kẻ thù công khai và bị người Do thái con như là những kẻ lạc giáo. Đối với họ đây là thời gian thử thách đầy tràn đau khổ. Trong bối cảnh khó khăn như thế, những lời an ủi của Chúa Giê-su đã được đón nhận: “ các con đừng xao xuyến. Các con hãy tin vào Thiên Chúa, các con hãy tin vào Thầy.”
Trong đời sống chúng ta, đôi khi chúng ta cũng trải qua những thời khắc giống như những tín hữu đầu tiên và những nỗi sợ hãi đổ xuống trên chúng ta, do một tương lai không chắc chắn, một tổn thương trong những mối tương quan, một sự khủng hoảng kinh tế không báo trước, một căn bệnh hiểm nghèo, một sự suy giảm sức khỏe do tuổi tác…
Trong những bất hạnh của mỗi cá nhân, còn có những nối sợ hãi tập thể: ví dụ như nạn dịch Covid 19 đang tiếp tục hoành hành trên thế giới; nạn thất nghiệp tràn lan; bao lực ở nơi này nơi khác; nạn đói, ô nhiễm môi trường sống và những xung đột liên tiếp xảy ra.
Trong đời sống Giáo hội cũng thế, có những nơi không còn bao nhiêu người sống đạo, nhà thờ vắng người đi lễ, nhiều nhà thờ phải bán đi, hàng giáo sỹ không đáp ứng với nhu cầu, sự tục hóa tràn lan với chủ thuyết tương đối như muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống
Với những cơn bão của đời sống như thế, Chúa Giê-su trấn an chúng ta và tặng ban cho chúng ta một sự hướng dẫn và một sự bảo vệ: “ Thầy ở cùng các con mọi ngày…Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Vậy như tông đồ Phêrô, chúng ta có thể đặt tin tưởng và đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa nếu chúng ta có lúc muốn bỏ ngài: “ Lạy Thầy, bỏ thầy chúng con biết theo ai. Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”.
Tin mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta rằng chúng ta được mời gọi không chỉ tin vào Chúa Giê-su mà thôi nhưng con biết dùng tài năng Chúa ban để làm điều mà Ngài đã làm: “ Ai tin vào tôi sẽ làm những việc mà tôi đã làm”. Chúa nói như thế. Vậy tôi hãy biết đem lời an ủi tới những ai đang chịu khổ đau, đồng hành cùng những người đau yếu liệt lào, bảo vệ những kẻ cô thế cô thân, ăn uống với những người tội lỗi, bảo vệ quyền lợi của kẻ bị áp bức, lên án những bất công xã hội…Vâng, chúng ta phải là những đôi tay, đôi chân, con tim và thân mình của Đức Giê-su trong thế giới hôm nay.
Đối với Chúa Giê-su, điều quan trọng không chỉ dừng lại ở việc cử hành các nghi lễ tôn giáo cho bằng chất lượng của đời sống như Chúa Giê-su nói: “Tôi đến để anh em được sống và sống dồi dào.” Cho nên việc xây lên các ngôi đền thờ bằng gạch đá, bằng gỗ sẽ ít quan trọng hơn là chăm lo cho những ngôi đền thờ sống động của mỗi chúng ta. Dù có những khó khăn thiếu thốn cơ sở vật chất thì cũng không ngăn cản được chúng ta sống chứng tá của niềm tin bằng chất lượng thực hành những cam kết với Chúa.
Thánh Gioan Tông đồ là người môn đệ gần gũi Chúa Giê-su hơn các tông đồ khác, đã hiểu rõ những lời dạy căn bản của Chúa Giê-su. Trong Tin mừng của Ngài, Ngài đã kể lại việc Chúa rửa chân cho các Tông đồ nhưng không thuật lại việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên Bí tích Thánh Thể lại rất quan trọng với Ngài và khi viết Tin mừng, hàng chục năm sau cái chết và phục sinh của Chúa Giê-su, các ki-tô hữu vẫn nhóm họp vào ngày Chúa nhật, ngày thứ nhất trong tuần để thực hành nghi thức bẻ bánh. Nhưng thánh Gioan lại nhấn mạnh việc cử hành bí tích Thánh Thể đó chỉ thực sự giá trị nếu chúng ta phục vụ lẫn nhau, như Chúa Giê-su đã làm điều đó trong suốt đời Ngài và như Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ.
Chúa Giê-su đối với chúng ta không chỉ là một vị thầy thiêng liêng, mà con là một mẫu gương sống động về điều mà mỗi chúng ta phải làm trong đời sống mỗi ngày của chúng ta. Amen.
Giáo xứ Chính Tòa Hà Nội