Kết thúc mùa Phục sinh và khi bước vào mùa Thường niên, phụng vụ Giáo Hội cho chúng ta mừng ba lễ trọng kính Chúa: đó là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Lễ Chúa Ba Ngôi và kính Mình Máu Thánh Chúa, để nhấn mạnh tới mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Thiên Chúa ở cùng như chính Lời Chúa Giê-su khẳng định: và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. (Mt 28, 20)
Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giê-su cử hành giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại. Hàng năm trong Giáo Hội, có các cử hành rước Mình Máu Thánh Chúa long trọng qua các đường phố và thôn xóm, như là một sự tuyên xưng đức tin cách công khai. Năm nay vì đại dịch Covid đang tái bùng phát, chúng ta buộc phải cử hành ngày lễ trọng đại này trong sự âm thầm.
Lịch sử Kinh Thánh là lịch sử của Thiên Chúa đi tìm kiếm con người để ký kết giao ước với họ: với Noê, sau nạn hồng thủy; với Abraham như một người bạn; với Môisê như một người giải phóng. Sau đó, các ngôn sứ loan báo một giao ước mới được ký kết riêng biệt với từng người trong chúng ta, giao ước sẽ được thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô.
Khi Chúa Giê-su cử hành lễ Vượt qua, vây quanh Chúa không phải là những con người hoàn hảo. Ở đó có ông Phê-rô, Giu-đa, Gio-an, và các Tông đồ khác. Chúa biết rõ sự yếu đuối của họ. Chúa cũng thường ăn uống với các người thu thuế và tội lỗi. Chúa cũng đón tiếp các gái điếm, các người thu thuế, các người thấp hèn nhưng biết đặt niềm tin nơi Chúa. Vì thế mà đã có lần người ta đã hỏi Chúa: tại sao ông lại ăn uống với phường tội lỗi? Bữa tiệc ly là một kỷ niệm trong những bữa ăn của Chúa Ki-tô với các bạn hữu Chúa, với những ai đặt niềm tin nơi Chúa và khao khát tìm kiếm ơn cứu độ nơi Ngài.
Tân ước tường thuật cho chúng ta bốn câu chuyện về bữa tiệc ly: đó các câu chuyện của thánh Mác-cô, Lu-ca, Mát-thêu và Phao-lô. Thánh Gio-an thay thế tường thuật Thánh thể bằng việc rửa chân cho các môn đệ. Bốn câu chuyện đều có một điểm chính yếu, nhưng lại trình bày bằng những cách thức có chút ít khác biệt.
Rõ ràng là không có một câu chuyện nào kể lại tất cả điều mà Chúa Giê-su đã làm trong bữa tiệc cuối cùng. Thực vậy, ta không biết những lời chính xác được Chúa Giê-su nói trong bữa tiệc ly. Hiện tại chúng ta có văn bản phụng vụ, từ đó giúp cho chúng ta hiểu được các cộng đoàn ki-tô hữu sơ khai cử hành theo ký ức, và tưởng niệm về bữa tiệc ly. Giáo Hội tiên khởi đã bận tâm cho việc sống Bí tích Thánh Thể hơn là thực hiện chi tiết về bữa tiệc ly.
Thiên Chúa là Đấng đầy lòng từ bi, nhân từ và hay thương xót. Vào bữa ăn cuối cùng, Chúa đã nêu gương về sự phục vụ khi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, hơn là chia sẻ với các ông bánh và rượu. Chúa đã yêu cầu các môn đệ ghi nhớ cử chỉ phục vụ thân ái này: Anh em hãy làm điều này để nhớ đến Thầy…Anh em hãy làm như thầy đã làm cho anh em…”. Vấn đề không phải là sự ghi nhớ bất động, tê liệt nhưng là một sự ghi nhớ năng động và cởi mở để mời gọi chúng ta thực thi những điều mới mẻ, tham gia vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Nhờ bí tích Thánh Thể, Chúa Ki-tô muốn lưu ý một số yếu tố quan trọng cho đời sống của mỗi chúng ta trong Giáo Hội: trước hết Ngài nhắc nhở chúng ta rằng hận thù và chia rẽ có thể phá hủy tình huynh đệ và hiệp thông khi tham dự cử hành thánh lễ. Vì thế mà Chúa đã nói trong Tin mừng rằng: “ Khi anh em dâng của lễ trên bàn thế mà chợt nhớ có người anh em nào bất hòa với anh em thì hãy để của lễ ở đó, đi làm hòa với người anh em đó đã rồi mới đến dâng của lễ”.
Biểu tượng của lễ kính Mình Máu Chúa là biểu tượng của sự hiệp nhất trong những khác biệt, nhờ tấm bánh bẻ ra trao ban cho tất cả mọi người. Thánh lễ nói lên sự hiệp nhất từ các người già cho đến người trẻ, không phân biệt đảng phải chính trị, đẳng cấp xã hội. Thánh lễ quy tụ đủ mọi hạng người từ người giàu đến người nghèo, người thánh thiện hay người tội lỗi, người có gia đình hay người độc thân. Tất cả đều trở nên anh chị em trong Chúa Ki-tô, chính Ngài quy tụ chúng ta xung quanh Ngài để cùng chia sẻ tấm bánh hằng sống.
Thánh Thể luôn luôn có mối liên hệ trực tiếp với đời sống hằng ngày của chúng ta. Vào cuối mỗi thánh lễ, vị chủ tế cất lên lời kết lễ: Lễ xong chúc anh chị em đi bình an như là một lời mời gọi ra đi trở về gia đình, về môi trường sống trong sự chúc lành bình an của Chúa Ki-tô.
Trải qua bao nhiêu thế kỷ, hàng triệu tín hữu khi tiếp xúc với Lời Chúa và cùng chia sẻ Mình Máu Thánh Chúa, đều nhận được một động lực mới trong bí tích mà chúng ta đang cùng nhau cử hành trong các nhà thờ.
Ước gì lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, ngày lễ của bí tích Thánh Thể giúp chúng ta cảm nghiệm rõ hơn về Thiên Chúa hằng yêu thương và chăm sóc mỗi chúng ta như những người con yêu dấu. Ước gì ngày lễ hôm nay giúp cho mỗi chúng ta cảm nghiệm rõ hơn về ý nghĩa của đời sống chúng ta và gia tăng nơi chúng ta niềm tin yêu và hy vọng. Amen.