Thiếu vắng tình thương

Đoạn Phúc âm hôm nay là đoạn đáng sợ nhất trong các đoạn sách Tin mừng, bởi vì nó đề cập tới sự sống và sự chết đời đời. Nếu Thiên Chúa không tồn tại, nếu sự sống vĩnh cửu không có, thì Chúa Giê-su thật sai lầm khi kể dụ ngôn này. Nhưng nếu Thiên Chúa có đó, nếu sự sống vĩnh cửu là hiện thực thì Chúa Giêsu quả là đang nói với chúng ta một chuyện rất nghiêm túc là làm thế nào để đạt được sự sống ấy.

Chuyện rất nghiêm túc này, đó chính là nội dung dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe đọc. Để hiểu rõ dụ ngôn, điều quan trọng là khám phá nhân vật trung tâm của dụ ngôn. Nhân vật trung tâm không phải là anh Lagiarô nghèo khó, cũng không phải là 5 anh em nhà phú hộ …mà chính là “ông phú hộ giàu có, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”.

Nếu đọc chăm chú dụ ngôn, chúng ta có thể thấy Chúa Giê-su không lên án sự giàu có nhưng Ngài lưu ý rằng: giàu có sẽ dễ làm cho người ta trở nên vô cảm”. Như ông phú hộ thỏa mãn tận hưởng sự xa hoa nên không còn nhìn thấy con người khốn khổ bên ngoài, mụn nhọt đầy mình, đang nằm trước cửa nhà ông.

Trong dụ ngôn, ta không thấy nói tới người nghèo là người đạo đức, cũng không nói người phú hộ là trụy lạc. Ông phú hộ không bị lên án là người áp bức anh nhà nghèo Lagiarô, hay quỵt lương anh ta, cũng như không đối xử tệ bạc với anh, hay khai thác anh…chỉ có mỗi một điều đáng nói ở đây là ông nhà giàu đã không để mắt tới anh nhà nghèo. Ông ta đã dựng lên một hố sâu giữa ông và anh nhà nghèo đau yếu.

Của cải vật chất, sự giàu có xa hoa thường che mắt nhiều người làm cho họ không thấy được nỗi thống khổ của người khác, cũng như không nhìn thấy thân phận bất toàn của phận người. Đại văn hào Nga Marxim Gorky đã từng quan niệm: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”

Nhiều người đang sống trong một tình trạng bị tê liệt về đời sống thiêng liêng. Các giá trị phúc âm không còn có ảnh hưởng trong đời sống của họ. Như Chúa Giê-su nói, “dù kẻ chết có hiện về thì họ cũng chẳng nghe”. Sự giàu có và các đặc quyền đặc lợi, đã đào lên một hố sâu ngăn cách họ với Thiên Chúa, giữa họ với những ai đang chịu đau khổ.

Dụ ngôn người phú hộ giàu có hôm nay còn cho thấy : Sự phán xét không đến vào cuối đời người. Nhưng chính ở giây phút hiện tại này mà nó xảy đến. Chính lúc này mà chúng ta liên đới với những người đang cần đến sự giúp đỡ, hay chính lúc này mà chúng ta đang đào lên những hố sâu ngăn cách giữa chúng ta với họ. Ông phú hộ đã có phương tiện để giúp đỡ anh Lagiarô mà ông đã không làm. Đó là lỗi của ông. Bản án dành cho ông là một sự chuẩn nhận những gì ông đã làm trong đời ông vì vào ngày chung thẩm Vị Thẩm Phán tối cao sẽ ban thưởng hay xử phạt dựa theo những gì mà người ta đã làm hay không làm cho tha nhân trong suốt cuộc đời họ.

Ông phú hộ trong dụ ngôn đã đánh mất cơ hội thực tiễn đó…và lúc này thì đã quá muộn. Ông đã trải qua đời mình cách vô ích, trong quần áo lụa là và yến tiệc linh đình, với những lễ hội xa hoa. Ông đã hoàn toàn quên mất sự liên đới cần phải có với người khác! “ Cho tới cuối đời, tất cả cái mà ta sẽ có thể mang theo, là những gì đã được chia sẻ với những người đang cần đến”.

Dụ ngôn hôm nay  còn dạy một bài học khác: đó là không được chểnh mảng với Lời Chúa.

“Nếu con biết, con đã làm cách khác”; “Lạy tổ phụ Abraham, xin làm ơn sai một người đến với 5 anh em con …”, đó là những câu nói đầy khẩn khoản nài xin của ông phú hộ. Và Chúa đã trả lời ông ta: “Con và các anh em con phải biết là …có Maisen và các Ngôn sứ, có Amos và Đức Giê-su, có Tin mừng. Nếu ông phú hộ đã biết lắng nghe điều mà Chúa Giê-su đã nói, ông đã trở nên Người Samaria nhân hậu rồi. Lời Chúa trong tầm tay mọi người. Nếu chúng ta từ chối không nghe Lời này, các phép lạ cũng chẳng giúp gì chúng ta. “ Dù kẻ chết có hiện về báo mộng, họ cũng chẳng sám hối, chẳng canh tân đời sống đâu”. Như sự phục sinh của Lagiarô, người em của hai chị em Mattha và Maria, cũng chẳng thuyết phục được các biệt phái và thượng tế, để rồi họ vẫn quyết định giết Chúa Giê-su.

Ngôn sứ Maisen và các ngôn sứ đã nhắc đi nhắc lại trong sứ mạng của các Ngài rằng: Hãy chia sẻ, hãy đối xử tốt với người ngoại, hãy sống tinh thần của năm hồng ân, hãy đến giúp đỡ những ai đang sống trong đau khổ, hãy biết dùng tài năng để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. Con đường thực tiễn của niềm tin không phải là phép lạ, cho bằng khiêm nhường lắng nghe Lời Chúa và quan tâm đến anh chị em xung quanh đang phải chịu đau khổ.

Không cần tin vào những cuộc hiện ra hay những phép lạ để có thể mở đôi mắt và con tim của con người. Không cần thiết phải đi đến những vùng sâu vùng xa mới có thể tìm thấy những người đang cần đến sự trợ giúp. Ngay tại nơi đây, trong môi trường sống của mỗi chúng ta, vẫn còn những gia đình nghèo, những người đau yếu, những người già cả neo đơn đang sống trong cảnh cô độc, những anh chị em không có công ăn việc làm, những người nghiện hút, những bạn trẻ lang thang…tất cả đang cần đến sự trợ giúp của mỗi chúng ta.

Tội quên sót, sự vô tâm với thực tế đời sống và những e ngại từ chối giúp đỡ là những lỗi lầm rất đáng khiển trách mà chúng ta mắc phải mỗi ngày. Amen.