Lệnh truyền giáo

Khi bắt đầu rao giảng Tin mừng công khai, Chúa Giê-su đã chọn những người cộng tác với Chúa vì Chúa tin tưởng  và mời gọi mọi người làm việc với Chúa. Trong Cựu ước cũng như Tân ước, các người được Chúa kêu gọi đều là những con người bình dân: Ngôn sứ Amos là một nông dân, ông Phêrô làm nghề đánh cá, ông Mát-thêu là người thu thuế và ông Phaolô làm nghề dệt vải.

Trước hết Chúa Giê-su kêu gọi họ ở lại với Chúa trong một thời gian để lãnh hội việc đào tạo nền tảng. Ngay ở đầu các sách Tin mừng, chúng ta thấy các tông đồ đã đồng hành với Chúa Giê-su trong các hành trình rao giảng. Họ xem Chúa hành động và nhận nơi Chúa một sự dạy dỗ quan trọng, một cách sống mới để chuẩn bị cho sứ vụ mà Chúa sẽ trao phó cho họ.

Đây chính là phương pháp sư phạm mà các tín hữu đã nhận được qua các giai đoạn lịch sử. Vào ngày chúa nhật, các tín hữu tụ họp nhau xung quanh bàn tiệc Thánh thể để lắng nghe Lời Chúa, để chia sẻ sự sống của Chúa. Sau đó họ được sai đi vào trong các môi trường sống, trong gia đình, nơi làm việc với lệnh truyền: Anh chị em ra đi để đem bình an của Chúa Giê-su đến với mọi người cách vô vị lợi.

Khi đọc Tin mừng, chúng ta nhận thấy Chúa Giê-su không ban những huấn thị lý thuyết về sứ vụ truyền giáo. Ngài không nói với các tông đồ “cái mà họ phải rao giảng”. Nhưng Ngài đi vào chi tiết để nói với họ “cái mà họ phải là”: như những người bộ hành với ít trang bị, đón nhận lòng quảng đại của mọi người; họ là những người kiến tạo bình an và hòa giải; họ đồng hành với những người đau yếu và bệnh tật…Đối với Chúa Giê-su, chứng tá đời sống thì quan trọng hơn là lời nói. Chúa tin vào các môn đệ, tin vào con người, tin vào chúng ta, dù chúng ta có nghi ngờ Ngài. Ngài tin chúng ta đến nỗi mà Ngài để cho chúng ta tự do hành động khi chúng ta thấy phù hợp với việc rao giảng Tin mừng.

Chúa Giê-su nói với các Tông đồ khi xưa cũng là nói với chúng ta hôm nay rằng, nhờ vào mỗi người chúng ta mà thế giới này có thể trở nên tốt đẹp hơn, chính Chúa khẳng định: “ các tông đồ sẽ trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh”. Vậy ma quỷ trong thời đại chúng ta là thế nào? Làm thế nào mà chúng ta cải tạo thế giới này?

Các từ ngữ mà Chúa Giê-su dùng trong Tin mừng là từ ngữ của thời đại cách đây hơn 2000 năm. Nhưng chúng ta dễ dàng hiểu được rằng các môn đệ được sai đi để thực thi điều mà chính Chúa Giê-su đã làm. Nội dung sứ vụ của các ông được tóm lại trong ba câu sau:

  1. Loan báo Nước trời, điều này yêu cầu một sự hoán cải, một sự thay đổi lối sống
  2. Chiến đấu chống lại sự dữ và xua trừ ma quỷ là những thế lực ngăn cản chúng ta sống tự do.
  3. Hành động vì lợi ích cho những người đau khổ và bị bỏ rơi, để cải thiện chất lượng sống của họ.

Trước hết, việc hoán cải là việc cần thiết để chúng ta thay đổi lối sống đôi khi quá ích kỷ. Điều này cần phải biết lãnh nhận trách nhiệm và cố gắng cải thiện môi trường sống bằng cách tránh gieo rắc thêm những điều xấu và giúp đỡ những ai đang cần đến sự trợ giúp.

Tiếp đến việc xua trừ ma quỷ hôm nay có nghĩa là giúp đỡ những người cô đơn, không tự bảo vệ mình, để họ thoát ra khỏi sự cô độc, sợ hãi, bất công, và bệnh tật…Xua trừ ma quỷ cũng có nghĩa là giải thoát mọi người khỏi các tệ nạn như nghiện rượu, nghiện ma túy, cờ bạc, và mọi thứ vật chất đang giết chết đời sống các gia đình…Xua trừ ma quỷ cũng có nghĩa là chống lại tất cả những gì làm cho chúng ta bị nô lệ vào chúng.

Cuối cùng là chữa lành các tật bệnh. Có nhiều phương thế để thực hiện việc này: như hãy biết yêu thương, đồng hành, khuyến khích, giúp đỡ và tha thứ cho người khác. Chúng ta có thể kể đến các tình nguyện viên trong các bệnh viện, các người hằng ngày đi thăm viếng các bệnh nhân, mang Mình Thánh Chúa đến cho người bệnh và phân phát đồ ăn thức uống cho những người nghèo khó…

Chúa Giê-su sai các môn đệ từng hai người một bởi vì sứ vụ truyền giáo là một hành trình có tính cộng đoàn. Đức tin của chúng ta được phong phú nhờ vào đức tin của những người khác, đó là đức tin của cha mẹ, của ông bà, của các người bạn, và đức tin của tôi hay của anh chị em cũng góp phần gia tăng đức tin cho những người khác. Quy tắc đầu tiên của sứ vụ tông đồ, đó là “ làm việc có tính tập thể”: đời sống huynh đệ là biểu tượng của tình yêu như trong sách Tông đồ công vụ thuật lại, các lương dân đã phải thốt lên: “ kìa xem họ thương yêu nhau biết dường nào” khi thấy các tín hữu sống tình huynh đệ yêu thương nhau.

Hôm nay Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta như các tông đồ khi xưa. Ngài mời chúng ta đi rao giảng Tin mừng, loan báo hồng ân cứu độ, chống lại sự sữ và đi giúp đỡ những người đau khổ. Phúc âm hóa tức là chiến thắng bạo lực, bất công, là chiến thắng sự cô độc và nản chí. Chúa Giê-su cần đến chúng ta để sai chúng ta đi. Ngài tin tưởng mỗi người chúng ta. Vậy chúng ta hãy trở nên cánh tay và con tim của Chúa trong thế giới hôm nay, đang cần đến tình yêu và lòng thương xót cúa Chúa. Amen.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *