Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến

Tin mừng Chúa nhật III thường niên B

Mc 1, 14-20

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”.

Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người.

Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Suy niệm

Triết gia Socrate đã từng nói: “Một cuộc đời không biết hồi tâm là một cuộc đời không đáng sống”. Châm ngôn sống của ông là “hãy tự biết mình”. Thật vậy, chính nhờ thường xuyên hồi tâm và mà người ta mới nhận ra những ưu điểm và khuyết điểm của mình, hầu chỉnh sửa lại, để sống một đời sống mới cho phù hợp để hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Qua lời Chúa hôm này, mỗi chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi để trở nên những môn đệ của Ngài và tâm tình thích hợp nhất để đón nhận Tin mừng đó là hồi tâm sám hối để chỉnh sửa đời sống mình sao cho phù hợp với Tin mừng nước Chúa.

Trình thuật trong bài đọc thứ nhất nói về dân thành Ninive, một thành phố dân ngoại được coi là xấu xa, tội lỗi và đáng bị trừng phạt, nên khi Thiên Chúa gọi ngôn sứ Giona đi Ninivê rao giảng sự sám hối để được thứ tha, Giona rất khó chịu. Bởi vì cũng là phận người, Giona phân biệt rõ ràng người tốt thì chơi, kẻ xấu thì xa lánh, nên ông tìm cách trốn tránh thi hành lệnh truyền của Chúa.

Nhưng đối với Thiên Chúa thì khác, người tốt cũng như kẻ xấu đều là những người con và Ngài không ngừng quan tâm gửi các sứ giả đến với họ để trao ban sứ điệp của tình thương. Chính vì thế Thiên Chúa đã để con cá lớn nuốt Giona vào bụng và sau ba ngày nhả ông vào bãi biến Ninivê và ông đành theo lệnh Chúa vào thành rao giảng. Kết quả là dân thành đã ăn năn sám hối và được Chúa thứ tha.

Đây cũng là kinh nghiệm hoán cải của thánh Phaolô qua biến cố ngã ngựa trên đường Damas. Trong tâm thư của ngài gửi cho dân thành Cô-rin-tô, ngài đã mời gọi họ hồi tâm mà nhận ra rằng “hạnh phúc gia đình, những niềm vui nỗi buồn, những của cải vật chất đời này đều chỉ là những thứ chóng qua chứ không bền vững so với Nước Trời là hạnh phúc vĩnh cửu. Vì thế Thánh nhân kêu gọi : “ai có vợ hãy ăn ở như không có, người than khóc hãy ăn ở như không than khóc, kẻ hân hoan hãy ăn ở như không hân hoan, người mua sắm hãy ăn ở như không có gì”. Thật là những lời rất lạ lùng và khó hiểu. Nhưng đó là chân lý. Và chỉ những ai ý thức được chân lý này mới có thể từ bỏ tất cả để đáp lại tiếng Chúa kêu gọi.

Chân lý mà thánh Phaolô đã nhận ra, đã sống trọn đời mình chính là chân lý mà các Tông đồ Simon và Anre cũng như Giacôbê và Gioan đã nhận ra, đã bỏ tất cả chài lưới, thuyền bè, gia đình riêng để chọn theo Đức Giê-su. Những người dân chài này đã hồi tâm suy nghĩ, và cuối cùng là hoán cải theo Đức Giê-su vì họ đã nhận ra lý tưởng cho cuộc đời mình không phải là những gì thuộc thế gian này nhưng là thực tại Nước Trời mà chính Đức Giê-su là hiện thân.

Những gì được gửi đến cho dân thành Nivivê, cho thánh Phao lô hay cho bốn môn đệ đầu tiên là Simon, An-rê, Giacôbê và Gioan đều là những lời mời đến từ tình thương của Thiên Chúa. Và điều quan trọng là kẻ được gọi đã hồi tâm, đã phản tỉnh, đã hành động ngay tức thì bằng những quyết định dứt khoát : bỏ mọi sự để trở về, để tin vào Tin mừng, để theo Đức Giê-su.

Trở lại với châm ngôn sống của triết gia Socrate: một cuộc đời không biết hồi tâm để phân định là một cuộc đời không đáng sống; mỗi người chúng ta hôm nay cần phải trở nên đáng sống khi hồi tâm và phân định đời mình và những gì đang xẩy đến chung quanh dưới ánh sáng của lời Chúa mời gọi : “anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng vì Nước Trời đang gần đến”.

Như một Augustino và Charles Faucault đã trải qua phân nửa đời mình sống trong bê tha trụy lạc trước khi nhận biết Tin mừng, hôm nay cũng thế có biết bao người chưa biết Chúa cần được giới thiệu cho biết Chúa để nhận lãnh bí tích thánh tẩy, hay hôm nay có biết bao người đang hiểu sai, thành kiến thậm chí đang bách hại đạo Chúa cần được hoán cải để trở về với Chúa như thánh Phaolô trên con đường Damas khi xưa. Hồi tâm, phân định và hoán cải đòi buộc họ cần rời bỏ tất cả, ngày cả chính mình và chỉ có cuộc gặp gỡ thực sự với Đức Ki-tô mới có thể biến đổi cõi lòng con người.

Hôm nay, cũng là ngày kết thúc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất ki-tô hữu, mỗi chúng ta được mời gọi chung lời cầu nguyện với tất cả các anh chị em cùng một niềm tin vào Đức Ki-tô, cho dù là người công giáo, là chính thống giáo, là tin lành thì lời cầu nguyện chung này phải đưa tất cả mọi người chúng ta đi vào một cuộc hồi tâm và hoán cải thực sự, đặc biệt là hoán cải cái nhìn của chúng ta đối với người khác. Chính sự hồi tâm, phân định và hoán cải này sẽ giúp chúng ta khám phá ra gia đình của Chúa trong cùng một niềm tin để cùng với Đức Giê-su và như Đức Giê-su cất lên lời của Tin mừng, bước đi bằng đôi chân niềm tin và hành động bằng đôi tay yêu thương, ngõ hầu đời sống ki-tô hữu là một đời sống đổi mới mỗi ngày.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn lại mình để biết mình, biết những giới hạn và bất toàn để sửa đổi, biết những khiếm khuyết để bổ túc và canh tân, biết tội lỗi mình để sám hối. Xin cho chúng con biết dẹp bỏ những cản trở trong cuộc sống, và để từng giây phút chúng con chọn lựa, chúng con biết mở lòng mình ra đón nhận và bước đi theo Chúa như các tông đồ khi xưa. Amen.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *