thathu

Tha thứ đến 70 lần 7

thathu

Tin mừng Chúa nhật XXIV thường niên A

Mt 18, 21-35

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Suy niệm

Đối với sự xúc phạm đã gây ra cho một ai đó, sẽ có 3 dạng phản ứng như sau:

Phản ứng thứ nhất là trả thù tối đa. Trong Kinh Thánh, việc trả thù sánh ví như là một con thú hoang nằm phục ở cửa nhà, sẵn sàng xông ra nhe nanh và giương móng vuốt tán công (St 4, 7). Con thú hoang có thể là hình ảnh của bất cứ ai nuôi trong mình sự trả thù. Phản xạ đầu tiên của ngừoi bị tấn công đó là muốn trả thù gấp tram, gấp ngàn lần cho hả dạ. Như trong chương IV của sách Sáng thế, ông La-méc đã có bài ca mang đầy âm vang của sự báo thù: “ A-đa và Xi-la, hãy nghe tiếng ta! Thê thiếp của La-méc, hãy lắng tai nghe lời ta! Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ. Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy! “

Sự trả thù man dợ vẫn tồn tại cho đến nay và tiếp tục gây ra bởi ngay cả những người dân bình thường: ví dụ như vụ xẩy ra ở Bình Phước, cách đây 5 năm trước, vì thù hận trong tình yêu mà Nguyễn Hải Dương đã giết cả nhà 6 mạng người.

Phản ứng thứ hai: là thực thi luật “mắt đền mắt, răng đền răng”. Trong Kinh thánh gọi là luật Talion. Vào thế kỷ thứ 18 trước CN, do nhận thấy việc báo thù man rợ mỗi ngày một tăng cao nên vua Hammurabi của Babilon đã ban hành luật “miếng trả miếng” này để giới hạn số người chết do việc trả thù gây ra. Theo luật này, người ta có thể trả thù nhưng “ phải tôn trọng mức độ nghiệm trọng của tội ác”. Đây là một sự tiến bộ của chuẩn mực xã hội, và còn được áp dụng hôm nay như án tử hình.

Phản ứng thứ ba: tha thứ đến 70 lần 7. Trong truyền thống Do thái, có một cách hành xử đối với kẻ xúc phạm mình, cách hành xử này đã phần nào cho thấy lòng bao dung hơn nhiều, đó là người bị xúc phạm được mời gọi “ phải tha thứ cho kẻ xúc phạm mình đến 4 lần”. Tông đồ Phêrô thấm nhuần truyền thống này, nên ông đã nâng số lần tha thứ lên tới con số 7 để chứng tỏ với Chúa Giê-su về lòng quảng đại của ông nhiều hơn tiêu chuẩn là 3 lần. Và câu trả lời của Chúa Giê-su đã làm cho Phêrô và mọi người ngạc nhiên khi Chúa nói: người ta phải tha thứ không chỉ là 7 lần mà là 70 lần 7, có nghĩa là không có giới hạn cho việc tha thứ của chúng ta. Một cách ngẫu nhiên Chúa Giê-su đã viện dẫn lại bài ca của ông La-méc trong sách Sáng Thế mà chúng ta vừa chia sẻ ở trên ở theo chiều ngược lại: thay vì như ông La-méc trả thù 70 lần 7 kẻ xúc phạm mình thì Chúa mời gọi tha thứ 70 lần 7.

Hôm nay Chúa Giê-su nhắc lại cho chúng ta trong Tin mừng rằng, nhờ vào việc tha thứ, chúng ta sẽ chọn cho mình sự phán xét lúc lìa đời khi đứng trước vị Thẩm Phán Tối Cao là Thiên Chúa: “Anh em hãy tha thứ để được thứ tha”; Hay “ Anh em đong đấu nào thì sẽ bị đong trả lại cho anh em bằng đấu ấy”; “ Thiên Chúa sẽ tha nợ cho anh em cũng như anh em tha kẻ có nợ anh em”

Tha thứ là một cách thức giúp cho người khác quay trở về với sự sống, coi anh chị em xung quanh như một người anh em, một người bạn như người cha nhân hậu nói với đứa con cả đi làm đồng về rằng: “ Em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Tha thứ là nền tảng của đời sống của những người con cái Chúa, bởi vì nó cho phép đi vào trong thế giới của tình yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa với lời mời gọi: “ Anh em hay nên trọng lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5, 48) và thánh Luca cũng viết trong Tin mừng của Ngài: “ Anh em hãy thương xót như Cha anh em trên trời có lòng thương xót”. (Luc 6, 36)

Đối với Chúa Giê-su , tha thứ và hòa giải thì quan trọng hơn là của lễ toàn thiêu: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.

Chúng ta thấy hiên nay đã có biết bao nhiêu tai họa trong gia đình xẩy ra chỉ vì lý do duy nhất, đó là không biết tha thứ cho nhau: khi có những xung đột gia đình, việc ly thân, li dị và phân chia tài sản….

Chúa Giê-su đã yêu cầu Phêrô và các môn đệ tha thứ không giới hạn bởi vì chính Ngài đã làm mẫu gương khi chịu đóng đinh trên cây thập giá: “ Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng lầm mà chẳng biết”. Ngài nhắc lại hôm nay cho mỗi người chúng ta rằng tha thứ là đặc tính quan trọng nhất của mỗi tín hữu: tha thứ không phải là bẩy lần mà là bẩy mươi lần bẩy”. Amen.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *