Tin mừng Chúa nhật IV thường niên B
Mc 1, 21-28
(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Suy niệm
Sứ điệp mà các bài đọc kinh thánh gửi đến cho chúng ta hôm này là sứ điệp của Tin mừng vì chính Chúa Giê-su Ki-tô đã đến và trở thành lẽ sống và là nguồn hy vọng cho tất cả những ai tin vào Ngài. Đức Giê-su chính là Đấng mà Thiên Chúa gửi đến để xây dựng Vương Quốc của “ công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần”.
Quả vậy, trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Marcô đã cho thấy Đức Giêsu Kitô chính là Vị ngôn sứ ngoại hạng mà Môisen đã tiên báo trong bài đọc thứ nhất. Ngài quả là vị ngôn sứ có uy quyền trong lời nói và hành động.
Ngài là vị ngôn sứ có uy quyền bởi vì trong khi những luật sĩ kèn cựa bàn cãi không dứt về những đoạn văn của Kinh thánh, thì Đức Giêsu khẳng định: Ngài không lặp lại học thuyết của người khác, mà trình bầy học thuyết của Ngài, ví dụ Ngài nói: “Còn Ta, Ta dạy rằng…”, điều ngày cho thấy Ngài có uy quyền trong lời giảng dạy.
Còn trong hành động thì Ngài đã cho thấy trong bài Tin mừng, đó là Ngài chỉ cần nói một lời là quỷ ô uế phải xuất khỏi người bị nó nhập, đến nỗi khán thính giả phải thốt lên: “Ngài dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế”.
Chính vì cảm nghiệm được quyền năng vô biên của Đức Ki-tô mà Thánh Phaolô đã từ bỏ con đường bách hại đạo Chúa để chọn Đức Ki-tô một cách dứt khoát và dành trọng cuộc đời mình trung thành phụng sự Ngài. Mang lấy Đức Ki-tô trong mình nên Ngài đã làm chứng cho Đức Ki-tô bằng chính kinh nghiệm của mình như trong bài đọc II cho thấy: Ngài mời gọi tín hữu Côrintô hãy gắn bó mật thiết với Đức Ki-tô. Lời mời gọi này được gửi tới mọi bậc sống và ơn gọi trong Giáo Hội, dù là người xây dựng gia đình hay là người sống đời độc thân bởi vì một khi người ta đã gặp được Đức Ki-tô thực sự thì cả cuộc đời của họ sẽ được biến đổi tùy theo ơn gọi mà mỗi người được lãnh nhận.
Trong kho tàng truyền thuyết công giáo, có câu chuyện kể về một chàng trai vóc dáng cao lớn vạm vỡ. Vốn dĩ sinh ra trong một gia đình không Công Giáo, chàng chỉ ấp ủ một ước mơ lạ lùng là tìm cho được một vị quân vương cao cả nhất để tuyệt đối tuân lệnh và phụng sự suốt đời.
Thế rồi chàng đã tìm gặp được một vị vua có tiếng là oai phong lẫm liệt nhất trong vùng. Chàng vui mừng vì ngỡ đã tìm được minh chủ theo ước nguyện. Nhưng rồi không ngờ, một hôm, chàng đã vô tình bắt gặp nhà vua ấy đang run rẩy quỳ lạy tại một đền miếu thờ quỷ thần. Chàng liền bỏ đi ngay, với quyết tâm ao ước sẽ được theo hầu một ma vương quỷ thần nào đó có đủ quyền phép hô phong hoán vũ. Tức khắc, ma quỷ hiện ra và dẫn dụ chàng rảo bước khắp cánh đồng mênh mông rộng lớn. Bất chợt, ma quỷ giáp mặt với một cây Thánh Giá dựng lên sừng sững ở một ngã tư đường theo phong tục của người dân Công Giáo vùng ấy. Ma quỷ hoảng sợ, lấm lét nhìn cây Thánh Giá rồi bỏ chạy mất dạng!
Chàng trai thấy vậy liền dứt khoát không thèm theo ma quỷ nữa, mà đứng lại trước Thánh giá, ngắm nhìn cây Thánh giá thật lâu, rồi chàng quyết tâm từ nay sẽ xin theo Thánh Giá. Chàng cứ đứng đó chờ mãi mà chẳng thấy chủ nhân cây Thánh Giá. Nơi đó gần một khúc sông cạn. Một hôm, có một cậu bé đến nhờ chàng cõng mình qua sông, vì không có đò ngang. Chàng lực sĩ sẵn sàng. Nhưng mới bơi được một đoạn ngắn, chàng cảm thấy chú bé quá nặng, liền hỏi lý do. Cậu bé đáp “Ta nâng đỡ cả trái đất trên tay Ta, làm sao mà không nặng cho được” Cậu bé còn cho biết thêm mình chính là chủ nhân của cây Thánh Giá. Thế là chàng lực sĩ xin theo phò tá vị Chúa Tể trái đất ấy và Ngài đã dạy chàng : con muốn phụng sự Ta, con cứ đứng ở khúc sông này, mỗi lần có ai muốn sang sông thì con hãy cõng người ấy sang. Chàng lực sĩ tuân theo. Từ đó trở đi, người ta gọi tên chàng là Christophe, nghĩa là người đã mang Chúa Kitô trên vai.
Ngày nay, Hội Thánh tại một số quốc gia Châu Âu vẫn mừng lễ Thánh Christophe vào ngày 25 tháng 7 hằng năm, để nêu một tấm gương theo Đức Ki-tô và phụng sự Thiên Chúa trọn vẹn cả cuộc đời.
Thánh Christophe là người mang Chúa Ki-tô vì ngài đã chọn Chúa Ki-tô làm minh chủ để phụng sự. Cũng như thánh Christophe, chúng ta đã chọn Chúa Ki-tô và bước đi theo Ngài qua bí tích Thánh tẩy nên được gọi là Ki-tô hữu, có nghĩa là người mang danh Ki-tô và thuộc về Ngài, bởi vì đối với những người có đức tin thì không ai xứng đáng hơn Đức Giêsu Kitô.
Lạy Chúa, Chúa đã đến trong thế gian, để mang ơn cứu độ cho nhân loại qua sứ vụ Thiên Sai. Xin ban cho chúng con biết nhận ra và đáp trả lời mời gọi của Chúa, để đón nhận ơn giải thoát của Chúa và kiến tạo hạnh phúc cho anh chị em xung quanh chúng con. Amen.