CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY A
Qua các các hình ảnh và biểu tượng trong Tin mừng, thánh sử Gioan đã cho thấy căn tính của Chúa Giê-su.
Chúng ta thấy hình ảnh ánh sáng xuất hiện 5 lần trong Tin mừng của Thánh Gioan để khẳng định rằng Chúa Giê-su chính là ánh sáng thế gian. Câu chuyện chữa lành người mù từ khi mới sinh là một minh họa cho mạc khải tin mừng này.
Trong số 41 câu của bài Tin mừng, chỉ có 2 câu liên quan tới việc chữa lành cho người mù. Điều đó cho chúng ta thấy sự quan tâm của thánh sử không nhằm vào khía cạnh lạ lùng và tuyệt vời của việc chữa lành cho bằng nhấn mạnh trên hiệu năng của dấu chỉ và sự mạc khải, như chính thánh sử nói trong Tin mừng của Ngài: Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
Trên các bức tường nơi các hang toại đạo tại Roma, có sáu bức tranh miêu tả cảnh chữa lành người mù từ khi mới sinh và nhằm để minh họa cho bí tích rửa tội. Thực vậy, từ tuần thứ III mùa chay, các bài Tin mừng kể về câu chuyện Chúa Giê-su gặp chị phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, việc chữa lành người mù từ khi mới sinh và câu chuyện làm cho ông Lagiarô sống lại sẽ được đọc vào tuần tới, là để chuẩn bị cho các dự tòng đón nhận bí tích rửa tội trong phụng vụ đêm vọng phục sinh. Trong đêm này, các tân tòng sẽ tiến tới giếng rửa tội để lãnh nhận bí tích rửa tội, sau đó là bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Thể.
Bí tích rửa tội được coi như là khởi đầu mối tương quan với Chúa, là nguồn suối hằng sống, và là sự sống mới. Bí tích này cho phép người lãnh nhận được tham dự vào hạnh phúc Nước Trời.
Như vậy, các bài tin mừng này được đọc vào các Chúa nhật mùa chay là một sự chuẩn bị cho các anh chị em dự tòng nhưng các bài đọc này cũng mời gọi các ki-tô hữu làm mới lại lời hứa của bí tích Rửa tội mà họ đã nhận lãnh. Như thế đức tin không phải là một sự cân đong đo đếm mà là một chặng đường, một sự triển nở, một sự trưởng thành phát triển trong suốt hành trình đời sống và hàng năm mùa chay trở nên một cơ hội tuyệt vời nhất để mỗi tín hữu đào sâu đức tin và làm cho nó trưởng thành.
Bài Tin mừng hôm nay nói lên nhiều điều hơn là một phép lạ. Câu chuyện Đức Giê-su chữa lãnh người mù từ khi mới sinh xẩy ra sau khi Chúa nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” Chúa Giê-su cho người mù thấy bằng đôi mắt thể lý của anh nhưng điều quan trọng hơn, đó là Chúa đã cho anh một cái nhìn mới về sự sống và về thế giới.
Anh mù không có khả năng phân biệt ánh sáng và màu sắc là hình ảnh của thân phận nhân loại bị lạc hướng, đang cố gắng được thấy và hiểu biết. Chúng ta thường chỉ nhận ra những gì là bên ngoài, những gì là bề mặt. Thời đại hôm nay cho thấy con người ta thường để tâm xem xét những gì là bên ngoài như hình thể, quần áo, nhà cửa, xe cộ, vị trí xã hội, sự giàu có…Nhưng điều đó chỉ có thể sánh ví như chiếc mặt nạ che dấu một thực tế đầy những sự sợ hãi và tầm thường.
Một thánh nhân đã nói: “ người ta chỉ thấy rõ bằng con tim”. Gặp gỡ Thiên Chúa qua mỗi lần tham dự thánh lễ cho phép chúng ta nhìn thấy được bằng con tim, nhìn thấy thế giới qua lăng kính của Thiên Chúa. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hoàn thiện cách thức quan sát mọi sự vật. Ngài cho chúng ta một cái nhìn mới trong đời sống gia đình, trong các mối tương quan với người khác và khả năng biết tha thứ, cũng như cái nhìn mới về sự mòng dòn của phận người, về bệnh tật và cái chết. Ngài giúp chúng ta quan sát mọi sự với đôi mắt của chính Thiên Chúa.
Cái nhìn mới mẻ này có thể mang lại cho chúng ta niềm vui, thanh thản và bình an. Thiên Chúa luôn luôn cùng chúng ta, ngài đồng hành và ban tặng cho chúng ta một con tim biết yêu thương trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Như chính Thánh Phaolô đã chứng thực điều này khi ngài nói trong thư gửi tín hữu Êphêsô rằng: Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng;mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật.
Là những ki-tô hữu, chúng ta không chỉ hài lòng khi được ơn soi sáng, mà con phải trở nên “chứng nhân của ánh sáng”. Thực vậy, với ánh sáng đức tin mà mỗi tín hữu đã được lãnh nhân, chúng ta đã làm gì với ánh sáng đức tin ấy? Chúng ta cần xác tín hôm nay rằng đức tin không giới hạn trong một chuỗi những niềm tin lý thuyết, truyền thống và tập quán. Đức tin là một cái nhìn mới mẻ về thế giới và sống tốt đời sống của bản thân. Thực tại được soi sáng bởi Thiên Chúa khi đó sẽ nhuộm một màu sắc khác như anh mù tuyên xưng sau khi được sáng mắt rằng: Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được! ” Amen.