Trên đường Emmaus

Cha Anthony de mello đãkể về một câu chuyện kỳ lạ về một du khách nọ, một hôm đang đi trên đường thì một người đàn ông cưỡi ngựa chạy vụt qua. Trong mắt người này có một cái nhìn gian ác và có vệt máu trên tay anh. Vài phút sau, một đám đông những người cưỡi ngựa kéo đến và muốn biết liệu người du khách có nhìn thấy ai đó với bàn tay vấy máu đi ngang qua hay không. Họ đang ráo riết truy đuổi anh ta. Du khách hỏi: “Anh ấy là ai?” Thủ lĩnh đám đông nói: “Một kẻ làm ác.” Người du khách hỏi: “Và chắc các bạn đuổi theo anh ta để đưa anh ta ra trước công lý phải không?” “Không,” người lãnh đạo nói, “chúng tôi đuổi theo anh ta để chỉ đường cho anh ta.” [Cha Anthony de Mello, Taking Flight (New York: Bantam Doubleday Dell Publishing Group, Inc., 1990), tr. 65.]

Bức tranh mà chúng ta có trong Tân Ước là về một Thiên Chúa theo đuổi chúng ta để có thể chỉ đường cho chúng ta. Hai môn đệ trên đường Emmaus bị đè nặng bởi những suy nghĩ buồn chán, không thể nghĩ rằng vị lữ khách xa lạ thực ra là Người Thầy của họ đã sống lại. Tuy nhiên, Chúa Ki-tô phục sinh đã đuổi theo họ và làm cho lòng họ đã bừng cháy lên khi được nghe và được giải thích Kinh Thánh. Ánh sáng của Lời Chúa đã cất đi khỏi lòng họ sự đè nặng và mắt họ đã mở ra để nhận ra Người.

Hình trình trên đường Emmaus cho chúng ta một chỉ dẫn trên hành trình dài với những nghi nan, lo lắng và đôi khi đầy tràn thất vọng của mỗi chúng ta. Vị lữ khách thần linh luôn luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường để giúp cho chúng ta hiểu được chương trình mầu nhiệm của Chúa nếu chúng ta biết suy gẫm Lời Chúa. Nếu là một cuộc gặp gỡ thực sự, ánh sáng của Lời Chúa và sau đó là ánh sáng của Bánh Hằng Sống mà Chúa Ki-tô là hiện thân sẽ làm cho lời hứa “thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” biểu lộ thực sự trong thế giới này và trong chính cuộc đời của mỗi chúng ta.

Chúa Giê-su là Đấng hằng sống và luôn là trung tâm để nhờ đó mà các cộng đoàn môn đệ được thành lập. Chiều kích giáo hội ở đây, được thể hiện qua những cuộc gặp gỡ cộng đoàn, những trao đổi huynh đệ trong cùng một niềm tin, trong những lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa, và trong những hành động biểu lộ tình yêu thương huynh đệ, để phục vụ tha nhân…Tất cả những điều đó cho thấy các môn đệ, các người tin đã diễn tả sự gặp gỡ của họ với Đức Giê-su Ki-tô phục sinh.

Chúng ta thường nghe nói đến các nhóm Emmaus được thành lập tại nhiều giáo xứ và giáo họ để thực thi công việc bác ái, khơi lên niềm hy vọng những người bần cùng và khổ đau trong xã hội.

Emmaus là tên của một phong trào do cha Henri Groués, được gọi tắt là cha Pierre sáng lập tại Paris nước Pháp vào thời thế chiến thứ II. Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đoàn là: “Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác…”. Đó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.

Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đoàn của cha là để nhớ lại câu chuyện hai môn đệ của Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ.

Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống”, đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đoàn Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ, giấy rác, ve chai, bao bì nylon, lon hộp… để chế biến và bán lại như một sản phẩm do chính tay mình làm nên.

Hiện nay phong trào Emmaus đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đoàn.

Như cha Pierre đã khơi lên ngọn lửa của niềm hy vọng cho người khác, mỗi chúng ta với niềm tin vững mạnh đều xác tín rằng Đức Ki-tô phục sinh đang thực sự ở bên cạnh chúng ta. Với niềm xác tín đó, mỗi chúng ta hãy nỗ lực  loan báo Tin mừng phục sinh của Chúa để mang lại niềm hy vọng vào cuộc sống cho mọi người xung quanh, bởi vì chính Tin mừng này sẽ chiếu soi mọi miền bóng tối trong thế giới hôm nay. Amen.