Người tôi trung

Chúa nhật tuần trước, chúng ta mừng lễ Hiển Linh, lễ Chúa Giê-su tỏ mình cho dân ngoại qua hình ảnh của ba nhà đạo sỹ tới Bêlem. Hôm nay, qua biến cố chịu phép rửa tại sông Giordan, ngài tiếp tục tỏ mình ra không phải cho lương dân nhưng là cho Gioan tẩy giả và những người đang đi theo lời mời gọi của vị ngôn sứ.

Sự tỏ mình này được biểu lộ qua việc Chúa Cha công nhận Đức Giê-su là con yêu dấu của ngài, tức là Thiên Chúa tuyển chọn Ngài làm Messia, Đấng cứu thế.  

Hôm nay, chúng ta cùng suy gẫm về sự tuyển chọn cao trọng  này của Đức Giê-su  để rồi áp dụng vào ơn gọi tuyển chọn của mỗi người chúng ta.

Trước hết, trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia đã được Thiên Chúa vén mở một cách rõ ràng sự tuyển chọn Người tôi trung của Ngài. Đây là Người được Thiên Chúa yêu mến vì luôn trung thành với Thiên Chúa để hòan thành sứ vụ Cứu Độ của Ngài. Cách thức chu toàn sứ vụ Thiên Chúa trao cũng rất đặc biệt và khác hẳn với cách thức của con người: không ‘đao to búa lớn” không lớn tiếng, không thiên vị ai; không dùng bạo lực để tiêu diệt nhưng dùng tình thương để chinh phục; không yếu hèn để chịu khuất phục, nhưng trung thành để thiết lập công lý bằng sự thật.

Còn trong bài đọc II cho thấy hình ảnh Người tôi trung của Thiên Chúa được tiên tri loan báo đã trở nên hiện thực nơi Đức Ki-tô, người được tuyển chọn. Thánh Phêrô mời gọi các tín hữu nhìn lại cuộc đời của Đức Kitô để học hỏi cách chu tòan sứ vụ của Ngài trong Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.

Những phẩm chất của Đức Ki-tô, đấng được Thiên Chúa tuyển chọn mà hai bài đọc kinh thánh cho biết giúp chúng ta hiểu rõ hơn biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa tại sông Giordan mà bài Tin mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta. Thánh Luca đã tường thuật biến cố này như là một nghi lễ tấn phong: đó là đang khi thánh Gioan tẩy giả dìm Đức Giê-su trong dòng nước sông Giordan thì ở phía trên trời mở ra, có Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đáp xuống, và có tiếng Chúa Cha từ trời cao long trọng tuyên bố: con là con yếu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha. Nếu như theo quan niệm của người Do thái khi một vị vua trong ngày tấn phong được trở thành con Thiên Chúa, tức là Thiên Tử, thì lời của Chúa Cha công nhận Đức Giê-su làm con yêu dấu của Ngài là một sự tấn phong Ngài làm Messia, Đấng Cứu Thế và Ngài đã chu toàn trọn vẹn sứ mạng cao quý này.

Việc tuyển chọn của Đức Giê-su qua biến cố lãnh nhận phép rửa ở sông Giordan được coi như là một thời điểm quyết định cho cuộc đời của Chúa Giê-su, bởi vì trước đó Ngài đã sống một cuộc sống thầm lặng trong vai trò của một bác thợ mộc suốt 30 năm tại làng quê Nagiaret. Nhưng khi nhận lãnh phép rửa, Ngài nhận được sự tuyển chọn từ trời cao mời gọi Ngài bước vào sứ mạng mà Ngài sẽ thực hiện. Một sự biến đổi trong cuộc đời ngài bắt đầu từ đó. Ngài từ bỏ nếp sống cũ, bắt đầu cuộc sống mới qua việc chuyên lo rao giảng Tin mừng và thi hành quyền năng cứu giúp con người.

Ngày lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa mời là dịp để chúng ta suy gẫm về bí tích rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận.

Bí tích rửa tội là một sự giải phóng: giải phóng khỏi đời sống nô lệ cho tội lỗi, cho các thần tượng tiền của vật chất và lạc thú. Bí tích rửa tội mời gọi chúng ta chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất và giải phóng chúng ta khỏi những nỗi ám ảnh nặng nề của các thần tượng khác.

Hồng ân bí tích thánh tẩy mà chúng ta lãnh nhận, đang tiếp tục được đổi mới nhờ vào việc chúng ta lắng nghe và thực hành Lời Chúa, vào việc tham dự thánh lễ chúa nhật, những gặp gỡ trong tình hiệp thông đức tin, và đặc biệt là đời sống cầu nguyện hằng ngày…của mỗi chúng ta.

Xác tín được như thế thì cách cụ thể là mỗi tín hữu hãy biết làm mới lại sự tuyển chọn mà Thiên Chúa trao ban bằng cách trở nên những người con yếu dấu của Chúa bằng một đời sống chứng tá, đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người, đặc biệt là những người cùng khổ, những người bị bỏ rơi, bị khinh miệt  như mục sư Martin Luther King,  một nhà hoạt động vì nhân quyền nổi tiếng nước Mỹ đã nói: “hãy yêu thương mọi người đừng vì thiện cảm; cũng không vì cách sống của họ dễ mến, dễ thương. Nhưng vì chính Thiên Chúa ở trong họ”.

Điều này thật khó vì thực tế ta thường yêu thương những người dễ mến dễ thương. Nhưng ta cũng có thể yêu thương được cả những người mà mình không có thiện cảm hay không dễ thương dễ mến nếu chúng ta luôn biết cảm nghiệm được chứng từ của Martin Luther qua chính cuộc đời của ông, đó là biết nhận ra “ chính Thiên Chúa ở trong họ” .

Hơn tất cả, mẫu gương của Chúa Giê-su hôm nay đang thôi thúc chúng ta diễn tả lòng thương xót Chúa, vì chính Chúa đã xếp hàng chung với những kẻ khốn khổ để chờ được Gioan làm phép rửa. Chính Chúa đã quên thân phận mình để hòa mình với những con người khốn khổ. Chính Chúa đã không tách riêng ra, không đứng bên lề, không chờ những thân phận yếu đuối và tội lỗi đến với mình mà đích thân tìm đến với họ và ở giữa họ. Chính vì lẽ đó mà Chúa Cha đã tuyên phong Ngài: Đây là con yêu dấu đẹp lòng Cha mọi đàng.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã hạ mình để đồng hành với thân phận mỏng dòn, yếu đuối và tội lỗi của chúng con, xin cho chúng con cũng biết đem tình yêu cao cả của Chúa đến cho anh chị em xung quanh chúng con. Amen.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *