Tin mừng Chúa nhật IV Phục Sinh
Ga 10, 1 – 10
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”. Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.
Suy niệm
Một triết gia có tên là Henri Bergson đã viết như sau: Hàng trăm cuốn sách tôi đã đọc, không đem lại cho tôi sự an ủi bằng lời Thánh vịnh 23: “ Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người”.
Một câu chuyện kể rằng vào ngày 6/6/1944, trong trận đổ bộ của quân đồng minh tại miền Bắc nước Pháp, có một anh lính trẻ người Canada đã hát vang thánh vịnh này để cổ võ tinh thần cho các đồng đội của anh khi mà anh cùng đồng đội đổ bộ vào đất liền giữa làn tên mũi đạn.
Mỗi chúa nhật IV phục sinh, chúng ta lại có dịp đọc lại và cùng nhau suy niệm về dụ ngôn Chúa Chiên Lành, với hình ảnh người mục tử vác chiên trên vai được thể hiện nhiều nhất trong nghệ thuật ki-tô giáo. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su so sánh vi Mục Tử nhân lành như là Cửa Chuồng Chiên. Mục tử và Cửa Chuồng Chiên là hai hình ảnh bổ túc cho nhau.
Dù vẫn mang trong mình những ước muốn cho sự độc lập và tự chủ, thì mỗi chúng ta vẫn mong được hướng dẫn để đạt tới hạnh phúc và một đời sống toàn vẹn. Có nghĩa là chúng ta vẫn cần một bánh lái cho đời mình.
Cuộc sống nhiều khi quá phức tạp để mà chúng ta có thể vượt qua biển đời một mình trong sự an toàn. Chúng ta cần được hướng dẫn, cần được bảo vệ. Và Đức Ki-tô luôn có đó, Ngài luôn phù trợ để giúp chúng vượt thắng những trở ngại và sự yếu đuối của bản thân.
Chúa Giê-su tự giới thiệu hôm nay như một người hướng dẫn, một lối đi, một cửa để đi vào một thế giới tốt đẹp hơn. Sau cánh cửa này, không có một Thiên Chúa làm cho sợ hãi, một Thiên Chúa đòi hỏi những khả năng đặc biệt, nhưng là một Thiên Chúa yêu thương, giang rộng đôi tay đón đứa con hoang đàng trở về, tha thứ cho chị phụ nữ ngoại tình, đưa ánh mắt nhân từ nhìn Phêrô đang chối Chúa hay rủ lòng thương mà ban ơn hoán cải Phaolô đang trên đường đi tới Đa mát bách hại đạo.
Bận tâm của Chúa không phải là giam hãm chúng ta trong chuồng chiên để bảo vệ, nhưng làm cho chúng ta khám phá vẻ đẹp của bầu khí tự do, của những chân trời mới, những không gian vô tận như chính Chúa đã nói trong dụ ngôn là “người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”.
Nhiều người trong chúng ta thường bị nhốt trong một dạng như là “nhà kín”, bị kìm hãm bởi một căn bệnh hay tổn thương tâm lý, bởi sự nghiện ngập rượu chè, ma túy, bài bạc…Đa phần chúng ta có thể lúc này hay lúc khác trong đời sống phải đối diện với những vấn đề hầu như là không lối thoát. Chúng ta có cảm giác như bị giam hãm như sống trong lồng, trong chuồng mà không thể nào thoát ra được.
Chính khi mà Chúa Ki-tô đến và nói với chúng ta rằng Ngài là cửa chuồng chiên, Ngài là lối ra vào, điều đó nói lên hình ảnh của sự tự do, hình ảnh của sự tươi mát và của sự sống. Theo Chúa Giê-su không phải như một số người nghĩ và sống một đời sống nửa vời, mà là sống cách dồi dào như chính Chúa đã nói: “tôi đến để cho các ngươi được sống và sống dồi dào”.
Mỗi Chúa nhật chúng ta đến gặp Chúa, là đấng có thể mang đến cho chúng ta ý nghĩa của đời sống. Ngài là bánh lái, là đường đi tới tự do, là bạn đường đồng hành trong suốt chiều dài của đời sống. Trong niềm tin tưởng và phó thác chúng ta cùng cất lên lời Thánh Vịnh 23: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.
Chúa nhật IV phục sinh hôm nay cũng là Chúa nhật cầu nguyện cho ơn kêu gọi lần thứ 57. Chúng ta nhớ đến các Đức Giám Mục, các Linh mục và các Nam Nữ Tu Sỹ, và cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ dấn thân tận hiến đời mình cho Chúa trong đời sống tu trì…Nhưng ơn gọi không chỉ là công việc của một số người. Lời mời gọi của Chúa hôm nay dành cho tất cả mọi người. Ngài tin vào mỗi người trong chúng ta để trở nên chứng tá và là những sứ giả loan báo tình yêu của Chúa trong thế giới hôm nay. Chính vì lý đó đó mà mỗi tín hữu có thể tham dự vào công việc của Chúa: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Chúng ta cần hiểu rõ: Ngài không sai chúng ta riêng lẻ một mình nhưng là các nhóm người đi với nhau và với chính Chúa. Ơn gọi của mỗi tín hữu là ơn gọi để trở nên môn đệ của Chúa Ki-tô. Chính trong Giáo hội mà chúng ta tham dự vào sứ mạng loan báo Tin mừng cho toàn thế giới.
Với Bí tích Thánh Thể mà chúng ta tham dự, nếu chúng ta nối kết đời mình với Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô, chúng ta sẽ kín múc được từ đó nguồn mạch của tình yêu tuôn chảy từ Thiên Chúa. Chính Tình yêu thương của Ngài sẽ đưa chúng ta tham dự vào kế hoạch của Đức Ki-tô.
Lạy Chúa, xin ban thêm cho chúng con sức mạnh và sự can đảm để chúng con có thể trung thành với sứ mạng mà Chúa trao phó cho mỗi người chúng con. Amen.