Tin mừng thứ Năm – Lễ Chúa Lên Trời
Mt 28, 16-20
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Suy niệm
Sách Công vụ Tông đồ chúng ta vừa nghe cho biết Chúa Giêsu “lên trời” 40 ngày sau biến cố Phục sinh (Cv 1,3-9) ; nhưng thực ra, Người đã lên trời ngay khi sống lại. Vậy 40 ngày sau khi phục sinh, là chỉ khoảng thời gian Ngài đã hiện ra nhiều lần để dạy dỗ các tông đồ và để củng cố đức tin của các ông. Vì thế, khi mừng lễ Chúa lên trời, Phụng Vụ muốn cho thầy rằng biến cố này chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác hữu hình và khai mở một thời gian hiện diện siêu nhiên của Chúa giữa lòng thế giới.
Khi nói về việc Chúa Giêsu lên trời, chúng ta có thể nêu lên một số chi tiết sau:
1. Chúa lên trời không có nghĩa là Chúa Giêsu đi vào một tình trạng hiện diện siêu nhiên. Quả vậy, trở lại biến cố nhập thể làm người, Con Thiên Chúa đã tự trút bỏ địa vị của một vị Thiên Chúa để mang lấy thân phận con người, nghĩa là Ngài chia sẻ với nhân loại cách thế hiện hữu đầy giới hạn của con người. Nhưng sau khi sống lại vinh hiển, Ngài hiện diện theo cách thế của một vị Thiên Chúa chứ không hiện diện bằng thân xác hữu hình như trước đây.
2. Việc Chúa lên trời cho thấy Đấng đã lên trời có thể đồng thời cùng lúc hiện diện bất cứ nơi đâu trên trái đất. Chúa “lên trời” có nghĩa là từ nay Ngài luôn “có đó” (available) và ai cũng có thể đến gần (accessible) Ngài, gặp gỡ Ngài bất cứ nơi nào. Quả vậy, sau khi “lên trời”, Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội cách vô hình, bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần. Vậy thì thân xác Chúa ở đâu? Thưa ở bên hữu Chúa Cha, và tuy xa cách chúng ta về thể xác, nhưng cách hiện diện mới này lại có hiệu quả tuyệt vời hơn. Bởi vì khi còn ở trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ ở bên cạnh chúng ta thôi, nhưng từ nay, với quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người hiện diện trong lòng con người, trong lòng tất cả những ai tin kính Người, ở bất cứ nơi nào.
Với sự hiện diện mới qua việc mừng lễ Chúa lên trời hôm nay, chúng ta hãy luôn tin rằng Chúa Giêsu Phục Sinh đang hiện diện, đang hoạt động trong lòng Giáo Hội; Người luôn có mặt bên chúng ta ngay cả khi chúng ta trải qua gian nan thử thách hay những giây phút tăm tối nhất của cuộc đời. Chúa lên trời, bước vào cõi vinh quang Thiên Chúa để dẫn đường chỉ lối cho chúng ta biết cách lên trời và nhất là để nhắc nhở chúng ta hãy vững tin và vui lòng đón nhận mọi khó khăn, thử thách vì chính Chúa đã hứa: Thầy luôn ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.
Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là rời xa chúng ta những lại rất gần chúng ta. Khi lên trời, là lúc Chúa muốn kéo chúng ta đến gần với Người hơn để chúng ta có thể thông chia chính sự sống của Người. Như thế, việc Chúa lên trời là sự bảo đảm cho niềm hy vọng vào hạnh phúc mai sau của chúng ta như thánh Gioan đã nói: “Chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính” (1Ga 1,1). Nhờ vào lòng thương xót của Chúa Giê-su, chắc chắn chúng ta cũng sẽ được “lên trời” để được thông phần sự sống đời đời với Ngài.
Ngày 13.05 vừa, kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917, chúng ta nhắc lại biến cố Đức Mẹ hiện ra với 3 em Luxia, Phanxicô và Giaxinta. Khi đó 3 em đó cũng đơn sơ hỏi Đức mẹ “Thưa Bà, Bà ở đâu đến vậy ?” Đức Mẹ đưa tay lên cao và nói “Từ trời xuống”. 3 em liền xin “Vậy xin Bà cho chúng con cũng được lên trời đi”. Đức Mẹ mỉm cười đáp “Phanxicô và Giaxinta thì Ta sẽ cho về trời trong một ngày gần đây ; còn Luxia thì hãy chịu khó ở lại trần thế này một khoảng thời gian nữa. Kể từ ngày đó 2 em kia lúc nào cũng mơ ước tới ngày được lên trời. Dù sắp chết 2 em cũng chẳng chút lo sợ, lại còn mừng vì mình sắp được lên trời.
Trong niềm tin tưởng như hai em nhỏ Phan xicô và Gianxita là sẽ được lên Trời với Đức Ki-tô sau khi vượt qua cõi đời này, mỗi chúng ta hãy tiếp bước các tông đồ khi xưa tiếp nối sứ mạng của Chúa ở trần gian qua việc thực hiện lời dạy của Thầy Chí Thánh: “anh em hãy ra đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân” để chia sẻ niềm hy vọng lớn lao này cho mọi người xung quanh chúng ta. Ước gì sứ mạng này của chúng ta luôn được thực thi với tinh thần của niềm vui mừng và hy vọng.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng can đảm để làm chứng cho Chúa giữa thế gian, hầu Tin Mừng được rao giảng và người ta tìm được đường vào Nước của Chúa. Amen.
Giáo xứ Chính Tòa Hà Nội