Điều gì đã xẩy ra với Chúa Giê-su tại làng Nagiaret cách đây hơn hai nghìn năm? Theo tường thuật của bài Tin mừng, thì điều xảy ra với Chúa Giê-su được sánh ví như một cuộc lỡ hẹn giữa Ngài với dân làng Nagiaret, bởi vì ngay sau khi loan báo sứ mạng của mình, Chúa Giê-su đã bị dân làng chống đối và xua đuổi.
Thực ra thì những gì xẩy ra tại làng Nagiarét cũng là những điều xẩy ra mỗi ngày trong thế giới hôm nay.
Thiên Chúa vẫn đang ngỏ lời với con người nhưng cũng bị con người từ chối và xua đuổi. Chúng ta có thể nói tội lớn nhất của nhân loại hôm nay là đã từ chối Thiên Chúa.
Vậy thì đâu là phương thế để giải thích hiện tượng đau thương này, khi mà người ta lại có thể đang tâm trục xuất Chúa ra khỏi quê hương bản quán, ra khỏi chính cuộc sống của họ? Tại sao Chúa lại xuất hiện giống như là một kẻ gây rối để rồi người ta phải đuổi Chúa đi như thế?
Câu trả lời là vì con người không nhận biết Thiên Chúa, không sống yêu thương để nhận ra sự hiện diện của Ngài. Vậy thì chúng ta cần phải học nhận biết Chúa, để mọi nơi mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh của đời sống mỗi người không còn vắng bóng Chúa nữa. Xin đề nghị ba sự nhận biết sau:
- Nhận biết thứ nhất, đó là sự nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc sống mỗi ngày.
Những người đồng hương với Chúa Giê-su không chấp nhận Chúa vì họ mong chờ những điều kỳ diệu Chúa sẽ làm cho họ như đã làm ở toàn cõi Galilea: “ ông hãy làm những phép lạ ngay tại đây như là những phép lạ mà ông đã làm ở Capharnum”, đó chính là điều họ muốn. Họ chờ đợi Chúa biểu lộ vinh quang và uy quyền của Chúa trước mặt họ…
Thế nhưng, Chúa Giê-su lại đang ở trước họ cách tầm thường như lời người dân Nagiaret bàn tán với nhau: ông ta không phải là con bác thợ mộc Giuse sao? Câu nói tỏ vẻ coi thường Ngài, như muốn nói rằng anh Giê-su này chẳng phải là anh thợ mộc, con ông bà Giuse và Maria mà chúng ta gặp hàng ngày đó sao, có gì lạ đâu mà phải bận tâm chứ!
Tuy nhiên, chính từ cái bình thường của bác thợ mộc Giê-su mà sức mạnh Thánh Thần được biểu lộ. Và thật thế quyền năng của Thiên Chúa đang thể hiện qua những gì là tầm thường của đời sống mỗi ngày. Nên chúng ta không ngạc nhiên khi vẫn có nhiều người chẳng coi trọng thánh lễ ngày Chúa nhật, chẳng màng chi tới các bí tích, chẳng để ý gì đến sự hiện diện của Chúa trong đời sống, mặc dù Chúa vẫn có đó trong nhà ngoài phố, trong các sinh hoạt tại các công sở làm việc, trường học hay tại mỗi gia đình giống như gia đình thánh gia tại Nagiaret khi xưa…và họ chẳng nhận ra Ngài.
- Nhận biết thứ hai là nhận ra Thiên Chúa là Tình yêu cứu độ
Qua các đoạn văn Tin mừng, chúng ta biết rõ Thiên Chúa không muốn tỏ hiện ra như là một vị thần của chiến tranh đánh đông dẹp bắc, chiến thắng kẻ xấu bằng sức mạnh vũ lực. Ngài chỉ muốn là một Thiên Chúa của những người nghèo đến cứu vớt những tội nhân. Và như thế Ngài không phải là hình ảnh mà con người trần thế mong đợi tý nào nhưng chương trình của Ngài là như thế.
Thực tế là Chúa không muốn dùng sức mạnh của phép lạ để bắt những người vô thần tin theo Ngài. Nhưng một cách khiêm nhường, ngài đến để đem Tin mừng cho những kẻ nghèo khó, giải phóng những kẻ bị tù đày, chữa lành những người bệnh tật v.v…đó chính là sứ mạng của Chúa Giê-su, là sự tỏ hiện của Ngài.
Chính vì thế mà nếu chúng ta không nhận ra Ngài trong các hoạt động như vậy thì chúng ta sẽ không thể đón nhận được Chúa và chính chúng ta cũng giống như dân làng Nagiaret khi xưa chối bỏ và xua đuổi Chúa mà thôi.
- Nhận biết thứ ba là nhận ra Tình yêu Thiên Chúa chính là Tình yêu có tính phổ quát.
Khi yêu cầu Chúa Giê-su: “ Vậy ông hãy làm những phép lạ tại đây”, tức là bà con đồng hương của Chúa Giê-su muốn giới hạn sứ mạng của Ngài, muốn giữ riêng Ngài cho họ. Nhưng Chúa Giê-su lại hướng tới toàn thể nhân loại. Ngài nói với họ rằng hồng ân của Chúa không chỉ dành riêng cho dân Israel mà thôi nhưng là cho toàn thể thế giới. Để chứng mình tình yêu phổ quát của Thiên Chúa, Ngài đã trưng dẫn cho họ những câu chuyện trong Kinh Thánh cho thấy ân sủng của Thiên Chúa được dành cho cả dân ngoại như bà góa thành Sarepta ở Siđôn đã được ngôn sứ Elia trợ giúp, hay viên sỹ quan ngoại giáo Naaman được Chúa lành bệnh cùi…
Nếu Chúa Giê-su bị chối bỏ ở Nagiaret, chẳng qua là vì những người ở đây chờ đợi những điều lạ lùng và không chấp nhận một Thiên Chúa khiêm nhường và ẩn mình, hay một Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Họ muốn một Thiên Chúa thỏa mãn ý riêng của họ và chỉ dành riêng cho họ mà thôi.
Ngày xưa có người chối bỏ Chúa và hôm nay cũng vậy, vẫn có nhiều người không đón nhận Chúa chỉ vì Ngài hiện diện quá tầm thường và không thỏa mãn ước vọng ích kỷ của họ để chỉ thuộc về họ.
Chúa Giê – su đã bị xua đuổi và chống đối ở Nagiaret là hình ảnh của những ai lựa chọn Ngài, đi theo Ngài và trở nên môn đệ của Ngài bởi vì chính Ngài đã báo trước cho họ: Tôi tớ không trọng hơn chủ, nếu người ta bách hại thầy, người ta cũng sẽ bách hại chúng con.
Tin mừng hôm nay buộc chúng ta phải tự hỏi cho chính mình rằng:
Nếu tôi không bị ghét bỏ như Chúa Giê-su tại Nagiaret khi xưa, phải chăng là do tôi đã đồng hóa mình với lối sống thế gian để không còn đặt vấn đề cuộc đời mình với Chúa nữa? Nếu tôi theo trào lưu sống tục hóa dễ dãi, thì thật rõ rằng rằng tôi sẽ có rất ít những chồng đối?
Vậy, làm chứng cho sự hiện diện của Chúa là ơn gọi và là sứ mạng của mỗi người tín hữu chúng ta. Xin cho chúng ta luôn can đảm nói điều Chúa muôn nói, và nói nhân danh Chúa, cho dù có phải bị chống đối và xua đuổi. Xin cho chúng ta luôn xác tín rằng : Chúa đầy quyền năng cả nhưng cũng rất giàu lòng xót thương, luôn dẫn dắt chúng con từ những hố sâu của tăm tối đến những nẻo đường chan hoà ánh sáng, tràn đầy hy vọng, nhờ đó, cuộc đời chúng con được tràn đầy niềm vui mừng và bình an trong tình yêu thương của Chúa. Amen.