Thánh sử Mátthêu luôn giới thiệu Chúa Giêsu là con người của an bình và đầy lòng trắc ẩn.
Điểm thứ nhất của bài Tin mừng cho thấy: Chúa Giê-su luôn đối xử quảng đại và dịu dàng với những người bé mọn, những người nghèo khó, những người đau khổ. Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa Cha, không phải là một Thiên Chúa nghiêm khắc, xa cách và lạnh lùng nhưng là một Thiên Chúa đầy yêu thương và dịu dàng. Đây là chủ đề của các bài đọc chúng ta vừa nghe, như ngôn sứ Zacharia viết: Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Ðấng công chính và là Ðấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ. (Dcr 9, 9-10)
Còn ngôn sứ Isaia đã viết về Đấng Mê-si-a như sau: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý.” (Is 42, 1-3).
Như vậy, Chúa là Thiên Chúa tốt lành luôn ban cơ hội cho chúng ta. Chúng ta thấy rõ điều đó khi đọc các câu chuyện Tin mừng kể về người phụ nữ Samaria, bà Maria Madalena, người trộm lành, ông Simon Phêrô, đứa con hoàng đàng, cú ngã ngựa của Phao-lô trên đường Đa-mát…Và còn biết bao nhiêu chứng tá của lòng thương xót Chúa trong suốt hơn hai nghìn năm qua.
Cuộc sống thời đại hôm nay đều đề cao sức mạnh, sự giàu có và quyền lực. Các quảng cáo đều hướng người ta đến các chiến thắng trong mọi lãnh vực: chính trị, thể thao, kinh tế… Mọi người đều được thúc đẩy để làm sao trở thành số một, trở thành người đầu tiên, mạnh nhất, bất kể giá phải trả hay phương tiện để đạt được nó.
Trong thế giới đề cao các chiến tích như thế, thì sự dịu dàng và khiêm tốn là những phẩm tính đang suy giảm trong bậc thang giá trị con người. Chúng ta quan sát những đứa trẻ sẽ thấy, chúng thích bắt chước người lớn. Anh hùng của chúng là những người giành chiến thắng trong các trận chiến trên đường phố, như các Rambo, siêu nhân, người nhện, các mãnh thú …phải là những người luôn chiến thắng và tạo ra luật lệ.
Thiên Chúa thì khác, không tỏ mình cách hùng mạnh và mạnh mẽ, nhưng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Và hoa trái của Thần Khí mà Người ban cho chúng ta giống hình ảnh của Người, đó là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, giúp đỡ, nhân hậu, tin tưởng người khác, hiền hòa, tiết độ” (Galat 5, 22).
Chúa tỏ mình ra, không phải như một Thiên Chúa đáng sợ, nhưng như một Thiên Chúa luôn đồng hành, hiện diện, đem lại niềm vui và bình an! “Này, ta đang gõ cửa… Nếu ai mở cửa, ta sẽ vào ăn uống với người ấy” (Khải Huyền 3, 20).
Ngài là “ một Thiên Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng”… Đây là chính là điều mà Tin mừng hôm nay muốn gửi tới mỗi chúng ta.
Điểm thứ hai của bải Tin mừng hôm nay, không kém phần quan trọng, đó là lời mời của Đức Ki-tô gửi đến “những ai mệt nhọc và mang gánh nặng nề”. Tất cả mọi người đều được mời gọi hãy đến cùng Đức Ki-tô, để Ngài sẽ cho được “nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
Như chúng ta thấy, các điều luật Do Thái được coi là một cái ách nặng nề phải mang. Chúng bao gồm khoảng 613 điều răn và điều lệ. Đối với những người bình thường và đặc biệt là đối với những người thực hành một số ngành nghề nhất định, không thể tuân thủ tất cả các luật này. Kết quả là, nhiều người đã bị loại trừ vì họ bị coi là “ô uế” và vì họ không thể tuân thủ tất cả các quy định khắt khe. Họ là những người chăn chiên, người thợ, người bán hàng rong, người thu thuế, chưa kể hàng trăm người bị trục xuất khỏi cộng đồng chỉ vì họ bị bệnh lây nhiễm và bị coi là mắc nhơ cần phải xa lánh.
Tất cả những người này đều bị tước bỏ các quyền công dân cơ bản nhất. Họ không thể làm nhân chứng trong một phiên tòa, không thể vào các hội đường cầu nguyện và tham gia vào đời sống cộng đồng của làng xã.
Chúa Giêsu tuân giữ lễ luật, nhưng Người từ chối biến nó thành gánh nặng và là nguyên nhân của kỳ thị và bất công. Đối với Ngài, luật pháp phải là một yếu tố của sự giải phóng và công bằng khi Ngài nói: “Ách tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng”.
Trong Công vụ Tông đồ, Thánh Phêrô và Thánh Phaolô cũng từ chối áp đặt những luật lệ quá cứng nhắc đối với những người không phải là người Do Thái. Các Ngài nói: “Sẽ là áp đặt lên họ một cái ách không thể chịu đựng được nếu bắt họ tuân theo mọi lề luật của Môsê. Tại sao các ông lại muốn đặt lên họ một cái ách mà cả cha ông chúng tôi và chính chúng tôi đều không đủ sức để mang?” (Cv 15,10) Như Chúa Giê-su, Phêrô và Phao-lô không muốn bắt người ta tuân theo những luật lệ mà họ không thể chịu nổi.
Chúa Giêsu đã tố cáo các thượng tế, người Pharisêu và kinh sư, nghĩa là Giáo Hội thời Người, đã chất lên dân chúng những gánh nặng mà chính họ không chịu mang: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 2-4).
Hôm nay, Chúa Giêsu muốn chia sẻ những gánh nặng của chúng ta: bệnh tật, ốm yếu, tuổi già, nghèo khó, thất bại, cô đơn… Chúng ta sẽ nhẹ gánh hơn khi Chúa Giê-su mang vác chúng với chúng ta.
Thiên Chúa của chúng ta là “Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, một Thiên Chúa “muốn chia sẻ gánh nặng hàng ngày của chúng ta”. Hôm nay Chúa Giê-su đến để mang lại cho đời sống đạo sự nâng đỡ và giải thoát của Đức Ki-tô. Đây là tin vui lớn lao cho mỗi chúng ta.
“Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Amen.