Dụ ngôn thường được dùng nhiều trong văn chương Do Thái và người ta tính được có khoảng 3 nghìn dụ ngôn thời đó. Trong hành trình loan báo Tin mừng, Chúa Giê-su đã thường xuyên dùng các dụ ngôn. Ngài đã khéo léo lồng vào bài giảng các dụ ngôn và có một học giả Do thái giáo đã nói rằng tuyệt tác của văn chương Do thái giáo là các dụ ngôn của Chúa Giê-su.
Từ ngữ “dụ ngôn”, tiếng Do thái có nghĩa là “câu chuyện biểu tượng được kể nhằm khám phá một ý nghĩa ẩn dấu trong đó”. Dụ ngôn không áp đặt, nhưng đề nghị và thức tỉnh tâm hồn. Nó khơi lên một sự tôn trọng đối với các độc giả và gợi nên sự tưởng tượng của người nghe.
Trong ba chúa nhật liên tiếp, chúng ta sẽ nghe 7 dụ ngôn mà Thánh sử Mát-thêu đã gộp lại thành ba diễn từ chính yếu trong Phúc âm của Ngài.
Trong dụ ngôn gieo giống, sự quan tâm của Chúa Giê-su là nhắm tới hạt giống Nước Thiên Chúa. Các ki-tô hữu đầu tiên đã có những trăn trở để trở nên đất tốt cho việc đón nhận hạt giống Tin mừng.
Dụ ngôn cho thấy mặc dù có những thử thách, vụ mùa vẫn bội thu, như Chúa Giê-su nói: hạt thì 30, hạt được 60, hạt lại được 100. Kết quả thu hoạch vượt quá mong đợi của các người gieo hạt. Họ chỉ mong muốn vụ mùa thu được lợi tức gấp 5 hoặc gấp 8 mà thôi. Dụ ngôn người gieo giống trước hết và trên hết là một lời mời gọi hướng tới niềm hy vọng.
Trong các tháng hè, chúng ta có đầy kinh nghiệm trong những khu vườn rau và vườn hoa. Các cây rau và cây hoa trổ sinh tươi tốt và trong các cánh đồng. Hạt giống được gieo vãi trong đất tốt và chăm sóc tốt thì sẽ trổ sinh bông trái. Tuy nhiên chúng ta cũng biết rõ là không phải luôn luôn dễ dàng thành công. Có thể bội thu với nhiều bông hạt, nhưng cũng có thể không trổ sinh như ý muốn vì thời tiết khắc nghiệt, do mặt trời thiêu đốt, do bệnh dịch, sâu bọ…
Chúa Giê-su biết những chướng ngại mà Lời Chúa gặp phải. Nhưng Ngài cũng biết rằng Lời Ngài có sức mạnh biến đổi một thửa đất khô cằn thành một mảnh đất màu mỡ. Như Ngôn sứ Isaia nói với chúng ta trong bài đọc thứ nhất như sau: “ Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời, không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” Như thế thì Lời Chúa luôn mang lại hoa trái dồi dào và nó có thể biến đổi “ con tim trai đá của chúng ta thành con tim bằng thịt”.
Trong Kinh thánh, con người được chia thành hai hạng: người thuộc đất tốt và người thuộc đất khô cằn. Có một lúc nào đó trong đời sống, mỗi chúng ta cũng có thể biểu lộ những mảnh đất khác nhau được nêu lên trong dụ ngôn.
Trước hết là hạt giống rơi bên vệ đường. Nó cho thấy giai đoạn có quá nhiều bận tâm, chiếm hết chỗ và có nguy cơ bóp nghẹt đức tin. Đại loại như có người sẽ nói là “ đấy các bạn xem, tôi vẫn rất thích đi lễ và nghe Lời Chúa mỗi Chúa nhật. Nhưng bên cạnh đó tôi lại còn có biết bao bận tâm khác: lễ hội gia đình, thể thao, giải trí, phim ảnh, du lịch…cũng như sự mệt mỏi của cả một tuần lễ làm việc, tôi phải tận dụng ngày nghỉ để xả hơi…Và thế là việc gặp gỡ Chúa chẳng còn chỗ nữa.
Tiếp đến là có nhưng mảnh đất đá sỏi, làm cho đức tin hời hợt bên ngoài. Mầm sống mới mọc rễ nhưng nó lại không đủ độ sâu và dễ dàng làm mồi cho ánh nắng nóng của mặt trời thiêu đốt trước khi có thể lớn lên. Sự hời hợt có thể ngăn cản sự tăng trưởng của đời sống đạo, dẫu có những nhiệt huyết ban đầu.
Cũng có những mảnh đất đầy gai. Niềm tin khi đó bị bóp nghẹt bởi “ nhưng lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý”. Chúa Giê-su không ngừng khuyến cáo về mối nguy hiểm của môi trường vật chất bởi vì “con người không chỉ sống bằng cơm bánh”. nhưng thực tế là con người hôm nay lại không ngừng hạn chế việc tiêu thụ. Và một khi vật chất chiếm chỗ thì niềm tin có nguy cơ biến mất.
Thiên Chúa đã kể dụ ngôn người gieo giống này để nhấn mạnh tới sự quảng đại của Thiên Chúa đã gieo giống khắp nơi, không sẻn so tính toán. Ngài tin vào chúng ta và mời mọi tất cả mọi người trở nên đất tốt. Mặc dù có những nguy cơ và thất bại, nhưng Chúa Giê-su nói với chúng ta là mùa màng sẽ bội thu.
Đây quả là một dụ ngôn đẹp tuyệt vời trong một thời đại đầy tràn khó khăn thử thách. Có nhiều giáo xứ chưa được phát triển, và nhiều nhà thờ đổ nát hoang tàn hay phải đóng cửa vì bị chiếm dụng, hay không có ai đến đọc kinh cầu nguyện. Thật bi quan khi thấy có nhiều bạn trẻ không còn muốn đi thờ đi lễ nữa và không còn sống đạo và tiếp nối niềm tin cho thế hệ mai sau.
Nhưng Thiên Chúa hôm nay tiếp tục nói với chúng ta: Đừng thất vọng nhưng hãy đi loan báo niềm vui Tin mừng trong đời sống, hãy gieo giống cách quảng đại và một ngày kia hạt giống sẽ trổ sinh bông trái. Amen.