Tin mừng Chúa Nhật XXIII thường niên A
Mt 18, 15-20
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.
Suy niệm
Bài Tin mừng của Thánh Matthêu hôm nay tường thuật bài giảng của Chúa Giê-su về đời sống cộng đoàn, về các tương quan giữa các thành viên trong cộng đoàn ki-tô giáo. Các nhà chú giải Kinh Thánh gọi những lời huấn thị của Chúa Giê-su là “ lời dạy về đời sống cộng đoàn”. Thật là tốt cho chúng ta khi đọc và suy gẫm bài giảng này dưới lăng kính cộng đoàn bởi vì chúng ta luôn thuộc về một cộng đoàn: là gia đình, là hội đoàn, giáo xứ, công sở làm việc và tương quan bạn bè.
Với Chúa Giê-su thì đời sống cộng đoàn không được dựng lên những rào cản, nhưng là để cho các cánh cửa mở ra và ánh sáng được soi chiếu. Cộng đoàn ki-tô giáo không đành để mất đi một người anh chị ẹm, nhưng là nơi để đón tiếp, tha thứ, hòa giải và tạo điều kiện cho các thành viên đi xa trở về. Phải luôn có ở đó bầu khí hân hoan như khi một người con rời xa gia đình nay trở về và được mọi người trong gia đình vui mừng chào đón.
Các nhà xã hội học cho thấy con người hôm nay có nguy cơ sống theo chủ nghĩa cá nhân, sống vì bản thân mình. Trong khi đó Chúa Giê-su lại kết án não trạng đó và nhắc nhở rằng mọi người đều được tạo dựng có tính cộng đoàn. Không ai là một hòn đảo, nhưng mọi người đều liên đới với nhau, như chúng ta thấy trong thư gửi tín hữu Roma, Thánh Phaolô đã viết một câu rất chí lý: “ anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật”.
Trong thực tế, vẫn luôn có những áp lực trong các mối tương quan vợ chồng, cha mẹ với con cái, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp….Đáng buồn thay, trong một số hội đoàn, trong một số gia đình, có những đổ vỡ kéo dài trong nhiều năm mà không được hàn gắn, đôi khi những đổ vỡ đó chỉ kết thúc với cái chết của những người liên quan. Quả vậy, một số người đã nhất quyết không làm hòa với nhau.
Hôm nay, Chúa Giê-su đề ra cho chúng ta cách thức để giải quyết những khó khăn về các mối quan hệ thường nảy sinh trong đời sống: đó là sửa lỗi trong tình huynh đệ. Với não trạng hiện đại, điều đó có vẻ lạ thường , nhưng rất cần được áp dụng, vì đó có thể là cách thức hiệu quả nhất để giải quyết các xung đột.
Cần phải can đảm để có thể tìm gặp một người và nói với họ về những thiếu xót, những bất toàn của họ, khi mà chúng ta lại không được hoàn hảo lắm và không phải là mẫu gương về những sai lỗi đó. Theo thói quen thì chúng ta lại làm ngược lại điều mà Chúa Giê-su gợi ý cho chúng ta trong tin mừng: như thay vì gặp gỡ người đó và nói với họ cách kín đáo, thì ta lại nói bóng nói gió đầy ác ý sau lưng họ, kết án họ các bất công, nói xấu họ, hủy hoại tiếng tốt của họ. Đó không phải là điều mà Chúa Giê-su muốn đối với mỗi tín hữu chúng ta.
Có nhiều người đã làm những điều sai lỗi và cố tình trong những sai lỗi đó và không muốn sửa đổi. Vậy chúng ta phải làm gì đối với họ? Trong ngữ cảnh hiện tại của giáo huấn về đời sống cộng đoàn, Chúa Giê-su muốn nói về sự tế nhị và lòng thương xót đối với người khác. Trước đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã kể dụ ngôn con chiên bị lạc mất, trong đó Chúa nói: anh em đừng khinh dể một ai vì Cha anh em không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”. Và ngay lập tức sau bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su sẽ yêu cầu Phêrô tha thứ “ không phải bẩy lần bẩy, mà là bẩy mươi lần bẩy”.
Mục đích sửa lỗi huynh đệ không phải là hạ thấp người khác nhưng là hòa giải. Vấn đề không phải là lý lẽ, là chứng tỏ chúng ta tốt hơn người khác, nhưng là “nếu nó nghe anh, thì anh đã lợi được người anh em”. Đây chính là mục đích cần hướng tới, là cái giá của sự gặp gỡ, và là phần thưởng lớn lao: không phải là có lý lẽ, là hơn người khác, là hạ nhục người khác, nhưng đó chính là “ được lợi người anh em trong tình huynh đệ”. Đây là niềm vui cho thấy sự mở lòng ra với người khác đã sinh hoa kết trái.
Mục đích của việc sửa lỗi trong tình huynh đệ là tránh cho người khác bị hạ nhục bị loại trừ. Cộng đoàn nào thúc đẩy việc thực hành đó thì biết rõ dụ ngôn: “ cái xà trong mắt anh và cái rác trong mắt người khác”. Khi mà chúng ta gặp gỡ một người tội lỗi thì Chúa Giê-su nói với chúng ta là phải có cũng một tâm tình như người cha của đứa con hoàng đàng khi nhận ra nó từ đàng xa, đã chạy đến ôm chầm lấy nó, và cho mọi người thấy nó là đứa con yêu dấu và mở tiệc mời cả làng đến ăn mừng.
Xã hội hôm nay thường đưa đẩy chúng ta vào trong quỹ đạo của chủ nghĩa cá nhân và lợi ích chung thì bị bỏ ra đằng sau. Đối với Chúa Giê-su thì việc liên kết cộng đoàn, tình yêu với tha nhân là điều quan trọng nhất. “ Nếu anh mang của lễ dâng trên bàn thờ mà chợt nhận ra người anh em của anh đang bất hòa với anh thì anh hãy để của lễ đó, về làm hòa với người anh em của anh trước đã rồi mới đến dâng của lễ”. Đó chính là bầu khí của việc hòa giải mà Chúa Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta sửa lỗi trong tình huynh đệ: Nếu người anh hoặc người chị anh mắc lỗi, anh hãy đi sửa dạy, riêng anh và nó thôi. Amen.