Thành phố Padua là thành phố nổi tiếng của miền Bắc nước Ý, nơi thánh Antôn làm chứng cho Tin mừng nước Chúa bằng tài hùng biện và đời sống thánh thiện của Ngài. Chính vì muốn ca ngợi tài lợi khẩu của Ngài mà tại trung tâm của Đền thờ thánh Antôn, người ta đã cho trưng bày chiếc lưỡi của Thánh nhân được đặt trong hào quang để mọi người tôn kính.
Chiếc lưỡi thật của thánh Antôn là chiếc lưỡi cũng giống như bao nhiêu chiếc lưỡi khác nhưng lại là chiếc lưỡi thánh vì nhờ có nó mà thánh Antôn đã trở thành vị đại thánh tiến sỹ mà chúng ta mừng kính hôm nay. Chúng ta cùng suy gẫm về cái lưỡi để qua đó chúng ta được tại sao chiếc lưỡi của thánh Antôn lại được tôn kính như vậy.
- Ý nghĩa của lưỡi
Nói đến chiếc lưỡi, hẳn ai trong chúng ta cũng chẳng lạ gì, một bộ phận không xương để giúp cho con vật nuốt thức ăn, hay để kêu lên, còn đối với con người thì ngoài việc nếm và nuốt thức ăn, chiếc lưỡi còn dùng để diễn tả tư tưởng qua lời ăn tiếng nói. Chính vì thế mà đã có câu truyện ngụ ngôn kể về chiếc lưỡi rằng:
Ông chủ kia một hôm sai đầy tớ ra chợ và bảo : “Hãy mua cái gì ngon nhất về cho ta uống rượu”.
Người đấy tớ ra chợ mua cái lưỡi lợn về xào nấu thật ngon đem lên. Ông chủ ăn khen ngon, lần sau ông lại sai đầy tớ đi chợ, nhưng mua món gì dở nhất, người đầy tớ cũng lại mua cái lưỡi lợn. Ông chủ ăn xong ngạc nhiên hỏi :
“Tại sao lần trước ta sai ngươi mua cái gì ngon nhất ngươi mua cái lưỡi, lần này ta bảo ngươi mua cái gì dở nhất ngươi cũng mua cái lưỡi ?”
Người đầy tớ trả lời: “Thưa ông, đúng thế, vì những lời nói tốt lành nhất cũng là từ cái lưỡi, mà những lời nói xấu xa nhất người ta nói ra cũng là từ cái lưỡi.”
Như vậy, lời nói được thốt ra từ miệng lưỡi có thể tốt đẹp nếu nó xây dựng, thông cảm, ủi an… và có thể xấu xa vì nó có sức tàn phá, gây khổ đau cho người khác.
- Gương mẫu của thánh Antôn
Chúng ta cùng nhau bước vào ý tưởng thứ hai…để nói về việc thánh Antôn đã sử dụng như thế nào chiếc lưỡi của mình. Theo thánh tích thuật lại thì thánh nhân đã dùng miệng lưỡi của mình không làm gì khác ngoài việc để xây dựng Nước Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Thật vậy, nhờ tài lợi khẩu, nhờ gương sáng đạo đức và thánh thiện, thánh Antôn được các Bề Trên tin tưởng, tín nhiệm sai đi giảng khắp nơi và lo công việc đào tạo, giáo dục các tu sĩ trong Dòng. Được ơn riêng của Chúa ban sức mạnh, và Chúa Thánh Thần luôn tác động tâm hồn thánh nhân, nên lời giảng của Ngài luôn luôn có sức thu hút, lôi cuốn nhiều người. Không chỉ có lời giảng xuông, mà Chúa củng cố lời giảng của thánh Antôn bằng nhiều phép lạ kèm theo, như câu chuyện kể về phép lạ thánh nhân làm cho con La của một người Do thái cứng tin quỳ phủ phục để thờ lạy Thánh Thể thay vì ăn thúng lúa mạch mặc dù nó bị bỏ đói hai ngày. Chính phép lạ này mà thánh Antôn đã thắng cược và người đàn ông Do thái kia đã bật khóc vì xúc động và xin được gia nhập đạo thánh Chúa.
Nhờ khả năng Chúa ban, Thánh nhân không những có ảnh hưởng rất lớn tại nước Ý, và tại nước Pháp mà danh tiếng của Ngài còn lan rộng khắp thế giới nhờ vào tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, không bao giờ ngơi nghỉ. Chính vì lẽ đó mà Ngài được đặt tên là “ Hòm Bia Giao Ước” và là “ Cái búa của bọn lạc giáo” đúng như lời sách thánh đã nói: “ Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho muôn người nên công chính, sẽ chiếu sáng như những vì sao, đến muôn thuở muôn đời”( Đn 12, 3 ). Thánh An tôn đã biết sử dụng chiếc lưỡi của mình để xưng tụng Thiên Chúa.
- Noi gương thánh Antôn
Tất cả điều đó đưa chúng ta tới ý tưởng cuối cùng. Đó là việc nhìn ngắm gương sáng của thánh Antôn, qua đó chúng ta có dịp phản tỉnh cuộc sống đức tin của mình và noi gương bắt chước thánh Antôn trong việc rao truyền Lời Chúa bằng chính miệng lưỡi của mình. Tục ngữ cha ông ta vẫn thường nói:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Đó là lời nhắc nhở những ai làm người hãy biết dùng lời nói để xây dựng yêu thương. Trong thực tế, không phải ai cũng ý thức được điều này bởi vì cái tôi vị kỷ thường ngăn cản người ta nói lời Chúa và nói theo lời dạy của Chúa. Đã có biết bao người dùng cái lưỡi để nói những “lời hay, ý đẹp”, khuyến khích, khuyên bảo, cầu nguyện, hòa giải,… Nhưng cũng có biết bao người lại dùng cái lưỡi để chỉ trích, gây chia rẽ, phỉ báng, nguyền rủa, trách móc, chê bôi, chửi rủa,…Vâng, tốt hay xấu cũng từ cái lưỡi, và chính cái lưỡi tạo nên nhiều rắc rối.
Bên cạnh việc dùng lời hay ý đẹp để làm chứng tá cho Chúa trong cuốc sống thường ngày, thì cách riêng đối với mỗi chúng ta mừng lễ thánh An-tôn hôm nay cũng ý thức được nhiệm vụ ngôn sứ của mình để mà biết noi gương sáng của thánh Antôn. Gương sáng trong việc rao giảng Lời Chúa.
Kết luận:
Với lòng thành kính mến yêu mà mỗi người chúng ta dành cho thánh Antôn trong ngày mừng lễ ngài hôm nay, nguyện xin thánh Antôn tiếp tục chuyển cầu cho toàn thể Giáo Hội, nhất là cho mỗi chúng ta biết dùng miệng lưỡi Chúa trao ca tụng và làm chứng tá cho Tin mừng của Đức Kitô.
Trong ngày mừng lễ Antôn, xin cho mỗ chúng ta luôn ý thức và quan tâm đến chức vụ ngôn sứ của mình mà rao giảng và hiện tại hóa Lời Chúa trong đời sống đạo mỗi ngày, như Thánh Antôn đã khuyên dạy: “Nếu các bạn rao giảng Chúa Giêsu, Người sẽ làm tan chảy những cõi lòng khô cứng; nếu các bạn kêu cầu Người, Người sẽ làm dịu đi những cám dỗ dữ dằn; nếu các bạn nghĩ về Người thì Người sẽ soi sáng trí khôn bạn; nếu các bạn đọc về Người thì Người sẽ làm cho trí khôn bạn thỏa mãn”(Sermones Dominicales et Festivi III, p. 59). Amen.