Tin mừng Chúa nhật V thường niên – B
Mc 1, 29-39
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”.
Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Suy niệm
Đời là bể khổ, lời than của nhà Phật cho thấy kiếp khổ của con người. Tuy nhiên, các bài đọc kinh thánh hôm nay cho thấy chính niềm tin vào tình thương của Thiên Chúa sẽ giúp cho người ta vượt thắng được nỗi khổ đau của kiếp người để sống trong bình an.
Trước hết trong bài đọc I, chúng ta lắng nghe lời cầu nguyện của ông Gióp trong hoàn cảnh hầu như là mất tất cả: của cải, gia đình, sức khỏe…Ông đã đi tới tận cùng của sự đau khổ. Sách thánh cho chúng ta thấy một sự tương phản lạ lùng trong cuộc đời của ông Gióp: có lúc tuyệt vọng nhưng có lúc lại hy vọng, có khi kêu trách Chúa nhưng lại có phút giây suy tôn ca ngợi Chúa, hay có khoảng khắc ông đã kêu xin Chúa nhưng có những phút giây lại chống đối Chúa. Tuy nhiên mẫu gương của ông Gióp là cho dù có đau khổ đến tận cùng, và có những lúc chông chênh trong thử thách như thế thì ông Gióp vẫn cứ phải tin, vẫn phải một lòng trung tín và phó thác cuộc đời mình cho Chúa cùng với lời nguyện xin rằng: Lạy chúa, từ sâu thăm con kêu lên cùng Chúa, xin Ngài lắng tai nghe tiếng con van nài”.
Bên cạnh đau khổ của ông Gióp, còn có đau khổ khác mà thánh Phaolô trong bài đọc II đã nói với chúng ta, đó là sự đau khổ của những người làm chứng cho Tin mừng của Đức Ki-tô. Cuộc sống của những các nhà truyền giáo này được đánh dấu bởi sự bách hại, thiếu thốn và thử thách mọi bề, cụ thể chúng ta thấy hôm nay vẫn còn có biết bao nhiều người tín hữu bị bách hại đây đó như tại Irac, tại Syrie, tại Trung quốc hay tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, dù có trăm bề thử thách thì các ngài vẫn cứ một lòng loan báo Tin mừng nước Chúa vì niềm tin yêu và hy vọng đến nỗi mà thánh Phaolo phải thốt lên “ khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”.
Từ gương sống của ông Gióp, hay của những người làm chứng tá cho Tin mừng nước Chúa, đưa chúng ta đến sự cảm nhận rõ ràng rằng dù nguyên nhân đau khổ có là gì thì như bài Tin mừng hôm nay thuật lại, sự hiện diện của Chúa Giê-su là một câu trả lời cho tất cả mọi đau khổ ở đời này để gia tăng niềm tin. Cụ thể việc Chúa chữa lành bệnh cho bà mẹ vợ của ông Phêrô trong bài Tin mừng như là dấu chứng cho thấy Chúa Giê-su cũng sẽ làm điều đó cho mỗi chúng ta. Có thể chúng ta không bị bệnh thể lý nhưng hiện tại có thể đang bị tổn thương và tê liệt bởi tội lỗi, bởi sự thù oán, hay bởi sự kiêu ngạo dưới nhiều hình thức và Đức Giê-su như một vị bác sỹ sẽ đến và gõ cửa lòng chúng ta, đặt tay lên chúng ta để chữa lành mọi thưởng tổn về tinh thần và thể xác miễn là ta sẵn sàng tin tưởng và phó thác nơi Ngài.
Quả vậy, một ngày bận rộn của Chúa ở thành Capharnaum để rao giảng Tin mừng, chữa lành tật bệnh, làm việc từ sáng sớm đến chiều hôm và ngay cả khi cầu nguyện đã cho ta thấy tình thương của Thiên Chúa. Thánh sử Tin mừng Marcô đã miêu tả rất sống động hình ảnh những người đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần bao quanh Đức Giêsu và Ngài không tránh xa, nhưng hòa mình với họ, xả thân để cứu chữa họ, như là một chiếc phao giữa biển khổ cuộc đời để cho mọi người bám. Vâng, Đức Giu-su đã đến với con người trong bất cứ nơi nào và trong hoàn cảnh nào để họ được sống và sống dồi dào.
Ngày nay đau khổ cũng vẫn là một nan đề. Có rất nhiều người cùng cảnh ngộ với ông Gióp ngày xưa. Đó là những người đau khổ vì nghèo, đói, bệnh tật, bất công, áp bức v.v. Và đối diện với đau khổ, Đức Giêsu không trả lời cho câu hỏi “Tại sao đau khổ” nhưng Ngài dạy phải làm gì trước đau khổ.
“Là những cá nhân, cuộc sống bon chen hôm nay làm cho chúng ta bị cám dỗ bởi sự dửng dưng vô cảm trước những đau khổ của anh em đồng loại. Nhìn thấy những tin tức ngập tràn những hình ảnh đau khổ nơi nhân loại, chúng ta cảm thấy bất lực trong việc giúp đỡ họ. Chúng ta có thể làm gì để tránh cảm giác bất lực này?”
Đây chính là thao thức mà Đức Thánh Cha Phanxicô đặt ra trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay với chủ để là “ làm tưới mới niềm tin, hy vọng và tình yêu” . Và đối với mỗi cá nhân, Đức Thánh Cha đã đề nghị cụ thể phương thức thực hành. Đây cũng là những điều cụ thể để tôi cũng như là quý ông bà và anh chị em sống Lời Chúa hôm nay. Đặc biệt là mang niềm hy vọng đến cho tha nhân bằng cách: “nói những lời tích cực để vỗ về, trợ lực, an ủi và khích lệ chứ không nói những lời miệt thị, bi quan, khích bác hoặc chê bai” (Fratelli Tutti, 223). Đôi khi để trao tặng niềm hy vọng, chỉ cần là một người tử tế, “sẵn sàng bỏ qua những bận tâm và việc cần làm ngay của mình để lưu tâm đến người khác, để trao tặng một nụ cười, để nói một lời động viên, để lắng nghe giữa một nơi chốn đầy vẻ dửng dưng (nt., 224). Amen.