Niềm hy vọng

Tin mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện những người theo phái Sát-đu-sê đến gặp Chúa Giê-su không phải vì họ muốn tranh luận nghiêm túc với Chúa về  ý nghĩa thần học cho bằng bắt lỗi và nhạo cười Chúa. Những kẻ buôn bán trong đền thờ bị Chúa Giê-su xua đuổi cũng chính là những người theo phái Sát-đu-sê này. Ngài đã kết án họ về việc biến Nhà cầu nguyện thành nơi buôn bán. Chính vì thế họ luôn tìm cách chống lại Chúa vì Chúa trở thành mối nguy hiểm cho họ.

Quả vậy, những người Sát-đu-sê khi chịu tránh nhiệm trông coi Đền thờ, đã bắt tay với Đế quốc Roma, để làm sao vơ vét được nhiều tiền bạc, quyền lực cũng như kiểm soát dân chúng. Sự sống sau khi chết chẳng làm họ bận tâm trong niềm tin và ước vọng tương lai của họ. Câu hỏi mà họ đặt ra cho Chúa Giê-su về việc ai sẽ là chồng của người phụ nữ đã cưới bẩy người chồng ở đời sau là để làm cho Chúa mất uy tín đối với dân chúng mà thôi.

Khi nhắc lại cho chúng ta rằng Thiên Chúa là Chúa của sự sống, bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ lại về niềm hy vọng Ki-tô giáo với khẳng định: cái chết chỉ là một cuộc vượt qua.

Trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ, thánh nhân đã nhắc lại là mỗi người tin phải “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình”. Niềm hy vọng này cho thấy một ý nghĩa khác với cái chết, nó không phải là kết thúc, nó cho thấy hành trình đời người không kết thúc ở nấm mồ. Các Ki-tô hữu tiên khởi đã diễn tả niềm hy vọng này khi dùng từ ngữ Hy lạp là “koimitérion”, để chỉ nơi mà người ta chôn cất những người chết. Từ ngữ này đã được dịch là là “vườn thánh”, muốn nói lên ý nghĩa là “ quán trọ” mà thôi.

Chính vì thế mà Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Thessalonica rằng: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su.”

Ngày từ đầu tháng 11, chúng ta đã cử hành đại lễ mừng các Thánh trên trời và ngày mồng 2, là ngày tưởng nhớ các linh hồn đã qua đời. Tháng 11 là tháng nói lên sự liên đới của toàn thể nhân loại. Chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời và những người này tiếp tục đồng hành với chúng ta trong cuộc hành hương tiến về cõi sống, như lời cầu nguyện trong sách lễ mà chúng ta đã cất lên: Lạy Chúa, xin ban cho họ được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Xin cho linh hồn những người qua đời được lên trước tôn nhan đấng tối cao”.

Là người tín hữu, mỗi chúng ta không phải là những người sợ nghĩ đến cái chết. Ông Pascal đã có một niềm tin vĩ đại khi nói rằng: Các hữu thể nhân loại vì không thể tìm thấy phương thế chữa cho thoát khỏi sự chết, nên đã đi tìm hạnh phúc khi tránh suy nghĩ đến nó.” Đối với tín hữu Chúa, họ không sợ suy niệm về sự chết để chuẩn bị cho giây phút quan trọng đón nhận cái chết đến với họ.

Chắc chắn chúng ta cần phải chiến đấu liên lỉ để chống lại bệnh tật, để giành giật lấy sự sống. Tuy nhiên, không nên quên rằng, nếu ý khoa đã nhiều lần thành công trong các trận chiến chống lại tử thần thì cuối cùng cái chết vẫn luôn là tiếng nói cuối cùng. Nhưng, cái chết không phải là tận cùng. Nó chỉ là một cuộc vượt qua, một sự biến đổi.

Đức Ki-tô nhắc lại cho phái Sát đu sê hôm nay rằng, Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Gia cóp là Thiên Chúa của kẻ sống. Khi Chúa Giê-su nói tới Thiên Chúa của các bậc tổ tiên, tức là nói tới Thiên Chúa của sự sống và luôn trung thành với lời hứa của Ngài.

Niềm hy vọng ki-tô giáo khẳng định rằng sự sống, tình yêu, lòng tốt và bao dung , cũng như niềm khát khao công lý luôn ở trong mỗi chúng ta cũng như ở  trong cuộc đời của những người khác, những điều đó sẽ không bao giờ biến mất bởi sự chết.

Vậy mỗi chúng ta hôm nay một lần nữa hãy cảm nghiệm thật sâu sa hơn lời dạy của sách thánh, đó là “đừng buồn sầu và chán nản như những kẻ không có niềm hy vọng”, và hãy “hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta”. Amen.