Trong bài Tin mừng, Gioan Tẩy Giả do dự và bối rối. Ông có lầm lẫn hay không. Ông tin rằng Đấng Messia sẽ đến như một thẩm phán nghiêm khắc và không tây vị để xử phạt và ban thưởng. Vậy mà Chúa Giê-su lại đến thăm những người thu thuế, và tội lỗi. Ngài chữa lành những kẻ đau yếu, loan báo hồng phúc cho những người khiêm nhường và những ai xây dựng hòa bình. Ngài dạy không được xét xử người khác và cần phải yêu thương cả kẻ thù. Gioan bắt đầu nghi ngờ về căn tính của Chúa Giê-su khi hỏi Chúa rằng: “ Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi đấng nào khác?”
Chúa Giê-su cho thấy đấng Messia mà Ngài biểu lộ là thế nào. Thiên Chúa không biểu lộ bằng những hành động báo thù và chiến thắng, nhưng bằng những hành động tốt lành được làm cho những người lầm đường lạc lối, những người đâu khổ, mù lòa, tàn tật, cùi hủi, điếc lác, thu thuế và tội lỗi. Vẫn biết rằng cách biểu lộ của Đấng Messia như thế không như là mọi người mong đợi, nên Chúa Giê-su nói rõ: “ phúc cho những ai không vấp phạm vì tôi.”
Trích sách ngôn sư Isaia hôm nay thật là tương hợp với bài Tin mừng: “Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi…Chính Người sẽ đến cứu anh em.”
Trong hội đường Nagiarét, Chúa sẽ dùng một bản văn khác của ngôn sứ Isaia để cho thấy hình ảnh Đấng Messia – Đấng cứu độ: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,công bố một năm hồng ân của Chúa.”
Miêu tả này nhắc lại cái nhìn của thánh sử Gioan trong sách Khải huyền như sau: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”
Quả vậy, Chúa Giê-su mang đến hòa bình và khẳng định ơn cứu độ thế giới tiến đến mỗi khi sự xấu bị đẩy lùi. Thiên Chúa sẽ ra tay thực hiện khi có những hành động tốt dành cho những người đau khổ, lạc lỗi, nghèo khó và bị bỏ rơi trong xã hội.
Phúc âm hóa là trở về nguồn, không theo ý riêng của mình nhưng là theo ý Chúa được biểu lộ trong Tin mừng. Khi mà chúng ta chyển tới thế hệ hôm nay điều mà chúng ta biết về Chúa Giê-su Ki-tô, tức là chúng ta phải chuyển tải điều được viết trong sách Tin mừng: Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa dịu hiền và tốt lành, ngài không làm cho ai sợ hãi, một Thiên Chúa gần gũi, biết được niềm vui và nỗi buồn, thành công hay thất bại, khổ nhọc cũng như thương đau của chúng ta, ngài đồng hành với chúng ta trong suốt hành trình của đời sống.
Kính thưa…Đấng Messia nhập thể, là Đấng chúng ta gặp ở hang đá Bê lem. Chúa Giê-su, hài nhi bé nhỏ và mỏng manh đó, hoàn toàn phụ thuộc và cha mẹ và những người xung quanh. Mọi người mong Ngài biểu dương sức mạnh, và oai phong…Nhưng ngài lại đi vào trong thế giới cách âm thầm, như một người không giấy tờ, một người nhập cư bất hợp pháp, như Tin mừng viết rõ là: “ không có chỗ cho ngài trong nhà trọ”. Những người viếng thăm đầu tiên lại là những mục đồng nghèo, những người có địa vị thấp nhất trong bậc thang xã hội thời đó. Ngài chết giữa hai tên gian phi.
Đó chính là hình ảnh một đấng Messia, một đấng cứu thế mà Thiên Chúa chọn lựa. Cho nên Gioan Tẩy Giả đã có những hoài nghi: Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
Trong thời gian mừng lễ, Đức Ki-tô xin mỗi chúng ta nhận biết Ngài trong máng cỏ nghèo hèn và noi gương Ngài, đến với những người đang đau khổ, là những kẻ mù lòa, tàn tật, đau yếu, những người cô đơn và bị bỏ rơi.
Mỗi chúng ta được mời gọi không chỉ nhớ tới bản thân mình, những người trong gia đình mình với những quà tặng và lời mời mà còn biết mở lòng mình ra cho mọi người xa lạ. Trong thời gian của niềm vui , chia sẻ và trao gửi, cần giáo dục trẻ em không chỉ làm một danh sách các món quà sẽ nhận được, nhưng còn biết liệt kê danh sách những món quà sẽ được trao tặng nữa. Nếu mỗi chúng ta cố gắng để quan tâm giúp đỡ những người đang cần đến tình thương và tình cảm, thì Noel sẽ có một ý nghĩa thực sự trong đời sống của họ và trong đời sống chúng ta. Vậy chúng ta hãy là một tin vui trong thế giới hôm nay.
Chúa Ki-tô thực là Đấng phải đến và chúng ta không cần phải chờ đợi một ai khác. “Maranatha, lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến”. Amen.